BÀ NGOẠI

Tg: Rosa Cỏ Xanh

Chiếc taxi di chuyển chậm chạp, luồn lách vất vả giữa những làn xe. Chị sốt ruột nhìn từng bảng số xe phía trước. 

Bên cạnh, con gái chị vẫn bình thản nhìn ngắm, thỉnh thoảng còn trầm trồ “Lâu lắm mới được nhìn mọi thứ vào buổi sáng ở thành phố. Vẫn còn nhiều cây cao, đẹp, mẹ nhỉ”. Chị cũng thích con đường này, nó là một trong những con đường hiếm hoi có hai hàng cây tuổi đời hơn tuổi chị. Chúng cao vút, giao nhau thành cái vòm màu xanh suốt một con đường dài. Nhưng … chị chẳng có tâm trạng nào để trả lời con, thỉnh thoảng nó ưỡn người, chau mày rồi hít hà. Chị xót xa “Đau lắm hả con”. Con gái chị cười gượng cho chị an lòng nhưng lòng chị xót xa khi chiếc xe cứ nhích từng chút một. Con chị cười “Con không sao đâu mẹ”.

Cuối cùng thì hai mẹ con cũng đến được bệnh viện phụ sản. Chị muốn đỡ tay con nhưng nó giằng ra “Không sao mà mẹ, mẹ ngồi đây đợi con nha”. Chị nhìn theo con và ngạc nhiên sao nó mạnh mẽ và tự tin đến thế. Đứa con gái ngày thường điệu đàng làm gì cũng nhẹ nhàng, bây giờ một tay nâng cái bụng bầu sắp sinh đi từ quầy này sang quầy khác để làm thủ tục nhập viện. Sáng sớm nó nhắn tin cho chị “Mẹ sang đi khám với con, chồng con có việc bận một chút”. 

    Từ hôm qua nhìn con mệt mỏi chị cũng nghi nó sắp chuyển bụng, nhưng nó khăng khăng là còn năm ngày mới đến ngày sinh. Nghe con nhắn chị thấy hồi hộp, nó là người trấn an chị, chưa sinh đâu mẹ, rồi nó thoa phấn, tô son, lựa chọn mấy lần mới xong cái áo mà nó cho là đẹp. Chị kéo tay con ngồi cạnh mình, hình như lâu rồi chị không nhìn rõ con. Mỗi lần nó về thăm nhà – chị chỉ cần có cảm giác ấm áp khi có con bên cạnh, nghe tiếng nói của nó từ nhà trên xuống nhà dưới, chỉ như thế là đủ vui rồi.

   Với chị, lúc nào nó cũng là đứa trẻ, lớn lắm cũng chỉ là cô sinh viên đại học là cùng. Bây giờ chị mới sực nhớ nó đã thực sự là người phụ nữ trưởng thành. Nó có sự nghiệp riêng, có một gia đình nhỏ và gia đình nhỏ ấy sắp sửa đón thêm một thành viên. 

   Con đã là người lớn lâu rồi và mình cũng không còn trẻ đã lâu rồi.

Mấy ngày trước chị còn nhận lời bạn bè chuẩn bị một chuyến du lịch chỉ có mấy bà với nhau. Hành lý sắp xếp xong, vé tàu mua rồi ngày nào mấy bà cũng gọi điện cho nhau để bàn tán, hoạch định cho chuyến đi mà mới tưởng tượng đã thấy vui. Chị cũng cảm thấy nôn nao lắm vì lâu rồi mới nhận lời đi chơi với bạn. 

   Nhưng trước khởi hành một ngày con a lô một tiếng và chị đến ngay với nó.

Dường như một cơn đau lại đến. Đứa con gái bấu vào cánh tay chị. Chị cũng biết là nó đau lắm. Có lần nó hỏi “Đẻ có đau không mẹ” – “Đau lắm, không có đau nào bằng đau đẻ. Nhưng phải gắng vượt qua, đừng la lối, kỳ lắm nghe con”. Lúc đó nó cười: “Ai mà la, kỳ cục”. Chị biết không ai có thể chia sẻ cơn đau với người phụ nữ khi sinh con nhưng khi người phụ nữ đó là con của mình thì lại khác. Mỗi lần con đau thì chị lại thấy lòng xót xa nhưng chị cũng chỉ biết vỗ nhẹ lưng con, xoa dịu cho nó mà thôi.  

   Chị nhìn con, thương nó đến thắt lòng: vẻ tươi tắn lúc sáng không còn, những cơn đau càng lúc càng dày và lâu hơn làm cho sắc mặt con mệt mỏi. Nó tựa người vào lưng ghế, hít thở chậm chạp nhưng vẫn cười khi nói chuyện điện thoại của chồng “Em không sao, anh xong việc thì ghé nhà mang đồ vào cũng được”. 

    Càng lúc chị càng nhận ra con mình đã lớn và cảm thấy thán phục khi lúc nào nó cũng giữ được bình tĩnh.

Khi con gái đã được đưa vào phòng sinh, chị ngồi với rể ở phòng chờ. Cả hai mẹ con đều cố giấu đi sự căng thẳng trong lòng, người này cố trấn an người kia bằng những câu chuyện vu vơ. Không nói ra thì con rể cũng biết mẹ vợ lo lắng. Chị chợt nghĩ đến sự kỳ diệu của thời gian khi giúp cho con người ta tự thay đổi, tự lớn lên lúc nào không biết. Đứa bé mới ngày nào chị còn bồng ẵm trên tay bây giờ sắp làm mẹ. Chị cũng cảm ơn trời đã cho chị một đứa con ngoan và đôi lúc vì thế chị cảm thấy mình có lỗi khi không tạo được cho con một cuộc sống đầy đủ vào thời nó mới lớn. Nhưng cũng may là trong khó khăn con bé vẫn nên người. 

Chị lại thêm một lần cảm ơn trời đã cho nó một cuộc sống hạnh phúc, yêu và được yêu, với người bạn đời chính nó lựa chọn…

“Ai là người nhà của Vi”. Chị giật mình. Người con rể vỗ nhẹ vào tay chị và thoáng cái nó biến mất sau cánh cửa kính dày cộm. Mọi người trong phòng chờ quay sang: “Vào lâu chưa chị; chắc sắp sinh rồi”. Chị cười trả lời qua quít, nụ cười chắc khó coi lắm nhưng không ai để ý làm gì vì mọi người ở đây đều có tâm trạng như nhau. Sự chờ đợi không làm cho người ta mệt mỏi mà làm cho ta thấy trống trải lạ kỳ, nhất là khi nó cứ kéo dài. Chị không dám nhìn đồng hồ, không biết đã mấy giờ rồi? Không có một tia nắng nào vào được chỗ này, chỉ thấy toàn ánh đèn neon màu hồng nhạt. Chị lại nghĩ đến con gái trong kia, không biết nó có đau nhiều không, thằng cháu chắc cũng thuộc loại lì lợm nên mãi mà chưa chịu ra. Mẹ nó là đứa con đầu lòng của chị, chị sinh con hồi còn khó khăn, thiếu thốn đủ điều, áo sơ sinh được sửa lại từ áo cũ của mẹ, chị tháo từng chiếc áo len cũ để đan mũ, tất cho con. Cháu của chị bây giờ sung sướng hơn mẹ của nó nhiều lắm. Con gái của chị sắm sửa cho con không thiếu thứ gì, lại toàn thứ đắt tiền. Chị kêu từ từ sắm vì trẻ con mau lớn thì nó bảo: “Con làm có tiền, mua cho con, thích lắm mẹ à, cứ nghĩ con mình ăn mặc đẹp đẽ, sướng lắm”. 

    Chị ưỡn thẳng người cho đỡ mỏi lưng rồi quan sát quanh mình, có dăm người thanh niên còn trẻ, vài ba người phụ nữ trạc tuổi mình, ai cũng im lặng. Cứ mỗi khi cánh cửa phòng chờ mở ra là mọi người nhổm dậy chờ đợi. Thỉnh thoảng có một đứa trẻ sơ sinh được bế ra thì không chỉ ông bà, ba mẹ của nó mừng vui mà tất cả mọi người đều cười hỉ hả. Ở chỗ này niềm vui không còn là của riêng ai, nó được chia sẻ thật chân thành, đôn hậu. Hoa hồng thì tỏa hương nồng nàn và lan xa. Chị đang chờ mình có được đóa hồng niềm vui ấy và cũng được chia sẻ rất thật lòng như thế.

Người con rể lại trở ra, đưa cho chị cái áo choàng màu hồng: “Mẹ vào với Vi đi”, nó nói tiếp cho chị an tâm “Không có gì đâu mẹ. Người ta chỉ cho một người vào với Vi thôi”. Con gái chị nằm trên bàn sinh, nó mặc cái áo choàng màu hồng dành riêng cho sản phụ, những cơn đau làm cho nó không còn cười nổi. 

    Chị vén mấy sợi tóc mai ướt đẫm mồ hôi của con: “Đau nhiều lắm phải không con. Ráng lên chút nữa con”. Chị rót cho con ly nước, đưa lên miệng con, ước gì mà chị gánh đỡ được cho con gánh nặng này. 

   Ngày xưa khi sinh con gái, chị không buồn điều gì chỉ lo mai sau rồi con cũng phải trải qua những nỗi đau đời của phụ nữ như mình. Mặc ai nói nhiều điều tốt đẹp về người phụ nữ thì chị vẫn thấy làm phụ nữ thiệt thòi đủ điều. Người ta đòi hỏi ở người phụ nữ quá nhiều thứ mà quên rằng phụ nữ cũng chỉ là con người, mà lại là con người không lấy gì mạnh mẽ cho lắm. Chị rất ngưỡng mộ những người phụ nữ thành công ngoài xã hội mà đồng thời lại là người nội trợ tuyệt vời trong gia đình.Với chị công việc nội trợ là công việc vô cùng khó khăn. Lại biết nhiều người phụ nữ giỏi giang thì không mấy người có hạnh phúc, cứ như thế thì có hô hào bình đẳng cho phụ nữ trăm ngàn lần nhiều hơn cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Những cơn đau dồn làm cho con gái chị thở hổn hển. Thỉnh thoảng chị đưa ly nước cho con nhấp một hớp, chỉ đủ ướt đôi môi khô. Nhìn con cong mình theo từng cơn rặn để hỗ trợ đưa bé ra đời, thương nó quá mà không biết làm gì hơn là nắm lấy bàn tay con, chẳng biết có tiếp được cho nó chút sức lực nào không. 

    Chị cũng không biết vì sao con gái lại chọn mình làm bạn đồng hành trong cơn vượt cạn này. Nó tin tưởng mẹ hơn hay không muốn chồng nhìn thấy mình trong giờ phút mà nó cho là mình xấu nhất. Ôi ! đứa con gái lúc nào cũng cầu toàn của chị. Dầu cho nghĩ theo cách nào thì nó cũng thật can đảm vì hẳn nó cũng biết mẹ mình không phải là người mạnh mẽ gì. 

Chị căng thẳng đến mức cô hộ lý trẻ cũng nhìn thấy, cười: “Không sao đâu bà. Em bé sắp ra rồi. Thấy tóc em bé rồi, ráng chút nữa đi cưng, hai hơi nữa thôi”. Con gái của chị mỉm cười. Trời ơi, lúc này mà nó vẫn còn cười được thì quả là nó cũng là người phụ nữ xứng đáng được ngưỡng mộ. Chị cho con thêm một ngụm nước, uống nước xong nó hít vào lấy hơi rồi làm theo lời bác sĩ. Mấy lần rặn tiếp theo mà đứa bé như vẫn còn luyến tiếc chỗ nằm ấm áp trong lòng mẹ nên vẫn chưa chịu chui ra, nó không biết là có rất nhiều người đang nóng lòng chờ đón nó. Không phải chỉ có chị và ba mẹ nó ở đây mà ở nhà chắc bà nội của nó cũng đứng ngồi không yên bên máy điện thoại. Rồi hẳn là hai ông thông gia cũng đang hồi hộp chờ một tiếng reo. Nếu có thể bình tĩnh chị đếm trên đầu ngón tay thì cũng không hết số người đang chờ chị gọi điện báo tin có thằng cháu nhỏ. 

Nhưng mà … nó còn nấn ná làm gì trong bụng mẹ nó mà không biết điều đó, không biết rằng ngoài này ánh sáng rực rỡ, đẹp hơn chỗ nó ở chín tháng nay nhiều lắm. Có một điệu nhạc báo tin nhắn, chắc là của ba thằng bé. Ngoài kia ông bố trẻ chắc cũng đứng ngồi không yên. Chị liếc nhìn đồng hồ trên tường, đã hơn bốn giờ. Bên ngoài chắc nắng chiều đã nhạt. Chị ở với con trong này gần hết một ngày. Con gái chị lại níu chặt tay ghế, nó chồm người lên và cố gắng thêm lần nữa.

“Được rồi, cưng giỏi lắm”. Chị nhìn đứa bé nằm sấp trên tay cô bác sĩ trẻ đẹp, tấm lưng của nó trơn nhẫy, toàn thân chị run rẩy vì xúc động. Cô bác sĩ trẻ và mấy cô hộ sinh cùng reo lên: “Ôi, may quá, thằng bé bị dây rốn quấn cổ, dây rốn lại thắt một nút, chàng trai này chắc lì lợm lắm đây. Khóc đi con”. Chị nắm chặt hai tay vào nhau, sao thằng bé chưa chịu khóc. Con gái giục chị đến với cháu nhưng không hiểu sao chị không cất nổi chân. Một giây hay một phút trôi qua mà lâu như thế. Nhưng rồi … cuối cùng thì thằng bé đã bật ra tiếng khóc đầu tiên trong cuộc đời của nó. Tiếng khóc của nó như khúc ca làm tan biến mọi nỗi lo âu trong lòng chị cả ngày nay. 

    Chị chợt nhớ đến người con rể cũng đang nóng lòng ở phòng ngoài. Nó mới là người đáng được có mặt ở giây phút cảm động này. Không kịp hỏi ý con, chị đi như chạy, vừa chạy vừa cởi chiếc áo choàng và chỉ vừa nhìn thấy ánh mắt chờ đợi của con rể – chị nói trong cơn xúc động: “Vi sinh rồi, thằng bé khóc to lắm trong kia”. Chị chưa dứt câu nó đã chụp chiếc áo choàng trong tay chị và biến mất sau cánh cửa kính dày cộm.

Chị ngồi xuống ghế, tay chân vẫn còn run rẩy, lồng ngực vẫn đập mạnh vì vui sướng. Chị trả lời mọi người trong phòng chờ bằng giọng nói hãy còn run lắm, ai cũng nhiệt tình chúc mừng và chị nghẹn ngào không nói nổi lời cảm ơn. Chị móc điện thoại gọi cho chồng mà mấy lần mới bấm ra số. Thật sự là chưa bao giờ chị trải qua cơn xúc động thế này, nó không giống hồi chị biết tin mình đậu đại học, cũng không giống như lần đầu biết mình sắp làm mẹ. Ai đó chợt hỏi: “Bà nội hay bà ngoại”.

Chị chợt hiểu ra : cái khác là ở chỗ này. Chị mỉm cười trả lời: “Dạ, Bà ngoại” và nước mắt chị chảy ra tràn ướt cả mặt 

 Thương tặng các mom – đã, đang & sẽ được làm BÀ NGOẠI

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *