Kết hôn luôn là chuyện hệ trọng của cả một đời người. Đám cưới thường là kết quả của một câu chuyện tình đẹp khi cả hai đã sẵn sàng để cam kết và gắn bó với nhau suốt khoảng thời gian còn lại. Thế nhưng, không ít người lại “nhắm mắt đưa chân” vào hôn nhân vì một lý do gì đó và khiến cuộc sống gia đình trở thành “nấm mồ” chôn hạnh phúc.
- Kết hôn vì sợ… hết trứng
Trong phim Tăng Tốc… Về Phía Em, nhân vật Jay (Yaya Urassaya) muốn bạn trai Kao (Nat Kitcharit) kết hôn vì… sợ hết trứng. Cô vô tình xem một bản tin nói rằng phụ nữ ở độ tuổi 30 chỉ còn một số ít trứng và sẽ khó mà sinh con nếu càng chờ đợi lâu hơn. Đây cũng là nỗi sợ của kha khá phụ nữ thời nay. Nhưng chỉ vì muốn sinh con mà chọn sai chồng cho bản thân, sai cha cho đứa trẻ thì không nên chút nào.
Nếu một người đàn ông chưa sẵn sàng sinh con thì đứa trẻ đối với họ chỉ là một gánh nặng. Bạn dễ dàng rơi vào tình huống tối mặt tối mũi chăm con một mình trong khi chồng vẫn thoải mái đi chơi bên ngoài mà không hề phụ giúp hay quan tâm gì. Từ đó mà phụ nữ dễ mắc chứng stress sau sinh và dẫn đến những hậu quả còn đáng sợ là ly hôn.
- Kết hôn vì sợ mình già
Người Việt có câu: “con gái lớn tuổi như bom nổ chậm trong nhà” nhằm ám chỉ những cô gái lớn tuổi mà chưa có chồng. Quan niệm của hầu hết quốc gia Á Đông rằng phụ nữ 30, hay thậm chí 25, mà chưa có chồng thì đã gọi là “ế già”. Nhiều chàng trai ở ngưỡng tuổi băm cũng sợ bản thân không thể tìm được vợ vì đã lên hàng “chú”.
Vì sợ già mà nhiều chàng trai, cô gái đã chọn cưới đại một người “vừa mắt” mà không quan tâm họ có phù hợp hay không. Thế nhưng, hôn nhân vốn là khi hai người phải hòa hợp về mọi mặt. Nếu không, cuộc sống ngày nào cũng phải thấy mặt nhau sẽ trở thành địa ngục. Cưới trễ mà đúng người còn hơn cưới sớm nhưng sai người để rồi lỡ một chuyến đò.
- Kết hôn vì ông bà muốn có cháu
Cha mẹ thường có nguyện vọng muốn thấy con yên bề gia thất và có cháu ẵm bồng để an tâm trước khi nhắm mắt. Giống như chuyện sợ hết trứng, đây cũng là một áp lực con cái khiến nhiều người muốn kết hôn đại cho xong. Thậm chí, họ còn tìm cách mai mối để con sớm có gia đình. Song, hậu quả của hành động này thì cũng chẳng khác những gì đã nhắc đến trong bài,
- Kết hôn để kinh doanh
Nếu như ngày xưa, các vua chúa thường dùng hôn nhân để tranh đoạt quyền lực hay tạo liên minh chính trị thì ngày nay, nhiều người lấy kết hôn để làm kinh doanh. Một đám cưới với chồng hoặc vợ đại gia sẽ giúp người còn lại không còn áp lực kinh tế hay tạo ra một liên doanh hùng mạnh trên thương trường. Thế nhưng, kẻ đặt tiền bạc cao hơn tình cảm thì cuối cùng cũng sẽ bị tiền bạc đè bẹp.
Mọi thứ sẽ rất bình thường nếu như kết quả kinh doanh như mong đợi. Nhưng một khi mọi thứ rẽ sai hướng thì cuộc hôn nhân vụ lợi này dễ dàng nảy sinh mâu thuẫn rồi “đi thẳng vào lòng đất”. Hoặc có thể họ sẽ không ly hôn để giữ thể diện gia đình nhưng việc “ông ăn chả, bà ăn nem” là khó tránh khỏi.
- Kết hôn vì cuộc sống quá stress
Nhiều người vì quá stress với công việc và việc nhà cùng một lúc mà muốn trốn tránh bằng hôn nhân. Họ nghĩ rằng khi lấy chồng/vợ thì có thể chuyên tâm làm một thứ và phó thác cái còn lại cho đối phương. Thực tế thì hôn nhân đòi hỏi mỗi người phải có thêm nhiều trách nhiệm hơn nữa cho cả gia đình nội, ngoại cùng hàng tá thứ lặt vặt trong cuộc sống. Khi đó, stress chồng thêm stress sẽ dễ dàng đi tới đổ vỡ.
- Kết hôn để bớt ham chơi
Một số bạn trẻ có thói quan đi chơi hay tiêu xài hoang phí chọn kết hôn vì nghĩ rằng khi có gia đình, họ sẽ có trách nhiệm hơn trong cuộc sống. Nhưng “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Tinh thần trách nhiệm chỉ đến khi một người thật sự trưởng thành chứ không phải do tác động bên ngoài, đặc biệt là do kết hôn. Sau khi lấy nhau, kẻ ham chơi sẽ vẫn ham chơi và bỏ lại toàn bộ trách nhiệm cho người còn lại. Hậu quả của mối quan hệ một chiếu này dĩ nhiên cũng là chia tay.