Khi Nga mở rộng cuộc chiến ở Ukraine vào cuối tháng Hai, nhiều nhà quan sát cho rằng pháo binh Nga sẽ chiếm ưu thế trong cuộc giao tranh.
Tổng cộng, quân đội Nga đã triển khai một trong những kho vũ khí pháo binh lớn nhất thế giới: 4.700 pháo kéo, pháo tự hành và bệ phóng tên lửa.
Và theo học thuyết của Nga, các lực lượng khác – xe tăng, bộ binh – phụ thuộc vào những khẩu pháo lớn. Các lực lượng cơ giới đục thủng hàng phòng ngự của địch, ghìm địch xuống để pháo binh có thể kết liễu chúng.
Nhưng khi quân đội Nga, gồm 125 nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn, tràn vào Ukraine từ ba hướng vào sáng ngày 24 tháng Hai, họ vấp phải sự phản công quyết liệt. Không có gì khốc liệt hơn là hỏa lực từ pháo binh Ukraine.
Cố vấn cấp cao của Tướng Valerii Zaluzhnyi, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, nói với Jack Watling và Nick Reynolds từ Học Viện Các Binh chủng Hoàng gia ở London: “Tên lửa chống tăng đã làm chậm bước quân Nga, nhưng thứ giết họ là pháo binh.
Về lý thuyết, Nga đã phát triển một hệ thống điều khiển hỏa lực tinh vi kết hợp máy nghe lén điện tử, radar và máy bay không người lái xác định mục tiêu cho pháo binh. Hệ thống đó đã phát huy tác dụng tàn phá trong giai đoạn đầu của cuộc chiến ở khu vực Donbas, miền đông Ukraine bắt đầu từ năm 2014.
Nhưng trong giai đoạn hiện tại của cuộc chiến, hệ thống điều khiển hỏa lực của chính Ukraine tỏ ra hiệu quả nhất. Radar, máy bay không người lái hiện đại, lực lượng hoạt động đặc biệt và thậm chí cả dân thường, với điện thoại di động của họ đã giúp pháo binh của quân đội Ukraine không ngừng tấn công đội hình của Nga. Moscow được cho là đã mất hơn 1.700 phương tiện chỉ trong hơn 60 ngày giao tranh.
Và có lẽ mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn đối với người Nga. Các nhà tài trợ nước ngoài đang trong quá trình gửi tới Ukraine không dưới 200 khẩu pháo, bao gồm một số loại pháo tự hành mới nhất của châu Âu.
Những khẩu pháo được tặng sẽ bù vào tổn thất trên chiến trường của pháo binh Ukraine, (tổng cộng mất khoảng 60 khẩu pháo, theo sự xác nhận của các nhà phân tích nước ngoài). Khi cuộc chiến tranh bước sang tháng thứ ba đẫm máu, Ukraine sẽ triển khai pháo binh nhiều – và tốt hơn – so với lúc bắt đầu.
Nếu có một điều cần chú ý, thì đó là Kyiv đang nhận được những khẩu pháo mới từ nhiều xuất xứ. Sự kết hợp một cách máy móc giữa pháo và bệ phóng có thể đặt ra một thách thức về hậu cần.
Ukraine bắt đầu cuộc chiến với 1.800 khẩu pháo được giao cho 25 lữ đoàn thường trực tiền tuyến, 5 lữ đoàn pháo binh độc lập và các đội hình dự bị và lãnh thổ. Hầu hết tất cả các loại pháo và bệ phóng đều là kiểu Liên Xô cũ, bao gồm 300 pháo tự hành 2S1 cỡ 122 mm và 2S3 cỡ 152 mm, một chục pháo tự hành 2S7 cỡ 203 mm trở lên cộng với 500 pháo kéo, 400 bệ phóng tên lửa bánh lốp. và 300 khẩu súng cối hạng nặng.
Đầu cuộc chiến, Ukraine tập trung súng và bệ phóng xung quanh Kyiv. Chúng đã được đưa vào vị trí khi các tiểu đoàn Nga lăn bánh về phía nam từ Nga và Belarus, cố gắng đánh chiếm thành phố thủ đô.
“Khi người Nga di chuyển qua các thị trấn, cư dân địa phương bắt đầu báo cáo về lộ trình của họ, trong khi các lực lượng đặc biệt và UAV của Ukraine đánh dấu các mục tiêu cho pháo binh,” Watling và Reynolds viết.
Các nhà phân tích tiếp tục: “Mặc dù người Nga có pháo hạng nặng hơn, nhưng họ không có một bức tranh rõ ràng về các vị trí phân tán của Ukraine. “Trong khi đó, tắc nghẽn trên các tuyến đường có nghĩa là pháo của Nga thường không với tới các khẩu đội Ukraine, ngay cả khi Ukraine đang ở trong tầm bắn của các vị trí tiền tiêu của Nga.”
Đội quân được tiếp tế thiếu thốn, được chỉ huy kém cỏi của Nga không bao giờ có thể triển khai đầy đủ hệ thống điều khiển hỏa lực pháo binh của mình. Trong một sự cố rất đáng chú ý trên sông Desna gần Chernihiv vào đầu tháng 4, lính biệt kích Ukraine đi trên xuồng cao tốc đã chặn một đoàn xe của Nga và bắt được một trong những phương tiện radar SNAR-10M1 mới nhất.
Ngược lại, hệ thống điều khiển hỏa lực của Ukraine ngày càng phức tạp hơn khi chiến tranh kéo dài. Một tổ chức tình nguyện vận hành máy bay không người lái octocopter tùy chỉnh được trang bị máy dò laser đã bắt đầu phát xạ mục tiêu cho đạn pháo dẫn đường bằng laser Kvitnyk sản xuất tại địa phương, cho phép xạ thủ của Kyiv tiêu diệt chính xác xe bọc thép trong các sân sau và ngõ hẻm.
Quân đội Nga có cơ hội để làm tốt hơn. Sau khi kéo các tiểu đoàn bị đánh phá khỏi vùng ngoại ô Kyiv vào cuối tháng 3, Điện Kremlin đã tăng cường các binh đoàn vũ trang tổng hợp của mình ở Donbas và phía nam Ukraine. Mục tiêu chiến tranh ban đầu của Nga – thay đổi chế độ – là ngoài tầm với. Nhưng Moscow vẫn có thể thành công trong việc mở rộng lãnh thổ mà họ kiểm soát ở Donbas cũng như đảm bảo một cầu nối trên bộ giữa Donbas và Crimea bị chiếm đóng.
Người Nga phải làm như vậy với số lượng pháo ít hơn rất nhiều. Quân đội Nga đã mất không dưới 200 khẩu pháo ở Ukraine cùng với hàng chục phương tiện hỗ trợ. Và họ không thể dễ dàng bù được tất cả những thiệt hại của mình do sự thắt chặt các lệnh trừng phạt của nước ngoài.
Như Watling và Reynolds đã chỉ ra, tên lửa dẫn đường 9M949 của quân đội Nga bao gồm một con quay hồi chuyển sợi quang do Mỹ sản xuất để điều hướng quán tính. Đó là một loại đạn pháo mà người Nga không thể chế tạo thêm.
Mặt khác, người Ukraine được trang bị vũ khí tốt hơn khi viện trợ quân sự nước ngoài bắt đầu đổ về. Hoa Kỳ đang cung cấp 90 pháo kéo 155 mm tương thích với đạn pháo dẫn đường bằng laser Excalibur. Ba Lan và Cộng hòa Séc cùng gửi ít nhất 20 chiếc 2S1.
Có lẽ ấn tượng nhất là Hà Lan đang tài trợ tám khẩu pháo tự hành loại bánh xích 155 mm PzH 2000 – và Pháp đang cung cấp hàng chục pháo tự hành bánh lốp Cesar có cùng cỡ nòng. Đó là một số loại pháo hiện đại nhất trên thế giới.
Việc kết hợp các loại pháo rất khó sử dụng, vì mỗi loại khác nhau cần có phụ tùng và hỗ trợ chuyên dụng khác nhau. Nhưng hầu hết các loại súng mới của nước ngoài đều sử dụng cùng loại đạn 155 ly tiêu chuẩn NATO, loại đạn mà bất kỳ quốc gia nào cũng có thể cung cấp với số lượng lớn.
Quan trọng hơn, hệ thống điều khiển hỏa lực của Ukraine rất mạnh, trong khi của Nga lại mỏng manh. Như cuộc chiến ở Ukraine chứng minh hàng ngày, bạn có bao nhiêu pháo không quan trọng nếu bạn không biết chỉa chúng vào đâu.
David Axe
Forbes Staff
Apr 27, 2022