Tứ Thư

Tháng 5 này mình đọc chủ yếu là truyện Trung Quốc, những cái tên nổi tiếng gắn liền với văn học hiện thực như Diêm Liên Khoa, Kim Vũ Trừng và Lưu Khánh Bang. Trong bốn cuốn chắc mình ấn tượng nhất với Tứ thư, một cuốn sách chứa đầy triết lí cao siêu. Phàm phu hám lợi, kẻ sĩ háo danh. Lợi có thể khiến người ta giẫm lên kẻ khác, danh có thể khiến người ta quên cả chính mình. Tứ thư không chỉ nói đến bản chất thiện lương của con người, mà còn là câu chuyện về sự thoái hóa của nhân tính trong vòng tranh danh đoạt lợi. Biến mình thành cầm thú, coi mình là thánh thần, cả hai nẻo đường ấy đều khiến con người rời xa nhân tính. Cho đến thời điểm hiện tại, Tứ Thư vẫn đang bị chính quyền Trung Quốc cấm phát hành vì nhiều lý do. Lý do chính là bởi Tứ Thư đã lột trần đời sống trí thức trong cuộc cách mạng Đại nhảy vọt, phơi bày chính sách sai lầm của Mao dẫn đến hơn 40tr người chết đói ở thập niên 60.

Đinh trang mộng và Tứ thư đều dệt lên những giấc mộng hoang đường, nhưng vẫn có thể mị hoặc được dân chúng. Bán máu kiếm tiền, bán quan tài kiếm tiền, bán “hôn ước” kiếm tiền, bất kể thứ gì cũng đem ra rao bán. Giấc mộng giàu sang của thôn Đinh cũng như giấc mộng ly khai khỏi trại Dục Tân, đều bất thành.

Nếu Mạc Ngôn có vùng Cao Mật, Phùng Kí Tài có hải cảng Thiên Tân, Diêm Liên Khoa có núi Bá Lâu thì Kim Vũ Trừng có Thượng Hải – một đô thị phồn hoa bậc nhất Trung Quốc. Ba tuyến truyện xoay quanh ba nhân vật chính cùng những mối quan hệ chồng chéo, Phồn hoa đưa chúng ta đến với cuộc sống gấp gáp tại đô thị Thượng Hải trong suốt ba chục năm đầy biến động từ Cách mạng văn hóa đến hiện tại. Chẳng ngoa dụ khi ta ví von Phồn hoa với như tứ đại kì thư Hồng lâu mộng của thời đại. A Bảo, Hỗ Sinh và Tiểu Mao, ba chàng trai với ba xuất phát điểm khác nhau, một người sống trong gia đình tư bản, một người gia đình quân nhân, người còn lại là con công nhân. Ba đứa trẻ ấy gặp gỡ, rồi thân thiết, lớn lên mang theo hoài bão soi rọi cả khu tô giới thượng lưu lẫn khu dân cư nghèo khó, vẽ nên một bức tranh muôn màu về bao đổi thay của Thượng Hải.

Nhiều tác phẩm của nhà văn Lưu Khánh Bang đều có chung một vùng ám ảnh: vùng mỏ. Từng sống và làm việc nơi đây suốt chín năm, ông đã viết: “Hiện thực của mỏ than chính là hiện thực của Trung Quốc.”

Gỗ thần được viết dựa trên sự kiện có thật: Năm 1998, nhiều vụ án lừa gạt giết người có tổ chức xảy ra tại các hầm mỏ ở Trung Quốc, với số nạn nhân lên đến hàng trăm người. Một bức tranh cuộc sống chân thực và sống động trải ra theo ngòi bút điêu luyện của tác giả: Mỏ than xa xôi hẻo lánh là nơi những con mồi cắn câu tìm đến, không biết rằng mình đã bước chân lên con đường không có lối về, nơi có giếng mỏ tối tăm ngột ngạt như một hố đen thiếu vắng luân thường và pháp luật, nơinhững con người vật lộn mưu sinh dưới đáy xã hội với những tâm tư, dục vọng phức tạp trải qua cuộc khảo nghiệm khắc nghiệt về nhân tính, nơi những bí mật đen tối và cay đắng của họ cuối cùng bị chôn vùi, nhưng độc giả thì không thể quên được.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *