Những năm tháng huy hoàng: Câu chuyện về cán bộ kỳ cựu của Đài Phát thanh Trung ương Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Mỹ

Đây là “bằng khen” được viết bằng tiếng Việt với những nếp gấp ố vàng và một tấm huy chương quân đội chói lóa. Những bằng khen và huy chương do chính phủ Việt Nam trao tặng cho những người lính Trung Quốc viện trợ Việt Nam, dường như đang kể về những năm tháng cháy hết mình trong giai đoạn viện trợ Việt Nam trong cuộc chiến chống Mỹ. Người được trao bằng khen là ông Dương Cảnh Khoa, cán bộ về hưu thuộc Phòng Kỹ thuật của Đài Phát thanh – Truyền hình Trung ương Trung Quốc và người được trao huy chương là ông Trương Á Quang, cán bộ về hưu của Cục Khai thác Quặng Long Khẩu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Năm 1966 và 1967, ông Dương Cảnh Khoa tốt nghiệp Học viện Radar Không quân Trung Quốc, đã hai lần sang Việt Nam tác chiến theo lời kêu gọi của Chủ tịch Mao Trạch Đông đến giúp đỡ nhân dân Việt Nam đẩy lùi cuộc tấn công của quân đội Mỹ.
Từ tháng 6 năm 1965 đến tháng 8 năm 1973, Trung Quốc đã điều động tổng cộng hơn 320.000 binh sĩ thuộc các quân chủng phòng không, công binh, đường sắt, rà phá bom mìn và hậu cần, v.v. để thực hiện các nhiệm vụ phòng không, xây dựng, rà phá bom mìn và đảm bảo hậu cần ở miền Bắc Việt Nam. Ông Dương Cảnh Khoa và Trương Á Quang đều thuộc lực lượng phòng không. Kể từ tháng 8 năm 1965, các bộ đội pháo phòng không của Không quân Trung Quốc đã lần lượt bí mật vào Việt Nam. Khi nhớ lại những cảnh tượng khi lần đầu đặt chân đến Việt Nam, ông Dương Cảnh Khoa 85 tuổi vẫn còn nhớ như in. Ông cho biết: “Đó là vào năm 1966, khi tôi 28 tuổi. Tôi đi tàu xuống miền Nam, qua sông Trường Giang và Hữu nghị quan. Sau đó, chúng tôi ở lại Lạng Sơn, tỉnh Hòa Bình, sau đó tiếp tục đi về phía Nam, đến thị xã Kép của tỉnh Bắc Giang, Việt Nam”. Trên đường đến Việt Nam, có một đoàn xe dài và nhiều chủng loại pháo dừng lại tại hai bên đường. Những binh sĩ ngồi trên xe đều đội mũ lưỡi trai, mặc bộ quân phục màu xanh, đi “dép cao su”, họ ôm những khẩu súng tiểu liên mới, một chiếc chăn bông mỏng và một bộ quân phục để thay đổi, đóng gói đặt dưới mông. Những anh lính trẻ tập nói mấy câu tiếng Anh mới học: “Nộp vũ khí, không giết!” “Chúng tôi đối xử tốt những tù binh”…Sau đó là những tràng cười nhẹ nhàng.
Sau khi đến Việt Nam, những người lính Trung Quốc được người dân Việt Nam chào đón nồng nhiệt, ông Dương Cảnh Khoa nhớ lại: “Lúc đó, chúng tôi ở Lạng Sơn và thị trấn Kép, không thấy đồng chí nam nào cả. Họ đi chiến trường hết, rất khổ. Những đồng chí phụ nữ Việt Nam ở lại thì rất thân thiện, hữu nghị và hào phóng đối với chúng tôi, tôi vẫn nhớ những đồng chí nữ Việt Nam đội nón và nói với chúng tôi rằng, ‘Chào các đồng chí’. Chúng tôi cùng hát ‘Việt Nam-Trung Hoa’, Việt Nam Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông…”. Ông Trương Á Quang cho biết: “Sau khi chúng tôi đến, chúng tôi gặp người dân địa phương Việt Nam. Họ tặng cho chúng tôi rất nhiều sắn. Bà con nói với chúng tôi rằng, đồ này có thể ăn no. Sau khi nhận được sắn, chúng tôi đã chuẩn bị gạo, xà phòng và pin trong đèn pin để tặng cho họ, mọi người đều rất vui.”
Sau khi được thu xếp nhanh, nhiệm vụ chờ đợi các chiến sĩ là bảo vệ đầu mối giao thông vận tải chính của Trung Quốc viện trợ vật tư sang Việt Nam và các mục tiêu quan trọng ở Sông Hóa, thị trấn Kép, Ôn Châu, Lạng Sơn, v.v. Liệu có thể chiến thắng Lực lượng Không quân hùng mạnh của Mỹ hay không là một thách thức to lớn đối với các chiến sĩ Trung Quốc. Khu vực phòng thủ được bao phủ bởi núi cao trùng điệp, rừng rậm bạt ngàn, rất bất lợi đối với sự cơ động tác chiến của lực lượng pháo phòng không. Khi đến thì máy bay quân đội Mỹ bổ nhào, khi sắp bắn trúng mục tiêu thì máy bay vút lên cao, thả bom, gây ra những tiếng nổ lớn, sau đó rồi bay lên cao để tập kết tại bờ biển Việt Nam. Trong thời gian máy bay Mỹ bổ nhào và tập trung, chúng sẽ bay qua các trận địa mà Dương Cảnh Khoa và các đồng đội của ông đóng quân, đây chính là thời điểm tốt nhất để tấn công. Khi trận chiến bắt đầu, bầu trời dày đặc máy bay Mỹ và bom nổ ầm ầm. Chỉ trong nháy mắt, máy bay địch gầm rú lao xuống. Trung đoàn trưởng xác định phương hướng tấn công chính của máy bay Mỹ và phát lệnh: “Đổi hướng hỏa lực, nhắm vào máy bay đầu tiên của tốp thứ 3, cả trung đoàn tập trung hỏa lực!”. Sau một loạt đạn pháo, máy bay Mỹ tan tành xác pháo trên không trung. Ông Dương Cảnh Khoa cho biết: “Khi chiến đấu, chúng tôi đều ăn ở tại chỗ, một hầm trú ẩn và một khẩu pháo cao xạ, cứ thế mà đợi. Khi máy bay Mỹ đến, nhiều nhất có hơn 30 chiếc, giống như một đàn quạ bay qua bầu trời, một chiếc máy bay có hơn 2.000 quả bom. Cuối cùng, sư đoàn chúng tôi đã bắn rơi hơn 90 máy bay Mỹ, khi chúng bay đến gần, tôi có thể nhìn rõ phi công là người Mỹ. Sư đoàn của ông Trương Á Quang còn bắt sống một phi công Mỹ, ông cho biết: “Tôi và một vài đồng đội đều tận mắt nhìn thấy lính Mỹ nhảy dù xuống đó, anh có đôi mắt xanh. Chúng tôi nói với anh ta rằng, anh cứ khai thật, chúng tôi sẽ không làm hại anh.”
Cách đánh tập trung hỏa lực để tấn công ở cự ly gần của bộ đội pháo phòng không Trung Quốc đã trở thành “vũ khí sát thủ” đối phó với quân đội Mỹ. Tuy nhiên, tập trung hỏa lực đánh cự ly gần cũng rất mạo hiểm, bộ đội chiến đấu không những phải không được sợ hãi trước hiểm nguy, dám hy sinh tính mạng, mà còn phải rất quyết đoán. Từ tháng 8 năm 1965 đến tháng 3 năm 1969, tổng cộng có khoảng 150.000 người lính đến từ 63 trung đoàn thuộc 16 sư đoàn của lực lượng phòng không Trung Quốc sang viện trợ Việt Nam chống Mỹ. Trong khoảng thời gian 3 năm 7 tháng, họ đã tác chiến 558 lần, bắn rơi 597 chiếc máy bay và bắn trúng 479 máy bay Mỹ. Ông Trương Á Quang và đồng đội nung chảy những mảnh vỡ của máy bay Mỹ để làm thành những mô hình nhỏ, mang về tặng cho người nhà để làm quà lưu niệm. Ông Trương Á Quang cho biết, “Đó là chiến lợi phẩm của chúng tôi, chúng tôi rất tự hào.”
Nguồn: Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *