Sự cân chỉnh về màu sắc và ổn định của các thiết kế truyền thống.

Các tuần lễ thời trang ở tứ trụ kinh đô thời trang bao gồm Paris, New York, London và Milan đều tập trung rất nhiều các thương hiệu lớn – nhỏ, những người nổi tiếng – những tay chơi “có số có má” trong cộng đồng thời trang quốc tế, những fashion photographer chuyên nghiệp và những cây bút sắc lém phê bình thời trang. Từ “Big four in fashion” có thể là nơi định hình và xuất phát được “Xu hướng thời trang” và “Phong cách ăn mặc” cho ít nhất là một mùa hay cả năm trong đó. Và phương tiện theo dõi tốt nhất để nắm bắt được thế giới đang mặc như thế nào thì đó chính là các “Fashion Week streetstyle” – Tuần lễ thời trang đường phố.
Tại sao chúng ta nên theo dõi các “Tuần lễ thời trang” tại Big4. Đơn giản là ở các sự kiện lớn này – những người ăn mặc và xuất hiện trong đó đều là những người yêu thời trang và ít nhiều có tìm hiểu và theo dõi cách mà nền công nghiệp này đang vận hành. Thứ hai là nếu so sánh các runway mang hơi hướng và cái tôi của các nhà thiết kế và thương hiệu nhiều hơn, tính ứng dụng không cao thì “Streetstyle Fashion week” lại thể hiện ra một cách ăn mặc đa dụng (ít nhất là họ đang mặc đi trên phố, nghĩa là nó ứng dụng ở thực tế được), không bị gò bó – không bị kiểm soát. Nó phụ thuộc vào mindset thời trang và cách phối đồ của từng nhân vật, và như mình đã nói ở phía trên, mỗi cá thể ở đây đều thể hiện cá nhân của mình dựa trên hơi thở chung của thời đại.
Trong một bài viết trước đó, mình đã nói về việc xu hướng “Vô danh” của thời trang trong giai đoạn ít nhất 5 năm sắp tới. Kéo dài từ năm 2020 cho tới hiện nay, điều mà chúng ta thấy rõ ràng rằng: “Không còn sự xuất hiện nhiều của big logo, big graphic, logomania hay nói rõ hơn là chúng ta nhìn vào sẽ biết ngay họ đang mặc thương hiệu gì”. Nhìn vào các fashion week, nhiều khi chúng ta không hề biết thương hiệu của họ đang mặc là gì? Lúc đó, cái thứ mà chúng ta nhìn “rõ nhất” – “sâu nhất”, đó là màu sắc của bộ đồ – layer phối – cách họ phối từng layer ra sao – chất liệu của sản phẩm như thế nào. Sự tương phản màu sắc giữa lớp trong/lớp ngoài, giữa inner/middle và outer wear như thế nào. Tính “định danh” rõ ràng được thay thế bằng sự “vô danh”, của cái cốt lõi thời trang thuần khiết. Đó là chất liệu, thiết kế/ đường cắt/may mặc.
“Logo nhận diện” lúc đó không phải là những dòng chữ vô hồn nữa mà là sự nhảy múa của màu sắc. Để nói cho dễ hiểu như thế nào nhỉ? Nếu chúng ta thấy màu xanh lá, trong đó chúng ta sẽ hiện ra thương hiệu Bottega Veneta. Nếu chúng ta thấy màu beige thì sẽ nhảy số ra là Fear of God. Nếu chúng ta thấy màu nâu, hẳn là Louis Vuitton (Không phải là nâu Travis Scott đâu) – hay màu cam là Hermes. Kiểu vậy – sự cân chỉnh về màu sắc được đi kèm những key colour palette được “định hướng” bởi các thương hiệu. Trong việc phối một outfit đạt được sự tinh tế nhất định đó là xác định được moodboard đi kèm là 1 bảng màu bao gồm từ 3-5 (Tốt nhất là 3 màu) để xây dựng một looks với sự thống nhất màu sắc từ trên xuống dưới. Từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, từ những items chiếm diện tích lớn nhất trên cơ thể (Áo, quần, outerwear mặc ngoài) đến các phụ kiện và còn cả cơ thể (Màu da, màu tóc, màu nails, màu mắt..). Từ 2020 đến nay, sự cân chỉnh về màu sắc ngày càng được coi trọng vì đó tạo được sức hút không thể nào chối từ với người khác từ bộ trang phục mà chúng ta mặc hàng ngày. Đó là “Fashion” – “Thời trang”. Mà muốn được thứ màu mà chúng ta muốn, cần đúng sản phẩm – cần đúng chất liệu.
Ổn định các thiết kế truyền thống là sao? Dẫu rằng có bao nhiêu xu hướng, bao nhiêu sự độc dị trôi qua – người ta vẫn yêu những chiếc bomber jacket, những chiếc leather jacket, những chiếc trench-coat với phần cổ sắc lẹm, những chiếc trouser wide-leg fit gọn hơn, những chiếc quần cargo pants được tinh chỉnh vẫn luôn là sản phẩm thời trang ứng dụng tốt và yêu thích của nhiều người. Dựa trên xương sống là các thiết kế nguyên bản (Vốn dĩ là tài sản chung của nền công nghiệp thời trang này) – người ta tinh chỉnh bằng các xử lí bề mặt khác nhau (Patchwork, washed, pleat/xếp li) để tạo ra một bản thể mới hơn/hợp thời hơn.
Thời trang luôn là một vòng lặp – và vẻ đẹp của màu sắc, của chất liệu và kĩ thuật may đo luôn là thứ duy trì mãi mãi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *