———————–
Một ngày nọ, tôi phát hiện ra, chiếc đệm mẹ mua cho năm tôi 15 tuổi đã không còn đủ diện tích với chiều dài cơ thể mình.
Bị cơn buồn ngủ mân mê, tôi loay hoay một hồi và nghĩ ra cách dùng chiếc gối ôm để lấp vào khoảng trống chỗ đôi bàn chân đang thừa ra, thật tuyệt vời, nhưng sáng hôm sau, tôi giật mình vì bàn chân mình gác lên chiếc mền của mẹ, còn chiếc gối ôm quen thuộc lại trở về nơi vòng tay mình.
———————–
Năm tôi 15 tuổi, mỗi khi có chuyện không vui, điều đầu tiên tôi làm chính là mè nheo với mẹ, chỉ cần tới giờ cơm, mẹ gọi, tôi không ăn, dù trên bàn là một đĩa to cánh gà chiên nước mắm, khi đó, mẹ biết, thằng mama boy này có chuyện gì rồi, mẹ càng gọi, tôi càng lẫy to hơn, cho đến khi mẹ lên phòng hỏi chuyện, tôi mới khai, thấy nhỏ Lan cùng lớp, giờ ra chơi nắm tay thằng Thanh lớp kế, trong cơn lũ nước mũi chảy tèm lèm.
———————–
Từng ngày dần trôi về phía cũ, có rất nhiều những kỉ niệm trong tôi được trí nhớ cho phép bấu víu vào dòng chảy vô hình đó, thực tế một điều rằng, so với những kí ức của những ngày trẻ dại, những kí ức mới mẻ lại trở nên khô ráp, sần sùi, già cỗi và nhăn nhúm, đáng buồn hơn khi nó lại mang trong mình hơi thở của sự vị kỉ và cái tôi khờ khạo tưởng mình đã trưởng thành
Thằng mama boy ngày nào đã lột xác, trở thành một phiên bản khác, tỏ vẻ lớn hơn, tỏ vẻ chững chạc hơn, tỏ vẻ trưởng thành hơn, biết cao ngạo với những khát khao to lớn, với những hoài bão dưới bầu trời ngoài kia, rồi vô tình hờ hững, quên đi những vụn vặt thơ ấu đã cậy mẹ, nhờ mẹ, những thứ đời thường trước kia bám dính lấy mỗi lúc bên cạnh mẹ, giờ lại thành dửng dưng trước ánh mắt của mẹ, nhưng dù cho có ra sao, tất cả vẫn chỉ là tỏ vẻ, vì nếu “hiểu chuyện” có mặt ở đó, hai từ “tỏ vẻ” cũng tự động nhường chỗ, khỏi phải tranh giành.
“Hiểu chuyện” vẫn chưa đến, vì chưa phải lúc, và vì tôi của những tháng năm đó vẫn chưa biết mùi vị của sự đánh đổi, khi một ngày tôi buộc phải đứng trước những lựa chọn, nhưng lại không được phép chọn, thay bằng sự đánh đổi, được cái này, mất cái kia, khoảnh khắc đó tôi trở thành nhà khảo cổ bất đắc dĩ, nâng niu từng chút những kí ức vụng dại, và cũng chính là lúc tôi dần lược đi những thứ quan trọng nhất trong cuộc đời.
“Hiểu chuyện” vừa cập bến.
——-‐‐-‐——————
Có bao giờ bạn tự vấn, khi cuộc đua của tuổi trẻ đặt bạn vào một bước chuyển mình, buộc bạn rời xa những điều thân thuộc để mang bạn đi đến miền đất của hoài bão mà ngày xưa bạn nhen nhóm, cái ngày mà chân đi chưa vững đã muốn bay, thì giờ đây lại bị những ấm áp vụng dại ấy níu cánh làm cho nhát gừng, làm lòng lấp lửng.
Thời gian – hiểu một cách sâu xa, chính là cách giải tạm duy nhất dành cho cảm giác bất lực, là sự bao biện cho lối nghĩ :”Rồi mọi chuyện sẽ ổn.”
Và chúng ta có thực sự ổn nếu như cứ để thời gian gánh vác tất thảy những dòng suy nghĩ lấp liếm, khiến ta mân mê cảm giác lụi tàn của một điều gì đó làm mình bất lực.
—————————
Thời gian đựng trong vườn hoa ngày xưa một tay mẹ chăm bẵm.
Thời gian đựng trong căn bếp mỗi ngày mẹ hẹn hò.
Thời gian đựng trong chiếc áo sơ mi mỗi ngày mẹ là ủi phẳng phiu con đến lớp.
Vào thời khắc đôi cánh con rộng mở, những kí ức đó làm lòng con chùn lại.
Rồi con thấy mình có lỗi với thời gian của mẹ.
Vòng tay mẹ rộng dần.
Mẹ biết thế giới ngoài kia sẽ chực chờ để nuốt chửng con.
Mẹ biết những đau đáu của mẹ sẽ là trở ngại để bước đi của con được trưởng thành.
Mẹ biết những đám mây đen trên cao sẽ không vì trái tim của mẹ mà giúp con đừng tầm tã.
Mẹ nói, chỉ cần nơi con một lòng hướng về, nơi đó sẽ luôn có mẹ.
Bất kể con làm gì, con ở đâu, con ra sao, đường về nhà vẫn còn mẹ chờ cửa.
Vì mẹ biết những khát khao ngày xưa của mẹ đã không còn cơ hội để nương theo, nên mẹ sẽ không bao giờ muốn ước mơ nơi con bị thả neo chôn vùi tại bến đời mặc cho thời gian nhuốm màu rêu phong chìm nổi.
Vì mẹ đã từng là con, nên mẹ hiểu con.
Vì con rồi sẽ làm mẹ, nên một ngày con sẽ hiểu mẹ.
Đi đi con, rồi kịp để về.
Mẹ đợi.
– Dương –
Nguồn : Mượn hình ảnh cô Kim Xuân – trong phim “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa”