Không có quy tắc chung về cách một quốc gia xác định quốc tịch của một đứa trẻ. Một số quốc gia như Việt Nam theo luật chung huyết thống, nghĩa là quốc tịch của đứa trẻ sẽ được xác định theo quốc tịch của cha mẹ. Một vài quốc gia khác lại theo nguyên tắc nơi sinh, tức là quốc tịch được cấp theo lãnh thổ của quốc gia em bé chào đời, bất kể cha mẹ mang quốc tịch nào. Các quốc gia theo nguyên tắc nơi sinh chủ yếu ở châu Mỹ, bao gồm Mỹ và Canada. Và với sự phát triển của ngành hàng không, những luật lệ này cũng xét đến không phận.
Nếu một đứa trẻ được sinh ra trên không phận Mỹ, theo nguyên tắc nơi sinh thì đứa trẻ đó sẽ được cấp quốc tịch Mỹ. Tùy thuộc vào hoàn cảnh, đứa trẻ cũng có thể được cấp hai quốc tịch nếu cha mẹ bé đến từ một quốc gia cấp quốc tịch dựa trên huyết thống – tuy nhiên điều này phụ thuộc vào các quốc gia có liên quan.
Tuy vậy, nguyên tắc nơi sinh không áp dụng trên một đất nước cấp quốc tịch theo huyết thống. Một người mẹ Mỹ không thể nhập quốc tịch Pháp cho con của mình chỉ vì cô ấy sinh con trên không phận của Pháp. Đứa trẻ sẽ mang quốc tịch Mỹ theo cha mẹ, vì Mỹ tuân theo luật huyết thống khi một đứa trẻ được sinh ra ở nước ngoài. Luật huyết thống là quy tắc phổ biến hơn trên toàn cầu, nên hầu hết những đứa trẻ sinh ra trên một chuyến bay trên vùng biển quốc tế hoặc vùng trời nước ngoài sẽ có quốc tịch theo cha mẹ.
Trong trường hợp người mẹ không có quốc tịch chính thức và đứa trẻ được sinh ra trên không phận quốc tế, con của cô ấy có thể sẽ có quốc tịch của bất kỳ quốc gia nào mà máy bay đó đã đăng ký, theo Công ước của Liên hợp quốc về giảm thiểu tình trạng vô quốc tịch.
(Theo: Mental Floss/ VnExpress)