NỖI ĐAU LIÊN THẾ HỆ VÀ NGUY CƠ ẢNH HƯỞNG ĐẾN NHỮNG ĐỨA CON LỚN LÊN TRONG GIA ĐÌNH TAN VỠ 

ĐỊNH NGHĨA VỀ NỖI ĐAU LIÊN THẾ HỆ

Từ khi sinh ra, ta sẽ được thừa hưởng nhiều thứ từ đấng sinh thành: từ đặc điểm ngoại hình, gen di truyền. Thế nhưng, bạn có biết rằng, ngay cả những nỗi đau và sang chấn tinh thần từ thế hệ trước cũng có thể di truyền cho lớp trẻ sau này?

Trong tâm lý học, “Nỗi đau liên thế hệ” hay còn gọi là “Sang chấn tâm lý di truyền qua từng thế hệ” được định nghĩa giống như cái tên vốn có của nó : đó là những nỗi đau không phải chỉ được cảm nhận bởi riêng một cá nhân, mà còn có khả năng truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, như một tài sản di truyền thực thụ.

Bất cứ gia đình nào cũng có thể ảnh hưởng bởi nỗi đau liên thế hệ. Đó không chỉ là trải nghiệm với một số sự kiện chấn động như chiến tranh, thiên tai, thả.m s.át mà những gia đình có tình trạng bạo lực, bố mẹ ly tán hoặc tấn công tình dục, thế hệ con cái cũng phải chịu vết thương lòng tương tự.

Ví dụ về trường hợp một bạn nữ bị chồng cũ bạo lực tinh thần đã gửi chia sẻ về chương trình Trốn Tìm Podcast, host Hoài Thương đã đưa ra nhận định liên quan đến sự ảnh hưởng của vết thương tâm lý thời bé có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.

Những đứa trẻ sinh ra trong gia đình ly tán hoặc có bố/ mẹ có xu hướng bạo lực sẽ nghiễm nhiên có suy nghĩ rằng sau này hình mẫu gia đình của mình cũng theo hướng tương tự. Điều này có thể giải thích cho việc một số người khi chọn bạn đời sẽ quan sát xem bố mẹ chồng/vợ tương lai của mình ứng xử với nhau như thế nào bởi điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cách người bạn đời đối xử với mình.

TẠI SAO NỖI ĐAU VỀ CẢM XÚC LẠI CÓ THỂ DI TRUYỀN?

Có thể hiểu rằng, bố mẹ chính là tấm gương hình mẫu mà bất cứ đứa con nào cũng nhìn vào để noi theo. Khi đứa con chứng kiến những khủng hoảng xảy đến trong gia đình, nó sẽ sinh ra cảm giác sợ hãi và dễ dàng học theo hành vi xử lý khủng hoảng của bố mẹ. Một nghiên cứu của Jennifer L. Allen (2018) cho thấy bất kì sự lo âu nào trong tương lai của con trẻ đều là hệ quả của các hành vi từ bố mẹ khi bị điều khiển bởi những chấn thương tâm lý.

Theo nghiên cứu của Appleyard Ket (2011), những nỗi đau từ quá khứ khiến bố mẹ hồi tưởng lại cảm xúc của bản thân mình, từ đó khiến họ nhìn nhận vấn đề và nuôi dạy con theo cách tương tự mà bản thân đã trải qua. Họ không thể đưa ra nhiều cách giải quyết tối ưu, lành mạnh hơn khi gặp tình huống tương tự ở cuộc đời con trẻ. Sang chấn tâm lý thời thơ ấu nếu ko được giải quyết ở các bà mẹ sẽ dự báo về cách người mẹ đó nuôi dạy con cái kém trong tương lai.

Thuyết Học Tập Xã Hội (Social learning theories) của Albert Bandura (1971) và Thuyết Gắn Bó của John Bowlby cũng đề xuất rằng một người mẹ rất dễ thực hiện các hành vi bạo hành cảm xúc hoặc lạnh lùng, thơ ơ lên con cái mình theo cách tương tự mà cô từng trải qua trong quá khứ và học được từ sự nuôi dạy mà cô từng nhận được. Điều này có thể giải thích tại sao những bậc phụ huynh có quá khứ bị bảo bọc quá mức hoặc từng gặp các tình huống nguy hiểm sẽ nỗ lực rất nhiều để danh tính của mình được xuất hiện trên mọi cột mốc trong hành trình phát triển của con trẻ.

Đôi khi, nhiều phụ huynh nhận thức được hành vi của mình nhưng lại có những vướng mắc về tâm lý trong quá khứ, dẫn đến cách hành xử mâu thuẫn như cho phép con cái được làm điều nó muốn nhưng vẫn cố tình để xảy ra các hành động hoặc lời nói khích bác khiến đứa trẻ cảm thấy tội lỗi.

SANG CHẤN TÂM LÝ TỪ GIA ĐÌNH TAN VỠ ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐỨA TRẺ NHƯ THẾ NÀO?

Theo nghiên cứu của nhà trị liệu tâm lý gia đình Sharon Wegscheider- Cruse (1976), những đứa trẻ từ các gia đình bất ổn sẽ lớn lên với 5 kiểu tính cách đặc trưng:

• Responsible Child: Những đứa trẻ này có xu hướng tự chủ và trưởng thành hơn so với những bạn cùng trang lứa. Vì sợ sẽ phải trải qua cuộc sống khó khăn hoặc sợ hãi bản thân trở nên giống người thân của mình, những đứa trẻ này sẽ rất áp lực để bản thân trở nên hoàn hảo trong mọi mặt của cuộc sống để từ đó giúp họ đạt được được tình yêu từ mọi người xung quanh

• The Trouble Maker: Lớn lên từ gia đình gặp trục trặc, nhiều đứa trẻ sẽ có xu hướng trở nên nổi loạn, thiếu tin tưởng với thế giới. Để che đậy phần cảm xúc nhạy cảm bên trong đồng thời thu hút sự chú ý từ bố mẹ, chúng sẽ trở nên hư hỏng, phá phách hoặc có xu hướng tự huỷ hoại bản thân mình.

• The Lost Child: Dễ nhận thấy nhiều đứa trẻ có bố mẹ ly tán rất dễ trở nên nhút nhát, tự cô lập mình với mọi thứ xung quanh. Đây là cách chúng trốn chạy với thế giới đáng sợ ngoài kia. Tính cách này phát triển khiến chúng trở nên khó khăn khi phát triển các kỹ năng xã hội đồng thời không tin tưởng vào giá trị bản thân mình.

• The Mascot: Một xu hướng nữa thường thấy là một số đứa trẻ khi cảm thấy bất lực với không khí ngột ngạt của gia đình sẽ cố gắng mang lại niềm vui để xua tan mọi căng thẳng đó. Dù trên môi luôn nở nụ cười và được đánh giá là tuýp người đáng tin cậy, những người này thường ẩn trong mình nhiều nỗi âu lo đau khổ và rất khó để đi kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài khi bản thân gặp vấn đề.

• The Caretaker: Tương tự với “Mascot”, đây là những đứa trẻ luôn hoà giải và làm trung gian cho các vấn đề của gia đình. Chúng sẽ chủ động khoan dung đồng thời nhận vai trò chăm sóc cho những người thân có xu hướng độc hại để cố giữ lấy sự yên ổn của gia đình. Tuýp người này khi lớn lên sẽ gặp khó khăn khi giải quyết những mong muốn của bản thân vì chỉ muốn bình yên và chấp nhận đáp ứng yêu cầu của người khác.

Có thể thấy rằng nỗi đau liên thế hệ là có thật, và nó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển toàn diện của mỗi đứa trẻ trong gia đình. Việc nhìn nhận lại những đặc điểm mà mình và cả thế hệ cha ông đang có là việc làm thực sự cần thiết để xây dựng một cuộc sống trong tương lai lành mạnh hơn, đặc biệt trong các mối quan hệ tình cảm sau này.

Bạn có thể theo dõi số thứ 5 của podcast Trốn Tìm để lắng nghe những chia sẻ thiết thực từ hai host Nghĩa Đỗ – Hoài Thương về ảnh hưởng của vấn đề này lên hôn nhân nhé.

? NGUỒN: HOÀI THƯƠNG

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *