CỘNG HÒA – PLATO (Dịch)Này là tác phẩm Cộng Hòa của Plato, kinh điển quá rồi có lẽ k…

CỘNG HÒA – PLATO (Dịch)

Này là tác phẩm Cộng Hòa của Plato, kinh điển quá rồi có lẽ không cần giới thiệu gì thêm. Đây là bản dịch của em. Dịch lâu rồi nay đăng cho các bác quan tâm cùng đọc. Bản này em dịch dựa theo một số bản dịch tiếng Anh, có đối chiếu những đoạn khó hiểu. Nhưng tất nhiên sai sót là khó tránh khỏi. Các bác có kiến thức thấy chỗ nào lỗi thì góp ý ạ.
Trên thị trường giờ có bản dịch của đơn vị Omega, nhưng theo em đánh giá là chất lượng khá thấp, đọc không hiểu gì cả.
Lời nói đầu
(Trong bản dịch tiếng Anh của FRANCIS MACDONALD CORNFORD, Nhà xuất bản Đại học Oxford)
Câu hỏi chính trong Cộng hoà là: Công bằng nghĩa là gì, và nhận ra nó thế nào trong xã hội loài người? “công bằng” trong tiếng Hy Lạp cũng đa nghĩa như từ “right” trong tiếng Anh, hay từ “lẽ phải” trong tiếng Việt. Đó có thể là sự tuân thủ tập quán hoặc giữ đúng bổn phận; đó có thể là sự công bằng, sự chân thật; là quyền hợp pháp, luật lệ; điều gì do hoặc bởi một người mà ra, sự đào ngũ, các quyền lợi; người ta phải làm gì. Vậy nên nó bao quát trọn vẹn hành vi của một cá nhân khi ảnh hưởng đến những cá nhân khác – tất cả những gì người ta kỳ vọng nơi một cá nhân, hoặc cá nhân kỳ vọng sẽ có; bất cứ cái gì là đúng, trái ngược với sai. Có một câu nói quen thuộc rằng công bằng là tổng hợp mọi đức hạnh.
Việc định nghĩa Công bằng hàm ý rằng có một ý tưởng trung tâm tập hợp tất cả các khái niệm về công bằng; hay cụ thể hơn, có một nguyên tắc tổ chức đời sống con người sao cho tồn tại một xã hội công bằng với những người giữ sự công bằng. Công bằng xã hội phải đảm bảo mọi cá nhân sẽ thực hiện nghĩa vụ và hưởng quyền lợi. Như phẩm chất nằm trong con người, công bằng tức là cuộc sống mỗi cá nhân – hoặc linh hồn như người Hy Lạp nói – phải tuân thủ theo quyền và nghĩa vụ trong mỗi phần bản chất của anh ta.
Như thế sẽ là một xã hội lý tưởng, theo nghĩa có một tiêu chuẩn hoàn hảo để đo lường và đánh giá mọi xã hội từng tồn tại theo những mức độ so với tiêu chuẩn ấy. Ngoài ra, bất kỳ đề xuất cải cách nào cũng phải được đánh giá theo hướng đi của nó, tiến gần hay cách xa, mục đích ấy. Cộng hoà là tác phẩm có hệ thống đầu tiên cố gắng miêu tả lý tưởng này, không phải như một ảo mộng, nhưng là một khung sườn khả thi mà bản tính con người, cùng những đòi hỏi không thể thay thế của nó, có thể tìm được hạnh phúc và thoả mãn. Thiếu một mục đích như vậy thì chính trị sẽ mù loà hoặc vô định, rốt cuộc sẽ đi kết cục thất bại.
Nếu một người có đầu óc hoài nghi và tò mò hỏi các trí thức về định nghĩa “quyền” hoặc “công bằng”, thì câu trả lời thường hời hợt hoặc chỉ đúng được một phần. Từ đó xuất hiện những khác biệt nền tảng về cái mà Socrates gọi là quan trọng nhất trong những câu hỏi: chúng ta nên sống thế nào. Trong phần đầu tiên của Cộng hoà Socrates sẽ mở màn chất vấn bằng những quan điểm quen thuộc về bản chất của hoà bình, và chỉ ra chúng sai lầm hoặc thiếu thoả đáng. Sự phê bình của ông cũng gợi ra những manh mối về nguyên tắc giúp thiết lập một thể chế để tuân theo.
CHÍNH VĂN
QUYỂN I
CÁC NHÂN VẬT TRONG CUỘC ĐỐI THOẠI
Socrate, người dẫn truyện.
Glaucon.
Adeimantus
Polemantus
Cephalus.
Thrasymachus.
Cleitophon.
Và những thính giả không lên tiếng khác.
Chương 1
CEPHALUS: CÔNG BẰNG LÀ CHÂN THÀNH TRONG LỜI NÓI VÀ VIỆC LÀM
Bối cảnh là tại nhà của Sê-pha-lus tại Pi-ra-út (Piraeus); và toàn bộ cuộc trò chuyện là do Sô-crat thuật lại với Timaeeus, Hermocrates, Critias và một nhân vật khuyết danh được nhắc đến tại Timaeus, một ngày sau khi nó xảy ra.
Hôm qua tôi đi xuống Piraeus với Glaucon, con của Ariston, để viếng nữ thần (thần Bendis, Artemis của người Thracea*), cũng là vì tôi muốn thấy dân chúng ở đó mừng lễ thế nào, một kỳ lễ mới mẻ. Tôi thích thú với đoàn rước của dân chúng; nhưng so với người Thracia thì hẵng còn kém tráng lệ hơn một chút. Viếng nữ thần và xem hội xong thì chúng tôi trở bước về thành; giữa lúc ấy thì Polemarchus, con của Cephalus, thấy chúng tôi từ đằng xa, và sai người hầu chạy đến bảo chúng tôi nán lại một chút. Người hầu ấy níu áo choàng tôi mà nói: Cậu Polemarchus mong ngài đợi cho một lát.
Tôi quay lại hỏi chủ anh ta ở đâu.
Cậu ấy đằng kia, anh ta nói, sẽ tới ngay đây nếu các ngài đợi cho.
Vậy cũng được, Glaucon nói; ngay sau đó thì Polemarchus xuất hiện, cùng với Adeimantus, anh của Glaucon, Niceratus con Nicias, và nhiều người khác có mặt trong đoàn rước.
Polemarchus nói với tôi: Tôi nhận thấy, thưa ngài Socrates, rằng ngài cũng các bạn ngài đây đang chuẩn bị về thành phố.
Anh nói chẳng sai, tôi đáp.
Nhưng ngài có thấy, anh nói, chúng tôi đông là nhường nào?
Tất nhiên.
Và liệu ngài có mạnh hơn chúng tôi chăng? Nếu không thì xin ngài dừng lại đây đã.
Có lẽ chúng tôi không còn cách nào khác, tôi nói, ngoài việc thuyết phục các cậu để cho đi?
Nhưng các ngài thuyết phục được chúng tôi chăng, nếu chúng tôi từ chối lắng nghe? Anh nói.
Tất nhiên là không rồi, Glaucon đáp.
Vậy chúng tôi sẽ không nghe; nói trước để ngài biết.
Adeimantus thêm vào: không ai nói với ngài về cuộc đua ngựa rước đuốc để tôn vinh nữ thần sẽ diễn ra vào sáng mai ư?
Đua ngựa ư! Tôi đáp: mới lạ thật. Có phải là những tay kị sĩ sẽ chuyền tay nhau những ngọn đuốc trong suốt cuộc đua không?
Phải, Polemarchus, không chỉ vậy tối nay còn có hội, ngài nhất định phải xem. Chúng ta sẽ dùng bữa tối sớm rồi cùng đi xem; lớp trẻ chúng tôi còn họp nhau đàm đạo. Xin ngài quá bộ đến chơi.
Glaucon nói: chúng tôi khó mà từ chối trước sự ân cần này của anh.
Hay lắm, tôi đáp.
Vậy chúng tôi cùng đi với Polemarchus đến nhà anh ta; ở đó chúng tôi gặp các anh em của anh ta là Lysias và Euthydemus, cùng với Thrasymachus thành Chalcedon, Charmantides xứ Paeonia, và Cleitophon con của Aristonymus. Còn có Cephalus cha của Polemarchus, người đã lâu tôi không gặp, giờ đây đã già đi nhiều. Ông ngồi trên ghế đệm, đầu đội vòng hoa, vì ông vừa làm lễ tế trong điện; có một dãy ghế bày thành hình bán nguyệt trong phòng, chúng tôi chia nhau ngồi cạnh ông. Ông hồ hởi chào hỏi tôi rồi nói:
Lâu quá sao ngài không đến chơi thưa ngài Socrates: Nếu tôi còn đi lại được thì sẽ không phiền ngài đến đây đâu. Nhưng ở tuổi này tôi khó còn có thể vào thành phố, nên mong ngài năng đến Piraues này hơn. Cho phép tôi nói rằng lạc thú xác thịt càng phai mờ thì niềm vui đàm đạo càng tăng lên. Xin đừng từ chối thỉnh cầu của tôi, cứ xem nhà này là nơi nghỉ dưỡng và bầu bạn với đám trẻ; chúng ta là bạn lâu năm, nên ngài nhất định phải ở đây với chúng tôi.
Tôi đáp: còn gì tốt đẹp hơn với tôi, thưa ngài Cephalus, khi được bầu bạn với bậc lão thành; vì tôi xem họ là những người từng trải trên hành trình rồi tôi sẽ phải qua, và là những người tôi phải xin lời khuyên, dù con đường ấy chông gai hay êm ái. Tôi muốn hỏi ngài, là người đã đến độ tuổi ‘thất thập cổ lại hi’ như các thi sĩ thường nói, rằng đời càng về già càng khổ phải không, hay ngài có ý gì khác?
Thưa ngài Socrates, ông cụ nói, xin cho tôi phát biểu cảm tưởng của mình. Người già thì họp lại với nhau; ngưu tầm ngưu như các cụ vẫn nói; và khi hội họp thì câu chuyện quen thuộc là – tôi không ăn được, không uống được; lạc thú tuổi trẻ và tình yêu đã bay xa: thanh xuân giờ đã mất, đời còn gì đáng sống. Một số thì than phiền về những sự khinh rẻ họ phải chịu nơi những người thân thuộc, mà tuổi già chính là lý do. Nhưng với tôi thưa ngài Socrates, những kẻ than thở ấy đang đổ lỗi sai chỗ. Vì nếu tuổi già là lý do thì một người già như tôi, còn già hơn cả họ, cũng phải cảm thấy giống họ chứ. Nhưng tôi không thế, và một số người khác tôi quen biết cũng không như thế. Tôi vẫn nhớ nhà thơ già Sophocles, khi được hỏi, ‘Ở tuổi này ngài còn hưởng được thú mây mưa chứ, ngài vẫn như thời tráng niên chăng? Xin yên lặng cho, ông ấy đáp; vui sướng làm sao vì tôi đã dứt được điều mà các vị đang nói tới; tôi cảm thấy như mình đã thoát khỏi một đầu mối điên rồ và cuồng loạn. Những từ ngữ ấy của ông ta vẫn vang vọng trong đầu tôi từ ấy, và đến giờ tôi vẫn tâm niệm chúng. Vì rõ ràng tuổi già sẽ mang lại sự bình tâm và tự do; khi buông bỏ đam mê, Sophocles nói, chúng ta thoát khỏi sự kìm kẹp của không chỉ một, mà là nhiều đầu mối điên loạn. Sự thật là thưa ngài Socrates, những nuối tiếc ấy, và cả những than phiền về con cháu, là do cùng một nguyên nhân, không phải tuổi già, mà là tính nết và tâm tư con người ta; vì ai có bản chất ôn hòa và lạc quan thì sẽ chẳng thấy tuổi già nặng nề, còn ngược lại thì dù trẻ hay già cũng là gánh nặng như nhau.
Tôi mải mê nghe, và muốn gợi cho cụ nói tiếp – Vâng thư ngài Cephalus, tôi nói: nhưng tôi hồ nghi rằng những điều ngài vừa nói liệu có thuyết phục không; người ta cho rằng tuổi già ít ngự trị trên ngài, không phải vì tính tình lạc quan của ngài, nhưng vì ngài giàu, và của cải nổi tiếng là công cụ tuyệt vời mang lại thoải mái.
Ngài đúng, cụ đáp; không thuyết phục được họ: và họ còn nói này nói nọ; nhưng không như họ tưởng đâu. Tôi có thể trả lời họ như Themistocles đã trả lời người Seriphi nhục mạ ông rằng ông nổi tiếng không phải vì tài năng đích thực nhưng là người Athen: ‘Nếu các bạn là dân bản xứ ở nước tôi, hay tôi ở nước các bạn, thì không ai trong chúng ta sẽ nổi tiếng.’ Và với những kẻ không giàu và thiếu kiên nhẫn với tuổi già thì tôi cũng sẽ đáp y như vậy; vì với kẻ nghèo tốt thì tuổi già không thể là một gánh nhẹ được, cũng như với kẻ giàu xấu sẽ không bao giờ có sự thanh thản.
Thưa ngài Cephalus xin cho tôi hỏi, sự thịnh vượng của ngài chủ yếu là do thừa kế hay ngài tự làm ra?
Tự làm ra! Thưa ngài Socrates; ngài muốn biết tôi kiếm được bao nhiêu không? Về nghệ thuật kiếm tiền thì tôi nằm ở giữa ông nội và cha tôi: ông nội, trùng tên với tôi, kiếm được gấp đôi và gấp ba giá trị ông ấy thừa kế, mà phần lớn những gì ông thừa kế giờ tôi đang sở hữu; nhưng cha tôi, Lysanias, thì lại làm mất mát tài sản xuống dưới mức hiện tại: và tôi sẽ vui lòng nếu để lại cho con cái tôi nhiều hơn một chút so với những gì tôi đã nhận được.Vì vậy mà tôi mới hỏi ngài câu đó, tôi đáp, vì tôi thấy ngài dửng dưng với tiền bạc, là điều chỉ thường thấy ở những kẻ thừa kế chứ không phải những người làm ra chúng; người tạo ra của cải thì bên cạnh việc yêu của cải vì nó hữu dụng cho họ cũng như cho mọi người ra thì họ còn yêu của cải như chính bản thân mình vậy, cũng như những nhà thơ yêu tác phẩm của mình hoặc như cha mẹ yêu con cái của họ. Và như thế họ là những người bạn xấu, vì họ lúc nào cũng chỉ biết tán dương sự giàu có của mình thôi.
Đúng vậy, ông ta nói.
Vâng, đúng là vậy, nhưng xin cho tôi hỏi thêm một câu nữa – Ngài nghĩ đâu là phúc lành lớn lao nhất mà ngài nhận được từ sự giàu có của mình?”
Có điều này, ông cụ nói, tôi nghĩ không dễ thuyết phục được người khác, nhưng cũng xin thưa với ngài rằng, thưa ngài Socrate, khi một người nghĩ mình sắp chết thì những nỗi sợ hãi và lo âu trước không hề có bắt đầu xâm chiếm đầu óc anh ta; những câu chuyện về cõi âm và hình phạt thích đáng cho những hành động ở đời này trước anh ta chỉ xem như chuyện cười nhưng giờ lại sợ chúng có thật: phần có thể vì sự yếu đuối của tuổi già, phần vì giờ đây đang đến gần cõi chết nên anh ta thấy những chuyện đó hiển hiện rõ ràng hơn; những sự ngờ vực và đe dọa chất chồng khiến anh ta bắt đầu hồi tưởng lại những sai trái đã làm cho người khác. Và khi nhận thấy tội lỗi mình thật lớn lao anh sẽ giật thót mình lên như đứa trẻ tỉnh giấc ngủ vì sợ hãi, và trong anh ngập tràn những tiên đoán đen tối. Nhưng với người nhận thức rõ mình vô tội, thì niềm hi vọng ngọt ngào, như Pindar từng nói một cách duyên dáng, sẽ là vú nuôi hiền lành của tuổi già.
“Niềm hi vọng”, cụ nói, “ôm ấp lấy linh hồn của kẻ công bằng và thánh thiện, và là vú nuôi của tuổi già, là bạn đồng hành trên hành trình của người đó; – Niềm hi vọng là kẻ dũng mãnh nhất thống trị linh hồn mệt mỏi của con người.”
Những lời ấy thật đáng ngưỡng mộ! Và phúc lành lớn lao của sự giàu có, không phải với tất cả nhưng chỉ với người tốt, và trong trường hợp người đó không lừa dối và chiếm đoạt của ai, đến một cách vừa hữu ý và vừa vô tình. Và khi đến thế giới bên kia người đó sẽ không phải e sợ trước sự phán xét của thần linh hoặc trước những ân oán ngài nợ người khác. Bấy giờ sự giàu có của cải góp phần lớn lao vào sự thanh thản đầu óc; và vì thế tôi muốn nói rằng nếu như đem so sánh với nhau thì theo ý tôi đấy chính là điều to lớn nhất trong số những lợi ích mà giàu sang mang lại.
Nói hay lắm thưa ngài Cephalus, tôi đáp; nhưng nếu nói vậy thì, công bằng nghĩa là gì? – có phải là nói đúng sự thật và trả những món nợ đúng không? Không có ngoại lệ nào cả? Giả như một người bạn trong lúc tỉnh táo có gửi vũ khí cho tôi giữ rồi đòi lại trong tình trạng đầu óc không tỉnh táo, liệu tôi có nên trả cho anh không? Có lẽ ai cũng sẽ cho rằng tôi không nên, hoặc nếu tôi làm thế thì sẽ là sai lầm, có lẽ họ sẽ còn bảo tôi phải nói cho ông bạn đó biết rõ sự thật về tình trạng của anh ta.
Ngài hoàn toàn đúng, ông ấy đáp.
Nếu vậy thì, tôi nói, nói đúng sự thật và trả những món nợ không phải là định nghĩa chính xác của công bằng rồi.
Hoàn toàn chính xác ngài Socrate ạ, dù là Simonides cũng phải tin thôi, Polemarchus ngắt lời.
Tôi e rằng, Cephalus nói, tôi phải đi thôi, để còn trông nom lễ tế nữa, và tôi nhường cuộc tranh luận này lại cho Polemarchus cùng các bạn nó.
Vậy Polemarchus sẽ tiếp lời ngài đúng không? Tôi hỏi.
Nhất định rồi, ông trả lời, rồi vừa cười vừa đi đến chỗ làm lễ tế.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *