Kỷ yếu có ý nghĩa gì mà người ta phải chụp?

  • Cảnh báo! Văn phong hơi cục súc…

Gần đây, hình ảnh cô bạn bí thư bất lực khóc nấc khi năn nỉ cả lớp chụp một bộ ảnh kỷ yếu, đã dấy lên trong mình một câu hỏi : “ Kỷ yếu có ý nghĩa gì mà người ta phải chụp?”

Theo bạn, có nên chụp ảnh kỷ yếu không?Với mình thì có cũng được, không có cũng chẳng sao. Miễn là cả lớp đồng lòng muốn tạo ra một cái kỷ niệm cuối cấp, thì mình sẵn sàng vui vẻ chấp thuận. Nhưng vấn đề là ở chỗ, người ta có nhiều lý do để từ chối quá! Có câu “ ta muốn ta sẽ tìm cách, khi không muốn ta sẽ tìm lý do”. Và dưới đây là những lí do đếch ai cãi được.

Không có tiền, tốn tiền, mắc quá, chụp điện thoại còn sướng hơn.

Đúng, nghèo không có tiền thì mình chấp nhận. Bạn mình cũng không có tiền, nhưng nó được cái là rất thích các hoạt động gắn bó với lớp, sẵn sàng tham gia cùng lớp, đơn giản là vì nó tôn trọng giá trị của một tập thể. Nó nói một câu thế này “ Dù tao không có tiền nhưng khi biết lớp sẽ chụp kỷ yếu tao đã để dành một khoản”. Các bạn thấy đấy, mình cũng nghèo, học sinh mà, kiếm đâu ra lắm tiền mà chi vào mấy việc này, nhưng mình yêu lớp, mình luôn tìm cách làm sao để có thể tham gia đầy đủ với lớp. Mình luôn hỏi, tại sao một bộ đồ với giá mấy trăm ngàn, bạn sẵn sàng vung tiền không suy nghĩ. Một bữa tiệc nhậu nhẹt vài trăm ngàn, bạn sẵn sàng góp hết tiền trong một đêm, không suy nghĩ. Một chuyến đi chơi với bạn gái/bạn trai, bạn chi ra cả triệu để có một đêm lãng mạn, không suy nghĩ. Vậy tại sao, một bộ ảnh kỷ yếu mà mãi mãi sau này dù có muốn cũng không được, bạn lại từ chối không suy nghĩ?

Bạn định nói kỷ yếu mắc ư? Phải rồi, mình cũng thấy mắc quá ấy chứ. Vậy nếu chỉ thuê thợ chụp một bữa rồi về có lẽ rẻ hơn nhỉ? No, muốn rẻ thì đừng chụp, nói như thế thì có điện thoại để làm gì? Cầm điện thoại chụp chẳng phải sướng hơn à? Nhưng mắc ở đây không phải tấm hình mà là buổi tụ tập cuối cùng, buổi vui chơi ăn uống cùng tập thể cuối cùng của đời học sinh. Đã chụp thì phải chụp cái gì đó cho ra hồn, đã chơi thì phải chơi hết mình. Bỏ thêm tí tiền thuê xe đi chơi, vừa chơi vừa chụp đấy mới là kỷ yếu. Còn chụp ảnh không thôi thì cứ chụp bằng điện thoại, có một tấm ảnh là kỷ niệm, có một kỷ niệm trong một bức hình là kỷ yếu.

Suốt ngày “cầm băng đóng nhau” thì kỉ yếu làm trò hề à? Sau này gọi họp lớp lại chẳng thấy ai, đứa khóc to nhất chắc là đứa đầu tiên vắng mặt đấy!

Chuẩn, không sai chút nào. Nếu một lớp học mà không đoàn kết, không ra một tập thể thì chụp nó vô nghĩa lắm. NHƯNG… học sinh mà, lúc nào mà chẳng có lúc hờn dỗi, giận nhau. Sao không dành cơ hội đó gắn kết lại với lớp? Các bạn ạ! đừng để thanh xuân của bạn là một chuỗi hối tiếc. Mình xin trích câu này :“ Vì sao ngày xưa lúc ra trường lại ôm nhau khóc rụng lông mi ra thế. Lên đại học, cùng học trong một thành phố, đâu phải nghìn trùng xa cách gì mà không gặp được nhau. Hóa ra là chúng ta dĩ nhiên rất dễ dàng gặp được nhau, chỉ là chúng ta không bao giờ gặp được con người ngây thơ, hồn nhiên của ngày xưa nữa. Nghĩa là nước mắt tuổi 17 là khóc trên tuổi xanh sắp mất” ( Tuổi 20 tôi đã sống như một bông hoa dại ). Chính vì không gặp được nhau nên con người ta mới cần kỷ niệm, để khi rảnh lục lại những bức hình tưởng chừng như vô nghĩa, ta tìm lại được con người thật của chính mình, ta trân trọng hơn những khoảnh khắc nhỏ nhoi chôn vùi trong ký ức.

Câu chuyện kỷ yếu của lớp Thảo

Hình chụp tin nhắn bên gửi là lời nhắn của mình gửi trong nhóm lớp cách đây vài hôm. Mình là đứa khá thẳng thắn, và tuyệt nhiên sẽ không khóc lóc năn nỉ lớp đi chụp như cô gái bí thư kia. Vấn đề của lớp Thảo là các thành viên không có trách nhiệm với hành động của mình. Đầu năm không ai muốn chụp kỉ yếu vì lớp của Thảo bị tách và mới chuyển đến. Đến cuối năm, nhờ có cô giáo chủ nhiệm tâm lý, cô đã xúc tác cho tâm hồn non nớt của chúng nó về vấn đề nên hay không nên chụp kỷ yếu, và cô mình khuyên các bạn nên chụp để có kỷ niệm với nhau. Mình đứng ra quản vấn đề này, ngay trong thời khắc đó, mình hỏi cả lớp đến chục lần rằng có đồng ý làm kỷ yếu hay không, kết quả là một 100%. Vậy là mình chốt! Trong quá trình đó mình liên tục hỏi ý kiến nhưng không ai ra mặt góp ý. Ngày mình đi ký hợp đồng kỷ yếu và ra cái giá 250k/người, các bạn bắt đầu ý kiến gay gắt. Như những lý do trên, không có tiền. Thậm chí, còn có thành phần ở bên ngoài nói ra nói vào rằng nó không muốn chụp. Mình không phải bảo mẫu, mình cũng không có trách nhiệm đi năn nỉ các bạn ấy phải đi chụp. Vì chụp mà không vui vẻ thì sẽ xảy ra những xung đột không đáng có. Nhưng cái đáng giận là làm ảnh hưởng đến rất nhiều người bởi những thành viên vô trách nhiệm. Kỷ yếu thiếu thành viên chụp để làm gì? Thế thì ban đầu đừng đồng ý, tại sao chờ ký hợp đồng xong mới nói không có tiền, mới nói không thích? Cho đến tận bây giờ, mọi người trong lớp đã thoải mái hơn và gần như 100% các bạn đã vui vẻ đồng ý.

Mình chỉ muốn nói thế này, đừng ép một đứa ngay từ đầu đã có tư tưởng kỷ yếu là một cái gì đó vớ vẩn, đừng nói nhiều lời hoa mỹ làm éo gì, cứ quát vào mặt nó “ Không đi thì trả tiền vi phạm hợp đồng” Thế thôi cho gọn.

Vậy rốt cuộc nên chụp hay không?

Mình không khuyên là các bạn nên chụp hay không, như từ đầu đã nói , có cũng được, không có cũng chẳng sao. Trước khi muốn chụp thì hỏi tập thể có thống nhất hay không? Vì sao? Vì tiền bạc thì nên dẹp đi. Còn nếu vì mất đoàn kết thì thử tâm sự với nhau, không thích chụp thì tổ chức buổi đi chơi. Kỷ yếu chỉ là bản nâng cấp của một bức ảnh kỷ niệm thôi. Đã chịu chụp thì chịu chơi, chơi không được thì ngậm mồm lại, đừng lý do lý trấu.

Phản đề:

Không biết tự bao giờ, kỷ yếu trở thành trend, là một cái gì đó để so sánh về độ “chất”, độ “giàu”, độ “ chịu chơi” của một bộ phận học sinh. Họ đua nhau mặc hán phục, mặc đồ truyền thống của các nước trên thế giới, quay những đoạn phim ma mị chẳng khác gì MV ca nhạc. Mặc những bộ vest đen, bộ đồ rách rưới hay những con ma vất vưởng với những concept chẳng ra làm sao. Với mình, kỷ niệm càng đơn giản càng đáng yêu, đáng nhớ. Nói thật, nhìn mấy tấm hình dìm của lũ bạn, tuy xấu mà ký ức nó ào ạt lắm. Nó khiến mình bồi hồi thổn thức về một thời tinh nghịch. Cho nên nếu đã chụp thì hãy chụp sao cho đúng chất của một học sinh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *