ISAREL KHÔNG KÍCH CƠ SỞ HẠT NHÂN OSIRAK
Dự án Irắc – Pháp – Italia
Mùa thu năm 1980, giới chức tình báo quân sự Ixraen báo cáo rằng lò phản ứng hạt nhân Osirak, cách thủ đô Bátđa hơn 21 km về phía đông nam, sẽ đi vào hoạt động trong khoảng từ tháng 7 – 11/1981. Họ cho rằng, Tổng thống Irắc Saddam Hussein không cần thiết phải có một lò phản ứng hạt nhân để sản xuất điện hay để phục vụ cho các mục đích hòa bình khác, bởi trữ lượng dầu mỏ của Irắc đứng hàng thứ sáu trên thế giới.
Theo Ixraen, cái mà Tổng thống Saddam thực sự muốn từ lò phản ứng hạt nhân này là nhiên liệu nguyên tử đã qua sử dụng, từ đó plutonium có thể được chiết xuất để sản xuất phần lõi của một quả bom nguyên tử. Đích đến của quả bom này sẽ là Ixraen.
Nếu Ixraen dự kiến hành động, nước này phải tiến hành sớm. Một khi lò phản ứng đã đi vào hoạt động và được nạp nhiên liệu uranium, một trận ném bom sẽ khiến bụi phóng xạ bao phủ khắp Bátđa.
Chính quyền Hussein mua lò phản ứng này từ Pháp, nước cũng cung cấp công nghệ hạt nhân cho Ixraen trong những năm 1950. Kể từ đó, Pháp thay đổi chính sách và tìm cách cải thiện quan hệ với thế giới Arập. Trước tình trạng khan hiếm dầu mỏ ở Mỹ và Tây Âu sau lệnh cấm vận dầu mỏ các nước Arập diễn ra trong khoảng năm 1973 – 1974, nước Pháp mong muốn tìm kiếm một nguồn cung ổn định.
Lò phản ứng hạt nhân Osirak
Khi Irắc đưa ra đề nghị mua một lò phản ứng hạt nhân, Pháp nhận thấy đây là cơ hội để mua dầu mỏ với mức giá hấp dẫn nên họ không thể bỏ qua. Lợi nhuận từ các thương vụ bán vũ khí cũng là một khía cạnh khiến họ phải cân nhắc. Năm 1975, Pháp đồng ý bán cho Irắc một lò phản ứng Osirak có công suất 70 megawatt và một lò phản ứng Isis công suất dưới 1 megawatt để phục vụ cho công tác đào tạo nhân lực. Italia, với những động cơ tương tự, cũng đồng ý cung cấp cho Irắc một nhà máy để tái chế nhiên liệu hạt nhân và tách plutonium.
Năm 1976, người ta bắt đầu xây dựng một cơ sở hạt nhân ở al Tuwaitha, gần một khúc quanh trên dòng sông Tigris. Tên tiếng Pháp của lò phản ứng lớn hơn là “Osirak”, kết hợp giữa hai cái tên “Osiris” và Irắc. Tổng thống Hussein và các nhà lãnh đạo Irắc đặt tên lại cho các lò phản ứng lần lượt là Tammuz I và II, theo tên của ngày Tammuz 17 (17/7), ngày họ giành được chính quyền từ tay chế độ cũ vào năm 1958. Đối với thế giới, lò phản ứng lớn và cơ sở hạt nhân tiếp tục được gọi là Osirak.
Năm 1978, Pháp đồng ý cung cấp uranium đã được làm giàu ở cấp độ cao cho các lò phản ứng hạt nhân này, thay vì cấp độ thấp hơn theo đề nghị của phía Ixraen. Tuy nhiên, đến tháng 4/1979, hai lõi của lò phản ứng bị phá hủy trong một vụ phá hoại ở Pháp, ngay trước thời điểm chúng được vận chuyển sang Irắc. Điều này khiến dự án bị lùi lại sáu tháng; nhiều ý kiến cho rằng vụ phá hoại liên quan đến cơ quan tình báo Ixraen, Mossad.
Lò phản ứng nhỏ Isis/Tammuz II đi vào hoạt động từ tháng 2/1980. Tháng 6/1980, chuyến hàng uranium làm giàu đầu tiên đã được vận chuyển đến Irắc.
Ixraen kêu gọi Pháp và Italia ngừng hỗ trợ Irắc, đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ và một vài nước khác. Tuy vậy, động thái này của Ixraen không được cộng đồng quốc tế chú ý tới. Lúc đó, kể cả Mỹ, đồng minh lớn nhất của Ixraen, cũng có đôi chút thiện cảm với Tổng thống Hussein bởi giữa Irắc và Iran đã từng xảy ra một cuộc chiến tranh vào tháng 9/1980. Mỹ coi Iran, nước đã bắt giữ 52 người Mỹ làm con tin trong hơn một năm, là kẻ thù chính của họ ở khu vực này. Tuy nhiên, Giám đốc Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William J. Casey cho phép Ixraen tiếp cận các tấm ảnh về cơ sở al Tuwaitha được chụp bởi vệ tinh trinh sát KH-11 của Mỹ.
Trong khi Ixraen đứng ngồi không yên về cơ sở hạt nhân của Irắc thì Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) khẳng định, lò phản ứng hạt nhân của Irắc không phải được sử dụng cho các mục đích quân sự. Trước khi đưa ra lời khẳng định này, IAEA đã tiến hành các chuyến thanh sát tại Irắc. Tuy nhiên, kết luận này của IAEA không khiến Ixraen yên tâm hơn, thậm chí nước này còn tỏ ra nghi ngờ khi cho rằng, những chuyến thanh sát này của IAEA là vô giá trị bởi những lý do sau: Các nước bị thanh sát có thể phủ quyết các chuyến đi của những thanh sát viên mà họ không thích; Liên Xô và Hunggari lại tiến hành mọi cuộc thanh sát ở Irắc. Ngoài ra, các nước bị thanh sát có thể lựa chọn cơ sở để IAEA thanh sát. Trong trường hợp của Osirak, các thanh sát viên không được phép tiếp cận khu vực tái chế nguyên liệu hạt nhân của Italia.
Thủ tướng theo đường lối cứng rắn của Ixraen, Menachem Begin cho rằng lò phản ứng hạt nhân Osirak phải bị phá hủy, nhưng lại không tìm được sự đồng thuận trong chính nội các của mình.
Trong số những người phản đối biện pháp tấn công quân sự có Bộ trưởng Quốc phòng Ezer Weizman và lãnh tụ Công Đảng Shimon Peres – nguyên Bộ trưởng Quốc phòng và đồng thời là đối thủ của Begin trong cuộc bầu cử sau đó (diễn ra tháng 6/1981). Những người phản đối lo sợ rằng kể cả khi trận không kích thành công cũng chỉ làm trì hoãn vấn đề và Ixraen sẽ bị cộng đồng quốc tế kịch liệt phản đối.
Những người ủng hộ chính của Begin là Ariel Sharon, một tướng lĩnh đã nghỉ hưu và là anh hùng quân đội, Bộ trưởng Nông nghiệp thuộc nội các của Begin, Bộ trưởng Ngoại giaoYitzhak Shamir, Trung tướng Rafael Eitan, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ixraen, và Thiếu tướng David Ivry, Tư lệnh Không quân Ixraen.
Khi Weizman từ chức, Begin nắm luôn chiếc ghế Bộ trưởng Quốc phòng.
Tháng 7/1980, Ixraen đưa vấn đề lò phản ứng hạt nhân của Irắc ra công luận và cảnh báo rằng nước này sẽ hành động để đối phó với mối đe dọa này. Quyết định tấn công được Begin và nội các bí mật thông qua vào tháng 10/1980.
Kế hoạch phá hủy lò phản ứng hạt nhân đã được hoạch định trước đó từ năm 1978. Có ý kiến trong chính phủ Ixraen cho rằng, nước này nên áp dụng chiến dịch oanh kích tầm xa Entebbe (Ixraen đã từng thực hiện để giải cứu những người bị giam giữ ở Uganda năm 1976) trong vụ không kích Osirak. Nhưng phương án này đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa lực lượng trên mặt đất với số lượng lớn binh sĩ và những máy bay vận tải hạng nặng. Bởi vậy, nếu áp dụng lối đánh phức tạp này đối với Osirak thì xem chừng Ixraen quá mạo hiểm. Thảm họa của Mỹ, chiến dịch Sa mạc 1 diễn ra vào tháng 4/1980 nhằm giải cứu con tin ở Têhêran, cũng được Ixraen đem ra cân nhắc khi xác định Osirak là mục tiêu cần tiêu diệt.
Chính quyền Ixraen khẳng định, trận đánh vào Osirak nhất định phải là chiến dịch đường không. Cơ sở hạt nhân ở al Tawaitha cách Ixraen khoảng 1.080 km, lại phải bay qua Arập Xêút và Gioócđani. Không quân Ixraen chưa từng thực hiện một sứ mệnh nào ở khoảng cách xa đến như thế. Hầu hết các loại máy bay của nước này không đủ khả năng bay một quãng đường xa như thế mà không tiếp nhiên liệu. Việc tiếp nhiên liệu sẽ làm gia tăng nguy cơ bị phát hiện hay bị chặn đánh.
Để phục vụ cho chiến dịch này, Ixraen phải chuẩn bị loại máy bay phù hợp. Nước này đã đặt mua máy bay F-16 của Mỹ và thời hạn chuyển giao là năm 1982. Tuy nhiên, họ có cơ hội nhận máy bay F-16 sớm hơn dự kiến do một thương vụ bán máy bay cho Iran bị hoãn lại sau khi quốc vương nước này bị lật đổ. Những chiếc máy bay đầu tiên về đến Ixraen vào tháng 7/1980 và nước này sở hữu tổng cộng 53 chiếc loại này tại thời điểm tiến hành chiến dịch Osirak.
Tốc độ và kích thước nhỏ giúp máy bay F-16 giảm thiểu nguy cơ bị tiêu diệt bởi hỏa lực của đối phương. Với thùng nhiên liệu chính cộng với các thùng nhiên liệu ở cánh và khoang giữa máy bay, F-16 có thể bay được một quãng đường dài mà không cần tiếp nhiên liệu.
Ixraen có các loại đạn chính xác có điều khiển nhưng các vũ khí “thông minh” cũng rất dễ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố như điều kiện thời tiết và đòi hỏi máy bay phải bay theo một kiểu ổn định. Các nhà hoạch định quyết định tiến hành chiến dịch theo cách đơn giản. Họ tính toán rằng, 8 quả bom ném trực tiếp xuống mục tiêu sẽ đủ khả năng phá hủy lò phản ứng, và 16 quả bom trọng trường được ném ở tầm thấp sẽ có cơ hội thành công lên đến 99%.
Hệ thống kính ngắm dùng khi ném bom được điều khiển bằng máy tính của máy bay F-16 giúp hiện thực hóa quyết định tấn công bằng bom trọng trường thông thường. Lực lượng tiến hành chiến dịch sẽ gồm 8 máy bay F-16, mỗi chiếc mang theo hai quả bom Mk 84 nặng 908 kg, dưới sự yểm trợ của các máy bay F-15.
Lò phản ứng hạt nhân Osirak được bao phủ bởi một mái vòm bê tông có độ dày gần 10 cm. Theo như tính toán, một quả bom nặng 908 kg có thể dễ dàng xuyên thủng mái vòm đó.
Các chiến đấu cơ F-16 được biên chế thành một phi đội mới đóng ở căn cứ không quân Ramat David, phía bắc Tel Aviv trong thung lũng Jezreel. Chỉ huy phi đội kiêm chỉ huy trưởng căn cứ là Đại tá Iftach Spector, một người nổi tiếng trong không lực Ixraen vì đã từng bắn rơi 15 máy bay MiG trong cuộc chiến tranh Yom Kippur diễn ra năm 1973. (Trong mắt của mọi người, Spector không phải là anh hùng. Năm 1967, do nhầm lẫn, ông chỉ huy một phi đội oanh kích tàu USS Liberty trong vùng biển quốc tế, giết chết 34 lính Mỹ trong cuộc Chiến tranh sáu ngày).
Mười hai phi công người Ixraen được huấn luyện lái máy bay F-16 ở căn cứ không quân Hill, bang Utah, trước thời hạn chuyển giao chiếc máy bay đầu tiên. Trở về nước, họ luyện tập bay những quãng đường xa ở tầm thấp. Họ không được thông báo về trận đánh sắp tới nhưng ai cũng dễ dàng đoán được mục đích của việc luyện tập này là gì.
Tháng 9/1980, Không quân Iran đã từng tấn công lò phản ứng hạt nhân Osirak. Hai máy bay F – 4 tấn công bằng rốckét và đạn pháo nhưng không gây tổn thất đáng kể. Tổng thống Irắc, Saddam Hussein sau đó tuyên bố rằng nỗ lực phát triển hạt nhân của nước này là nhằm để đối phó với “kẻ thù Do Thái” chứ không phải Iran.
Các phi công Ixraen tham gia chiến dịch được đích thân Trung tướng Rafael Eitan, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ixraen lựa chọn; cùng Thiếu tướng David Ivry, Tư lệnh Không quân Ixraen. Phi đội F – 16 được chia làm hai tốp, mỗi tốp bốn chiếc. Trung tá Zeev Raz sẽ chỉ huy trận đánh và bay chiếc đầu tiên, còn Trung tá Amir Nachumi sẽ dẫn đầu tốp thứ hai.
Công tác huấn luyện đang tiến triển thì Spector quyết định muốn tham gia trận đánh. Thiếu tướng Ivry từ chối nhưng Spector lại đề đạt nguyện vọng lên Tổng tham mưu trưởng Eitan, người luôn ủng hộ ông.
Spector thay thế một trong những phi công và vài lần bay thử nghiệm từ căn cứ không quân Ramat David nhưng không được huấn luyện đầy đủ. Raz vẫn là người chỉ huy chiến dịch. Spector sẽ bay sau máy bay của Nachumi, có nhiệm vụ ném bom thứ sáu.
Trận đánh sẽ được tiến hành vào một ngày Chủ nhật dựa trên một nhận định sai lầm rằng các nhân viên kỹ thuật người Pháp và Italia tại Osirak sẽ nghỉ làm hôm đó. Các máy bay F – 16 sẽ tấn công theo hướng từ tây sang đông vào cuối ngày khi mặt trời lặn.
Lúc đầu, chiến dịch dự kiến tiến hành vào hôm 17/5 nhưng bị hoãn lại thể theo yêu cầu của Peres. Ông khuyên Begin đợi cho đến tận sau khi kết thúc các vòng bầu cử ở Pháp. Ứng cử viên đảng Xã hội Francois Mitterand, người có khả năng trở thành tổng thống mới của nước Pháp, đã nói với Peres rằng ông sẽ “liệt lò phản ứng hạt nhân của Irắc như là một nguy cơ quân sự”. Tuy nhiên, sau các cuộc bầu cử, Tổng thống Mitterand buồn bã thông báo rằng ông sẽ phải tuân thủ thỏa thuận đã ký trước đây với Irắc.
Tức giận trước phản hồi của Tổng thống Pháp, Begin lại lên kế hoạch tiến hành trận đánh vào hôm 7/6. Lúc đó, kết quả của các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, Peres đang vượt qua Begin. Nhận thấy nguy cơ sẽ thất bại trong cuộc bầu cử, Begin cho rằng việc phá hủy lò phản ứng hạt nhân Osirak, một mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của Ixraen, phải được thực hiện trước khi Peres lên nắm quyền.
Các máy bay F – 16 và F – 15 được đưa đến căn cứ không quân Etzion trên bán đảo Sinai. Công tác an ninh được tăng cường nghiêm ngặt. Các đường dây điện thoại kết nối với căn cứ đều bị cắt, ngoại trừ một số chiếc phục vụ cho công việc. Các nhân viên mặt đất và thợ kỹ thuật không được thông báo về chiến dịch này.
Tám máy bay F – 16 được chất đầy bom trước khi lên đường. Mỗi chiếc mang hai quả bom Mk 84, hai quả tên lửa không đối không tầm ngắn AIM – 9L Sidewinder, một thùng nhiên liệu ở giữa thân máy bay có dung tích 1.134 lít và hai thùng nhiên liệu ở cánh có dung tích 1.398 lít. Phi đội lên đường thực hiện sứ mệnh lúc 15 giờ 55, lúc đó là 16 giờ 55 ở Irắc.
Vua Hussein của Gioócđani, lúc đó đang trên du thuyền ở Vịnh Aqaba, trông thấy những chiếc F – 16 bay qua đầu về hướng đông. Vốn là một phi công, ông đoán được điều gì sắp xảy ra. Ông chuyển lời cảnh báo đến Irắc nhưng thông điệp này không đến được tay ai trong chính quyền.
Các máy bay F – 16 và F – 15 không bay theo một đường thẳng đến mục tiêu. Kế hoạch bay theo đường gấp khúc là phương án tối ưu nhất để tránh bị phát hiện bởi các rađa của Gioócđani ở phía bắc, hệ thống cảnh báo và điều khiển trên không E – 3 của Arập Xêút triển khai ở phía nam. Họ để điện đàm ở chế độ im lặng, bay dọc biên giới Arập Xêút với vận tốc 745 km/h ở độ cao cách sa mạc khoảng hơn 45 m. Ngay trước lúc bay vào không phận Irắc, họ thả các thùng nhiên liệu ở cánh để giảm trọng lượng và tăng tầm bay.
Điểm đầu tiên của trận không kích, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với trận đánh, theo kế hoạch là một đặc điểm địa hình không thể lẫn vào đâu được, một hòn đảo nằm giữa một cái hồ. Tuy vậy, những cơn mưa mới xuất hiện đã phủ nước lên toàn bộ hòn đảo và Raz suýt nữa đã không phát hiện thấy nó, khiến các tính toán của ông ta hơi lệch một chút.
Khi còn cách mục tiêu 90 km, các máy bay F – 15 làm nhiệm vụ hộ tống tách khỏi đội hình và nâng độ cao lên 7.620 m để làm nhiệm vụ tuần tra và yểm trợ đường không. Lực lượng tiến hành chiến dịch trước đó đã được thông báo về khả năng đương đầu với hệ thống phòng không Irắc sau khi họ vượt qua con sông Euphrates, nhưng không hề có động tĩnh gì. Các máy bay F – 16 chuyển hướng đông bắc nhằm hướng mục tiêu thẳng tiến.
Cơ sở hạt nhân xuất hiện trước mắt đội hình bay ở ven bờ sông Tigris. Nó nằm trên một khu vực có diện tích 450 m2. Mái vòm bê tông màu trắng của cơ sở Osirak nằm ở chính giữa, cùng với phòng thí nghiệm của Italia, lò phản ứng Isis và nhiều cửa hàng và nhà cửa ở ngay xung quanh.
Các máy bay F – 16 bắt đầu thả pháo sáng và các mảnh kim loại để gây nhiễu rađa và tên lửa tầm nhiệt. Chiến dịch tiêu diệt Osirak chính thức bắt đầu…
Khi còn cách mục tiêu hơn 7 km, các máy bay F – 16 đột ngột tăng độ cao lên 1.524 m. Chiến thuật này là để thực hiện động tác ném bom bổ nhào với tốc độ hơn 1.080 km/h ở góc 35 độ. Nhờ đó, các quả bom sẽ được ném xuống với vận tốc cao từ độ cao 1.066 m. Những quả bom này được gắn ngòi nổ sao cho đủ thời gian để chúng xuyên qua mái vòm bê tông rơi xuống lò phản ứng hạt nhân trước khi phát nổ.
Bởi vì bị lỡ điểm chuẩn ban đầu nên Raz tiến hành động tác bổ nhào muộn hơn và phải bay vòng quanh để xác định mục tiêu. Điều đó có nghĩa là phi công lái chiếc máy bay theo ngay sau anh ta, Thiếu tá Amos Yadlin, ném quả bom đầu tiên rồi sau đó mới đến lượt anh ta ném quả thứ hai. Các máy bay khác nối đuôi nhau thực hiện động tác ném bom bổ nhào.
Trận không kích vào cơ sở hạt nhân Osirak diễn ra lúc 18 giờ 35 ngày 7/6 (giờ Irắc). Từ lúc quả bom thứ nhất được ném xuống đến quả cuối cùng chỉ kéo dài 80 giây. Các cột khói và lửa bốc cao ngút trời khi mà 14 trong số 16 quả bom rơi vào trong mái vòm và phá hủy lò phản ứng. Cả hai quả bom không trúng mục tiêu đều do Spector thực hiện. Lò phản ứng Isis và phòng thí nghiệm của Italia không bị hư hỏng gì.
Trận tập kích khiến lực lượng phòng không Irắc không kịp trở tay. Lúc đó, những người lính phòng không Irắc đang trong quán ăn để chuẩn bị dùng bữa tối, các rađa đều đã tắt. Một số khẩu pháo nhả vài loạt đạn vào chiếc F – 16 cuối cùng nhưng đều không trúng đích do họ chỉ ngắm bắn bằng mắt thường.
Sau khi tiêu diệt mục tiêu, các máy bay F – 16 chuyển hướng sang trái và tăng hết tốc độ rời khỏi al Tuwaitha trước khi lên độ cao để hội quân cùng với các máy bay F – 15. Sau khi biết chắc chắn không bị tổn thất gì về lực lượng, Raz dẫn đầu phi đội bay theo một đường thẳng theo hướng tây nam nhằm biên giới Arập Xêút và sau đó bay qua Gioóđani đến căn cứ không quân Etzion. Trên đường trở về căn cứ họ không gặp phải bất kỳ sự kháng cự nào và hạ cánh an toàn xuống Etzion lúc hơn 7 giờ tối. Họ đã bay liên tục trong 3 tiếng 10 phút.
Trái với tính toán của Ixraen, dù các kỹ thuật viên người nước ngoài ở Osirak đã thay ngày nghỉ cuối tuần bằng ngày lễ Sabbath của đạo Hồi vào hôm thứ sáu, nhưng khi trận không kích diễn ra hôm chủ nhật, hầu hết nhân viên đã rời khỏi nơi làm việc. Vụ không kích đã làm 1 nhân viên kỹ thuật người Pháp và 10 người Irắc bị chết.
Irắc và Pháp đã lên án kịch liệt trận không kích của Ixraen. Liên Xô và nhiều nước khác cũng lên án mạnh mẽ hành động này. Một bài xã luận đăng tải trên tờ Thời báo New York đã viết: “Trận không kích bất ngờ của Ixraen vào lò phản ứng hạt nhân do Pháp chế tạo ở gần thủ đô Bátđa là một hành động không thể chấp nhận được và đây là thái độ hiếu chiến thiển cận”.
Ngay sau đó, Mỹ tạm thời ngừng chuyển giao máy bay F – 16 cho Ixraen. Tuy vậy, Tổng thống Reagan tuyên bố: “Không có chuyện đánh giá lại toàn bộ mối quan hệ giữa Mỹ và Ixraen. Chính phủ Mỹ không mong đợi có bất kỳ sự thay đổi nào”.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kurt Waldheim cũng cho rằng, vụ tấn công vào lò phản ứng hạt nhân Osirak là một “sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế”. Năm 1976, ông cũng đã chỉ trích vụ tấn công bất ngờ của Ixraen để giải cứu các con tin của nước này ở Entebbe. Jeane J. Kirkpatrick, Đại sứ Mỹ ở Liên hợp quốc, nói: “Các biện pháp ngoại giao cho trường hợp của Ixraen không bao giờ hết”, và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc “đã kịch liệt lên án” hành động của Ixraen.
Mặc cho thế giới kịch liệt lên án, cơ đồ chính trị của Begin lại tươi sáng trở lại sau trận không kích vào Osirak. Đảng Likud của ông ta giành chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra hồi tháng 6 và Begin tiếp tục nắm giữ chức thủ tướng cho đến tận tháng 10/1983, khi Yitzhak Shamir, người nhiệt tình ủng hộ Begin trong cuộc khủng hoảng Osirak, kế nhiệm Begin.
Thái độ giận dữ của cộng đồng quốc tế đối với Ixraen theo thời gian cũng dịu xuống. Sau đó, hoạt động chuyển giao máy bay F – 16 của Mỹ cho Ixraen được nối lại từ ngày 1/9 năm đó.
Irắc đề nghị Pháp tiếp tục bán cho nước này một lò phản ứng khác để thay thế cho lò phản ứng bị Ixraen không kích. Tuy nhiên, Pháp từ chối lời đề nghị đó của Irắc.
Trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, các lực lượng của liên quân đã phá hủy những gì còn sót lại của cơ sở hạt nhân ở al Tuwaitha. Sau cuộc chiến, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói với Thiếu tướng David Ivry, chiến dịch Osirak đã “khiến công việc của chúng tôi trở nên dễ dàng hơn rất nhiều trong chiến dịch Bão táp sa mạc”.
Nguồn: ĐÌNH VŨ
Nguồn: ĐÌNH VŨ