Chẳng ai muốn bị bỏ rơi ở phía sau cả. Tôi tin bạn cũng thế.
Tôi từng là người không có hứng thú học ngoại ngữ, ngày học ngày nghĩ xong rồi bỏ ngang. Đến chính tôi cũng chả nhớ đã bao lần như vậy. Đương nhiên chúng ta đều biết và hiểu rất rõ lợi ích khi thành thạo một ngoại ngữ nào đó. Tôi chỉ liệt kê những ý mà mình cho rằng đủ hấp dẫn.
Thứ nhất, là người khá thực dụng nên tôi kể đến lợi ích đầu tiên là kiếm được nhiều tiền hơn, cùng một vị trí làm việc đó nhưng biết ngoại ngữ thì lương của bạn nó tự động tăng bằng số nhân chứ không phải số cộng. Trước kia bạn đi tìm việc nhưng khi có ngoại ngữ thì khả năng việc sẽ tự đi tìm bạn.
Thứ hai, rèn luyện trí nhớ. Không ai tự nhiên sinh ra đã biết tất cả mọi thứ, tất cả đều phải trải qua nhiều quá trình khác nhau. Trong quá trình ghi nhớ các ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ bạn phải học phát âm, ghi nhớ từ vựng, cấu trúc ngữ pháp,…… Từ đó tăng khả năng tư duy, trí nhớ tốt hơn.
Thứ ba, tăng thần thái tự tin trong bạn. Chính là thần thái tự tin, nếu bạn quan sát những người biết ngoại ngữ xung quanh mình thì bạn sẽ nhận ra ở họ có thần thái và sự tự tin.
Trên đây là những lợi ích đủ hấp dẫn làm chúng ta nhấc mông đi học ngoại ngữ. Nhưng vấn đề là bệnh lười nó cuốn lấy. Là người từng trải nên tôi có thể chỉ ra những lý do dù chúng ta biết nó có lợi thế nào nhưng vẫn không học được.
1. Không muốn học.
Đây là lý do rất quan trọng và bạn hoàn toàn có thể làm chủ việc bạn có học hay không. Luật hấp dẫn cũng đã nói đến ý chí của con người, chỉ cần chúng ta không ngừng theo đuổi chúng ta sẽ thành công.
2. Nghĩ bản thân không có năng khiếu. Người bình thường học ngoại ngữ không cần năng khiếu và bạn không hề ngu ngốc. Tôi tin rằng bạn thông minh nhưng vô tình ngoại ngữ hay một lĩnh vực nào đó không phải sở trường của bạn.
3. Đặt mục tiêu quá lớn.
Rất nhiều người khuyên bạn đặt mục tiêu học ngoại ngữ, điều này hoàn toàn chính xác không thể phủ định được, nhưng phần lớn chưa có hướng dẫn cụ thể phải đặt mục tiêu như nào. Nếu bạn đang ở mất gốc mà vèo một cái đặt mục tiêu toeic 800, làm sao thực hiện được. Phải đi từng bước một, đầu tiên từ mất gốc đến 450 chẳng hạn, sau đó từ 450 lên 500,……. Cứ từ từ mà đi, đặt mục tiêu quá lớn chỉ khiến bạn nhanh chóng từ bỏ.
4. Quá bận.
Bận là một chuyện tốt, tôi có quen một bạn đi làm từ sáng sớm rồi tăng ca thêm đến 9h tối. Sau đó cô ấy học tiếng anh đến 12h tối, hiện tại lương cô ấy nhân vài lần so với lương cũ. Thật ra chúng ta chẳng bận đến nỗi không dành ra được ít nhất 30’ mỗi ngày để học.
5. Không thực hành.
Từ xưa đến nay học phải đi đôi với hành, mà lý thuyết là một chuyện còn làm lại là một chuyện khác. Tương tự như học ngữ pháp để phù hợp với bài thi nhưng nói thì lại không được. Nên phải nói, dù lúc đầu đến mình nghe còn phải chê tệ, nhưng đó chỉ là mới bắt đầu còn sau này ai nói trước được điều gì. Việc mới vừa nói đã bị người ta cười nhạo vào mặt thì bạn cũng nên cười người ta đi, vì họ đáng thương quá, họ không cho phép mình sai nên cũng chẳng biết sai ở đâu mà sửa và đa số người như vậy đều có biết tý ngoại ngữ nào đâu.T
ôi biết việc học một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ là rất khó khăn, cá nhân tôi cũng rất khổ vì nó. Tôi học rồi lại cứ từ bỏ vô số lần. Nhưng tôi lại nghĩ thế giới hiện tại đang phẳng dần, sự phát triển của khoa học công nghệ rồi trí tuệ nhân tạo đang bỏ xa chúng ta. Tôi không muốn rơi lại phía sau và bị xã hội thực dụng đào thải.
Cách đây khoảng chục năm, tôi còn nghe thuê người gặt lúa nhưng bây giờ là thuê máy gặt lúa. Năng suất hơn rất nhiều vì thế người gặt lúa thuê phải chuyển sang việc khác, rất nhiều người đổ xô đến các khu công nghiệp tìm việc làm. Tôi không hề kỳ thị và cho rằng bản thân hơn ai cả, nhưng thực tế nó như vậy. Thế nên chúng ta cần học ngoại ngữ. Hãy tự tạo động lực cho bản thân mỗi ngày, gì cũng được miễn bạn hồi phục lại năng lượng mỗi ngày để tiếp tục học.
Bài viết mang tính chất chia sẻ cá nhân mong rằng nó có ý nghĩa với bạn!
