Vào thời gian Chiến tranh Lạnh, người ta thường chia các nước trên thế giới thành 3 phần: Khối phía Tây (chỉ Hoa Kỳ và các Đồng Minh), khối phía Đông (chỉ Liên Xô và các Đồng minh), còn lại gọi là Thế giới thứ 3 hay thông dụng hơn gọi là các nước ”Không liên kết”. Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp không hoàn toàn thuộc khối nào trong 3 khối trên, hay nói chính xác là bị nhiều nước từ cả 2 phe ”quay lưng”.
Đó là những quốc gia hoặc vùng lãnh thổ, vì những lý do đặc biệt, thường không được hoặc chỉ một phần thế giới công nhận, và vì thế thường bị cô lập về kinh tế, ngoại giao,… Để tồn tại, những quốc gia này đã liên kết với nhau, tương trợ lẫn nhau cả về kinh tế, ngoại giao, kỹ thuật, thậm chí là vũ khí hạt nhân để giúp nhau tồn tại trong vòng vây thù địch. Để miêu tả các mối quan hệ này, người ta đôi lúc gọi vui bằng danh từ không chính thức là ”trục những người bị ruồng bỏ”. Các quốc gia thường bị cho vào trục này là: Nam Phi, Israel, Đài Loan, và một phần nào đó, là Morocco.
1/ Nam Phi – quốc gia bị cấm vận khốc liệt nhất.
Trước tiên, khẳng định một điều, trong lịch sử từ khi Liên Hợp quốc thành lập, ít có quốc gia nào phải chịu những lệnh trừng phạt và cấm vận hà khắc hơn Nam Phi dưới thời Apartheid. Bởi vì kể cả những quốc gia như Cuba, Triều Tiên,…họ cũng từng có thời gian dài được Liên Xô và khối XHCN hỗ trợ trước khi sụp đổ. Còn Nam Phi, ngày từ những năm 60s đã hứng chịu những lệnh cấm vận khắc nghiệt về cả quân sự, kinh tế, ngoại giao thậm chí trên cả những lĩnh vực như thể thao, văn hóa. Cho đến này, việc buộc Nam Phi phải từ bỏ chế độ phân biệt chủng tộc vẫn được coi là mẫu mực về thành công của các biện pháp cấm vận trong lịch sử quốc tế.
Mọi việc bắt đầu tồi tệ từ những năm 1960s, khi các quốc gia châu Phi đồng loạt giành được độc lập. Duy chỉ 2 nước phía Nam châu Phi là Rhodesia và Nam Phi, quyền lãnh đạo lại nằm trong tay chính phủ da trắng thiểu số. Bất chấp những nỗ lực của Vương quốc Anh buộc chính phủ da trắng ở đây phải chia sẻ quyền lực cho người da đen, chính phủ của Thủ tướng Ian Smith ở Rhodesia không nghe, mà đến ngày 11/11/1965, họ gây sốc toàn thế giới với ”Đơn phương tuyên ngôn độc lập” khỏi Vương quốc Anh. Cần biết rằng trong lịch sử, trước Rhodesia chỉ có một thuộc địa duy nhất đơn phương tuyên bố độc lập tách khỏi Vương Quốc Anh, chính là Hoa Kỳ năm 1776.
Tuyên bố độc lập của Rhodesia khiến chính phủ Anh ”muối mặt”. Để đáp trả, nước Anh đưa vấn đề Rhodesia ra Liên Hợp quốc chỉ ít hôm sau, đề xuất trừng phạt kinh tế mạnh mẽ vào Rhodesia, buộc chính phủ da trắng phải từ bỏ quyền lực. Đề xuất của Anh được hầu hết các quốc gia ủng hộ, vì các nước trên thế giới lúc đó đều ủng hộ các nước châu Phi độc lập hoàn toàn khỏi mọi dấu ấn của chế độ thực dân. Duy chỉ có 2 nước là Bồ Đào Nha và Nam Phi chống lại lệnh trừng phạt Rhodesia (dĩ nhiên, bởi Nam Phi lúc đó cũng do chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid nắm quyền).
Hành động của Nam Phi khiến họ bị Anh ”giận lây”, và nước Anh sau đó tiếp tục đưa ra đề xuất trừng phạt luôn cả Nam Phi, chỉ có điều lần này giới hạn trong khối Thịnh vượng chung. Bắt đầu từ thập niên 60s – 70s, các quốc gia lớn trong khối Thịnh vượng chung Anh như Anh, Ấn Độ, Canada cùng các quốc gia khác trong khối ở châu Phi, châu Mỹ,…đã đồng loạt thực hiện các biện pháp cấm vận kinh tế với Nam Phi và Rhodesia như: cấm bán vũ khí cho Nam Phi, cấm nhập khẩu các mặt hàng của Nam Phi và Rhodesia (than, uranium, thịt, da, lúa mỳ,…), hạn chế bán dầu cho Nam Phi, công nhận các tổ chức đối lập ở Nam Phi và Rhodesia,… Riêng với nước Mỹ, ban đầu còn ít nhiều ủng hộ chính phủ Nam Phi do coi họ là đồng minh chống lại ảnh hưởng của Liên Xô ở châu Phi. Nhưng vào năm 1986, quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua ”Đạo luật chống phân biệt chủng tộc” với những biện pháp trừng phạt kinh tế khốc liệt chưa từng có nhằm vào Nam Phi, bất chấp sự phản đối dữ dội của Tổng thống Donald Reagan. Với đạo luật của Quốc hội Mỹ năm 1986, nền kinh tế Nam Phi bắt đầu giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có, làm chính quyền Apartheid suy yếu nghiêm trọng.
Không những thế, từ những năm 1980 tình hình các nước xung quanh Nam Phi bắt đầu xấu đi. Năm 1979, chính phủ Ian Smith ở Rhodesia – đồng minh thân cận nhất của Nam Phi, bị quân du kích da đen lật đổ. Sau đó, lần lượt các quốc gia Angola, Mozambique rồi Tây Nam Phi nổ ra các cuộc chiến tranh giữa các lực lượng Cộng sản và chống Cộng. Nam Phi phải căng mình hỗ trợ các tổ chức đồng minh ở những nước châu Phi này. Chưa kể sau đó, quân đội Liên Xô và Cuba còn trực tiếp đổ quân vào Angola, khiến quân đội Nam Phi phải ra trận đối đầu với quân Cuba. Các cuộc chiến liên miên trong những năm 1980s làm nền kinh tế Nam Phi trên bờ vực sụp đổ. Cuối cùng, với làn sóng bạo loạn, tội phạm gia tăng trong thập niên 90s, chính phủ Apartheid ở Nam Phi đã chấp nhận đầu hàng vào năm 1994, tổ chức cuộc bầu cử dân chủ để trao quyền lực vào tay người da đen ở nước này.
Trong suốt thời gian đến khi sụp đổ, Nam Phi dưới thời Apartheid gần như bị cả thế giới quay lưng, cấm vận, lại còn phải ra sức hỗ trợ các đồng minh khác trong khu vực. Vì vậy, Nam Phi bị coi là ”quốc gia bị ruồng bỏ” ở khu vực châu Phi. Phải sống trong vòng vây thù địch như vậy, Nam Phi đã phải tự thân vận động bằng những cách như tự sản xuất vũ khí, phát triển sản xuất trong nước, bí mật làm ăn, buôn lậu với các tổ chức tội phạm châu Âu (các mặt hàng như kim cương, uranium,…). Thậm chí, để tạo ra sự răn đe lớn với các nước láng giềng, Nam Phi từng chế tạo cả bom nguyên tử, với sự hỗ trợ của Israel. Điều này nói rõ hơn trong phần sau.
2/ Israel và quan hệ với Nam Phi – sự cố Vela bí ẩn năm 1979.
Quốc gia thứ 2 ”bị ruồng bỏ” ở đây là Israel. Lý do hiện nay thì chắc ai cũng biết: do vấn đề Palestine. Nhưng trước kia thì nó còn phức tạp hơn thế. Israel từng là một quốc gia được ”cưng chiều” bởi cả Mỹ, châu Âu và được nể nang bởi Liên Xô, Trung Quốc,…Tuy nhiên vào năm 1973, sự kiện ”khủng hoảng dầu mỏ” đã làm nát vụn những mối quan hệ này khi các quốc gia từng ủng hộ Israel mạnh mẽ như châu Âu, Nhật Bản, Australia,… phải quay sang làm thân với các nước Arab. Kể từ đó, Israel mới thực sự có thể coi là ”bị ruồng bỏ”.
Trước tiên, phải nói rằng Israel không phải nước ủng hộ chế độ Apartheid – họ đã lên án chế độ Apartheid trước Liên hợp quốc. Nhưng nhìn vào điều kiện của Israel: sống giữa vòng vây thù địch, không được công nhận rộng rãi, chiến tranh rình rập, diện tích nhỏ, dân số ít, tài nguyên không có,… Israel nghiễm nhiên phải ngồi vào cùng thuyền với Nam Phi. Thực ra, Israel cũng có thời gian được Mỹ và châu Âu hỗ trợ mạnh mẽ, nhưng tất cả đã tan vỡ sau năm 1973, khi các nước Arab dùng con bài dầu mỏ để khiến châu Âu và Mỹ phải quay sang ủng hộ mình. Từ đó, Nam Phi trở thành đối tác khả dĩ nhất với Israel.
Nam Phi là nước lớn, có nền kinh tế mạnh (mặc dù bị cấm vận), tài nguyên giàu có,…Sự hào phóng của họ đã giúp đỡ nền kinh tế Israel đứng vững trong những năm 80s bất chấp việc bị châu Âu quay lưng. Ngược lại, Israel lại giúp đỡ Nam Phi rất nhiều về quốc phòng. Không chỉ là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Nam Phi, Israel còn giúp Nam Phi tự đứng trên đôi chân của mình, khi giúp Nam Phi xây dựng nền công nghiệp quốc phòng đủ mạnh để tự sản xuất vũ khí, sẵn sàng tham gia các cuộc chiến tranh. Thậm chí, Nam Phi còn được coi là nước theo chân Israel mở đầu cuộc chiến tranh công nghệ cao: sau khi Israel sử dụng nhiều vũ khí công nghệ cao ở Lebanon năm 1982, các vũ khí này tiếp tục được Nam Phi sử dụng trong cuộc chiến ở Angola sau đó.
Khi nói về mối quan hệ Israel – Nam Phi, không thể bỏ qua chương trình hạt nhân gây tranh cãi của họ. Và một trong những sự kiện liên quan bí ẩn nhất đến ngày nay – sự cố Vela 1979.
*Sự cố Vela: ngày 22/9/1979, vệ tinh Vela của Mỹ đang bay trên quỹ đạo Trái Đất, bất ngờ chụp được tia sáng bí ẩn lóe lên ở Quần đảo Hoàng tử Edward xa xôi phía Nam Ấn Độ Dương. Ánh sáng lóe lên mà được cả vệ tinh chụp lại khiến quốc tế dậy sóng với đủ các thuyết âm mưu: thiên thạch, núi lửa, người ngoài hành tinh,… Nhưng sau cùng, lý thuyết được nhiều người tin nhất là nhằm vào hai quốc gia Nam Phi và Israel, với nghi ngờ họ bí mật thử bom nguyên tử.
Lý do khiến các nghi ngờ chuyển theo hướng này, là do người ta sau đó phát hiện cừu ở các bang Victoria và Tasmania của Australia bị nhiễm các chất phóng xạ ”I-ốt 131 thấp”, cho rằng nó đã theo các dòng hải lưu Ấn Độ Dương chảy đến Australia.
Các báo cáo của Hải quân Hoa Kỳ sau đó đã bỏ lửng câu trả lời: họ tuyên bố không thể xác nhận một vụ thử hạt nhân, nhưng lại nhấn mạnh rằng ”nếu là một vụ nổ hạt nhân, thì nó là trách nhiệm của Nam Phi”.
Dù sự cố Vela không có lời giải, nhưng những áp lực sau đó nhằm buộc Nam Phi từ bỏ chương trình hạt nhân là có thật. Nam Phi thực sự lúc đó đã có chương trình hạt nhân của riêng mình. Họ đã chế tạo thành công ít nhất 6 quả bom hạt nhân, mỗi quả chứa 55kg urani rất giàu, sức công phá tương đương 19 kiloton TNT, và cũng có sở hữu loại máy bay lớn để mang bom như English Electric Canberra.
Cho đến khi sụp đổ năm 1994, chính quyền Apartheid của Nam Phi không phát triển thêm vũ khí hạt nhân, nhưng vẫn giữ số vũ khí hạt nhân đã có trong kho. Chỉ đến khi chính phủ mới của Nam Phi lên nắm quyền, họ mới tự nguyện từ bỏ kho vũ khí hạt nhân như một thiện chí hòa bình với các quốc gia châu Phi.
3/ Đài Loan (gọi cho ngắn thay vì Cộng hòa Trung Hoa)
Trường hợp này quá gần gũi với chúng ta, nên có lẽ không cần nói nhiều. Trước kia Đài Loan thậm chí từng nắm ghế HĐBA Liên hợp quốc, nhưng dần dần đã bị hầu hết các quốc gia trên thế giới quay lưng để công nhận Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Có lẽ Đài Loan là trường hợp phù hợp nhất với cái tên ”quốc gia bị ruồng bỏ”.
Hai quốc gia trên kia, thì Israel ”không dám” công nhận chính thức Đài Loan – chính sách ”Don’t Recognize, but Collaborate” (không công nhận, nhưng hợp tác). Còn Nam Phi đã từ bỏ công nhận Đài Loan năm 1998 để công nhận CHND Trung Hoa.
Còn trước đó trong thời kỳ Apartheid, Nam Phi đã giúp đỡ Đài Loan tương tự như Israel. Nam Phi từng cho Đài Loan miễn phí 4.000 tấn Uranium, điều mà khi lộ ra từng khiến cho Hoa Kỳ ”sốt vó” do nghĩ Đài Loan có ý định ”chơi ngông” chế tạo bom nguyên tử. Cuối cùng thì việc này đã không xảy ra, còn số Uranium trên dùng vào việc gì thì không ai biết. Trong những năm 1970s, khi mà nền kinh tế Đài Loan bắt đầu cất cánh, nước này đã tương trợ kinh tế lại cho Nam Phi, giúp Nam Phi đối phó các lệnh trừng phạt quốc tế. Năm 1996, Nam Phi thừa nhận rằng Đài Loan đã trở thành ”nhà viện trợ 80 triệu USD mỗi năm” cho nền kinh tế của họ. Sau năm đó, Nam Phi còn nợ Đài Loan 50 triệu USD.
Về vấn đề hạt nhân, dù không chế tạo bom nguyên tử nhưng Đài Loan được cho là chia sẻ công nghệ với Israel và Nam Phi.
4/ Morocco.
Morocco không thực sự thân thiết với bất cứ quốc gia nào trên kia. Nhưng bản thân họ lại tự coi là tách biệt khỏi các nước xung quanh.
Nguyên cớ của việc này là từ chính sách ngoại giao của Morocco. Nước này là một quốc gia Arab ở Bắc Phi, độc lập từ khá sớm (năm 1956, sớm hơn 8 năm so với láng giềng Algeria). Sau khi độc lập Quốc vương Morocco theo đuổi đường lối ngoại giao bảo thủ, đóng cửa với phương Tây lẫn khối Xô Viết, chỉ duy trì quan hệ với Mỹ (cần biết Morocco là nước châu Phi đầu tiên công nhận Hoa Kỳ năm 1776). Còn với châu Phi, người Morocco nhìn dân da đen với con mắt khinh thường, vì trong suốt lịch sử quốc gia này là điểm buôn bán hàng triệu nô lệ da đen châu Phi.
Năm 1963, cuộc xung đột giữa Morocco và nước láng giềng Algeria nổ ra. Algeria trong cuộc chiến này được cả khối Arab lẫn khối Cộng sản ủng hộ, trong đó Ai Cập và Cuba gửi quân trực tiếp đến đánh nhau với Morocco. Morocco đánh bại liên minh 3 nước, nhưng bị các nước châu Phi ép phải ký hòa ước với Algeria. Về sau, vấn đề Tây Sahara tiếp tục đẩy Morocco vào căng thẳng với các nước còn lại.
Do những vấn đề trên, Morocco tự đóng cửa với phần còn lại của châu Phi, chỉ coi mình duy nhất thuộc về khối Arab. Morocco là nước châu Phi duy nhất không gia nhập Liên minh châu Phi (AU). Về điểm này, Morocco có đặc điểm tương tự với Nam Phi: bị châu Phi quay lưng. Do đó, dù phản đối chế độ phân biệt chủng tộc, Morocco và Nam Phi đôi lúc vẫn có hợp tác về ngoại giao, kinh tế, quân sự,…thường là để chống lại các nước cánh tả ở châu Phi.
Morocco cũng là một trong số ít quốc gia không thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba. Họ đã cắt quan hệ với Cuba từ năm 1963 do Cuba gửi quân tấn công Morocco cùng Algeria.
Thôi, cơ bản là vậy, viết nhiều Facebook bóp!