Thôi thì cũng phải dạn dĩ mà nói rằng, chúng ta hay coi các show diễn thời trang nhưng thứ tập trung mọi ánh nhìn vẫn luôn là người mẫu trên sàn, những bộ quần áo mới, concept/độ trang trí của sân khấu mà ít khi nào để ý tới khán giả coi show – Những người ngồi ở hàng phía đầu, những người được xem trực tiếp show diễn và xuất hiện cũng khá nhiều trên các clip truyền thông. Một thời gian không lâu trước đã có một trend trên nền tảng Tiktok “Front-row in Fashion show” nôm na là “Nếu bạn là người được ngồi ở hàng đầu tiên của 1 fashion show, trông bạn sẽ như thế nào?”
Tiktok thì mang năng lượng giải trí và vui vẻ nhưng giá trị quyền lực của chiếc ghế “Front-row” đến từ ai sẽ ngồi ở đó thì không phải ai cũng hiểu được. Không đơn giản chỉ là việc ngồi và thưởng thức show diễn, việc ban tổ chức có tên bạn trên chiếc ghế đó chứng tỏ bạn có một vai trò quan trọng như thế nào đối với thương hiệu hay trong nền công nghiệp thời trang này – có ảnh hưởng không ít thì nhiều đến bộ mặt thương hiệu, quảng bá và chiến lược kinh doanh.
Tuần lễ thời trang bao gồm các sự kiện đường phố và các buổi runway trình diễn những bộ sưu tập mới nhất. Giá trị của buổi Runway như thế nào?
Nó có thể coi như là một buổi triển lãm, một thư viện trực tiếp dành cho những người tham gia trải nghiệm được toàn bộ thông điệp mà fashion designer gửi gắm. Những outfit mà mình up, cũng chỉ là 1 đống quần áo hỗn độn – và nó cần một cái hồn. Cái hồn ở đây – được diễn tả ở không gian, màu sắc, cách bày trí, dresscode mà người tham dự bắt buộc phải mang khi tới một buổi runway. Cái hồn ở đây là cách những người ngồi ở hàng ghế khán giả – nhìn trực tiếp bộ đồ đó lên người như thế nào, cách nó uyển chuyển, linh động và ở một góc 3D (Thực) 360 độ. Âm nhạc trong Runway cũng là 1 thứ quan trọng trong việc đưa khái niệm concept của collection tới mọi người. Các bạn có thể coi thử xem show của Gucci, của Balenciaga – hay nhiều hơn là Prada, Raf, Undercover. Cảm xúc của mỗi người khác biệt dựa vào mỗi runway thể hiện ra.
Mỗi lần fashion được diễn ra, trên các kênh báo thì ngoài hình ảnh những new collection thì còn rất nhiều hình ảnh cho những người tham gia show – bao gồm những người ngồi ở front-row. Mà đã ngồi front-row thì chắc chắc ai cũng sẽ hiểu – người đó ít nhất phải có một địa vị gì đó trong xã hội và nền công nghiệp thời trang.
Có thể đối với những người không quan tâm tới thời trang thì ngồi đâu chẳng được nhưng Kelly Kutrone ( Một nhà báo, một tác giá sách nổi tiếng của Mỹ và hay xuất hiện tại các show thời trang) đã nói một câu xanh rờn rằng:
“If you’re not in the first three rows, go home”
“Nếu bạn không ở ba hàng đầu của show diễn, về nhà đi!
Cho thấy rằng đối với nhiều người yêu thời trang và có cái tôi của họ thì nếu được mời tới show diễn thì nên là 3 hàng đầu, còn nếu không phải 3 hàng đầu thì ở nhà đi, đi làm gì cho nhục mặt thêm. (Căng thế nhỉ).
Để ngồi được front-row, bạn phải là một người nổi tiếng – một nhân vật ưu tú trong ngành thời trang, ngành giải trí, đại diện cho truyền thông. Nhiều người quan tâm tới bạn và thương hiệu nhận ra bạn là khách hàng tiềm năng của những món đồ đến từ hãng. Bạn là một nhân vật nằm trong chiến lược truyền thông của hãng, sự xuất hiện của bạn sẽ khiến giới truyền thông chú ý tới show diễn nhiều hơn.
Bên cạnh đó là những khách hàng quan trọng của thương hiệu, những đối tác quan trọng. Đặc biệt là các bulkbuyer – những người sẽ đặt mua các sản phẩm trong bộ sưu tập với số lượng lớn để phục vụ cho việc bán lại cho các retailers khác. Các khách hàng super VIP, các khách hàng trung thành, những fashion blogger, những nhà báo cũng là đối tượng được xếp ngồi ở front-row.
Thực ra để tham gia show diễn thời trang, bạn cũng có thể mua vé để vào nhưng chắc chắn vị trí của bạn sẽ nằm sâu sâu ở phía nào đó chứ đừng bao giờ mơ mộng là bạn sẽ mua được 1 chiếc vé ngồi ở front-row. Chiếc ghế này không phải là có tiền cũng mua được.
Cách sắp xếp thông thường của những vị trí ở front-row:
Những bloggers – những người nổi tiếng sẽ được đặt ở giữa, ngay vị trí trung tâm của show diễn để thực hiện cho việc PR cho show diễn. Dễ nhìn, dễ thấy, dễ thu hút lượng fans hâm mộ từ những người nổi tiếng. Bên cạnh đó, việc đăt họ ở giữa không bị khuất bởi một vật thể nào – bởi hàng ghế nào khác cũng dễ dàng cho việc tác nghiệp của những photographers đến từ thương hiệu. Họ dễ dàng chụp ảnh người nổi tiếng ở vị trí sáng sủa, dễ bắt được khung hình “kèm” sản phẩm của thương hiệu phục vụ cho việc hậu marketing vào ngày hôm sau. Việc này đồng thời cũng là sự tinh tế của thương hiệu vì những người nổi tiếng có thể sử dụng hình ảnh đó khi mà khuôn mặt của họ “sáng mặt ăn tiền” – “Trung tâm của sân khấu” trên các nền tảng social khác. Đó là lí do vì sao các bạn luôn thấy các celebs tham dự runway shows kiểu lúc nào cũng có best photo. Điều này cũng một phần do vị trí của chỗ ngồi nữa.
Các tổng biên tập tạp chí nổi tiếng, những nhà phê bình/giám tuyển thời trang thường sẽ được xếp ngồi cuối runway vì họ sẽ có thêm thời gian để thưởng thức và đánh giá những bộ đồ, những thiết kế và ngay lập tức sẽ có những nhận định khi mà runway kết thúc. Việc ngồi cuối runway sẽ là nơi điểm giao giữa một look đi ra và một look kết thúc – thời gian khá đủ để những chuyên gia hiểu và đánh giá new collection.
Các vị trí còn lại sẽ dành cho cánh truyền thông và những người mua. Bên cạnh đó, kiểu người mua bulkbuyer (gọi nôm na là đánh sỉ đi) sẽ thường ngồi với cánh truyền thông hay làm việc với họ để dễ dàng có những bàn luận về chiến lược bán vào thời điểm tiếp theo.
Đối với những người thường như chúng ta, được góp mặt tại một buổi trình diễn thời trang đã là một điều gì đó khủng khiếp lắm rồi. Nhưng đó là đối với người thường – có nhiều người quan trọng việc ghế ngồi của họ nằm ở đâu nữa. Nếu nhận một vị trí ghế không như mong muốn và không đúng với địa vị của họ – họ sẽ xem đó là 1 điều sỉ nhục đến từ fashion brands và không thèm đến đâu.
Vậy – các bạn đã hiểu sự quyền lực của vị trí “Front-row” của các fashion show chưa.
Trí Minh Lê