…. Ông Letondal có viết cho chúng tôi rằng Đức ông Andran đã trở về Nam kỳ hạ từ 5,6 tháng nay thật, nhưng đường sá bị giặc (Quân Tây Sơn) canh giữ kỹ quá nên Đức ông không cho chúng tôi biết tin ông.
Tiếm vương (Ý nói Nguyễn Huệ) dũng cảm và tàn bạo, chúa tể Nam Kỳ Thượng (Đoán là chỉ vùng Quảng Nam) và Bắc hà không mấy lo sợ quân đội người Ấn Độ, Xiêm, Trung Hoa và Bồ Đào Nha … Ngay đến hoàng đế Trung Hoa cũng có vẻ vì nể Tân Atila này vì ngài vừa phong cho ông ta làm vua Bắc Hà qua trung gian một vị sứ giả, quên cả việc 50.000 binh lính Trung Hoa đã chết trong tay Tiếm vương năm ngoái chỉ trong một cuộc giao chiến. Trận chiến đó quân Trung Hoa được trang bị đầy đủ khí giới, từ súng cho tới gươm và đông gấp 10 lần quân Tiếm vương.
Tiếm vương không thèm rời Nam Kỳ để nhận sắc phong mà chỉ chịu phái một vị quan thường nhân danh ông. Ông này mặc áo của chúa ông (ý nói là vị quan mặc áo của Quang Trung) làm vị đại sứ Trung Hoa phải kính nể …
Ách cai trị của Tây Sơn còn được thích hơn ách của quân Tàu hay nói cho đúng thì sự thống trị của họ còn dễ chịu hơn dưới triều đại các vị vua trước, vì họ không ngược đãi các tôn giáo và biết ước thúc binh sĩ của họ (Dân chúng và đạo tặc mấy năm trước thường hay đốt phá nhà của chúng tôi), thành thử nếu họ đừng bắt dân chúng đáng thương phải đóng nhiều thuế quá và nếu họ bớt tàn nhẫn trong vài trường hợp thì có lẽ chúng tôi cũng không mong đổi họ với một vị chúa nào khác.
Ngày 20-01-1790, Thư của Le Mothe gửi ông Blandin tr 158-159 – Tokin 692
Nguồn: Tập san sử địa số 9-10
====================================
Tư liệu từ phía giáo sĩ hoặc thương nhân phương Tây thì có một số nhược điểm như sau: Họ thường dùng quan niệm của phương Tây gán ghép vào phương Đông nên nhiều sự việc đánh giá khá phiến diện, sự chính xác khách quan của tư liệu còn phụ thuộc rất nhiều vào “nhân phẩm” của người viết, mà kể cả nhân phẩm tốt thì thường họ cũng không dám đến gần khu chiến sự do đó ghi chép đa số đều là “nghe đồn”.
Phân định sự chính xác của các nguồn tư liệu như thế này là một việc rất khó khăn.
Sưu thuế từ thời Tây Sơn rất nặng, đó là lý do vì sao Gia Long sau khi thống nhất đất nước đã tăng thuế lên gấp ba cho dân bớt khổ (Nguồn: Trương Hữu Quỳnh 2005 tr456-457 và Lời thuật của giáo sĩ Borel).