Trong bài viết đăng trên trang War On The Rocks năm 2015, ông Scott Mobley, người từng phục vụ 13 năm cho hải quân Mỹ, tiết lộ lực lượng này từng có kế hoạch xâm chiếm Canada vào mùa hè năm 1887. Điều này có thể gây ngạc nhiên cho nhiều người quen với lịch sử hữu hảo lâu dài giữa Mỹ và nước láng giềng phương bắc. Thậm chí trong năm 1887, Mỹ và đế chế Anh (vốn bao gồm Canada) nhìn chung vẫn dễ chịu với nhau. Tuy nhiên, theo sử gia Mobley, một đại úy hải quân Mỹ tên Charles C.Rogers đã hình dung về một chiến dịch phối hợp lục quân và hải quân nhằm chiếm khu vực trung tâm chiến lược của Canada.
Một cuộc tranh cãi giữa Mỹ với Anh về quyền đánh bắt tại vùng biển Canada chính là tác nhân thúc đẩy quyết tâm hoạch định chiến lược của hải quân Mỹ hồi năm 1887. Vào mùa hè năm đó, các điệp viên của Văn phòng Tình báo hải quân (ONI) mới được thành lập đã đi lên phía bắc để đánh giá hệ thống phòng thủ của Canada. Sứ mệnh của ONI trùng hợp với một cuộc do thám khác do đại úy Rogers thực hiện.
Theo lệnh của chỉ huy Hải đoàn Bắc Đại Tây Dương, Chuẩn đô đốc Stephen B.Luce, ông Rogers đã tiếp cận nhiều địa điểm chiến lược ở miền đông Canada. Sau khi hoàn thành cuộc khảo sát, đại úy Rogers đã soạn các báo cáo mật tại trụ sở ONI ở Washington D.C. Một trong các văn bản có tựa đề Báo cáo tình báo về nguồn lực chiến tranh tổng quát của nước Canada tự trị, bao gồm một Kế hoạch tác chiến dài 11 trang nhằm chinh phục vùng đất láng giềng.
Trong kế hoạch của mình, ông Rogers đề xuất một chiến lược chia để trị. Theo đó, Mỹ chia cắt Canada bằng cách giành quyền kiểm soát khu tam giác chiến lược Montreal, Ottawa và Kingston. Ông hình dung một chiến dịch gồm 3 mũi giáp công, trong đó một đạo quân của Mỹ tiến lên phía bắc dọc theo trục sông Hudson – hồ Champlain – sông Richelieu, một đạo quân khác chiếm thành phố Halifax và phong tỏa lưu vực sông St.Lawrence, và đạo quân thứ ba nhắm mục tiêu Toronto bằng cách di chuyển dọc sông Niagara. Lưu ý đến ưu thế đáng kể của hải quân Anh, ông Rogers kêu gọi triển khai phần lớn đội tàu của Mỹ tại các vùng duyên hải nhằm đối phó các vụ xâm nhập bằng đường biển. Ông cũng kêu gọi các tàu chiến Mỹ hỗ trợ bằng cách chiếm quyền kiểm soát cục bộ khu vực Ngũ đại hồ và sông Lawrence.
So với những chiến dịch quy mô và chi tiết hơn của các thế hệ về sau, kế hoạch xâm chiếm Canada của ông Rogers có vẻ khiêm tốn. Tuy nhiên, nó tượng trưng cho bước đi quan trọng đầu tiên của một lực lượng hải quân chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc hoạch định các chiến dịch khẩn cấp trong thời bình. Theo chuyên gia Mobley, kể từ thập niên 1790, các nhà chuyên môn hải quân chú trọng kỹ năng hàng hải hơn mọi năng lực khác. Với niềm tin rằng quy mô, tài lực và khoảng cách so với các kẻ thù nước ngoài tiềm tàng sẽ cho phép Mỹ có đủ thời gian huy động đội tàu và đề ra kế hoạch sử dụng chúng khi nguy hiểm chực chờ, hải quân Mỹ trong giai đoạn đầu hầu như không làm gì để tăng cường kiến thức và kỹ năng chiến lược khi nước Mỹ đang trong thời bình.
Chính xu hướng như vậy đã khiến Mỹ đi đến giai đoạn thức tỉnh về chiến lược. Được nuôi dưỡng bởi Viện Nghiên cứu hải quân và các diễn đàn thảo luận về chuyên môn, quá trình thức tỉnh đã đánh dấu một sự chia tay với di sản hờ hững với chiến lược trước đó. Những lời kêu gọi thành lập các định chế chiến lược mới đã dẫn đến sự ra đời của cả ONI (năm 1882) lẫn Đại học Chiến tranh hải quân (năm 1884). Ngoài ra, còn phải kể đến một diễn biến quan trọng khác vốn cũng góp phần tạo đà cho các nỗ lực hoạch định chiến lược ban đầu của hải quân Mỹ. Đó là việc chính quyền của Tổng thống Grover Cleveland chủ trương dịch chuyển các ưu tiên của sứ mệnh hải quân không lâu sau khi lên cầm quyền.
Trong 5 thập niên trước đó, nhiệm vụ chính của hải quân Mỹ chỉ là bảo vệ các quyền lợi của đội thuyền buôn. Chính sách thiên về thương mại thay cho những yêu cầu cấp bách về an ninh quốc gia này đã định hình sứ mệnh cơ bản, cơ cấu lực lượng và mô hình triển khai của hải quân Mỹ. Chỉ khi phải đương đầu với một cường quốc hàng hải thực sự, Mỹ mới huy động và huấn luyện một lực lượng hải quân khẩn cấp, về cơ bản là một đội tàu chiến tạm thời. Truyền thống này đã thay đổi vào đầu năm 1886, khi Bộ trưởng Hải quân William C.Whitney đề xuất thành lập một hải quân bền vững nhằm đối phó chiến hạm của các cường quốc hàng hải tầm cỡ toàn cầu. Cũng chính ông Whitney đã xác lập vai trò hoạch định chiến lược cho ONI.
Cuối cùng, chiến tranh đã không xảy ra vào năm 1887, do Tổng thống Cleveland chọn biện pháp ngoại giao để giải quyết cuộc tranh cãi. Một hiệp ước ngư nghiệp được ký kết hồi năm 1889 cuối cùng đã xoa dịu căng thẳng giữa Mỹ và Canada. Tuy nhiên, kế hoạch của ông Rogers đã đi qua nhiều khâu rà soát khác nhau tại đại bản doanh hải quân Mỹ, thậm chí đã được đặt lên bàn của Đô đốc hải quân David D.Porter. Bản thân ông Rogers cũng đã sử dụng các tài liệu từ kế hoạch này để đưa vào những bài thuyết giảng tại Đại học Chiến tranh hải quân từ năm 1888 – 1889. Những thành phần trong bản kế hoạch gốc của vị đại úy cũng đã xuất hiện trở lại trong những kế hoạch khẩn cấp do Hiệu trưởng Đại học Chiến tranh Hải quân Alfred Thayer Mahan và nhiều người khác soạn thảo trong thập niên tiếp theo. Vì thế, dù kế hoạch của ông Rogers chưa bao giờ được hiện thực hóa, nó đã đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử hải quân Mỹ với những đặc điểm tiếp tục ảnh hưởng đến lực lượng này ngày nay.
Khi tiếng súng đã lắng xuống dọc theo Mặt trận phía Tây trong thế chiến thứ nhất vào năm 1918, Mỹ và Anh đã bắt đầu tranh giành ảnh hưởng. Washington và London bất đồng sâu sắc về thực chất của các vụ dàn xếp ở châu Âu và châu Á, cũng như về việc hình thành thế cân bằng hải quân hậu chiến. Cuối năm 1920 và đầu năm 1921, căng thẳng giữa các nước gia tăng đến mức độ gây hoảng loạn thực sự ở Washington, London và đặc biệt là Ottawa. Việc kiệt quệ sau chiến tranh cộng với Hiệp ước Hải quân Washington đã giúp làm cho các vấn đề căng thẳng này chìm xuống và đặt nền móng cho mối quan hệ đối tác Anh-Mỹ trong thế kỷ 20. Vào năm 1921, một trung tá Canada tên Buster Brown đã soạn thảo một văn bản có tên gọi Kế hoạch phòng thủ số 1. Gọi là phòng thủ, nhưng thực ra đó là một kế hoạch xâm lược toàn diện nhằm vào Mỹ do những bất đồng xung quanh việc thanh toán khoản nợ gần 22 tỉ USD của Anh, mẫu quốc của Canada, với Mỹ. Thông tin này do tác giả Kevin Lippert đưa ra trong cuốn sách có tựa đề War Plan Red (Kế hoạch chiến tranh đỏ) phát hành hồi giữa năm 2015. Theo đó, đích thân ông Brown đã đi do thám dọc biên giới Canada với bang New England. Ông chụp ảnh cầu, đường và những địa điểm quan trọng ở khu vực đông bắc Mỹ, cũng như tìm hiểu lòng trung thành với đất nước của người dân địa phương. Khi trở về, ông Brown đã thảo ra kế hoạch gồm 5 mũi nhằm tấn công các thành phố Seattle, Portland, Minneapolis và Detroit, đồng thời thu hồi bang Maine của nước láng giềng.
Đáp lại, Mỹ cũng vạch ra Kế hoạch chiến tranh đỏ năm 1930 nhằm mục tiêu đẩy bật người Anh ra khỏi Canada để hình thành Hiệp chủng quốc Bắc Mỹ. Theo ông Lippert, các kế hoạch mật nêu trên đã được giữ kín đến thập niên 1970. Kế hoạch như sau: Trong trường hợp có chiến tranh, biên giới Mỹ-Canada sẽ là mặt trận trung tâm của cuộc chiến này. Mặc dù Washington duy trì quan hệ tốt đẹp với Ottawa, kế hoạch tác chiến ở cả Mỹ và Anh sẽ tính đến một cuộc tiến công nhiều mũi vào nước láng giềng của Mỹ, nhằm nhanh chóng chiếm đất nước này trước khi lực lượng tăng viện của Anh (hoặc Nhật Bản) kịp đến. Các tuyên bố trung lập của Canada sẽ ít có tác động đến quá trình này. Kế hoạch mở các cuộc tấn công đầu tiên sẽ bao gồm việc chiếm Vancouver, Winnipeg, khu vực thác Niagara và hầu hết Ontario.
Với sự chênh lệch lớn giữa quân lực Mỹ và Canada, hầu hết các cuộc tấn công này sẽ thành công một cách chóng vánh. Trận đánh chủ chốt sẽ xoay quanh các nỗ lực của Anh và Canada trong việc giữ vững Nova Scotia, New Brunswick, và đặc biệt là cảng Halifax – cảng này sẽ vừa đóng vai trò cổng chính cho quân Anh vào Canada vừa đóng vai trò căn cứ tại chỗ cho hải quân Anh. Các chiến lược gia của Mỹ hiểu rằng Halifax là chìa khóa để giành chiến thắng trong cuộc chiến một cách mau chóng. Họ cũng tính đến các phương án chiếm cảng, bao gồm việc sử dụng khí độc và tấn công đổ bộ.
Giả dụ biết rõ điều đó, liệu quân Anh và Canada có ngăn được ý đồ cắt đứt tuyến tiếp tế giữa Halifax và các thành phố lớn ở Quebec và vùng Ngũ Hồ?
Ít có khả năng như vậy. Lục quân Mỹ sẽ có lợi thế lớn về số lượng, hậu cần và tính cơ động. Ottawa và Toronto có thể là quá lớn để có thể đánh chiếm một cách nhanh chóng nhưng việc cắt đứt các thành phố này với Đại Tây Dương sẽ khiến cho việc họ đầu hàng chỉ còn là vấn đề thời gian.
Thế còn Quebec thì sao? Chủ nghĩa dân tộc đầu thế kỷ 20 có vẻ không mạnh lắm trong các cộng đồng dân tộc thiểu số ở đây. Hơn nữa Mỹ không có cơ chế nào trong hiến pháp mà dựa vào đó nước này có thể nhượng bộ cho cộng đồng đa số nói tiếng Pháp ở tỉnh này. Trong bối cảnh đó, các lãnh đạo tỉnh Quebec có thể tìm kiếm một thỏa thuận với Washington bảo đảm nền độc lập cho Quebec để đổi lại việc Quebec sẽ dành sự ủng hộ cho nỗ lực chiến tranh của Mỹ. Đương nhiên nhiều khả năng Mỹ sẽ hoan nghênh đề xuất đó. Nếu không, Lục quân Mỹ sẽ lên kế hoạch đánh chiếm thành phố Quebec bằng một cuộc tấn công thông qua Vermont.
Kế hoạch tác chiến của người Anh có thể tính đến chuyện bỏ qua Canada để tập trung cho vùng Caribbean. Tuy nhiên áp lực từ công chúng có thể buộc Hải quân Anh thiết lập và duy trì tuyến tiếp tế xuyên Đại Tây Dương để đối phó với hải quân Mỹ. Mặc dù nhiệm vụ này khó khăn – phải làm dài lâu, hải quân Anh vẫn có ưu thế trước hải quân Mỹ trong cuộc chơi này. Tám siêu thiết giáp hạm dreadnought loại tiêu chuẩn của hải quân Mỹ hơn hẳn các chiến hạm tương ứng của Anh. Hải quân Mỹ còn sở hữu 10 tàu dreadnought cũ hơn, cộng với một hạm đội tiền dreadnought có khả năng đảm nhiệm phòng thủ bờ biển.
Mỹ (thời đó) không có một lực lượng tàu ngầm sánh được với đội tàu ngầm của Đế quốc Đức và những tàu mà họ có lại thiếu kinh nghiệm tấn công. Về phần mình, hải quân Anh có trong tay 9 chiến hạm dreadnought, 23 siêu chiến hạm dreadnought và 9 tuần dương hạm chiến đấu. Chiến hạm của Anh nhìn chung cũ hơn, giáp yếu hơn, và vũ trang bớt hầm hố hơn so với tàu Mỹ. Tuy nhiên hải quân Anh có lợi thế nhiều năm kinh nghiệm cả trong thời chiến và thời bình mà phía Mỹ lại thiếu. Ngoài ra hải quân Anh có lợi thế lớn về khu trục hạm và tuần dương hạm cũng như có lợi thế nhỏ về hàng không hải quân. Nhưng làm thế nào mà hải quân Anh có thể triển khai tàu chiến của mình?. Phong tỏa bờ biển phía Tây của Mỹ khó khăn hơn nhiều so với phong tỏa nước Đức, mà hải quân Mỹ chỉ chịu giao chiến ở những nơi có lợi cho họ. Hải quân Anh có thể mở một cuộc tấn công vào Boston, Long Island và các khu vực duyên hải khác ở phía bắc nhưng đa phần các chiến dịch của họ sẽ tập trung vào hỗ trợ cho lực lượng lục quân Anh và Canada ở các tỉnh Maritimes của Canada.
Cả Mỹ và Anh đều dự kiến Nhật Bản sẽ tham gia vào bất cứ cuộc xung đột nào bên phe Anh. Mối liên hệ giữa hải quân Anh và hải quân đế quốc Nhật Bản có từ thời Minh Trị Duy tân và Tokyo thì vẫn khát khao lãnh thổ ở vùng Thái Bình Dương. Trong Thế chiến thứ 1, Nhật Bản đã chớp thời cơ để chiếm hầu hết các vùng của Đức ở Thái Bình Dương trước khi triển khai một phần hải quân của mình để ủng hộ các chiến dịch Entente ở Địa Trung Hải. Trong trường hợp nổ ra một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Anh, hải quân Nhật nhiều khả năng sẽ thực hiện các nỗ lực tương tự nhằm vào lãnh thổ Mỹ. Với sức mạnh của hải quân Nhật (sở hữu 4 tuần dương hạm chiến đấu, 5 siêu dreadnought, 2 dreadnought) và cam kết đối với một chiến lược Đại Tây Dương trước hết, Mỹ có thể không thể giữ được Philippines, Guam, Wake, Midway và hầu hết các đảo khác ở Thái Bình Dương. Trong khi đó, Hawaii có thể quá xa và quá lớn và ít khả năng Nhật Bản sẽ liều lĩnh triển khai trên bộ ở miền tây Canada. Lục quân Anh và hải quân Anh có khả năng sẽ dựng lên một tuyến phòng ngự hiệu quả ở Nova Scotia, ngăn Mỹ đánh bại hoàn toàn Canada. London cũng có thể ủng hộ các lực lượng kháng chiến trong vùng hoang vu của Canada, mặc dù Anh có thể gặp nhiều thách thức về hậu cần nếu họ hỗ trợ quân du kích ở vùng viễn bắc.
Tuy nhiên cuối cùng Mỹ có thể vẫn chiếm được một vùng rộng lớn của Canada với cái giá là đánh mất gần hết các cơ sở của họ ở Thái Bình Dương. Bản đồ mới khi đó sẽ bao gồm một nước Mỹ mở rộng tới vùng Bắc cực, một khu vực Quebec độc lập, một nước Canada nhỏ (chưa bị Mỹ chiếm hết) gồm chủ yếu các tỉnh Maritimes và vùng Tây Thái Bình Dương thuộc về Nhật Bản. Trong trường hợp đó, Tokyo chứ không phải là London hay Washington mới là kẻ chiến thắng lớn nhất, bá quyền ở khu vực ảnh hưởng riêng của mình và hoàn toàn có khả năng quản lý cửa ngõ quốc tế vào Trung Quốc
Vào năm 1994, Cục Lưu trữ quốc gia Mỹ lần đầu tiên đã cho công khai một hồ sơ đóng dấu mật dày 400 trang liên quan đến một kế hoạch quân sự có tên gọi “Kế hoạch Đỏ – Tác chiến phối hợp giữa hải quân và bộ binh” (JANBWP-R). Toàn bộ hồ sơ này khi được đăng tải đầy đủ trên báo The Washington Post không chỉ thu hút sự quan tâm của dư luận Mỹ mà còn khiến người dân Canada phải bàng hoàng, bởi vì đó chính là một kế hoạch quân sự quy mô của Mỹ nhằm xâm chiếm Canada. Năm 1933, khi Adolf lên nắm quyền tại Đức và không giấu giếm ý đồ bành trướng khắp châu Âu. Ý đồ bá quyền này đã khiến Chính phủ Mỹ lo ngại là một khi thôn tính xong châu Âu, Adolf chắc chắn sẽ tìm cách tấn công nước Mỹ để chiếm giữ nguồn tài nguyên phong phú và cả ngành kỹ nghệ phát triển của Mỹ. Và bàn đạp để Đức xua quân xâm chiếm Mỹ chính là Canada . Ngoài ra, Mỹ còn một lo ngại lớn khác, đó là việc để tranh giành các quyền lợi kinh tế và giao thương quốc tế với Mỹ, nước Anh, một đế quốc hùng mạnh trên thế giới sẵn sàng thôn tính Mỹ bằng cách lấy Canada, vốn là một lãnh thổ thuộc đế quốc Anh tại Bắc Mỹ, làm bàn đạp để tấn công chiếm đóng và khuất phục Mỹ.
Vì vậy, vào tháng 10/1935, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt đã triệu tập một cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia đặc biệt để thảo luận về việc triển khai một chiến dịch quân sự quy mô nhằm chiếm đóng Canada đề phòng các cuộc tấn công nước Mỹ hoặc của Đức hoặc của đế quốc Anh. Bộ Quốc phòng Mỹ được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tác chiến này. Đến năm 1936, sau hơn một năm chuẩn bị, Bộ Quốc phòng đã trình lên Hội đồng An ninh quốc gia một kế hoạch quân sự có tên gọi Kế hoạch Đỏ-Tác chiến phối hợp giữa hải quân và bộ binh (JANBWP-R). Tại phần 1 của kế hoạch quân sự này, Mỹ sẽ sử dụng hàng trăm tàu chiến để phong tỏa toàn bộ bờ biển Canada ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, trong đó tập trung chiếm đóng thành phố cảng Halifax ở cực đông bắc Canada để cắt đứt tuyến hàng hải nối liền Canada với châu Âu. Trên vùng biển Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ sẽ phong tỏa chặt các thành phố cảng Vancouver và Victoria. Tại phần 2 của kế hoạch JANBWP-R, 500.000 lính bộ binh được sự yểm trợ của xe tăng và máy bay chiến đấu sẽ đồng loạt tấn công vào lãnh thổ Canada. Mục tiêu đầu tiên là tiến về miền Trung Canada để chiếm giữ các vùng mỏ nicken ở bang Ontario. Cũng theo kế hoạch này, quân đội Mỹ sẽ chiếm giữ và phong tỏa xa lộ 99 nối liền các thành phố miền Đông và miền Tây Canada. Một khi đã chiếm đóng và kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ Canada, Chính phủ Mỹ sẽ tiến hành sáp nhập bắt buộc Canada vào nước Mỹ.
Để chuẩn bị triển khai kế hoạch chiếm đóng quy mô này, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cho xây dựng một số sân bay quân sự dọc theo biên giới Mỹ-Canada được ngụy trang thành những sân bay dân sự. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng còn cho đóng mới nhiều tàu chiến, tàu chuyển quân và mở các cuộc tập trận tại bang Washington ở vùng tây bắc và bang Maine ở vùng đông bắc giáp giới với Canada. Tuy nhiên, kế hoạch xâm chiếm Canada của Mỹ đành phải xếp lại khi Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ tại châu Âu vào tháng 9/1939 với việc Đức xua quân xâm chiếm Ba Lan. Cho rằng Anh sẽ trở thành một trong những quốc gia châu Âu bị thôn tính bởi Đức nên không còn khả năng tấn công Mỹ qua ngả Canada và cách tốt nhất để chống lại các cuộc tấn công nếu có của Đức vào lãnh thổ Mỹ là hợp tác với các quốc gia châu Âu, trong đó có Anh, để giáng trả lại Đức. Đây chính là lý do khiến Tổng thống Roosevelt quyết định đình hoãn vô thời hạn kế hoạch xâm chiếm Canada
Tuy nhiên, JANBWP-R không phải là kế hoạch xâm chiếm Canada duy nhất của Mỹ. Cũng theo tiết lộ của báo The Washington Post, vào năm 2002, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ dưới sự chủ trì của Tổng thống George W.Bush đã có một cuộc họp quan trọng để bàn về một kế hoạch tấn công bằng quân sự để chiếm đóng các nguồn nước của Canada vì trước đó phía Canada đã bác bỏ các kế hoạch mua nước ngọt của Chính phủ Mỹ. Do sự biến đổi của khí hậu trái đất và do người dân Mỹ có thói quen sử dụng nước phung phí nên Mỹ bị thiếu hụt nguồn nước một cách nghiêm trọng, trong khi đó quốc gia láng giềng Canada lại dư thừa nguồn nước. Không còn cách nào khác, Mỹ buộc phải thương lượng để mua lại nguồn nước dồi dào của Canada. Tuy nhiên, kế hoạch này đã gặp phản ứng dữ dội không chỉ của dân chúng, các nhà khoa học mà cả từ chính quyền một số bang. Họ lập luận rằng nước là nguồn tài nguyên quan trọng và chiến lược của quốc gia nên không thể nào bán được.
Trước tình hình mang tính sống còn này, chính phủ của Tổng thống Bush đã lên kế hoạch tấn công quân sự chớp nhoáng để chiếm hữu các nguồn nước quan trọng của Canada như các hồ thuộc Ngũ Đại Hồ sát biên giới các bang đông bắc của Mỹ và Canada, các hồ nước ngọt ở các bang Manitoba, British Columbia, Alberta và Sakatchewan của Canada. Tại các vùng bị chiếm đóng, Mỹ sẽ cho xây dựng các trạm bơm và hệ thống ống dẫn nước hoạt động ngày đêm để chuyển nước về Mỹ. Các tàu vận chuyển nước được thiết kế như tàu dầu cũng tham gia vận chuyển nước từ Canada về Mỹ. Tuy nhiên, cuối cùng kế hoạch chiếm giữ các nguồn nước quan trọng của Canada của Mỹ cũng bị đình chỉ vô thời hạn khi vào tháng 6/2003, Mỹ và Canada đạt được một thỏa thuận về phân chia và cung cấp nguồn nước ngọt.
Link:https://nationalinterest.org/…/revealed-americas-secret…
https://www.washingtonpost.com/…/96f45b6c-25db-44e5…
/https://warontherocks.com/…/the-u-s-navys-secret-11…/
Hình dưới: Lính biên phòng Canada và Mỹ vào thời điểm năm 1887.