Bạn hỏi tôi rằng:
– Tôi nhớ cô ấy như vậy, cô Hà nói xem có phải là tôi đã yêu cô ấy mất rồi hay không?
Để tôi trả lời câu hỏi này rất khó, bạn cũng biết là khó, cớ sao lại cứ phải đi hỏi tôi?
Để tôi kể cho bạn nghe câu chuyện về một chàng trai nhé.
Cậu trai đó cũng nằm trong thế hệ chúng ta, tuy không được tính là genZ nhưng cũng không nên xếp cậu chàng vào hàng ngũ các ông cụ đang đến tuổi già.
Như bao chàng trai có ước mơ hoài bão to lớn, cậu ấy cũng rời quê đến một thành phố lớn lập nghiệp. Nơi này cách quê nhà cậu ấy rất xa, xa đến nỗi mỗi khi có ý định nhen nhóm trở về thì đoạn đường hiển thị số km luôn làm cậu ấy chùn bước lại.
Cuộc sống thị thành cũng rất tốt, ít nhất là chiếm hết quỹ thời gian trong ngày của chàng trai ấy.
Sáng sớm thức dậy, chỉ kịp ăn qua loa một vài thứ còn xót lại từ đêm qua, nguội ngắt rồi vội vàng bon chen vào hàng người tấp nập trên đường.
Trưa cũng không kịp nghỉ ngơi, số tài liệu, công việc cần xử lý chất đống bên cạnh khiến cậu ấy không còn tâm trạng nhớ đến việc khác.
Chiếc điện thoại im lìm bên cạnh cũng rất phối hợp. Cả ngày không vang lên một tiếng chuông nào làm phiền cuộc sống bận rộn của chàng trai ấy.
Duy chỉ có buổi tối, khi cuộc vui đã tàn, khi anh em bạn bè cũng mải miết với những việc cá nhân, những mối quan hệ ngọt ngào của bản thân. Thì chàng trai lúc ấy mới thấy cô đơn trong chính căn phòng chỉ có một ngọn đèn trắng, sáng đến chói mắt.
Bạn có biết việc khó khăn nhất của những người sống xa nhà là gì không?
Đó có thể là cảm giác nhung nhớ bữa cơm nhà, nhớ căn phòng bừa bộn với cái đống chăn màn không gấp gọn, hay xa xăm hơn là nhớ một vài bóng hình quen thuộc.
Những buổi tối ở một mình trong căn phòng trống tuy rất yên tĩnh và riêng tư nhưng lại khiến con người ta nhớ nhung, hoài niệm về những ngày ồn ào, náo nhiệt ở một phương trời khác.
Chàng trai ấy kể.
Thật buồn cười.
Rõ ràng ở thành phố này đông người như vậy ấy thế mà lại có đôi lần cậu ta cảm thấy rất bơ vơ.
Đỉnh điểm là khi dừng chân ở một con phố nọ, trong nhóm người huyên náo phía trước, cậu chàng chợt nghe thấy một giọng nói rất quen, cũng đã rất lâu rồi chưa từng được nghe lại.
Chính là kiểu giọng lanh lảnh, tiếng nói khi cao, lúc lại thấp, đôi lúc chầm chậm, khi lại non nớt như tiếng trẻ con.
Giống như bao người đàn ông trưởng thành khác, trong lòng cậu ấy cũng có một người. Một người không thể gọi tên, cũng chẳng định hình được mối quan hệ.
Chàng trai ấy hỏi tôi.
– Cậu nghĩ tớ có thích cô ấy không?
Tôi chậm rãi trả lời.
– Một khi đã hỏi câu này, cậu chắc chắn đã thích người ta rất nhiều rồi.
Đơn giản như vậy, tại sao có những người lại không sao nhận ra tình cảm của mình được nhỉ?
Bạn có chuyện vui, người đầu tiên muốn chia sẻ là người đó.
Bạn có chuyện buồn, người đầu tiên muốn gặp lại là người đó.
Bạn có ước mơ, hoài bão, người đầu tiên bạn muốn “khoe” cũng là người đó.
Nếu đó không phải là yêu, vậy bạn thử gọi tên thứ tình cảm đó cho tôi nghe xem nào?
Khi chúng ta còn trẻ, lý do để thích một người rất đơn giản. Có thể chỉ vì do một góc mặt, một ánh mắt hoặc một bên má lúm đồng tiền mà thôi.
Nhưng khi chúng ta đã đến tuổi trưởng thành, thứ tình cảm đó lại cứ bị ẩn nhẫn trong vô số cái gọi là rào cản.
Khi thì là khoảng cách, lúc lại vì tính cách không tương đồng. Có đôi khi, còn vì sợ sẽ không thể ở bên nhau dài lâu.
Tiến đến thì không dám
Từ bỏ lại không cam tâm
Rõ ràng lòng đã động
Vậy mà cứ phải đi hỏi để người khác xác nhận tình cảm giúp mình.
Bạn có yêu người đó không, đọc hết những dòng này, bạn sẽ biết ngay mà thôi.
Đừng hỏi người khác là bạn có đang yêu một ai đó hay không?
Cũng đừng bắt người ngoài đặt tên cho tình cảm của chính bạn.
Đặt tay lên lồng ngực bên trái.
Vắt tay lên trán và tự hỏi, giờ lòng bạn đang nhớ đến ai?
Thì đó, chính là câu trả lời.