Nếu Nhật tấn công vùng Viễn đông của Liên xô trong WW2?

Nếu Nhật tấn công vùng Viễn đông của Liên xô trong WW2 ?

Lấy cảm hứng từ một status gây bão gần đây về giả thiết chuyện gì sẽ xảy ra nếu nước Nhật quân phiệt phối hợp với phát xít Đức tấn công vùng Viễn đông của Liên xô trong năm 1941, thay vì tiến đánh Trân Châu Cảng. Câu hỏi là Nhật có những toan tính gì và đã lên kế hoạch cụ thể gì cho điều này không, và mức độ khả thi của nó ?
1.Chiến lược của nước Nhật cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20
Là một quốc gia hải đảo, với nguồn tài nguyên hạn chế, và dân số đông đảo, khi triều đại Meiji thống nhất đất nước, thực hiện thành công cuộc Duy tân đưa Nhật bản trở thành một quốc gia tư bản phát triển vào nửa cuối thế kỷ 19. Đi cùng với quá trình này là chuỗi biến đổi tư tưởng, phối hợp giữa truyền thống dân tộc, tinh thần võ sĩ đạo và khẩu hiệu “thực túc cường binh” để hình thành nên chủ nghĩa dân tộc cực đoan phát triển ở nhiều trong chính giới và tầng lớp quân đội Nhật.
Sự cạnh tranh với Trung Quốc trong việc kiểm soát bán đảo Triều Tiên đã dẫn đến chiến tranh Trung – nhật lần thứ nhất năm 1894, dẫn đến Nhật lấy trọn Triều Tiên, các đảo Đài Loan, Bành Hồ và bán đảo Liêu Đông, cùng nhiều quyền lợi kinh doanh tại chính Trung hoa lục địa.
Việc kế tiếp phải xảy ra, do chiến thắng nói trên dẫn tới va chạm quyền lợi với nước Nga Sa hoàng, cuộc chiến tranh Nga – Nhật 1904-05 bùng nổ với thắng lợi tuyệt đối về phía Nhật, dẫn tới Nga phải chấp nhận từ bỏ các nguồn lợi tại Đông bắc Á bao gồm Triều Tiên, nộp một nửa đảo Sakhalin và cho phép Nhật đặt một chân vào vùng Mãn Châu Lý.
Hai chiến thắng trên đã giúp định hình tư tưởng về sự phát triển của nước Nhật theo quan điểm thực dân hóa, mở rộng lãnh thổ và thu lợi nhuận trực tiếp từ thuộc địa. Vấn đề là thuộc địa nào ? Các cường quốc phương Tây đã chia xong phần hầu hết thế giới, châu Phi, Mỹ Latin, tiểu lục địa Ấn Độ, Đông Nam Á, Châu Đại Dương… Chỉ còn phần lục địa đông bắc Á, từ Siberie qua Mông Cổ đến Trung Quốc. Tư tưởng “Đại Đông Á”, một khu vực thịnh vượng chung dưới sự lãnh đạo của Nhật Bản bắt đầu từ đây.
Khi WW1 bùng nổ, Nhật Bản tham chiến trong phe Hiệp ước, tấn công các lãnh thổ hải ngoại của Đức tại Trung Quốc, và sau đó được chia phần các vùng này, cùng với các quần đảo Marianne, Caroline, Marshall trong Thái Bình Dương, nơi sau này sẽ trở thành các quân cảng quan trọng của Nhật tại đây.
Khi tham gia với liên quân phương Tây can thiệp vào cuộc nội chiến Nga vào năm 1918, quân Nhật đã đổ bộ chiếm đóng Vladivostok tại Viễn đông để hỗ trợ phe Bạch vệ chống lại chính quyền Bolshevik Nga. Lực lượng Nhật tại đây lên tới 70.000 người, đội quân đông nhất trong số 14 nước can thiệp vào nước Nga lúc này. Có thể nói đây là cơ hội lớn nhất trong lịch sử để họ có thể gặm trọn vùng Viễn đông của Nga trong vòng một nốt nhạc. Lực lượng Hồng quân tại đây lúc này mới thành lập, quá yếu kém, đến mức chỉ một Quân đoàn Tiệp Khắc là đủ để từ Viễn đông hành quân dọc đường sắt xuyên Siberie qua dãy Ural đến tận miền trung nước Nga, đi tới đâu là đánh tan quân Đỏ, lập chính quyền Bạch vệ tới đó. Chỉ cần đổ quân chiếm đóng, lập một cái chốt chặn đâu đó trên đường sắt xuyên Siberie, móc trong đám tướng tá Bạch vệ một chú nào thông minh biết điều một chút để làm hoàng đế Siberikuo chẳng hạn, và xong phim !!!
Có nhiều lý do khiến cho câu chuyện chỉ là một giấc mơ. Về đối nội, chiến lược Đại Đông Á chỉ mới thành hình, và chưa phải là khuynh hướng chính trị chủ đạo lúc này của nước Nhật. Về đối ngoại, sau một cuộc Đại chiến hao người tốn của, tư tưởng hòa bình lúc này đang là chủ đạo trên toàn thế giới, kể cả Nhật. Và quan trọng nhất, khi hành động trong khuôn khổ phe Hiệp ước, Anh và nhất là Mỹ sẽ không cho phép nước Nhật tự tung tự tác vượt ra ngoài vòng kiềm tỏa của họ. Đến năm 1925, dưới áp lực kinh tế của Mỹ, người Nhật rút ra khỏi Ngoại Mãn Châu trả lại cho nước Nga Xô viết, kết thúc giấc mơ lần thứ nhất.
Chiếc lông đuôi của con chim lửa, tiếp tục ảm ánh trong tâm trí các tay quân phiệt Nhật trong hơn mười năm sau đó. Cuộc đấu khẩu giữa hai phe điều hâu và bồ câu về chiến lược phát triển đất nước diễn ra quyết liệt trong suốt thời gian này, điểm xuyết bởi các cuộc đảo chính và nổi loạn do phái quân phiệt tiến hành, theo đúng phong cách samurai: đột kích cơ quan chính phủ, giết các yếu nhân chủ hòa bằng súng hay kiếm, sau đó tạ tội với Thiên hoàng bằng Harakiri. Trong bầu không khí cực đoan này, cộng với ảnh hưởng nặng nề từ tình hình kinh tế ảm đạm trong nạn nhân mãn, đã dẫn dắt chính giới Nhật đi vào con đường ngày càng cực đoan, quân phiệt hóa. Lối thoát duy nhất chỉ là chiến tranh. Chiến tranh để mở rộng thuộc địa, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh và phát triển đất nước.
Con mồi gần nhất là vùng Mãn Châu Lý (Nội Mãn Châu), một vùng công nghiệp than đá và khai khoáng quan trọng ở Đông bắc Trung Quốc, do người Nhật khai thác chủ yếu. Có hơn một triệu Nhật kiều tại đây, chủ yếu làm trong các khu công nghiệp khai khoáng. (Nhớ điều này nhe các bạn)
Và điều phải tới đã tới. Năm 1931, trong một âm mưu của giới quân phiệt để đặt chính phủ Nhật Bản vào một sự đã rồi, sự cố Mukden (Phụng Thiên) bùng nổ. Đội quân Quan Đông của Nhật Bản nhanh chóng đánh bại quân Trung Hoa, chiếm đóng toàn bộ vùng Mãn Châu và thực hành điều mà họ đã mong muốn hơn mười năm trước, là thành lập Manchukuo, một vương quốc phụ thuộc, với ông vua bù nhìn Phổ Nghi. Cùng lúc đó, Nhật Bản rút ra khỏi Hội Quốc Liên. Một số sử gia sau này đã đề nghị lấy năm 1931 làm thời điểm bắt đầu cho thế chiến thứ hai, thay vì thời điểm Đức tấn công Ba Lan năm 1939.
Sau khi tham gia Hiệp ước chống Quốc tế cộng sản 1936, nước Nhật lấn thêm một bước qua sự cố Lư Cầu kiều (Marco Polo bridge) năm 1937, mở rộng thành cuộc chiến tranh Trung – Nhật lần thứ hai. Lúc này bằng việc gởi quân tình nguyện cùng vũ khí trang bị cho chính phủ Tưởng Giới Thạch, Liên Xô càng lộ rõ là kẻ thù chính của nước Nhật. Lực lượng Nhật đóng tại Mãn Châu được tăng cường, từ một lực lượng cấp quân đoàn 100.000 người lên thành đạo quân Quan Đông với biên chế lúc lớn nhất lên đến 763.000 quân, gồm các thành phần tinh nhuệ nhất của lục quân Nhật Bản. Đối đầu với nó là hai quân khu Viễn Đông và Trans Baikal của Liên Xô, cùng với lực lượng của Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ, với khoảng 650.000 quân vào năm 1941.
Chiến thắng Mãn châu tưởng đã định hình rõ chiến lược Đại Đông Á của Nhật Bản, trong đó khu vực thịnh vượng chung gồm Nhật Bản, Triều Tiên, Mãn Châu và Trung Quốc, với “Nhật Bản làm lãnh đạo chính trị và phụ trách công nghiệp nặng, Trung Hoa cung cấp nhân lực và công nghiệp nhẹ, Cao Ly cung cấp lúa gạo, Mãn Châu phụ trách chăn nuôi gia súc.” Trên thực tế, nó mở rộng một cuộc chiến khác đã có sẳn trong lòng nước Nhật, cuộc chiến về hướng phát triển chiến lược, “Bắc tiến” hay “Nam tiến”.
Bắc tiến là định hướng chiến lược đặt thêm Siberia và Mông Cổ vào vùng quyền lợi Đại Đông Á của Nhật, và kẻ thù chính là Liên Xô. Quan điểm này được phe lục quân hỗ trợ. Hình thành từ những năm 1910s, Thống chế Hoàng thân Yamagata Aritomo được xem là tác giả ban đầu của Bắc tiến, với Bộ trưởng Chiến tranh Sadao Araki là người hỗ trợ chính cho quan điểm này. Trong chiến lược Bắc tiến, lục quân sẽ là mũi giáo xung kích để tiến công trên lục địa Đông Bắc Á, hải quân sẽ là chiếc khiên bảo vệ nước Nhật chống lại sự can thiệp của các quốc gia khác từ hướng biển, nếu có. Vì vậy phải tập trung đầu tư cho lục quân, và giữ năng lực hải quân ở mức chỉ đủ để phòng thủ nội hải. Chiếm đóng Mãn Châu được xem là bước đầu tiên của chiến lược này.
Ngược lại, Nam tiến chọn Đông Nam Á và Thái Bình Dương làm mục tiêu chính của Đại Đông Á, và đối thủ là các cường quốc phương Tây đang có quyền lợi tại đây: Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan. Khởi đầu từ các nghiên cứu do một nhóm think tank của Đại học hoàng gia Taihoku do các cựu sĩ quan hải quân cầm đầu từ những năm 20s. Đây là quan điểm được phe hải quân chọn lựa, và đằng sau nó là các Zaibatsu chính của nước Nhật, những lá phiếu có trọng lượng nhất khi chọn lựa thủ tướng và nội các điều hành chính phủ. Trong chiến lược này, hải quân sẽ là mũi nhọn để đánh bại hải quân các nước trên, để mở đường cho lục quân chiếm giữ các thuộc địa tại Đông Nam Á và các đảo ở Thái Bình Dương. Và phải tăng cường năng lực hải quân lên đến mức ngang bằng với Mỹ hoặc Anh, hai cường quốc hải quân đứng đầu thế giới lúc bấy giờ. (Hải quân hoàng gia Nhật Bản, theo các hiệp định hải quân London và Washinton, đứng từ thứ ba đến thứ năm thế giới). Trung Quốc mặc nhiên được xem là thuộc địa từ đầu, trong cả hai chiến lược.
Ở cả hai chiến lược, người ta đều nhận thấy những điểm bất cập không thể vượt qua được. Sa lầy trong cuộc xâm lược Trung quốc, không tìm được nguồn nhiên liệu rất cần cho toàn bộ nền kinh tế, không thực hiện được dự tính lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, thất bại trong các thử nghiệm Khalkhin Gol khi đối đầu với lục quân Xô viết,… phe Bắc tiến mất dần ảnh hưởng quyết định.
Ngược lại, trong khi thích thú quan sát cánh lục quân mất mặt bởi các thất bại trên lục địa, phe Nam tiến đứng trước viễn cảnh một cuộc chiến tranh toàn diện chống ABCD – với tiềm lực tổng hợp hoàn toàn vượt trội Nhật Bản – trải dài trên toàn bộ Thái Bình Dương, trong khi cuộc cấm vận nhiên liệu đang tới sát sau lưng. Giải pháp của họ, chiến tranh chớp nhoáng với một “Trận đánh quyết định” rõ ràng quá mạo hiểm – xét ở góc nhìn chiến lược.
Xen kẽ với các cuộc luận chiến giữa diều hâu và bồ câu, tranh luận giữa hai phe Bắc tiến hay Nam tiến diễn ra dữ dội kéo dài trong cả thập kỷ. Đến mức chính phủ Nhật quyết định triển khai song song cả hai hướng chiến lược cho đến phút cuối vào năm 1941. Quyết định cuối cùng chọn Nam tiến ở thời điểm này đã dẫn nước Nhật lao vào cuộc chiến tranh Thái Bình Dương với kết cục bi thảm mà ai cũng biết. Ở đây chúng ta sẽ xem xét phần Bắc tiến với các kế hoạch cụ thể của họ.
2.Kế hoạch Bắc tiến và Hachi-Go B
Phác thảo ban đầu, bản kế hoạch thô năm 1937 cho Bắc tiến có thể thấy rõ trong Sơ đồ 1. Có thể thấy vùng Manchukuo như một mấu lồi với ba mặt giáp địch, là căn cứ để từ đó Đạo quân Quan Đông xuất phát các đợt tấn công theo ba giai đoạn:
1. Chiếm vùng Viễn Đông, tấn công vào quân khu Viễn đông, khu vực Primorye đến bắc đảo Sakhalin.
2. Chiếm Ngoại Mông và vùng Baikal, tấn công vào lực lượng quân khu Trans Baikal và Mông cổ.
3. Phát triển vào Trung Siberia.
Những ước lượng ban đầu của người Nhật cho rằng, do hạn chế về năng lực cung cấp từ phía tây qua tuyến đường sắt xuyên Siberia, tổng lực lượng Liên xô tại hai quân khu vùng Viễn đông không vượt quá 55 đến 60 sư đoàn.
Do hậu quả của cuộc Đại thanh trừng của Stalin, vào năm 1938, Tư lệnh lực lượng NKVD tại Viễn Đông, Ủy viên bậc 3 Genrikh Lyuskov bỏ trốn sang Nhật, đem theo những thông tin rất giá trị, giúp người Nhật nhanh chóng tinh chỉnh kế hoạch Bắc tiến thành Kế hoạch hành quân số 8, còn gọi là kế hoạch chiến dịch “Hachi-Go”. Nó dự tính tiến hành một cuộc chiến tổng lực với Liên Xô vào năm 1943, với lực lượng từ 45-50 sư đoàn Nhật chống lại tối đa 60 sư đoàn Liên Xô.
Chiến dịch Hachi-Go gồm hai lựa chọn: Kế hoạch A cụ thể hóa phần nguyên bản ban đầu của Bắc tiến, với 3 bước tuần tự như trên. Kế hoạch B khởi đầu bằng việc tiến công dọc theo thung lũng giữa dãy núi Đại Khingan và hồ Baikal, đánh bại lực lượng thuộc quân khu Trans Baikal trước, cắt đứt đường sắt xuyên Siberia rồi mới quay sang tiến công chiếm vùng ven biển Thái Bình Dương. Xét về kích thước, chiến dịch Hachi-Go B còn lớn hơn Barbarossa của người Đức, với 5000km chiều rộng, chiều sâu 1200km. Trong khi tỏ ra rất nghiêm túc, Hachi-Go B cũng cho thấy nhiều điểm bất khả thi, ví dụ nó đòi hỏi phải động viên 200.000 xe tải, gần gấp đôi tổng số xe tải của lục quân Nhật Bản lúc đó.
3.Năm 41 quyết định
Cho đến cuối cuộc đời, đồng chí Quốc trưởng vẫn còn tiếc nuối:” Điều đáng tiếc là người Nhật đã không chịu cùng chúng ta tấn công nước Nga Xô viết. Cùng với nhau, chúng ta đã có thể hủy diệt chủ nghĩa Bolshevik vào mùa đông năm 41”. Tuy nhiên, từ góc nhìn của người Nhật, Hiệp ước chống Quốc tế cộng sản không hề có giá trị, bởi chính người Đức đã không tôn trọng những gì mà họ đã ký. Trong khi đang choáng váng bởi thất bại của trận Khalkhin Gol, người Nhật sốc nặng khi thấy Hiệp ước Molotov-Ribentrop được ký vào tháng 8/39. Trò ăn mảnh của Quốc trưởng đã góp phần làm tan vỡ chủ trương cùng tấn công Liên Xô, dẫn đến việc Nhật ký hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau giữa Nhật và Liên Xô, và chuyển định hướng sang chiến lược Nam tiến. Và Thủ tướng hoàng thân Fumimaro Konoe lại sốc lần nữa khi chỉ biết tin về Barbarossa ngày 22/06/41 qua truyền thông, mà không hề được nước Đức báo trước. Phản ứng đầu tiên người Nhật nghĩ đến là xé bỏ bản Hiệp ước chống Quốc tế cộng sản vô giá trị. Tuy nhiên, phe Bắc tiến, được hỗ trợ từ Ngoại trưởng Yosuke Matsuka lại đề xuất xé bỏ hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau giữa Nhật và Liên Xô, phối hợp với Đức thanh toán nước Nga Xô viết vào năm 1941. Cuộc tranh cãi giữa hai phe bùng nổ dữ dội, dẫn đến một quyết định lơ lửng, trong đó Nhật sẽ tấn công Liên Xô ngay trong năm 41, nhưng chỉ khi Barbarossa diễn biến thuận lợi.
Lúc này phe lục quân, đứng trước một vấn đề rất nan giải. Để tiến hành chiến dịch Hachi-Go ngay trong năm 1941, họ chỉ còn khoảng 4-5 tháng trước khi mùa đông Siberia làm đình trệ mọi hoạt động vào khoảng tháng mười. Vì vậy phe Bắc tiến quyết định đẩy nhanh tất cả mọi việc, lập một kế hoạch cấp tốc để có thể nổ súng ngay cả khi “trái hồng còn vàng” (thành ngữ Nhật – trái hồng chưa chín vẫn ăn được dù không ngon lắm). Kế hoạch cấp tốc dự định :
28/06: quyết định tổng động viên.
10/08: tuyên chiến với Liên Xô.
10/09: bắt đầu tấn công.
15/10: kết thúc giai đoạn đầu của cuộc chiến.
Kế hoạch này khởi đầu chỉ cần 22 sư đoàn của Đạo quân Quan đông tăng cường quân Manchukuo, với tổng quân số 850.000 người. Ngay cả như vậy, Bộ Chiến tranh vẫn bác bỏ kế hoạch này, cho biết họ chỉ có thể cung cấp cho tối đa là 16 sư đoàn theo khung thời gian trên, một lực lượng rõ ràng là quá ít.
Phe lục quân một lần nữa đưa ra kế hoạch Kantokuen, sử dụng hầu hết lực lượng của Đạo quân Quan đông, để tiến công sang hướng đông, chọc thủng phòng tuyến sông Ussuri để đánh chiếm các tỉnh ven biển và Vladivostok. Hướng bắc và tây của Mãn Châu sẽ chỉ tổ chức phòng ngự, trong năm 1941.
Lực lượng dự tính khoảng 25 sư đoàn, tổng quân số lên tới 1.500.000 người, 2.000 xe tăng, 3.100 máy bay, 450.00 con ngựa, 40.000 xe tải… Đáng chú ý là người Nhật còn động viên các đơn vị vũ khí hóa học và vi trùng của họ trong chiến dịch Kantokuen. Họ cũng xây dựng sẳn kế hoạch chiếm đóng và quản lý các vùng đất sắp chiếm này.
Bất chấp mọi sự chuẩn bị, đến thời hạn cuối cùng của kế hoạch, người Nhật vẫn chưa thấy một kết cục rõ ràng nào từ Barbarossa. Mặc dù đạt được những thắng lợi to lớn trong các trận đánh tại lãnh thổ phía tây Liên Xô, Hitler còn lâu mới thuyết phục nổi mấy ông bạn samurai về một thắng lợi hoàn toàn đã ở trong tầm tay. Bên cạnh đó, viễn cảnh thiếu nhiên liệu ngày càng trầm trọng, khi phe Đồng minh đã áp đặt lệnh cấm vận toàn diện lên nước Nhật, mà dầu mỏ thì không thể tìm thấy từ Siberia và Viễn Đông. Kết quả lựa chọn cuối cùng như thế nào thì mọi người đều đã biết.
4.Kết luận
Rõ ràng, việc Nhật tổ chức tấn công Liên Xô trong năm 1941 là một vấn đề thật sự nghiêm trọng. Nó xuất phát từ chiến lược phát triển định hướng bành trướng lãnh thổ theo tinh thần Đại Đông Á, xuất phát từ những năm 20s, trải qua các sự kiện nghiêm trọng tại Đông Bắc Á, và kết tinh thành các kế hoạch cụ thể, ngày càng chi tiết, và có tính khả thi về mặt chiến dịch.
Những yếu tố khiến cho chiến dịch tấn công này không thể xảy ra bao gồm:
-Về chiến lược: việc tranh luận kéo dài, dẫn tới phải chuẩn bị song song cho cả hai hướng bắc tiến và nam tiến thể hiện những điểm bất khả thi chiến lược mà nước Nhật quân phiệt không thể vượt qua được. Trong điều kiện đó, quyết định cuối cùng cho dù theo hướng nào cũng có phần may rủi. Và người Nhật đã quyết chọn Nam tiến chứ không Bắc tiến.
-Về việc phối hợp tấn công Liên Xô dựa trên hiệp ước chống Quốc tế cộng sản: chỉ là chuyện thuần túy đầu môi chót lưỡi. Không hề có một sự phối hợp nào, dù ở bất cứ cấp độ nào được lên kế hoạch giữa các nước trong khối Trục. Ở đây chỉ có chuyện thu lợi ích lớn nhất từ hoạt động của đối tác mà thôi. Do đó, khi phát xít Đức không trình diễn được những thắng lợi quyết định vào mùa thu năm 41, người Nhật không thể nào khởi động cuộc chiến tại Viễn Đông để phối hợp với phát xít Đức được.
-Về nghệ thuật chiến dịch: vào năm 1941 bất chấp những cố gắng to lớn của lục quân Nhật Bản, từ các kế hoạch Hachi-Go cho đến Kantokuen, họ vẫn không thể cố định khung thời gian hành động phù hợp với thời tiết tại Siberia, dẫn tới việc chiến dịch tấn công phải đình hoãn cho đến năm 1942. Và lúc này người ta đã chọn Nam tiến.
Giả sử các yếu tố nói trên đã được giải quyết, liệu việc Nhật tấn công Liên Xô vào năm 1941 có khả năng thành công hay không? Trong lịch sử không có chữ nếu. Tuy nhiên dựa vào các số liệu biên chế kỹ thuật, có thể thấy người Nhật rất nghiêm túc chuẩn bị cho cuộc chiến toàn diện với Liên Xô tại thời điểm đó, và đã có những ưu thế đáng kể so với đối phương.
Vì vậy, Liên Xô phải luôn duy trì một lực lượng đáng kể tại Viễn Đông, ngay cả trong thời điểm bi kịch nhất của đất nước. Ở đây cần nhắc lại tên tuổi nhà tình báo Richard George, người đã nhận định chính xác về việc chuyển hướng nam tiến của Nhật và thông báo kịp thời cho Liên Xô tại thời điểm này. Không phải ngẫu nhiên mà người Nga luôn tôn vinh nhà tình báo chiến lược này, người đã cứu giúp Liên Xô vào thời điểm quan trọng nhất.
Để kết đề tài này, xin trích dẫn lời của tham mưu trưởng Phương diện quân Viễn đông A.K.Kazakovtsev vào năm 1941:”Nếu nước Nhật lao vào cuộc chiến cùng với phe Hitler… sự nghiệp của chúng ta sẽ là vô vọng”.
(Hoàng Công Điền)
Tài liệu tham khảo:
-https://www.historylearningsite.co.uk/…/the-russian-civil-…/
-http://wgordon.web.wesleyan.edu/papers/coprospr.htm
-The Way of the Heavenly Sword: The Japanese Army in the 1920’s, Humphreys L. A, Stanford University Press, 1995.
-https://www.dailykos.com/…/-Khalkhin-Gol-The-Forgotten-War-…
-Wikipedia
Ảnh:
-Sơ đồ Bắc tiến.
-Tư lệnh lực lượng NKVD tại Viễn Đông, Ủy viên bậc 3 Genrikh Lyuskov – kẻ đào tẩu.
-Sơ đồ kế hoạch Hachi-Go phiên bản B.
-Richard George – điệp viên cứu rỗi Liên Xô.




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *