Tito, cán bộ an ninh Xô Viết? 

Trong cuốn hồi ký được xuất bản của Đại tá Aleksandr Matunovich, nguyên bác sĩ riêng của Nguyên soái Tito, đã hé lộ những thông tin cho phép đặt giả thuyết: Có thể ông Tito như mọi người đã thấy chỉ là một cán bộ an ninh Xôviết được đưa vào để thực hiện những nhiệm vụ chính trị nào đó?. Theo báo Nga Tuyệt mật số 4/2009, giả thuyết trên đã xuất hiện từ trước. Một nhân vật ở tầm cỡ như Nguyên soái Tito, cũng như nhiều đồng nghiệp của ông ở thế kỷ XX, đã bị bao bọc bởi rất nhiều huyền thoại. Trong không ít trường hợp, đó là kết quả của một chính sách tuyên truyền được định hướng nhất quán. Thường thì đấy là sự kết hợp của những nửa sự thật hay những sương mù được thổi lên một cách cố ý.

Trong trường hợp với Tito, ngay cả ngày sinh của ông cũng không được xác định rõ ràng. Các nhà nghiên cứu lịch sử trên bán đảo Balkan có tới 10 giả thuyết về ngày này. Còn ngày sinh chính thức của Tito (25/5), cho tới hôm nay vẫn được không ít người nhớ tới và kỷ niệm ở vùng lãnh thổ thuộc LB Nam Tư cũ, có lẽ chỉ là một ngày được đặt ra một cách không chắc chắn. Ngay lúc Tito còn sống, khi tìm ra được chứng cứ về việc ông sinh ra vào ngày 7/5/1892, chính quyền vẫn quyết định không thay đổi ngày sinh chính thức. Nói cho cùng, có gì khác nhau đâu khi dân chúng đã quen coi ngày 25/5 là sinh nhật của Nguyên soái Tito. Chính Tito trong bản tự khai cá nhân tháng 5/1935 ở Moskva khi vào làm giảng viên Trường đào tạo của Quốc tế Cộng sản đã đích thân ghi năm sinh của mình là năm 1893. Tuy nhiên, sau chiến tranh thế giới thứ hai, khi ông lên nắm quyền ở Nam Tư, ông luôn luôn khẳng định rằng, ông sinh ra vào năm 1892. Vì sao lại có sự thay đổi này? Không một ai có thể đưa ra câu trả lời rành rẽ.

Năm 1991, khi bản tự khai trên của Tito được giải mật ở Moskva, bình luận viên chính trị nổi tiếng của Nam Tư là ông Pero Simich đã phát hiện ra thêm những sự sai lệch khác trong đó so với tiểu sử chính thức được truyền tụng ở Belgrad. Thí dụ, tên thân phụ của ông ở đó được ghi là Franz, một cái tên Đức, trong khi về sau, ông luôn khẳng định rằng tên của cha ông là Franjo, một cái tên thuần tuý Croatia. Cũng trong bản tự khai đó, trong mục “quân hàm” có ghi: “Hạ sĩ quan bộ binh” – nhưng đó lại là nét chữ khác bình thường.

Ông Tito trước chiến tranh thế giới thứ hai luôn là một nhân vật được cơ quan an ninh Xôviết lúc đó là NKVD tin cậy. Trong các trao đổi thư từ với các cơ quan an ninh Xôviết, ông đã luôn sử dụng mật danh là Frederich Franzevich (lại là Franz!) Walter – cũng với mật danh này, ông đã tiếp cận với Moskva cho tới những năm 1947-1948. Trong giai đoạn đó, ông thường xuyên trao đổi thông tin với các cơ quan an ninh Xôviết về các đồng chí của mình trong đảng Cộng sản Nam Tư (cũ), đưa ra những đánh giá về họ, cung cấp những tư liệu phân tích về các hoạt động của họ… Chính Moskva đã hỗ trợ cho ông Tito lên làm lãnh đạo đảng Cộng sản Nam Tư năm 1940, dẫu rằng sau này, ông đã luôn khẳng định rằng, ông lãnh đạo đảng Cộng sản Nam Tư từ năm 1932 (?)

Trong bản tiểu sử chính thức của Iosip Broz, về sau lấy thêm đảng hiệu Tito, có ghi là, ông sinh năm 1892 tại bản nhỏ Kumrovec trong một gia đình đông con, cha là người Croatia, mẹ là người Slovenia. Năm 1913, bị gọi vào quân đội đế chế Áo-Hungarie. Năm 1915, anh lính trẻ Iosip Broz đã bị thương và bị quân đội Sa Hoàng bắt làm tù binh. Sau khi trốn được khỏi trại tù binh Sa Hoàng, Iosip Broz đã lần tới được Saint Peterburg và đã đứng về phía những người Bolshevich trong cuộc cách mạng tháng Hai năm 1917. Cũng vì đã ủng hộ những người Bolshevich nên Iosip Broz đã bị cảnh sát Sa Hoàng bắt và đưa đi đày ở Siberi. Tuy nhiên, lần này, ông cũng đã trốn thoát được. Và năm 1920, ông quay trở về được quê hương, mảnh đất về sau được gọi là vương quốc của những người Serbia, Croatia và Slovenia. Năm 1928, vì những hoạt động cách mạng ở vương quốc này mà Iosip Broz đã bị kết án tù 5 năm – ông đã ở trong nhà giam trọn vẹn án tù này. Năm 1935, vị lãnh tụ tương lai của Liên bang Nam Tư (cũ) đã lại sang nước Nga, làm việc tại Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, tham gia đào tạo cán bộ cho các đảng anh em… Nơi làm việc cụ thể của ông chính là bộ phận tối mật của Quốc tế Cộng sản, chuyên về đào tạo các cán bộ hoạt động ở hải ngoại. Có những nguồn tin khẳng định rằng, Iosip Broz từng tham gia các khoá huấn luyện tại các trường an ninh Xôviết. Trong bản tiểu sử chính thức khai năm 1938 của Iosip Broz, những việc này đã không được ghi lại.

Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Iosip Broz Tito đã xây dựng được trên lãnh thổ Nam Tư (cũ) một đội quân du kích chống PX đông tới 300 nghìn thành viên, hùng hậu nhất châu Âu lúc đó, chiến đấu rất có hiệu quả chống lại cả các đơn vị lính Đức cũng như những lực lượng dân tộc chủ nghĩa thân PX, chủ yếu là của người Croatia. Nam Tư khi đó lâm vào nội chiến phe phái do những mâu thuẫn sắc tộc bị bên ngoài kích động. Lực lượng ngoại bang chiếm đóng là quân Đức và Italia cũng tìm mọi cách chia rẽ các tộc người ở Nam Tư để dễ bề “đục nước béo cò”. Tito, lúc này đã là một nhân vật cánh tả tương đối nổi trên chính trường liên bang, đã lựa chọn phương án hành động thoạt nhìn tưởng nông nổi nhưng thực ra lại là duy nhất đúng: không dựa vào ngoại viện (vì suy cho cùng, chẳng có sự ủng hộ nào của nước ngoài lại không đi kèm theo những điều kiện bó buộc nào đấy) mà tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng trên cơ sở lòng căm thù chung đối với quân xâm lược ngoại bang để tạo dựng chỗ đứng riêng giữa cảnh năm bè bảy bối của các lực lượng sắc tộc khác nhau. Ông chủ trương không phân biệt sắc tộc mà gắn kết đội ngũ của mình trên cơ sở tinh thần chống chủ nghĩa PX và lòng ái quốc. Với bản tính quyết đoán và bộ óc gần như là bằng thép, Tito chỉ trong một thời gian ngắn, tới cuối năm 1942, đã biến nhóm du kích nhỏ bé của mình lớn mạnh thành cả một Mặt trận chống PX giải phóng Nam Tư, mầm mống của một chính phủ tương lai. Lực lượng chiếm đóng đã bị các nhóm quân của Tito giáng cho những đòn nặng nề. Tuy nhiên, cho tới lúc này, Tito vẫn không nhận được sự ủng hộ từ phía Moskva, điều khiến ông cảm thấy rất áy náy. Nhưng kẻ thù và những đồng chí đang sát cánh chiến đấu bên ông thì luôn đánh giá ông cao. Quân Đức vừa coi ông như một mối đe dọa lớn, vừa kinh hãi ông, đến mức Himm.ler phải thốt lên: “Ông ta là kẻ thù nhưng tôi ước giá như nước Đức có được vài ba vị chỉ huy như Tito”. Còn đồng đội của ông thì tới năm 1943 đã họp lại và phong cho ông danh hiệu nguyên soái. Tito rất vui mừng vì vinh dự này. Cuối cùng thì các nước Đồng minh cũng nhận ra được lực lượng nào đang đóng vai trò chủ đạo trong cuộc chiến đấu ở Nam Tư.

Tito thấm thía chân lý giản đơn mà vĩ đại: muốn nên nghiệp lớn thì trước hết hãy chỉ trông cậy vào chính bản thân mình. Chính vì thế nên khi trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nam Tư và sang Moskva làm việc ở Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản, Tito vẫn khéo léo giữ cho các đồng chí của mình sự độc lập tỉnh táo, phù hợp với lợi ích dân tộc và kiên quyết không chịu làm “thiên lôi chỉ đâu đánh đấy”. Có thể đánh giá khác nhau về vai trò của Tito trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng không thể phủ nhận lòng dũng cảm và khả năng tổ chức “biến không thành có” của ông. Tito là vị tổng tư lệnh duy nhất thời đó bắt đầu cuộc chiến đấu mà chưa có quân đội thường trực. Ông cũng là vị tư lệnh duy nhất bị thương trong chiến sự.

Bước vào thời bình, khi cần xây dựng lại đất nước, Tito vẫn quen phong thái ứng xử cũ và vẫn tin rằng ông sẽ lại làm nên những kỳ tích mới bất chấp thái độ của các quốc gia bên ngoài đối với ông như thế nào. Quan hệ của Nam Tư với phương Tây nhanh chóng trở nên căng thẳng, phần thì do những tư tưởng tả khuynh mà chính phủ Tito tuyên xưng, phần do các yêu sách về lãnh thổ đối với Italia. Chính sách độc lập của Tito (chỉ làm những gì mà ông thấy là phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế ở Nam Tư chứ không theo những toa thuốc chung do bất cứ một cường quốc nào lập ra) cũng khiến ông không được lòng một số nhà lãnh đạo ở Moskva. Mặc dù rất biết ơn Hồng quân Xôviết đã góp phần to lớn vào việc giải phóng Nam Tư, Tito vẫn không chấp nhận cách hành xử của Moskva gió chiều nào thì che chiều ấy như đại đa số các nhà lãnh đạo Đông Âu lúc đó. Ông cũng tuyên bố rằng không có gì quý hơn độc lập tự do. Tito kiên quyết chống lại chủ trương của Stalin muốn Nam Tư hợp nhất với Bulgaria thành một liên bang. Cách xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Nam Tư cũng có nhiều nét riêng để phù hợp với đặc thù xã hội của mình và có lẽ cũng chính vì thế nên thời đó, kinh tế Nam Tư tương đối khởi sắc hơn so với các quốc gia Đông Âu khác và so với chính Liên Xô. Chính nhờ những thành tích đó, mặc nhiên ông Tito trở thành vị thủ lĩnh tối cao của đất nước Nam Tư, Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang, rồi Tổng thống suốt đời. Và muốn nói gì thì thực tế cũng cho thấy, thời gian cầm quyền của Nguyên soái Tito có thể được coi là giai đoạn vàng trong lịch sử LB Nam Tư (cũ).

Rất đáng tiếc là khi đã đưa đất nước mình tới bờ bến mới một cách khả quan, Tito lại bị mắc “bệnh ngôi sao”. Ông trở thành viện sĩ của mọi viện hàn lâm khoa học và nghệ thuật Nam Tư, tiến sĩ khoa học danh dự của đủ mọi trường đại học tổng hợp, nhận đủ mọi huân chương quốc gia cao quý nhất, ba lần nhận danh hiệu Anh hùng Liên bang Nam Tư… Ông không chú ý đào tạo các hạt nhân lãnh đạo mới và bộ máy lãnh đạo mang nặng tính nhân trị do ông lập ra chỉ có thể hoạt động tốt khi ông ngồi ở ghế chủ xị. Quá tự tin vào tài năng lãnh đạo “siêu phàm” của mình, lại tập trung quanh mình những cận thần có những chiêu xu nịnh siêu hạng nhất, dần dà Tito đánh mất khả năng cảm nhận thực tế một cách khách quan. Chính sách dân tộc không được thực hiện một cách triệt để nên những mâu thuẫn sắc tộc cứ tồn tại âm ỉ và suốt một thời gian dài không bùng nổ dữ dội chỉ nhờ chính cái uy của Nguyên soái Tito chứ không phải vì mọi sự đã hợp lý trong lòng xã hội Nam Tư.

Tháng 5/1974, Tito còn lấy chức Tổng thống với quyền năng không hạn chế, rồi trở thành Chủ tịch Đảng Cộng sản Nam Tư vĩnh viễn. Xem ra, vinh hoa như thế cũng là tột đỉnh. Nhưng vòng nguyệt quế như thế thực ra lại càng làm che mắt nhà chính trị đang về già trước những hiểm họa đang đe dọa đất nước ông. Tito đã không chuẩn bị cho những người kế tục mình sẵn sàng đối phó với các tình huống xấu, vì như một số vị vua quá tự tin thời Trung cổ, tới cuối đời ông cứ tin rằng ông làm gì cũng tốt đẹp và lâu bền. Thậm chí, cho tới lúc hấp hối (tháng 5/1980), ông còn nói đi nói lại câu: “Các bạn ạ, ở Balkan chúng ta không hề có nguy cơ xung đột gần nào cả”. Là một người anh minh nhưng ông đã nhầm quá lớn, chẳng bao lâu sau ở Nam Tư đã bùng nổ những vụ đụng độ sắc tộc khủng khiếp dẫn tới tan vỡ cơ chế Liên bang và cho tới hôm nay, nguy cơ tái bùng nổ chiến tranh trên bán đảo Balkan vẫn còn chưa bị loại bỏ.

Bản tiểu sử chính thức của ông cho tới khi ông mất vẫn luôn luôn còn nhiều chỗ trống mà không ai biết một cách tường tận là đã có những chuyện gì xảy ra trong những giai đoạn đó. Và đây có lẽ là lý do chính dẫn tới những giả thuyết khác nhau về các đoạn đường đời của ông. Bác sĩ Aleksandr Matunovich, tác giả của cuốn hồi ký, không phải là một người thích tìm vinh quang cá nhân bằng những sự kiện giật gân. Đại tá Matunovich, chuyên gia tim mạch từng chữa bệnh cho Nguyên soái Tito, là một nhà khoa học thành đạt, từng cứu hàng trăm, thậm chí hàng nghìn mạng người. Ông nhiều năm lãnh đạo bệnh viện phẫu thuật thuộc Học viện Quân y Nam Tư ở Belgrad. Năm 1975, Nguyên soái Tito đã thay đổi toàn bộ đội ngũ cán bộ y tế chuyên chăm lo sức khỏe cho ông và theo lời khuyên của những người bạn chiến đấu, đã chọn Đại tá Matunovich làm bác sĩ riêng cho mình. Lần gặp gỡ trực tiếp đầu tiên với ông Tito đã tạo nên một cảm giác không mấy dễ chịu đối với đại tá. Thay vì hình ảnh một nhà lãnh đạo trẻ trung và năng động hơn tuổi thực nhiều, vẫn được quen nhìn trên màn ảnh nhỏ, đại tá đã phải giáp mặt một cụ già đau yếu, mệt mỏi, nghe các lời khuyên của thầy thuốc một cách đầy nghi hoặc. Dần dà, đại tá bác sĩ đã tìm hiểu được kỹ càng hơn tâm lý và những đặc điểm tính cách của Nguyên soái Tito và đã đưa ra được cách lý giải riêng của mình về con đường đã đưa một chàng thanh niên Croatia học vấn không mấy sâu rộng trở thành một vị thủ lĩnh cứng cựa không chỉ ở Nam Tư mà cả trong một số tổ chức quốc tế. Ông Matunovich viết: “Để có thể vươn cao được như thế trước những người khác và trở thành huyền thoại ngay khi còn sống chỉ có thể là một con người có thiên bẩm làm lãnh tụ và có một tri thức tuyệt vời, một trí tuệ phi thường và những hiểu biết sâu sắc về tâm lý của những người khác, của các tầng lớp quần chúng”. Thế nhưng, theo tiểu sử chính thức, Nguyên soái Tito là người con thứ bảy trong một gia đình nông dân nghèo, mới qua hai lớp phổ thông cơ sở, chưa từng tốt nghiệp một trường đại học nào và thời trẻ, chỉ học được một nghề duy nhất là nghề thợ nguội.

Phân tích những cuộc trò chuyện thâu khuya với Nguyên soái Tito và so sánh chúng với các tư liệu trong bản tiểu sử chính thức của nhà lãnh đạo Nam Tư, theo Đại tá Matunovich, con người thật của ông Tito hoàn toàn khác với con người đã được ghi nhận trong đó. Ông Tito thực chất là người rất hiểu biết lịch sử thế giới, có khả năng trích dẫn cực kỳ chuẩn xác những danh ngôn từ Goethe, Schiller, Puskin, Lermontov, Shakespeare và Byron. Những gì Nguyên soái Tito bộc lộ trong kiến văn cho phép khẳng định, kiểu gì thì ông cũng phải có kiến thức đại học trọn vẹn. Trong khi đó, ông lại hay bị nhầm lẫn trong những sự kiện rất nổi tiếng về lịch sử Croatia hay trong văn học truyền thống của các dân tộc trong LB Nam Tư cũ. Là một người biết tới 10 ngoại ngữ, trong đó có những thứ tiếng hiếm hoi như tiếng Kirgizia, Nguyên soái Tito cho tới cuối đời vẫn nói ngọng tiếng mẹ đẻ Serbia-Croatia (?). Đôi khi ông không tìm được từ để diễn đạt ý mình và phải hỏi người đối thoại, cái đó tiếng mình gọi là gì nhỉ?!

Theo những người gần gũi với Nguyên soái Tito, cho tới cuối đời, trong giọng nói của ông vẫn còn chút âm sắc ngoại lai nào đó. Đại tá Matunovich cho rằng, với phong cách của mình, Nguyên soái Tito phải được giáo dục trong một gia đình quý tộc từ nhỏ. Bởi lẽ, ông là một người có phong cách ứng xử rất trang trọng, quyền quý, biết cách ăn mặc đẹp, hiểu biết sâu sắc âm nhạc cổ điển, các loại rượu vang và thuốc xì gà thượng hạng, biết nghỉ ngơi một cách vương giả… Nguyên soái Tito luôn hồi tưởng lại mẹ mình với một sự dịu dàng và xúc động lạ thường. Hơn thế nữa, những hình ảnh về người mẹ còn lại trong ký ức của ông hoàn toàn xa lạ với hình ảnh một người mẹ nông dân. Sau này Đại tá Matunovich còn được biết thêm rằng, khi chiến tranh kết thúc, Nguyên soái Tito đã trở về quê hương một lần nhưng những người thân thích ở đó đã không nhận ra ông và bảo, đó không phải là Iosip Broz của họ. Kể từ đó, ông luôn lảng tránh những ai từng biết ông khi còn trẻ…

Bình luận viên chính trị Pero Simich, người đầu tiên được đọc tập hồ sơ đã giải mật về Nguyên soái Tito, đã đưa ra thêm một số chi tiết nữa: người con nông dân Croatia này chơi dương cầm cực kỳ điệu nghệ và cưỡi ngựa cũng rất “siêu”, luôn luôn mang găng tay lụa… Đại tá Matunovich đưa ra giả thuyết, có thể Nguyên soái Tito như chúng ta đã quen nhìn sau này không phải là Iosip Broz trong bản tiểu sử chính thức mà là một con người khác với xuất thân thực khác. Cho tới hôm nay, chưa có thêm những nguồn tin chính thức khẳng định giả thuyết này, nhưng cũng chưa có thông tin chính thức bác bỏ giả thuyết này. Và vì vậy, chúng ta hãy coi đây là một tư liệu để tham khảo.

Link:

https://antgct.cand.com.vn/So-tay/Co-Tong-thong-Nam-Tu-Nguyen-soai-Tito-Can-bo-an-ninh-Xo-Viet-i312487/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *