“ĐỘI QUÂN ĐẤT NUNG” CỦA TRUNG HOA CÓ THỂ BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI NGƯỜI HY LẠP.
*bài dịch, bài viết nặng về tính giả thiết nhưng mình thấy rất có lí nên đăng để các bạn cùng bàn, hãy để lại ý kiến bàn luận dưới cmt.
Dù cho nhà thám hiểm người Ý Marco Polo, người đến Trung Quốc vào thế kỉ 13 trong triều đại nhà Nguyên có thể là người phương Tây đầu tiên ghi chép một cách chi tiết hành trình, cũng như những trải nghiệm của ông tại Trung Quốc thành một biên niên sử. Thì chắc chắn ông không phải là người phương Tây đầu tiên đặt chân tới quốc gia này. Bởi trước đó từ khoảng thế kỉ thế kỉ thứ 2 hoặc thứ 3, các nhà sử học Trung Quốc đã ghi lại những chuyến công du của các phái đoàn ngoại giao La Mã tới nhà Hán – triều đại khai thông “Con đường tơ lụa”, một mạng lưới mậu dịch kết nối giao thương giữa các thương nhân Trung Quốc và khắp phương Tây.
Các nhà sử học và khảo cổ học khi nghiên cứu về “Đội quân đất nung” trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng ngày nay cho rằng: các tác phẩm này cho thấy mối liên hệ mật thiết, có ý nghĩa giữa phương Đông và phương Tây có thể diễn ra từ sớm hơn nhiều so với những gì người ta tưởng. Các nhà nghiên cứu này tin, tính chính xác cao so với nguyên mẫu của các tác phẩm bằng đất nung này lấy cảm hứng từ các tác phẩm điêu khắc của Hy Lạp cổ. Do đó các ảnh hưởng đáng kể của phương Tây đến Trung Quốc, xuất hiện ngay từ kỉ nguyên của Hoàng đế đầu tiên ở nước này. Khoảng 1500 năm trước chuyến đi nổi tiếng của Marco Polo.
Trước hết phải nói về Tần vương Doanh Chính, Hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Tần, lên ngôi năm 246 TCN vào năm 13 tuổi. Trong vòng 25 năm từ khi lên ngôi, ông thống nhất các quốc gia, kết thúc thời Chiến Quốc. Trong giai đoạn cầm quyền, ông tích cực thực hiện các chính sách đồng bộ hóa đất nước, như thống nhất tiền tệ, quy chuẩn lại chữ viết và đơn vị đo lương,v.v… đồng thời cho xây dựng nhiều các công trình quốc phòng, hệ thống giao thông. Nhiều công trình có tầm vóc được khởi công vào thời đại nhà Tần, trong đó nổi tiếng nhất phải kể tới phiên bản đầu tiên của Vạn Lý Trường Thành, một hệ thống phòng ngự kéo dọc biên giới phía bắc Trung Quốc để bảo vệ nước này khỏi các cuộc tấn công của các bộ lạc du mục, cũng như bảo vệ chính lăng mộ của Tần Thủy Hoàng nữa.
Trong các ghi chép của nhà sử học Tư Mã Thiên thời Hán, Tần vương đã triển khai xây dựng lăng mộ của mình từ những ngày đầu tiên của triều đại. Hơn 70 vạn lao động đã được điều động để tạo nên công trình này trong hơn ba thập kỷ, tuy nhiên, thậm chí khu lăng mộ vẫn chưa hoàn thành sau cái chết của Tần Thủy Hoàng năm 209 TCN.
Mãi tới năm 1974, các tác phẩm tượng bằng đất nung trong lăng mộ Tần vương mới được phát hiện, khi một người nông dân hoảng hồn thấy một khuôn mặt đất nung mà anh tưởng là khuôn mặt người giữa các luống rau của mình. Sau đó, các nhà khảo cổ bắt tay vào khai quật và thu được khoảng 8000 tác phẩm điêu khắc trong các hố khai quật ở Tây An. Tất cả các tác phẩm này đều để phục vụ Hoàng đế ở nơi an nghỉ cuối cùng. Các nhân vật đất nung này bao gồm tướng sĩ, xe ngựa, vũ khí,… phần lớn được tạo nên với độ chi tiết ấn tượng, bao gồm những chi tiết nhỏ như kiểu tóc hay huy hiệu trên áo giáp của những người lính. Nhiều bức tượng cũng có tư thế rất tự nhiên trong các hành động cụ thể được diễn tả.
Rõ ràng là trước thời nhà Tần, nghệ thuật điêu khắc Trung Quốc không có truyền thống “chính xác hóa” các tác phẩm so với nguyên mẫu. Nhiều “người lính đất nung” trong bộ sưu tập đất nung dưới lăng mộ cũng là những phiên bản nhỏ hơn kích thước thật nhiều, chỉ cao khoảng 10 inch mà thôi, và cũng không chi tiết bằng các phiên bản lớn phổ biến kia. Theo tiến sĩ Li Xiuzhen, nhà khảo cổ học chuyên nghiên cứu về “Đội quân đất nung”, sự thay đổi đáng kể về quy mô và phong cách nghệ thuật điêu khắc này có thể xảy ra nhờ những ảnh hưởng của các khu vực khác lên Trung Quốc, đặc biệt là từ Hy Lạp cổ đại.
Chúng ta giờ đây có nhiều bằng chứng cho thấy sự giao thoa gần gũi giữa văn minh Trung Hoa và phương Tây từ trước cả thời đại của “Con đường tơ lụa”, sớm hơn nhiều so với các nhận định trước đây. Tiến sĩ Xizhen, trong bài trả lời phỏng vấn của BBC cộng tác với National Geographic trên một bộ phim tài liệu nói về các phát hiện của nhóm mình đã khẳng định: “Giờ đây, chúng tôi tin rằng “Đội quân đất nung”, các tác phẩm nhào nặn, hay các tác phẩm điêu khắc đồng được tìm thấy ở đây, lấy cảm hứng từ các tác phẩm điêu khắc, nghệ thuật ở Hy Lạp cổ đại.”
Thậm chí, có khả năng các nghệ sĩ Hy Lạp đã trực tiếp hướng dẫn các đồng nghiệp Trung Quốc kĩ thuật điêu khắc. “Tôi đã tưởng tượng tới cảnh một nhà điêu khắc Hy Lạp nào đó có thể có mặt tại nơi đây để hướng dẫn, đào tạo người địa phương”. Ông Lukas Niken, chủ tịch Hội lịch sử châu Á tại đại học Vienna và là thành viên của nhóm nghiên cứu “Đội quân đất nung” cho hay.
Giả thuyết được tin tưởng về chiến dịch của Alexander Đại Đế đến Ấn Độ vào năm 326 TCN là điểm đầu tiên của sợi dây liên kết Đông – Tây, để lại di sản văn hóa của nghệ thuật Phật giáo thời Hy Lạp hóa. Giả thuyết trên còn có thể xa với hơn, khi cho rằng trong thế kỷ sau chiến dịch của Alexandre, các bức tượng có thể đã tìm được đường tới Trung Quốc và tác động lên quan điểm nghệ thuật của những người tạo nên “Đội quân đất nung”.
Để chứng minh lý thuyết này, Tiến sĩ Xiuzhen và các đồng sự của mình đã dẫn ra một nghiên cứu chuyên biệt về việc tìm thấy các DNA ty thể cổ đại đặc trưng của người Châu Âu từ thời Tần Thuỷ Hoàng. Chúng được tìm thấy nhiều ở Tân Cương, cực tây Trung Quốc. Những phát hiện này là bằng chứng cho việc người phương Tây đã định cư ở vùng đất này từ đầu thời nhà Tần.
Ngoài các mối liên hệ khoa học với Hy Lạp cổ đại, lăng mộ Tần vương còn nhiều điều thú vị với các nhà khoa học khi diện tích của nó lớn hơn những gì họ nghĩ, lớn hơn “Thung lũng các vị vua” của Ai Cập tới 200 lần. Bên cạnh “Đội quân đất nung” ấn tượng, lăng mộ còn chứa nhiều hài cốt không nguyên vẹn của nhiều phụ nữ, được cho là các phi tần được sủng ái của Hoàng đế. Ngoài ra, một hài cốt của một người đàn ông cũng được chú ý, khi hộp sọ của ông này được tìm thấy bên cạnh một cây nỏ. Hộp sọ này có thể là của con trai Tần Thủy Hoàng, người đã bị giết cùng với rất nhiều người khác trong các cuộc chiến giành quyền lực sau cái chết của cha mình.
Nguồn: Sarah Pruitt, trang History.com.