HOÀNG ĐẾ LÊ THÁNH TÔNG, HÓA RA TỪNG CÓ MỘT MỐI TÌNH DAY DỨT NHƯ THẾ 

Trong một lần về thăm đất quý hương, Hoàng tử Lê Tư Thành (hay Lê Thánh Tông sau này) thấy một người con gái xinh đẹp đang vo gạo bên dòng sông Tống Sơn, liền tức cảnh sinh tình: “Gạo trắng nước trong, mến cảnh lại càng thêm mến cả…”.

Nàng mỉm cười đáp lại: “Cát lầm gió bụi, lo đời đâu đấy hãy lo cho…”.

Câu nói ấy đại ý gieo vào lòng chàng chút hy vọng, nhưng cũng ngầm nhắc nhở, một đấng nam nhi hãy lo việc đời trước khi lo duyên. Trái tim vị hoàng tử trẻ khẽ loạn nhịp: Thế gian này lại có người con gái vẹn toàn đến vậy sao?

Cũng từ giây phút ấy, duyên phận đã an bài. Không sớm, cũng không muộn, vừa vặn trong ngàn vạn người, vị hoàng tử ấy tìm được nàng. Người con gái đó là Nguyễn Thị Hằng, cháu gái Thái bảo Hoàng công Nguyễn Công Duẩn, vị quan khai quốc Lê triều. Mối tình đến thật tự nhiên, vội vã nở rộ giữa những tháng năm đẹp nhất của cuộc đời.

Năm 1460, Hoàng tử Lê Tư Thành lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Thuận, phong Nguyễn Thị Hằng làm Sung nghi, cho ở Vĩnh Ninh cung. Năm Quang Thuận thứ 2 (1461), Sung nghi Nguyễn Thị hạ sinh trưởng tử Lê Tranh, một năm sau Lê Tranh được sách lập làm Hoàng thái tử kế vị. Năm Hồng Đức thứ nhất (1470), Sung nghi Nguyễn Thị được tấn phong làm Quý phi, càng được hưởng vinh sủng, cho quản lý mọi việc trong hậu cung.

Đây, có lẽ chính là giai đoạn hạnh phúc nhất trong cuộc đời của nàng.

Thế nhưng, chàng thiếu niên khi xưa giờ đã trở thành Hoàng đế. Trên đỉnh cao của quyền lực, Lê Thánh Tông trở nên đa nghi, và cả, đa tình. Ban đầu vốn định lập nàng làm Hoàng hậu, nhưng vì sợ họa ngoại thích nên rốt cuộc vẫn từ bỏ ý định. Hoàng tử Lê Tư Thành thiên tư tuyệt đẹp, thanh tao nho nhã cùng Nguyễn Thị Hằng đối thơ bên dòng sông Tống Sơn sớm đã chẳng còn.

Lê Thánh Tông được công chúng ngợi ca như một vị Hoàng đế vĩ đại bậc nhất trong lịch sử. Thế nhưng, hậu cung của ông lại quá phức tạp. Sử quan Ngô Sĩ Liên từng ghi lại đôi dòng: “Tiếc rằng vua nhiều phi tần quá, nên mắc bệnh nặng”. Trong cuộc tranh sủng đó phải kể đến Kính phi Nguyễn Thị, Minh phi Phạm Thi; Chiêu nghi Phùng Diễm Quý … Đặc biệt là những nử tử Chiêm Thành mà Lê Thánh Tông bắt về Đông Kinh.

Nguyễn Thị Hằng những tưởng đời này trọn vẹn, nhưng rồi một ngày giữa những tranh đoạt chốn hậu cung hoa lệ, bà bị đày vào lãnh cung lạnh lẽo. Có lẽ, đau đớn hơn cả không phải là không có được tình cảm của Hoàng đế, mà chính là có được, rồi lại mất đi. Mà còn là, mất đi theo một cách xót xa và oan ức nhất.

Nguyễn Thị vẫn là Nguyễn Thị nhưng Tư Thành thì không còn là Tư Thành của năm xưa nữa rồi. Một đời chỉ yêu một người hay ghét một người có lẽ thực khó khăn. Thời gian, quyền lực lu mờ lý trí, ai biết lòng người có đổi thay?

Sau thời gian lâm bệnh, Hoàng đế Lê Thánh Tông băng hà ở điện Bảo Quang, hưởng thọ 56 tuổi. Sử quan Vũ Quỳnh ghi lại rằng Quý phi Nguyễn Thị Hằng từ lãnh cung đến khi nhà vua ốm nặng mới được đến hầu bệnh, bèn ngầm giấu thuốc độc vào tay, xoa lên những chỗ loét của ông. Do vậy, bệnh Thánh Tông càng nặng thêm mà sớm băng hà.

Tình yêu, đã biến thành lòng thù hận đến cốt tủy lúc nào không hay. Đau đớn cỡ nào, mới có thể tự tay giết chết người mà mình từng yêu nhất?

Những tháng năm tuổi trẻ, lần đầu Lê Tư Thành yêu một người, và có lẽ là cũng lần duy nhất trong đời, vị Hoàng đế ấy thực sự yêu nàng bằng cả trái tim. Cấm thành Đông Kinh phồn hoa, phú quý là thế, liệu có chứa đựng nổi tự do, và cả tình yêu?

___________

Phóng bút dựa theo: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Wekipedia, Cường Phạm

Nguồn: Ngôn tỉnh Club

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *