Hồ Quý Ly và Lý Thành Quế, hai vị vua và số phận của hai dân tộc


我 居 東 國 子 南 鄉
文 軌 由 來 共 百 王

Tôi ở nước Đông, ông nước Nam,
Lịch triều văn hiến vốn sánh ngang.

Trích thơ sứ giả Joseon Lý Toái Quang dành tặng sứ giả Đại Việt vào năm 1597

Trong lịch sử dân tộc Hàn Quốc, Lý Thành Quế – Triều Tiên thái tổ – là một trong những người có ảnh hưởng to lớn nhất. Tuy thời gian tại vị ngắn ngủi nhưng chính ông là người đã tạo nên triều đại cuối cùng của Hàn Quốc là Joseon kéo dài liên tục hơn 500 năm – là triều đại cai trị lâu thứ nhì châu Á, chỉ đứng sau triều đại thiên hoàng Nhật Bản. Triều đại Joseon đã định hình nên gần như tất cả nền văn hóa và không gian địa lý của hai nước Bắc Hàn và Nam Hàn hiện tại. Tuy nhiên, cách mà Lý Thành Quế lên ngôi vua lại rất kịch tính và có những điểm dễ so sánh với một vị vua cùng thời điểm đó tại Việt Nam là Hồ Quý Ly. Số phận của triều đại do Lý Thành Quế và Hồ Quý Ly tạo nên cũng đã tạo nên nền tảng thay đổi số phận của hai dân tộc Đông Á vốn có rất nhiều nét tương đồng là Việt Nam và Hàn Quốc.
Lý Thành Quế lên ngôi vua vào năm 1392, lập ra nhà Joseon. Chỉ sau đó 8 năm, tức là năm 1400, Hồ Quý Ly cũng lên ngôi vua và lập nên nhà Hồ tại Việt Nam. Điều thú vị là hai vị này có năm sinh năm mất chỉ cách nhau một năm, Lý Thành Quế (1335-1408), Hồ Quý Ly (1336-1407). Cả hai ông đều có nguồn gốc Trung Quốc, Lý Thành Quế có mẹ là người Trung Quốc còn Hồ Quý Ly có ông tổ là Hồ Hưng Dật người tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc (cũng là ông tổ của họ Hồ tại Việt Nam). Cách thức mà cả hai ông lên ngôi vua cũng đều bằng cách đoạt ngôi của triều đại trước. Lý Thành Quế vốn là một võ tướng, đứng đầu phái thân nhà Minh trong triều đình Triều Tiên, khi nhận lệnh đi chinh phạt nhà Minh để đòi lại bán đảo Liêu Đông thì đã đưa quân quay ngược lại kinh đô để lật đổ vua. Và cách thức Lý Thành Quế đối đãi với các vua triều trước cũng không tốt hơn so với Hồ Quý Ly. Cả ba vị vua cuối cùng của triều đại Cao ly bị Lý Thành Quế lật đổ là vua Cao Ly Cung Nhượng Vương, Cao Ly U Vương và Cao Ly Xương Vương đều bị Lý Thành Quế giết cùng với nhiều tôn thất. Sau khi lên ngôi vua, Lý Thành Quế cũng dời đô về Hán Thành ( Seoul ngày nay ) giống như Hồ Quý Ly dời đô về Thanh Hóa.
Bên cạnh những nét tương đồng đó, sự khác biệt to lớn đã dẫn đến kết cục khác nhau của hai vị vua Lý Thành Quế và Hồ Quý Ly. Trước hết, Lý Thành Quế là một người ủng hộ nhà Minh, ngược lại với Hồ Quý Ly là người chống Minh. Phân tích sâu hơn, triều đại Cao Ly (Hàn Quốc) sau nhiều năm chịu sự đô hộ của quân Nguyên đã trở nên rất yếu kém và chia rẽ. Trong bối cảnh nhà Nguyên đang suy yếu và nhà Minh nổi lên, triều đình Cao Ly chia thành hai phái thân nhà Minh và thân nhà Nguyên.
Năm 1388, nhà Minh sai sứ qua Cao Ly để đòi một số lãnh thổ. Nhân cơ hội này, triều đình Cao Ly đã ra lệnh cho Lý Thành Quế đem quân vào lãnh thổ Trung Quốc để đòi lại bán đảo Liêu Đông từng thuộc vương quốc Cao Câu Ly xưa ( cũng giống như suy nghĩ đòi lại Lưỡng Quảng trong tâm thức người Việt).
Bán đảo Liêu Đông lúc này chưa ổn định do sự giao tranh giữa nhà Minh và nhà Nguyên nên khả năng người Cao Ly giành lại được là có thể. Tuy nhiên, Lý Thành Quế đã làm một việc được người Hàn Quốc truyền tụng bằng câu nói “đưa quân quay lại từ Wihwa”, ý nói việc đem quân từ biên giới về kinh đô để đảo chính. Lý Thành Quế đã tuyên bố bốn lý do không đánh Minh, được sử sách ghi chép lại. Trong đó, có một lý do nổi tiếng cho thấy thái độ thân Minh là:
“Một quốc gia nhỏ không nên tấn công một quốc gia lớn hơn, vì nó đi ngược lại với thứ tự thế giới của Khổng giáo “ – bakeunbong, “100 scenes of Korean history” (Garam Planning, 1998), page 153
Sau khi lật đổ nhà Cao Ly, Lý Thành Quế lập tức thiết lập quan hệ đồng minh với nhà Minh.

Trái ngược với Lý Thành Quế là một vị tướng thiện chiến, Hồ Quý Ly lại là một người giỏi văn hơn võ. Quá trình nắm quyền lực của Hồ Quý Ly cũng lâu dài và có sự chuẩn bị hơn. Nếu như Lý Thành Quế đưa quân từ tiền tuyến về đánh bại quân đội của triều đình thì Hồ Quý Ly lại âm thầm thực hiện các bước đi lắt léo trong triều đình để dần thâu tóm quyền lực, do đó tránh được các trận giao tranh đổ máu. Hồ Quý Ly cũng có một chương trình cải cách lâu dài, bắt đầu từ thời vua Trần Nghệ Tông đến khi nhà Hồ diệt vong. Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, rất nhiều cải cách của Hồ Quý Ly đã được vua Trần Nghệ Tông ủng hộ bởi vì vua cũng có mục đích xây dựng chế độ phong kiến trung ương tập quyền thay thế cho chế độ phong kiến phân quyền của nhà Trần đã đến hồi suy vong. Ngược lại, Lý Thành Quế lên ngôi vua bằng một cuộc đảo chính gấp rút và không có đường lối cải cách rõ ràng như Hồ Quý Ly. Một điều thú vị nữa là Hồ Quý Ly có sự chuẩn bị kế vị cho con là vua Hồ Hán Thương một cách khéo léo, dù cho cả hai hoàng tử Hồ Hán Thương và Hồ Nguyên Trừng có mâu thuẫn với nhau về chuyện kế vị. Điều này ngược lại với sự tranh giành ngôi vua một cách đẫm máu của hai người con của Lý Thành Quế là Triều Tiên Định Tông và Triều Tiên Thái Tông. Sau khi nhường ngôi cho con, Lý Thành Quế phải chứng kiến các con chém giết nên chán nản không tham gia vào chính sự, khác hẳn với Hồ Quý Ly sau khi lên làm Thái Thượng Hoàng vẫn tích cực hỗ trợ vua Hồ Hán Thương thực hiện cải cách.

Việc Lý Thành Quế lật đổ triều đại Cao Ly lập nên triều đại Joseon đã thay đổi hoàn toàn lịch sử Hàn Quốc. Trước thời Joseon, các triều đại Hàn Quốc đều có tham vọng to lớn, từng nhiều lần đánh bại các triều đại Trung Quốc và các triều đại du mục phương Bắc và từng cai quản các vùng lãnh thổ rộng lớn tại Mãn Châu và Liêu Đông. Sau khi Lý Thành Quế lập nên triều đại Joseon với tư tưởng chủ đạo là thân Trung Quốc, Hàn Quốc an phận trở thành một chư hầu lâu đời của nhà Minh và sau này là nhà Thanh để an hưởng thái bình. Lịch sử quân sự Hàn Quốc từ thời Joseon về sau trở nên rất kém cỏi. Tiêu biểu là chuỗi thất bại trong lần Nhật Bản xâm lược năm 1592-1598 dù đã có quân Minh hỗ trợ. Sau này Joseon bị quân Hậu Kim và nhà Thanh đánh bại và phải trở thành một phiên thuộc. Điểm sáng quân sự hiếm hoi là việc thu hồi tỉnh Hamgyong từ tay các bộ tộc du mục phương Bắc và trận thủy chiến thắng lợi của đô đốc Lý Thuấn Thần trong chiến tranh chống Nhật Bản. Ngược lại với Lý Thành Quế, Hồ Quý Ly lại là một người chống Trung Quốc từ đầu đến cuối và có ý chí mở rộng lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhà Hồ thất bại nhưng công cuộc chống Trung Quốc, xây dựng chế độ trung ương tập quyền và mở rộng lãnh thổ đã được nhà Lê tiếp nối thành công hơn nhiều. Chiến công chống Minh của nhà Lê cũng tạo tiền đề cho sự vươn lên mạnh mẽ của hai dòng họ Trịnh-Nguyễn, chi phối lịch sử Việt Nam cho đến thế kỷ 20.
Kết luận: Xu hướng thân Trung Quốc và chống Trung Quốc từ thời Lý Thành Quế và Hồ Quý Ly đã chi phối hoàn toàn lịch sử hai dân tộc Hàn Quốc và Việt Nam. Với sự ổn định lâu dài, triều đại Joseon tự hào đã xây dựng nên một nền văn hóa rực rỡ, nhiều phát minh khoa học và các công trình kiến trúc đồ sộ cho đến ngày nay với nhiều điểm hơn Việt Nam.
Ví dụ: “ Văn học chữ Hán và chữ dân tộc của Triều Tiên ( Cao Ly ) phát triển hơn Việt Nam, cả về chất và về lượng: bộ sử “Triều Tiên vương triều thực lục” ghi chép sử nhà Lý Triều Tiên đồ sộ khủng khiếp, gồm trên 1200 tập, gấp mấy lần thực lực của hai triều Minh Thanh Trung Quốc (năm 2004 UNESCO đã công nhận bộ sử này là Di sản văn hóa thế giới; xem thêm KBS Radio online; hay số nhà triết học và tác phẩm triết học của ( Triều Tiên ) Cao Ly cũng khá đông đảo (gồm hàng trăm tác phẩm), như một mình nhà triết học Chung Yakyong (tức Đinh Nhược Dung 1742-1814) có khoảng vài chục tác phẩm về tôn giáo, triết học, kể cả triết học tây phương (Chung Yajyong là nhà nho theo phái Silhak, tức phái Thực học, chuyên nghiên cứu triết học Đông tây, sau theo đạo Thiên chúa) “ trích – https://dongtac.hncity.org/?So-sanh-su-Viet-Nam-va-Cao-Ly.
Tuy nhiên, đổi lại sự ổn định suốt 500 năm của triều đại Joseon và sự phát triển rực rỡ ấy là sự yếu kém về mặt quân sự và đánh mất tham vọng mở rộng lãnh thổ. Đây cũng là điều dễ hiểu đối với một triều đại trọng văn hơn trọng võ, trọng tư tưởng dựa vào nước lớn và ít phải chịu cảnh binh đao. Ngược lại, lịch sử biến động của Việt Nam từ thời nhà Hồ với các cuộc chiến tranh chống Trung Quốc, nội chiến và chiến tranh mở rộng lãnh thổ đã đem lại truyền thống quân sự cho người Việt, xây dựng ý chí tự lực, tự cường và sự mở rộng lãnh thổ trù phú. Ngày nay, lãnh thổ Việt Nam rộng gấp đôi lãnh thổ của Nam Hàn và Bắc Hàn, thậm chí, lãnh thổ thống nhất của Hàn Quốc cũng chỉ bằng 2/3 Việt Nam. Đổi lại là sự mất mát về con người, văn hóa và kinh tế. Hệ quả của sự khác biệt lịch sử giữa hai dân tộc Hàn Quốc và Việt Nam đối với quá trình phát triển đất nước vẫn thể hiện rõ cho đến ngày hôm nay. Hy vọng rằng, lãnh thổ trù phú với vị trí địa lý quan trọng và truyền thống tự lực, tự cường sẽ đem lại sự phát triển hùng mạnh cho dân tộc VIệt Nam.
Trích dẫn:
bakeunbong, “100 scenes of Korean history” (Garam Planning, 1998), page 153
John K. Fairbank, “East Asia: Tradition and Transformation” (Harvard University Press, 1989)
“Seoul municipality website”. Archived from the original on May 15, 2011.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *