Với sự phát triển của mạng xã hội và công nghệ ngày nay, thật dễ để chúng ta có thể nhận biết và phán xét những người sống ảo.
Đôi khi phong cách sống này của họ được thể hiện qua những hành động thái quá và lố bịch trên mạng xã hội, điều đó khiến cho chúng ta tin rằng chỉ cần không hành động giống họ thì có nghĩa là ta đang sống thật rồi.
Cũng đã hơn 1 năm kể từ ngày mình bắt đầu kế hoạch “cai” điện thoại và mạng xã hội. Dù rằng mình không phải là người ở vị trí có thể phán xét lối sống của bạn, nhưng mình vẫn muốn chia sẻ rằng quyết định “cai” 2 thứ kể trên có lẽ chính là quyết định sáng suốt nhất mình từng đưa ra trong suốt hơn 20 năm cuộc đời.
Hiện giờ mình đang sống tích cực hơn, khỏe mạnh hơn, vui vẻ hơn, và được yêu mến hơn bao giờ hết bởi những người thân thương trong cuộc đời mình.
Mình vẫn thường chia sẻ với mọi người rằng để từ bỏ lối “sống ảo” và để kết nối lại với thế giới thực, mình đã lựa chọn các hoạt động thể dục thể thao, đăng ký học thêm các lớp kỹ năng, và đặc biệt là mình đọc sách nhiều hơn.
Có lẽ cũng không cần mình phải nói nhiều nữa, tất cả người trẻ chúng ta đều biết đọc sách rất có lợi cho cả tâm hồn và thể chất.
Đọc sách có được kiến thức. Đọc sách giải tỏa căng thẳng. Đọc sách hoạt hóa não. Đọc sách thay đổi định mệnh. Đọc sách tăng tốc phát triển bản thân. Đọc sách cũng chính là niềm vui thú.
Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu rằng “sống ảo” là từ để chỉ phong cách sống của một người nào đó không đúng thực tế, hoặc xa rời với thực tế. Vậy thì mình tin rằng còn có một loại sống ảo nữa, với mức độ nguy hiểm tiềm tàng tương đương với sống ảo trên mạng xã hội, nhưng hiện nay vẫn còn có quá ít người chú ý và có nhận thức đúng đắn về nó.
Chính là sống ảo bởi sách.
Nhờ tình yêu đọc sách mà mình cũng đã kết thêm được không ít bạn mới. Và cũng chính nhờ một số trong những người bạn này mà mình đã chú ý tới lối sống ảo bởi sách.
Nếu bạn có đang tự hỏi những câu hỏi kiểu như: “Làm sao đọc sách mà lại là sống ảo được? Chẳng phải đọc sách là rất tốt ư?”, thì… đúng. Mình hoàn toàn đồng ý với bạn, bài viết này của mình không hề có ý bác bỏ những lợi ích tuyệt vời mà những cuốn sách có thể đem lại cho người đọc, một số lợi ích tiêu biểu cũng đã được mình nêu ra ở phía trên.
Là một người đọc sách để cai mạng xã hội, thì có thể nói những cuốn sách chính là cứu nhân của mình.
Tuy nhiên, mình tin rằng cái gì cũng có hai mặt của nó. Cũng giống như mạng xã hội, với mục đích cao đẹp ban đầu là để kết nối mọi người với nhau, những cuốn sách cũng có thể bị lạm dụng hoặc bị sử dụng sai mục đích.
Theo ý kiến của mình, sống ảo bởi sách nguy hiểm hơn sống ảo bởi mạng xã hội ở chỗ nó khiến cho người ta có cảm giác rất thoải mái và tự hào về bản thân.
Bởi vì ta đang đọc sách mà, ta đang học tập đó chứ, ta đâu có lãng phí thời gian và năng lượng vào những nút like đâu.
Sau đây, mình xin chia sẻ với các bạn một số biểu hiện điển hình của lối sống ảo bởi sách mà mình đã quan sát được ở bản thân và những người xung quanh.
ĐỌC XONG QUÊN SẠCH.
Mình hay tự gọi là “đọc để lấy thành tích”.
Đây là những người mỗi tháng có thể đọc được cả chục, thậm chí là vài chục cuốn sách lớn nhỏ khác nhau. Họ đọc rất nhiều và rất nhanh.
Nhưng khi được hỏi về nội dung của một cuốn sách ngẫu nhiên hoặc ấn tượng của họ về một cuốn sách nào đó, thì họ không trả lời nổi, nếu có trả lời thì cũng không hề rõ ràng, rất chung chung đại khái. Đương nhiên, trường hợp tương tự cũng có thể xảy ra với những người đọc ít mà vẫn quên hết sạch.
Nếu như chúng ta vẫn thường xuyên phán xét những người sống ảo trên mạng xã hội vì họ đã lãng phí quá nhiều thời gian vào những hoạt động vô bổ, thì đây chẳng phải cũng là một kiểu lãng phí thời gian hay sao?
Bỏ ra rất nhiều thời gian đọc nhưng cuối cùng lại không thu nhận lại được một thứ gì hết chẳng phải chính là sự vô ích đó sao? Đọc nhiều, mà không rút ra được một bài học hay kinh nghiệm nào, thì làm sao chúng ta có thể vận dụng vào thực tế để thay đổi và phát triển bản thân đây?
Mình cũng không có ý đánh đồng tất cả những người đọc nhiều là sống ảo bởi sách, bởi lẽ không một ai có thể nhớ hết được tất cả những gì đã đọc. Mình nghĩ điểm quan trọng ở đây là những người đọc chúng ta nên biết chiêm nghiệm để rút ra được cái gì đó thực tế và hữu dụng từ những cuốn sách đã đọc.
Ở ý này, cá nhân mình đã rút ra được bài học rằng với đọc sách thì nên lựa chọn** chất lượng hơn số lượng**, nên đọc sâu và nghiền ngẫm, đừng để những con chữ vào tai này rồi ra ở tai kia.
ĐỌC XONG KHÔNG ÁP DỤNG, KHÔNG HÀNH ĐỘNG, KHÔNG THAY ĐỔI.
“Ôi, cuốn sách này quá hay. Mình đã học được rất nhiều những kinh nghiệm bổ ích và kỹ năng thú vị từ nó. Đúng là một cuốn sách tuyệt vời!”
Và sau đó thì không còn sau đó nữa.
Cuốn sách được xếp lên kệ, những kiến thức bổ ích và thú vị của nó không bao giờ được người chủ áp dụng vào đời sống. Con người đó vẫn vậy, vẫn hằng ngày đọc sách, nhưng người đó không hành động, vậy nên cũng không có sự thay đổi và tiến bộ.
Với rất nhiều người, đọc sách là để thỏa mãn khát khao tri thức. Nhưng cũng có nhiều người, khát khao tri thức của họ chỉ dừng lại ở mức độ ghi nhớ và tiếp nhận thông tin.
Họ biết rất nhiều thứ từ sách. Hỏi tới cái gì họ cũng biết.
Nhưng mức độ áp dụng kiến thức vào thực tế của họ lại thường ít ỏi. Khả năng tạo nên được thay đổi tích cực từ những phần kiến thức đó thì thậm chí còn ít hơn.
Đúng là những cuốn sách cung cấp cho chúng ta rất nhiều điều bổ ích, nhưng suy nghĩ và hành động của chúng ta thay đổi thế nào sau khi đọc sách mới là yếu tố quyết định, theo quan điểm của mình.
Chúng ta không thể cứ đọc hoài, đọc mãi, rồi hy vọng rằng cái sự đọc đó sẽ giúp cho chúng ta phát triển bản thân, hoặc đổi đời đúng không?
Ở đây mình đã rút ra được bài học rằng sách không đem lại một cuộc sống tốt hơn, sách không khiến bạn hạnh phúc hơn, hay giàu có hơn (mua nhiều sách còn có thể rất tốn kém), sách không thể biến giấc mơ của bạn thành hiện thực.
Sách chỉ như một tấm bảng chỉ dẫn nhỏ xíu trên chặng đường cuộc đời chúng ta thôi, đọc được nó và sử dụng được nó thì chúng ta sẽ có thể đến được đích bình an vô sự, giảm khả năng bị lạc lối, tuy nhiên, người bước đi trên chặng đường cuộc đời vẫn phải là chúng ta.
ĐỌC XONG QUÁ TIN VÀO SÁCH.
Có nhiều người sau khi đọc xong một (vài) cuốn sách về một chủ đề nào đó thì tự nghĩ mình là chuyên gia trong lĩnh vực đó rồi. Họ tự cho rằng mình đã biết đủ, thậm chí là biết tất cả và có thể sẽ bắt đầu đi rao giảng với người khác về những gì họ biết.
Mình hiểu rằng mong muốn được chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm là một khía cạnh tích cực, nhưng mình nghĩ rằng đôi khi những người “giả chuyên gia” này có thể trở nên khá là phiền phức, đặc biệt là khi họ cứ muốn chia sẻ với bạn về những chủ đề mà bạn không hề mảy may quan tâm có đúng không?
Sau hơn 1 năm rèn luyện thói quen đọc sách, mình nhận ra rằng hóa ra sách và đời không hề thực sự giống nhau.
Mọi cuốn sách đều được viết ra dựa trên góc nhìn, suy nghĩ, lối sống và hiểu biết của các tác giả. Thậm chí ngay cả những dòng các bạn đang đọc ở đây cũng đang được viết hoàn toàn dựa trên những gì mình hiểu mà thôi.
Liệu bê nguyên mọi thứ mà họ trình bày trong sách ra để áp dụng vào cuộc sống của bạn thì có phù hợp hay không? Và liệu điều đó có giúp bạn phát triển tích cực hơn hay không? Có lẽ chỉ mình bạn, những người đọc, mới có thể quyết định được thôi.
Ở ý này, mình đã rút ra được bài học rằng người đọc chúng ta nên đọc và áp dụng kiến thức có chọn lọc, nhưng cũng đồng thời nên biết nuôi dưỡng ý chí ham học hỏi và biết đến sự khiêm tốn qua những gì mình học được.
Kiến thức thì đúng là vô tận, học không bao giờ là đủ, nhưng cuộc đời của chúng mình thì lại có hạn, chủ động trong việc đọc và chọn lọc tri thức có lẽ cũng nên trở thành một thói quen mới giúp người trẻ chúng mình sử dụng thời gian hiệu quả hơn.
Mình rất hy vọng rằng bài viết này của mình sẽ không khiến cho các bạn trẻ cảm thấy muốn từ bỏ việc đọc sách, hay làm cho các bạn đang có mong muốn đọc thêm sách bị nhụt chí.
Nếu qua bài viết này mà các bạn lại được truyền cảm hứng để đọc sách nhằm thay đổi và phát triển bản thân, đọc sách sao cho hạn chế được các tác động tiêu cực của lối sống ảo (cả 2 loại luôn) thì đúng là không còn điều gì có thể khiến mình mừng vui hơn.
“Keep Moving Forward”
Chấp bút: Tom.