5 bí kíp “sinh tồn” cho sinh viên lần đầu đến SÀI GÒN

Sau một khoảng thời gian dài học online thì trong giai đoạn gần đây, các bạn sinh viên ở tỉnh bắt đầu đi học lại, trong số đó có rất nhiều bạn tân sinh viên chưa từng xa gia đình để sinh sống và học tập ở một thành phố xa lạ. Giai đoạn này làm cho mình nhớ lại hình ảnh cô sinh viên bé nhỏ năm nhất ngày nào nép sau lưng ba lần đầu lên Sài Gòn để nộp hồ sơ nhập học với biết bao nhiêu điều bỡ ngỡ. Hôm nay mình sẽ chia sẻ về Top 5 bí kíp “sinh tồn” cho sinh viên lần đầu đến Sài Gòn nhé. Chi tiết nội dung các bạn bấm vào từng hình bên dưới nhé ^^ 👇

1. Tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết: kết nối hội đồng hương, các anh chị đi trước,…

Hiện nay TPHCM là trung tâm kinh tế văn hóa chính trị lớn nhất miền Nam, với dân số hơn 9 triệu người, nên bạn đừng lo là bạn sẽ lạc trôi một mình ở thành phố này nhen.

Việc đầu tiên bạn cần làm là rà soát lại những người quen, bạn bè, người thân của mình có ai đang sinh sống và làm việc ở TPHCM hay không để có thể liên hệ hỏi thăm. Khi mới chân ướt chân ráo đến sinh sống và học tập ở một nơi mới làm cho bạn bị choáng ngộp với 101 thứ phải lo. Việc kết nối với những người đi trước sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc bắt đầu làm quen với một thành phố xa lạ.

Bạn có thể tìm thử trên các trang mạng xã hội xem có những hội sinh viên đồng hương nào mà mình có thể gia nhập, mình ví dụ như “Hội đồng hương Tiền Giang” – Hội sinh viên Quảng Nôm v.v

Năm mình mới lên Sài Gòn thì nhờ một anh khóa trước giới thiệu mình một chỗ nhà trọ an ninh, sạch sẽ và giá cả hợp lý. Một chị họ hướng dẫn mình đường đi đến nơi mình cần, giúp mình tiết kiệm rất nhiều thời gian và nhanh chóng làm quen cuộc sống mới, đồng thời tránh bị kẻ xấu lừa gạt khi lúc đó mình hầu như lạ lẫm và thiếu thông tin về mọi mặt. Chính vì vậy, bạn đừng ngại kết nối và hỏi thăm những người đi trước bạn nhé.

2. Nắm rõ địa điểm cần đến & phương tiện di chuyển
– Khi lần đầu đến TPHCM có thể nhiều bạn sẽ thấy sợ hãi vì mật độ giao thông ở đây rất dày đặc, nhất là vào giờ cao điểm kèm theo đặc sản là những con hẻm chằng chịt khắp mọi nơi.
– 2 ứng dụng cực kỳ quan trọng giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi này chính là Google Maps và Bus Map.
– Bạn cần lập danh sách các điểm đến, và sắp xếp lộ trình di chuyển rõ ràng để không bị lạc đường khi đi nhé.
– Cụ thể bạn cần nắm rõ chi tiết là
+ từ quê của bạn đến SG bằng phương tiện gì, đi xe khách, xe giường nằm, máy bay, xe lửa,
+ điểm đến của phương tiện đó là ở đâu (là trạm nào, hay xuống dọc đường)
+ rồi sau đó bạn sẽ di chuyển bằng phương tiện nào đến nhà trọ hay trường học của mình. (đi grab, taxi, xe bus)
+ Mỗi chặng như vậy di chuyển bao xa và mất thời gian bao lâu
– Khi bạn lên kế hoạch chi tiết như vậy sẽ giúp mình chuẩn bị chi phí chính xác và chủ động hơn trong việc đi lại.
– Một mẹo nếu bạn đi một mình, thì có thể gửi định vị trực tiếp cho người thân mình theo dõi hành trình và kịp thời ứng phó nếu phát hiện có gì bất thường. Hiện nay thì mình thấy tính năng này đã có ngay trên Messenger và Zalo để bạn có thể thao tác rất nhanh trong vòng 30s.

3. Không đem quá nhiều tiền mặt:
– Một mẹo để tránh bị mất tiền chính là bạn hãy chia tiền của mình ở nhiều nơi khác nhau.
– Hãy ước tính số tiền cần chi để chuẩn bị tiền mặt vừa đủ chứ đừng mang quá nhiều tiền mặt trong người sẽ gây nguy hiểm cho bạn. Nếu như bạn không may bị móc túi hay giật túi xách thì coi như là mất hết tài sản của mình.
– Bạn có thể chia ra một số nơi cất tiền như trong balo, trong túi, trong ví, trong tài khoản ngân hàng nhé.
– Hệ thống ATM ở SG rất nhiều nên bạn có thể rút tiền khi cần mà không lo mang thiếu nhé.

4. Chú ý điện thoại di động:
– Một chiếc điện thoại thông minh đã trở thành vật bất ly thân của các bạn trẻ ngày nay. Nó không chỉ là phương tiện nghe gọi đơn thuần mà còn phục vụ tra cứu thông tin, xem bản đồ, thanh toán đơn hàng,… Nhưng đây cũng là món mồi béo bở cho những kẻ gian.
Thường các bạn sinh viên năm nhất rất hay trở thành con mồi cho những kẻ móc túi trên xe bus, vì vậy bạn cần chú ý đến những người xung quanh khi ở trên xe, lên xuống xe. Và đặc biệt là khi phải dừng lại trên đường để tra cứu thông tin nhé.
Một lời khuyên của mình là bạn hãy sạc đầy pin trước mỗi lần phải di chuyển, và trang bị cho điện thoại gói 4G để có thể tra cứu thông tin, tra đường đi hay liên hệ người thân nhé. Rất nhiều bạn không để ý đến chi tiết nhỏ này mà hay xài điện thoại đến cạn kiệt pin, và đến lúc cần thì không có để dùng. và đẩy bạn vào những tình huống khó khăn như lạc đường không có điện thoại để tra Google maps, hoặc gặp tình huống bất lợi mà không thể liên hệ người khác để hỗ trợ.

5. Không nghe lời mời gọi nếu không thấy tin tưởng
– Vì bạn còn lạ nước lạ cái nên hãy luôn bật mode cảnh giác với những người lạ, những người có dấu hiệu khả nghi. Và sẵn sàng từ chối khi cần thiết nhé.
– Đôi khi bạn sẽ gặp rất nhiều lời mời gọi từ những người lạ: VD như ai đó cho bạn đồ ăn, các bác xe ôm mời khách, cò nhà trọ,…
– lúc đó các bạn nên chậm lại một nhịp và hãy kiên định với những gì mình đã tìm hiểu và dự định ban đầu nha.
– Hãy tỉnh táo và sẵn sàng nói không nếu bạn không tin tưởng, Vì không có ai tự nhiên mang đến cho mình điều gì đó quá dễ dàng, vì vậy cẩn thận chưa bao giờ là thừa bạn nha. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *