Nếu được hỏi điều gì đóng một vai trò ảnh hưởng nhiều đến nền thời trang (và đặc biệt là thời trang được phố) tại Việt Nam – mình xin được đề cập tới một trong những điều mấu chốt mang tên “HALLYU” – cơn sóng văn hoá từ Hàn Quốc.
Hàn Quốc, cùng với Nhật Bản – luôn được mệnh danh là “Con rồng của Châu Á”. Sự ảnh hưởng của Hàn Quốc không đến từ sức mạnh quân sự (ho he là bị anh Kim Jong Un hăm he liền) mà đến từ một nền kinh tế thịnh vượng với các tập đoàn Chaebol (Tài phiệt) – một hệ thống cha truyền con nối miêu tả các thế lực kinh tế của xứ Nam Triều Tiên. Chúng ta có Samsung (Đối trọng với Apple), chúng ta có Huyndai Motor, chúng có LG, Kia Motor, CJ Group… những cái tên đang đóng một vai trò rất lớn không chỉ mà Hàn mà còn thế giới.
Cũng như vậy – văn hoá Hàn được tuyên truyền ra thế giới thông qua các kênh kinh tế và sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các tập đoàn kia. Và điều này càng đặc biệt đúng với Việt Nam, khi là bệ phóng của cơn sóng “HALLYU” lên thời trang. Người Việt đã được “bồi bổ” văn hoá và phong cách, đời sống của người Hàn thông qua hai thứ công cụ mạnh mẽ là phim Hàn (K-Drama) và nhạc Hàn (K-pop). Trải qua hơn hai thập kỉ, người Việt chúng ta đã Theo dõi hơn cả trăm, cả ngàn phim Hàn (Từ Giày Thuỷ Tinh, Nấc thang lên thiên đường đến mấy phim gần đây..). Kpop còn khủng khiếp hơn, hẳn những cái tên như DBSK, BIGBANG, Super Junior, SNSD, 2NE1, Birain đã thấm nhuần thế hệ 8x 9x đời đầu của Việt Nam. Rồi để bây giờ, BTS và Black Pink thống trị các bản nhạc tại đất nước ta với lượng fandom hùng hậu (Và cả thế giới cũng vậy). Công nghệ (Mobile/SocialNetwork/Stream – Youtube) và các tập đoàn kể trên đã là 1 kênh quảng bá khủng khiếp cho nền văn hoá “HALLYU”.
(Nhưng phải công nhận người Hàn giỏi và sự đầu tư chất xám khủng khiếp của chính phủ khi chi tiền thẳng tay cho người ta đi học kiến thức nước ngoài về xây dựng đất nước – như thời Duy Tân Minh Trị của Nhật Bản. Thành quả là phải hơn mấy chục năm, người Hàn đã có chỗ đứng quan trọng trên thế giới – thời trang, kinh tế, điện ảnh – Parasite “Kí sinh trùng” đã đoạt giải Quả Cầu Vàng cho phim nước ngoài xuất sắc nhất). Những sự thành công toàn cầu của các series Netflix Hàn cũng nằm trong số đó (Squid game chẳng hạn)
Hẳn đây là 1 câu chuyện dài – thông qua sự va chạm về “mắt nhìn, tai nghe” thông qua K-Drama và K-pop, hẳn nhiên chúng ta đã bị ảnh hưởng dù là cố ý hay tự nhiên trong tiềm thức về thời trang của người Hàn hay xu hướng ở đó. Sự bắt chước đơn thuần chỉ là tôi muốn mặc hao hao giống idol (được 80% Gdragon mình cũng chấp nhận là copy-cat) dần dà nó lại trở thành thói quen và thế giới quan thời trang của nhiều người ở Việt Nam (Không hề có ý xấu nhe, vì mình cũng vậy). Gần đây – giới underground của Hàn cũng phát triển cực kì mạnh mẽ, kể về âm nhạc và visual (Những cái tên như Dean, Kid Milli, Woo, 99%IS thì không cần nhắc lại).
Nên nói “Hallyu” đóng vai trò quan trọng trong nền tảng phát triển thời trang đường phố Việt Nam cũng không hề sai.
Nắm bắt được điều đó – người Hàn đầu tư mạnh tay hơn vào K-Fashion và K-Beauty. K-fashion thì nếu ai chưa biết – toàn bộ chi phí cho Seoul Fashion Week là do chính phủ hỗ trợ gần như hoàn toàn. Họ mời các nước phương Tây, kinh đô thời trang đến theo dõi các local brands ở Hàn xây dựng như thế nào – chi tiền mời các photographer nổi tiếng tới chụp lên các mặt báo có tiếng tăm như VOGUE, GQ, NYTimes. Bằng cách đó, “HALLYU” ngày càng bành trướng lên cả nền thời trang của thế giới. Nhiều thương hiệu thời trang của Hàn Quốc bắt đầu có tiếng nói toàn cầu.
Trong khi đó, ở các nước bạn bè (Ngay cả Tokyo, SIngapore và Việt Nam ta) – một nhà thiết kế trẻ nào muốn giới thiệu collection của họ. 1 là gọi tài trợ hay tự trả tiền thì mới có thể được biết đến (Chút ít). Điều này chúng ta nên học hỏi người Hàn.
Như tính toán – bởi sự gặm nhấm từ từ của K-POP và K-Drama đến công chúng. Các thần tượng mặc gì, fandom sẽ lùng sục và tìm kiếm theo. Một cách nào đó, thời trang của nước Hàn cũng phát triển theo (do các idols mặc nó mà). Một hệ sinh thái khép kín và hoàn hảo. Sự hấp dẫn không thể chối từ – ngày càng nhiều collabs chất lượng của các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu với các local brands Hàn. Mới gần đây thì có Peaceminusone x Nike (Gdragon) – gần như bùng nổ truyền thông, không chỉ người Á Châu mà các celebs Châu Âu, Mỹ cũng phải tìm kiếm đôi Nike PMO của một nghệ sĩ Hàn Quốc.
Thành công càng làm cho chính phủ Hàn Quốc mạnh tay tài trợ cho việc đầu tư thời trang mạnh mẽ (Vì món lời là hoàn toàn to). Seoul Fashion Week giờ nghiễm nhiên được sánh vai chung hàng với tứ trụ London, NewYork, Paris và Milan Fashion Week. Thêm một điều, không cần phải chi tiền – giờ các đầu báo phải tự tìm tới và truyền thông về các sự kiện thời trang ở Hàn.
Hàn Quốc – đã là cái ao làng của nhiều thương hiệu – Juun.J, ADER Error đã vươn bàn tay ra ngoài thế giới và có các retail store ở London, Paris.
Quân sự có thể uy hiếp được 1 cộng đồng – nhưng văn hoá với sự hấp dẫn và thấm từ từ lại thể hiện sự điều khiển tinh thần theo một cách quyến rũ hơn và thuyết phục hơn mà chúng ta không hề hay biết.
Trí Minh Lê