Con trai thì mới có thể phụng sự, thờ cúng cho ông bà cha mẹ. Con trai thì mới có sức để học hành, để làm ông này bà kia. Con trai thì mới đủ tư cách để lo chuyện lớn nhỏ trong gia đình.
Đó là một tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã được các ông bà thời phong kiến nước ta kế thừa từ Trung Hoa.
Và tôi, một đứa con gái trong gia đình ba thế hệ. Một gia đình mà bà tôi vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Tôi đã được nhận diện tư tưởng này thông qua bà của tôi.
Lúc tôi còn học tiểu học, ba mẹ tôi thường xuyên ở trong rẫy để trồng mì. Thế nên tôi đa số là được nội chăm sóc.
Dưới tôi là một đứa em trai. Chỉ cách tôi hai cái tết. Là nam nữ khác biệt nhưng hai chị em tôi rất hoà hợp, hai chúng tôi lúc nhỏ rất hay đi trộm dừa cùng nhau, tắm mưa cùng nhau, bắn bi cùng nhau.
Tôi còn nhớ có lần tôi và em trai trèo lên cây xoài của bà, trên cây xoài còn có những dây tiêu bà cất công làm nên.
Và thế là, bà tôi phát hiện được, bắt hai chị em tôi quỳ úp mặt vào tường. Trên tay bà là một nhánh của cây bòng dài gần một mét, được róc trắng nuột và thẳng băng.
Bà quất một cái thật mạnh vào mông tôi. Và cái thứ hai, vẫn là mông của tôi. Đúng vậy, bà chỉ đánh mỗi tôi, em tôi thì vẫn quỳ nhưng nó chỉ đau đầu gối chứ không đau cả gối lẫn mông như tôi.
Và lần nào bị phạt chung, bà cũng chỉ đánh mỗi tôi mà không cần hỏi tôi có phải là người chủ mưu hay không. Khi tôi gây chuyện bà sẽ mách lại với ba mẹ tôi, còn em tôi gây chuyện thì bà lại cho qua một cách dễ dàng. Kể cả khi em tôi có những phát ngôn không được tôn trọng đối với bà.
Bà ăn gì thì cũng dành phần cho em tôi, khi nào nó không ăn mới tới lượt của tôi.
Khi tôi lên trung học cơ sở, bà vẫn tiếp tục như thế. Lúc đó tôi đã nghĩ, chắc mình là chị hai nên bà nghiêm khắc với mình hơn, tại em còn nhỏ nên bà ưu tiên hơn ấy mà.
Đến khi cả hai chị em chúng tôi đều lớn, tôi năm cuối trung học phổ thông, em tôi học năm đầu. Tất nhiên, bắt quỳ và tuốt vào mông sẽ không còn là cách bà dạy dỗ chúng tôi nữa.
Nhưng bà dùng những ngôn từ khiến tôi tủi thân hơn. Bà vẫn nhường đồ ăn ngon cho em tôi, bà vẫn không cho nó động tay động chân gì. Đã là học sinh lớp 10 nhưng suốt ngày nó chỉ ăn với chơi game và ngủ, không phụ giúp được cho ba mẹ điều gì.
Mình tôi nấu ăn, lau nhà, tưới cây,… Và làm cả những việc đáng lẽ ra là phù hợp với con trai hơn. Thế nhưng, tôi vẫn phải làm.
Giờ đây, tôi đã biết không phải vì em tôi còn nhỏ, không phải vì mình là chị hai nên phải gánh vác trách nhiệm. Mà là vì, bà tôi không thương tôi bằng thương em của tôi.
“Con gái làm được trò trống gì, nuôi con gái chỉ lỗ, nó đủ cánh rồi bay sang nhà của người ta làm trâu làm ngựa chứ có ích gì.” Tôi vô tình nghe được từ người bà mà tôi luôn mong muốn được đối xử bình đẳng. Tôi biết bà đã mang tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Và tôi đã rõ vì sao bà lại đối xử bất công với tôi.
Nhưng tôi không trách bà, bà là đứa con của thời phong kiến mà. Trong cơn mưa của bom đạn bà đã nắm tay bảy người con của mình với một cái bụng bầu đi thoát nạn. Bà đã vượt qua tất cả để có một sự nghiệm như ngày hôm nay, bà không tham gia đánh giặc nhưng tôi vẫn tôn bà là một anh hùng.
Dù sao thì, bà cũng không đến mức tàn nhẫn như những gia đình “trọng nam khinh nữ” khác.
Tôi biết ơn bà, vì nhờ bà tôi đã tự lập sớm, tôi biết thương mình hơn, tôi không sa đoạ, ỷ lại vào người khác như em tôi trước đây.
Tôi cũng rất mừng vì mình không lười biếng, không hèn nhát, tôi kiên nhẫn và trưởng thành lên mỗi ngày. Thân hình tôi tỉ lệ nghịch với tâm hồn của tôi. Mọi người vẫn thường gọi tôi là bà cụ non.
Có thể lớn lên với một tình yêu thương không trọn vẹn nhưng tôi đã dần trọn vẹn hơn mình của ngày xưa. Tôi rất may mắn, thật sự, tôi biết ơn vì mình của ngày mười ba, cái ngày được người ta rủa là xui xẻo đó đã được sinh ra trong gia đình này.
Ba mẹ thương tôi, bạn bè thương tôi, tôi thương tôi, như thế đã rất may mắn, tôi đang vô cùng mãn nguyện!