[TAM QUỐC: NHÀ HÁN SUY VONG NHƯ THẾ NÀO (P.5)]

Dịch từ: Serious Trivia

#Tamquốc #ĐôngHán

Trong các phần trước đây, chúng ta chỉ nói đến những sự kiện vào cuối triều Đông Hán theo trình tự thời gian để hiểu được bối cảnh. Tuy nhiên, càng về sau, sẽ có nhiều bài viết đi sâu vào từng chủ để hơn, giống bài này, điều này có thể sẽ gây rối một chút cho người đọc vì các mốc thời gian chồng chéo nhau. Nhưng là điều cần thiết bởi hai cuộc khởi nghĩa lớn vào thời này là Khởi nghĩa Khăn Vàng và Khởi nghĩa Lương Châu diễn ra cùng lúc, nhưng lại có nguyên nhân hoàn toàn khác nhau, do đó không thể chỉ liệt kê từng sự kiện diễn ra năm 184 được, mà phải tách ra làm nhiều phần.

Trong phần này, chúng ta sẽ đi sâu vào quan chế, hệ thống chính trị, mức lương của các chức quan đứng đầu nhà Đông Hán, và sự mua quan bán chức dưới quyền của Hán Linh Đế Lưu Hoành.

Đầu tiên, nhà Hán vẫn giữ nguyên hệ thống chính trị “Tam công Cửu khanh” (三公九卿) từ thời nhà Tần. Tam công Cửu khanh có thể chia làm hai phần, phần thứ nhất là “Tam công” (三公), tức ba cấp quan cao cấp nhất ở trong triều đình, chỉ dưới quyền duy nhất là Hoàng đế. Có thể mọi người thấy quen thuộc, bởi hai anh em Viên Thiệu và Viên Thuật đến từ một gia tộc quyền thế gọi là “Tứ thế Tam công” (四世三公), hay “Bốn đời Tam công,” nghĩa là 4 đời trước của nhà họ Viên đều có ít nhất 1 thành viên được phong lên chức Tam công, một điều vô cùng ấn tượng. Dưới quyền Tam công là “Cửu khanh” (九卿) tức 9 chức quan nhỏ hơn, để hỗ trợ, giúp đỡ Tam công.

Mặc dù tên của các chức quan trong Tam công Cửu khanh trong 800 năm từ thời nhà Tần cho đến thời nhà Tấn có phần khác nhau, vai trò của nó vẫn gần như không thay đổi.

Vào cuối thời Đông Hán, tên của 3 chức Tam công là “Tư đồ” (司徒), “Tư không” (司空) và “Thái uý” (太尉). Cũng giống như Thủ tướng, Phó Thủ tướng, và Bộ trưởng Bộ quốc phòng, trong đó Tư đồ (Thủ tướng) là chức quan quyền lực nhất, được Tư không (Phó Thủ tướng) hỗ trợ, còn “Thái uý” (Bộ trưởng Bộ quốc phòng) thì chịu trách nhiệm quản lý quân đội. Nhưng ở thời này, các Hoàng đế bắt đầu tập trung quyền lực hơn, khi nhiều quyết định lớn nhỏ trong triều đều phải qua Hoàng đế quyết định, ngoài ra còn tạo ra một chức quan mới tên là “Thái phó” (太傅), cao hơn cả Tam công, chịu trách nhiệm dạy học cho các Thái tử hoặc hỗ trợ Hoàng đế làm việc. Như mọi người có thể thấy, quyền lực của Tam công đã bị suy giảm đi rất nhiều, vào thời Hán Linh Đế, ngay cả Thái uý, tương đương với Bộ trưởng Bộ quốc phòng, cũng phải dưới quyền của “Đại tướng quân” (大將軍), ngang với chức Tổng tham mưu trưởng Quân đội.

Dưới quyền Tam công là 9 chức quan tên Cửu khanh, vào thời này được chia ra làm 3 nhóm, mỗi nhóm sẽ hỗ trợ và được đặt dưới quyền mỗi chức quan trong Tam công. Mục đích của việc này là để làm giảm quyền lực của Tư đồ, chức cao nhất trong Tam công, trước đây Tư đồ thường nắm giữ quyền lực của cả 9 chức quan Cửu khanh dưới trướng.

Nhưng sau này nhà Đông Hán cơ cấu lại hệ thống chính trị, chỉ cho Tư không quản 3 chức Cửu khanh ít quyền lực nhất là “Đại hồng lư” (大鴻臚), “Đình uý” (廷尉) và “Thái bộc” (太僕). Đại hồng lư cũng giống Bộ trưởng Bộ ngoại giao bây giờ, chuyên quản lý chuyện ngoại giao với các nước khác hoặc các bộ lạc trong nước, mới đầu nghe thì có vẻ quan trọng, nhưng thực chất chỉ là công việc phụ, bởi ngoại giao thời đó khá đơn giản do các “quốc gia” láng giềng quanh Trung Quốc bấy giờ cũng chỉ là những bộ tộc như Khương và Hung Nô, không chiến tranh với nhà Hán thì cũng là chư hầu. Đình uý chuyên trông coi việc xử án các trọng tội. Và cuối cùng là Thái bộc, lo việc nuôi, chăm sóc ngựa cho triều đình, khỏi nói cũng biết đây là chức quan ít quyền lực nhất trong Cửu khanh.

Ngược lại, Tư không trước đây là chức quan ít quyền lực nhất trong Tam công, vì chỉ là “Phó thủ tướng” hỗ trợ Tư đồ làm việc, lại được quản 3 chức quan cao nhất trong Cửu khanh là “Thiếu phủ” (少府), “Đại tư nông” (大司農) và “Tông chính” (宗正). Thiếu phủ là chức quan chuyên tính toán việc chi tiêu của Hoàng đế và những người trong cung. Tiếp theo là Đại tư nông, ngang với Bộ trưởng Bộ kinh tế, có thể nói đây là chức quyền lực nhất trong Cửu khanh, bởi không chỉ quản lý nền kinh tế cả nước, mà Đại tư nông còn chịu trách nhiệm cho việc phân phối đất đai và sản phẩm nông nghiệp của cả Trung Hoa. Lý do Bộ kinh tế với Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn được hợp lại làm một là bởi vì tiền lương nhà nước thời đó không chỉ trả bằng tiền mặt mà còn trả bằng gạo, do lương thực cũng là đơn vị tiền tệ thời đó. Cuối cùng là Tông chính, như cái tên đã nói hết, chịu trách nhiệm ghi chép lại cây phả hệ của Hoàng tộc, năm sinh năm mất, bao gồm cả những họ hàng rất, rất xa của Hoàng đế.

Sau cùng là Thái uý, quản 3 chức quan là “Vệ uý” (衛尉), “Quang lộc huân” (光祿勳) và “Thái thường” (太常). Vệ uý đứng đầu đội cận vệ của triều đình, chịu trách nhiệm bảo vệ Hoàng đế. Quang lộc huân chuyên quản lý cấm cung, đứng đầu đội cận vệ trong cung, nghe có vẻ giống với Vệ uý, nhưng khác biệt là Vệ uý quản cận vệ của triều đình, còn Quang lộc huân quản lý đội cận vệ riêng của Hoàng đế. Cuối cùng là Thái thường chuyên phụ việc trông coi những lễ hội truyền thống trong kinh thành.

Dưới quyền của Cửu khanh nữa là hàng trăm các chức quan khác phụ việc quản lý cái đất nước rộng lớn này. Nhưng chúng ta hãy nói đến việc tiếp theo là mức lương của những chức quan này như thế nào. Nói chung, có 6 cấp bật lương bổng khác cho quan chức cuối nhà Hán. Bao gồm “Vạn Đạn” (万石) hay ”10,000 Đạn;” “Trung Nhị Thiên Đạn” (中二千石) hay “Trung 2,000 Đạn;” “Chân Nhị Thiên Đạn” (真二千石) hay “Chân 2,000 Đạn;” “Nhị Thiên Đạn” (二千石) hay “2,000 Đạn;” “Tỉ Nhị Thiên Đạn” (比二千石) hay Tỉ 2,000 Đạn;” sau cùng là từ 100 đến 1000 Đạn.

Nghe thì có vẻ hơi khó hiểu, trước tiên ta phải biết “Đạn” là gì trước đã. Từ “石” ở đây thời nay có nghĩa là “thạch,” tức đá, nhưng khi dùng làm đơn vị đo lường thì phải đọc là “Đạn.” Và 1 “Đạn” tương đương với 10 “Đẩu” (斗) hay Xô. Còn “Đẩu” là một đơn vị đo thể tích gạo bằng với 1 cái xô như hình dưới, khoảng 2 lít khối, tức 1 “Đạn” tương đương với 10 xô gạo như vậy. Như vậy, 1 “Đạn” vị chi khoảng bằng 30 kg gạo. Theo các sử gia thì giá thị trường của 1 “Đạn” thời đó là khoảng 200 ngũ thù (đơn vị tiền tệ thời đó), tuy nhiên giá thị trường cũng sẽ thay đổi vào thuộc từng mùa màng thu hoạch trong năm, nhưng có lẽ con số này cũng đủ sử dụng rồi. Một con số khác đáng lưu ý nữa thu nhập bình quân của tầng lớp trung lưu thời đó là khoảng 10,000 ngũ thù/1 năm, hay khoảng 20 “Đạn” nếu tính theo gạo.

Giờ quay lại với cấp bậc lương bổng của nhà Đông Hán sau khi chúng ta đã biết 1 “Đạn” là gì rồi. Không như cái tên, “Vạn Đạn” không phải là có mức lương 10,000 “Đạn,” mà là 350 “Đạn” mỗi tháng, hay 4,200 “Đạn” mỗi năm, và chỉ có những người thuộc Tam công trở lên mới có mức lương này, tất nhiên, bạn vẫn có thể nhận nhiều lương hơn, tuỳ vào Hoàng đế thích bạn hay không, và tuỳ vào quyền lực của bạn nữa, ví dụ, khi Đổng Trác tiến vào kinh thành Lạc Dương, ông tự phong mình là Tướng quốc, với mức lương “Tứ Vạn Đạn” (四万石) hay gấp 4 lần “Vạn Đạn.” Dưới là mức “Trung Nhị Thiên Đạn,” lãnh 180 “Đạn” mỗi tháng, hay 2,160 “Đạn” mỗi năm, đây là mức lương của Cửu khanh. Dưới nữa là “Chân Nhị Thiên Đạn,” với 150 “Đạn” mỗi tháng, hay 1,800 “Đạn” mỗi năm. Tiếp là “Nhị Thiên Đạn” với 120 “Đạn” mỗi tháng hay 1,440 “Đạn” mỗi năm. Dưới nữa là “Tỉ Nhị Thiên Đạn,” với 100 “Đạn” mỗi tháng, hay 1,200 “Đạn” mỗi năm. Sau nữa là những chức quan nhỏ, trả lương từ 100 đến 1,000 “Đạn” mỗi năm.

Mục đích của bài viết này không phải là để nói về hệ thống chính trị hay mức lương của nhà Hán. Mà là sử dụng những con số này làm bối cảnh để bàn về việc mua quan bán chức của Lưu Hoành, khi mà dưới thời ông, toàn bộ các chức quan trong triều, bao gồm cả Tam công, đều được đem ra bán, bắt đầu từ năm 178. Và Hán Linh Đế Lưu Hoành đã ghi rất rõ luật bán quan chức này như thế nào.

1/ Thứ nhất, là dựa trên mức lương, ví dụ nếu một chức quan có mức lương 400 ngũ thù/1 năm, thì giá của chức quan đó sẽ là 4 triệu ngũ thù, trả bằng tiền mặt, nói cách khác là 10,000 lần mức lương của chức quan đó. Như chúng ta đã biết, 1 “Đạn” có giá thị trường là 200 ngũ thù, như vậy, số tiền dùng để mua các chức quan này gấp 50 lần so với mức lương.

2/ Thứ hai, nếu bạn muốn mua một chức quan ở địa phương, nghĩa là làm việc cách xa Lạc Dương, thì giá bán sẽ tăng gấp đôi, bởi bạn nhiều quyền lực và tự do hơn so với làm việc ở kinh thành, nơi có nhiều quan chức cấp cao hơn.

3/ Thứ ba, nếu bạn đến từ một gia tộc có tiếng, chúc mừng nhé, bạn sẽ được giảm giá 50%.

4/ Thứ tư, nếu bạn không có tiền để mua quan với giá của Hoàng đế, không sao, Lưu Hoành sẽ cho bạn lựa chọn trả góp, bạn có thể nhận chức trước, rồi trả giá gấp đôi trong vòng 2 năm sau.

5/ Thứ năm, nếu bạn đã có sẵn một chức quan rồi và được thăng chức, với mức lương cao hơn, bạn cũng phải trả giá 25% so với mức lương mới.

6/ Thứ sáu, đối với những chức quan nhiều người muốn, mức cầu cao, đích thân Hoàng đế sẽ mở một cuộc bán đấu giá (yup, đấu thầu mua chức) để thu về nhiều tiền nhất có thể. Ví dụ, cha của Tào Tháo là Tào Tung, đã đứng ra mua luôn chức Thái uý, với giá 100 triệu, gần gấp 3 lần giá gốc, chỉ để lấy lòng Hoàng đế, mặc dù chính ông không muốn làm công việc này, và từ chức sau 5 tháng để giúp Hoàng đế bán tiếp chức quan này thu về nhiều tiền hơn.

Và hệ thống mua quan bán chức này mà Lưu Hoành tạo ra, hợp pháp hoá việc tham nhũng trên toàn quốc, khi mà những người làm quan không quan tâm tới việc phục vụ nhân dân nữa, mà chỉ lo bóc lột, tham nhũng để lấy lại được tiền vốn lẫn lời mà mình đã mua từ Hoàng đế. Và tất cả những quan chức công minh, muốn giúp nhân dân sẽ đều bị loại bỏ hết, bởi không ai không tham nhũng mà có thể đủ tiền để chi trả với giá bán quan như vậy được.

Tất nhiên, những người chịu thiệt nặng nề nhất vì chính sách này không phải là những quan chức mất quyền vì không tham nhũng. Mà là những thường dân vô tội, giờ đây bị bóc lột từ mọi phía. Đến mức mà quyết định hy sinh cả tính mạng tham gia Khởi nghĩa Khăn Vàng năm 184 là chính điều tốt nhất họ có thể làm.

Nhưng trước khi nói về Khởi nghĩa Khăn Vàng, chúng ta phải nói về cả Lương Châu và lý do tại sao một cuộc khởi nghĩa khác lại diễn ra vào cùng thời gian nữa. Hẹn gặp các bạn ở phần sau.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *