Xe chúng tôi rù rì lăn bánh trên những con đường vắng vẻ của thành phố. Quanh cảnh chung quanh tôi chậm rãi lùi dần về phía sau, trong giọng nói đều đều nhưng chắc nịch của anh.
Hồi bé bọn anh có trò này hay lắm. Em biết trò Hố Bom không?
Tôi lắc đầu quầy quậy.
Bọn anh đào một cái hố nông, chừng chưa đến nửa mét, cử ra hai đứa ẻ vào trong hố, rồi kiếm cỏ rác, bao ni lông đậy lên cho thật kín, cho thật bằng phẳng để chẳng ai nhận ra. Rồi khi người ta đi ngang qua mà không để ý, sa chân ngã vào một phát là bùm, chân ngập kít, chửi bới bum xèng.
Bọn anh núp sau lùm cây theo dõi được, ôm bụng cười khoái lắm.
Cười đã rồi rủ nhau đi ăn bún bò.
Nào đừng nhăn nhó như thế! Anh chơi trò đó đúng hai lần thôi, hồi 6 tuổi.
Nhà có 4 anh chị em. Anh là út trong nhà.
Hồi bé anh biếng ăn lắm, phần ăn của anh lúc nào cũng dư rất nhiều. Anh trai thứ hai của anh lại rất phàm ăn. Mỗi bữa chỉ chờ lúc anh chán nản bỏ đũa là chồm ngay lấy dĩa đồ ăn, hỏi vội :”Không ăn đúng không? Tao ăn giúp nhé!” Chưa kịp trả lời thì ông anh đã vét sạch cả đĩa rồi.
Ly sữa mẹ pha cho anh còn bốc khói, vừa để trên bàn, ông ý đã chạy đến chực chờ hỏi:”Không uống đúng không? Để anh.” Không chờ anh trả lời, ông ấy uống trọn.
Thế là đói. Từ đấy anh chẳng bao giờ để mứa đồ ăn nữa. Mỗi bữa phải ăn thật nhanh, không thì mất phần.
Bốn anh chị em ở cùng nhau, mỗi đứa chỉ cách nhau ít tuổi, đứa lớn luôn được dặn là phải bảo ban chăm sóc đứa bé hơn, đồng nghĩa với việc mỗi lần có đứa gây chuyện là y như rằng những đứa còn lại đều sẽ bị đòn lây.
Anh nhớ mãi cái cảnh cả bốn đứa đứng úp mặt vào tường, sau khi đã bị ba phét mấy roi vào mông, len lén nhìn nhau, trao nhau những ý nghĩ thầm kín mà chẳng cần nói thành lời, rồi khi ba vừa đi mất thì rúc rích cười với nhau. Bọn anh vì thế mà quên cả đau, có lẽ đứng quỳ bao lâu cũng được.
Năm anh lên cấp 3, chị cả anh đi du học. Ít lâu sau, anh hai của anh cũng đi. Rồi năm sau, chị ba cũng đi nốt. Cuối năm anh học lớp 12, nhà anh bị hãm hại, lừa mất một số tiền lớn. Ba mẹ anh cãi vã, chuyện làm ăn trong nhà thất bát. Không thể nói chuyện với nhau nữa, ba anh dọn ra ở riêng.
Anh đã sống suốt một thời tuổi thơ cùng anh chị mình, đến mức anh chẳng cần bạn bè nữa, thế giới của anh gói gọn trong căn nhà bảy người đầy tiếng cười, mà dẫu khóc hay cười, kể cả khó khăn đến đâu cũng cùng nhau, được khuyên nhủ, được chuyện trò, được nhìn thấy nhau lớn lên, vừa là anh chị, vừa là bạn bè thân, vừa là gia đình không thể thiếu.
Đến năm anh 18 tuổi, chỉ còn anh và mẹ trong căn nhà lớn. Anh đã mất một thời gian rất dài để tập quen với những gian phòng trống không và vô vàn những khoảng tối phủ lấy căn nhà vắng hơi người. Bóng tối ấy cũng phủ lên chính anh, giữa những năm tháng mong manh của tuổi dậy thì.
Lên Đại học, anh sa đà vào chơi bời, bạn bè và những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng. Khi ấy anh nghĩ, chỉ cần có một ai đó, như là anh chị anh, đến bên, lôi anh ra khỏi vũng bùn, nói với anh rằng cuộc sống của anh bê bết quá rồi, phải dừng lại thôi, để sống cho đúng đắn, sống là người tử tế, bớt nhậu nhẹt và tập trung học hành, công việc, như một người trưởng thành có trách nhiệm với chính mình.
Đấy, chỉ cần một lời thôi, anh nghĩ anh sẽ chẳng mất nhiều thời gian như thế để sống buông thả rồi phải tự mình nhận ra hướng đi đúng của mình.
Giờ thì anh chị của anh ai nấy đều đã có cuộc sống riêng, có người định cư ở Mỹ, có người lập nghiệp ở Sài Gòn, có người đã từ chối liên lạc.
Khoảng cách khiến người ta xa nhau. Nếu như chẳng phải 10 năm, thì 20 năm, thời gian và từng ấy xa xôi cách trở mài mòn nỗi nhớ của con người, và cuộc sống riêng bận rộn kéo người ta ra khỏi những nơi chốn, những con người từng là gia đình, là bầu sữa nuôi lớn, là tất cả của họ.
Học Đại học xong, anh rời nhà, rong ruổi suốt mấy năm trời như thể trốn chạy. Một ngày ngoảnh lại, anh giật mình sợ hãi. Sợ cơn đau xương khớp của tuổi già hành hạ mẹ, khi mẹ anh chỉ có một mình trong ngôi nhà lớn với cầu thanh rất dốc, sợ việc làm ăn của gia đình chẳng ai gánh vác thay những khi mẹ mỏi mệt.
Sợ rằng khi về nhà sẽ chẳng còn ai đón anh.
Thế là anh về nhà, dù lòng còn day dứt những ước mơ riêng chưa thể thực hiện, và nhịp sống chậm rãi và lặng lẽ một cách khó chịu ở Huế luôn sẵn sàng trì kéo tâm trạng của anh xuống thật sâu.
Anh đã về nhà rồi, về với Huế của anh.
_____
Tôi ngồi sau lưng anh, nép vào vai nghe anh kể chuyện nhà. Chẳng muốn những lời ấy chỉ vụt qua như những thanh âm lao xao chẳng thành hình, tôi vụng về góp nhặt rồi viết hết ra giấy. Câu từ dẫu có lủng củng và đôi chỗ rối bời, vẫn mong lưu lại vẹn nguyên nỗi niềm của anh – một người con luôn đau đáu hướng về gia đinh.
“Anh có một ước nguyện, em ạ, mà cả đời anh mong mỏi, là có một ngày cả nhà anh sáu người cùng ngồi ăn chung một bữa cơm. Biết là thật khó, nhưng anh mong ngày ấy sẽ đến khi chưa quá muộn, và bọn anh chẳng ai phải hối hận vì đã không dành thời gian đủ nhiều cho gia đình.”
Tôi siết chặt vòng tay.
Ngay lúc này, tôi nghĩ, có lẽ anh chẳng cần gì hơn, ngoài một cái ôm thật chặt.