Phải, là manga, mạn hoạ, chứ không phải comic. Tuổi thơ của những đứa trẻ tầm tuổi như tôi, cộng trừ 5, 6 năm, tôi nghĩ đứa nào cũng từng đọc một cuốn truyện tranh. Của Việt Nam thì có Dũng sĩ Hesman của hoạ sĩ Hùng Lân, Tí Quậy của Đào Hải, Thần đồng đất Việt của Lê Linh, Trung Quốc thì có Chú Thoòng của Vương Trạch, hay Người trong Giang hồ của Ngưu Lão, Hàn Quốc thì có Change Guy của Eun Ho Son, Myung Soo Choi, Ám hành ngự sử của Youn In Wan. Truyện tranh Nhật Bản thì vô kể, Doremon, Conan, Dấu ấn rồng thiêng, Dragon Ball, v.v…
Thời ấy bọn tôi làm gì có đứa nào biết tiếng Nhật, cũng chả biết Doraemon hay Shizuka mới là cách đọc đúng, nhưng thằng nào mỏ nhọn với nhà giàu thì chắc chắn là bị đặt biệt danh Xeko, còn mấy thằng hát dở tệ lại còn béo thì đích thị là Chaien rồi. Tôi còn nhớ hồi cấp hai, cái cảm giác nhịn ăn sáng dành tiền mua truyện tranh, rồi chất đầy dưới gầm giường. Tôi có một thằng bạn thân cũng thích đọc truyện tranh, hai đứa không biết bao nhiêu lần lên kế hoạch vẽ một bộ truyện tranh của riêng chúng tôi, nhưng vì tôi thì không biết vẽ, ý tưởng thì cũng chẳng hay ho, chẳng giúp được gì được nên đến bây giờ vẫn chưa có bộ truyện tranh nào được vẽ ra cả. Hi vọng từ giờ đến lúc hai thằng già rồi vẫn còn chơi với nhau, để mà còn vẽ truyện nữa chứ.
Quyển truyện tranh đầu tiên mà tôi đọc, lúc tôi có ý thức và nhớ được sự việc xung quanh mình, là quyển truyện dài tập một Doremon: Thăm công viên khủng long. Truyện bắt đầu từ vụ cá cược giữa Nobita và Chaien – Xeko, về hoá thạch khủng long. Và cuộc hành trình đưa Piso trở về đúng nơi mà nó nên được sinh ra được mở ra. Cái cảm giác mỗi khi đọc truyện, khi mà tôi thoát ra khỏi cuộc sống thực tại, hoá thân vào các nhân vật truyện tranh, cùng phiêu lưu trên một cuộc sống hoàn toàn khác, mới tuyệt vời làm sao. Đấy là cái cảm giác mà tôi sẽ không bao giờ quên được.
Mà cũng như Game bây giờ, hồi ấy bố mẹ nào chả cấm con đọc truyện nhiều. Bọn trẻ con thì không thiếu trò trốn bố mẹ đọc truyện. Trèo lên mái tôn, trùm chăn với đống truyện và cái đèn bàn học, đọc lén đọc lút, đến khi nghe tiếng cạch cửa thì tắt bụp cái đèn và chùm cả đống hổ lốn ấy vào mà giả vờ ngủ. Có lẽ vì thế đến năm lớp 2, vì ngồi cuối lớp nên tôi chả thấy trên bảng thầy cô viết gì, và bố mẹ tôi phải đưa tôi đi cắt kính. Tôi còn nhớ có một hôm tôi thấy thằng bạn hàng xóm bị bố mẹ vứt cả đống truyện ra ngoài, nhìn mà tiếc kinh khủng. May sao hồi hết lớp 9 nhà tôi xây mới, mẹ tôi phát hiện ra đống truyện nhưng vì lúc đó quá nhiều rồi, thành ra được giữ lại.
Lên đến đại học tôi vẫn còn thói quen mua truyện tranh về đọc, thời điểm đấy thì truyện tranh đã nhiều hơn rất nhiều rồi. Đủ các thể loại, rồi game, phim, truyện chữ, hàng tỉ thứ để trẻ con có thể chơi. Nhưng truyện tranh vẫn là một thứ gì đấy không thể thiếu đối với tôi. Nó thực sự là một phương thuốc thư giãn sau một ngày mệt mỏi với cuộc sống này. Nhưng rồi cũng có lúc, tôi chẳng có thời gian đọc truyện. Được cái, tôi chưa bao giờ không đọc truyện vì sợ người ta nói mình trẻ con, vì tôi luôn quan niệm, trẻ con tốt hơn người lớn nhiều mặt, và những mặt xấu của trẻ con, cũng là học từ người lớn. Trẻ con lớn lên như tờ giấy trắng, và truyện tranh đã cho tôi những đức tính tốt đẹp, bên ngoài những học hỏi từ gia đình và xã hội.
Trong thế giới truyện tranh, kẻ xấu chưa bao giờ chiến thắng, và người tốt thì phải học cách nhẫn nhịn, học chịu gian khổ. Dù là thế giới phép thuật, hay võ thuật, hay những cuộc đấu trí, những kĩ năng mà nhân vật chính có được đều phải trải qua rèn luyện, hay phải đánh đổi một cách công bằng. Không chỉ thế, truyện tranh còn dạy tôi về lòng vị tha, về tình yêu, về cách đối nhân xử thế. Ngoài ra, những kiến thức trong truyện tranh, đều do tác giả của nó kì công tìm hiểu, truyền tải qua nét bút, qua những câu chuyện. Nhờ đọc truyện tranh tôi mới biết đến hoa anh đào, mới biết khi chảo dầu để lâu quá thì phải cho rau vào chứ không phải cho thịt, mới biết các thế đánh boxing, mới biết trên đời từng tồn tại những con người làm công việc như ám hành ngự sử…Nhiều người coi đọc truyện tranh chỉ đơn thuần để giải trí, nhưng với tôi, nó còn là nơi trải nghiệm một cuộc sống khác, là nơi tâm trí được thoải mái, là nơi học tập những điều mới, là nhịp cầu kết nối những người bạn với nhau.
Tất nhiên cái gì nhiều quá cũng không tốt, nếu quá say mê vào thế giới đó, thì cũng chẳng hay ho gì. Nó chẳng khác gì việc một người chẳng bao giờ đọc truyện tranh, vì họ chỉ sống ở một chiều thế giới. Tôi chỉ tiếc giờ đây mọi người đọc truyện tranh không còn như ngày xưa nữa, trẻ con thì chẳng đọc nữa rồi. Cái cảm giác cầm quyển truyện tranh giấy nó khác hơn nhiều cảm giác đọc trên Laptop, điện thoại di động, cái cảm giác mua truyện nó còn khác hơn nữa. Khi cuộc sống đầy đủ quá, mọi thứ dễ quá thì người ta lại không cảm nhận được niềm hạnh phúc khi cố gắng đạt được một cái gì đó. Hạnh phúc, đối với tôi, là được cố gắng để làm, để đạt được điều mình thích, chứ không phải là thứ gì có thể có được một cách dễ dàng. Thời đó mà nhà tôi giàu, tôi có thể mua bất cứ cuốn truyện tranh nào tôi thích, thì tôi nghĩ là tôi cũng không yêu thích truyện tranh đến vậy.
Hồi mới sang Anh, tôi cũng có mua một ít comic, nhưng đúng là một phần ngôn ngữ tôi kém, một phần phong cách truyện tranh Châu Á đã in sâu trong tôi từ ngày thơ bé, phần nữa do tôi được tiếp cận với những bộ phim chiếu rạp trước, nên cái cảm giác đọc truyện không được như khi đọc manga. Nhưng trong khi đi mua comic, nói chuyện với chủ quán, nhìn những người đầu hai thứ tóc nhưng vẫn bước vào cửa hiệu giống như tôi, vì cùng chung niềm đam mê với truyện tranh, tôi có thể cảm nhận được cái cảm giác của họ cũng mãnh liệt không khác gì tôi.
Thực sự, truyện tranh là thứ tiếp cận với trẻ em gần nhất, và xuất hiện trong thời kì chúng ta bắt đầu nhận thức được sự vật, nên luôn là một thứ gì đó quan trọng trong lòng tôi, và nhiều người khác như tôi vậy. Và tôi nghĩ, truyện tranh không phải chỉ dành cho trẻ em, nên nếu bạn cũng có sở thích giống tôi, đừng ngại ngần mà sau cơn dịch này, đi mua ngay một bộ truyện tranh mới mà bạn nghĩ là hay, hoặc bạn có thể kể tôi nghe những truyện tranh nào bạn đã đọc và tâm đắc, tôi hoặc người khác có thể gợi ý cho bạn những truyện tương tự, hoặc một thể loại khác mà chúng tôi nghĩ sẽ phù hợp với bạn. Hãy để những điều tốt được lan rộng, qua những quyển truyện tranh
Còn bạn? Bạn đọc Manga vì điều gì?
Theo: Vuong Vũ