Câu trả lời của Peter Denyer, cựu Tư vấn viên Hỗ trợ, OpenText Corp. (2006-2013)
Có hai loại phương thuốc tự nhiên, một loại có chứa các hoạt chất thích hợp (tức là chứa các chất điều trị triệu chứng), loại còn lại thì không.
Cái loại không chứa hoạt chất thích hợp đó không có tác dụng, vậy thôi. Quả óc chó sẽ không trị được chứng đau nửa đầu chỉ vì nó nhìn giống một bộ óc nhỏ nhỏ xinh xinh, bá láp bá xàm, kê toa một thứ không có tác dụng chẳng để làm gì hết. Về phần này tôi chắc mọi người đều đồng ý đúng không? OK.
Giờ đến loại còn lại. Loại này thì đúng là có chứa các hoạt chất, vỏ cây liễu có chứa axit axetylsalicylic (AAS) và có thể giảm đau, hạ sốt, giảm viêm, (ngon lành ha), các loài trong chi Mao địa hoàng [digitalis] có chứa glicozit tim có thể kiểm soát tình trạng bệnh lí tim mạch nguy hiểm vốn có thể gây tử vong (lại càng ngon hơn, nhẩy), đây không phải tin đồn nhảm cũng không phải mê tín dị đoan, đây là thực tế, wow! Vậy tại sao bác sĩ lại không kê đơn mấy loại cây này?
Có 3 lí do chính, trước hết, và ít quan trọng nhất, giá cả, tính tiện lợi, và mùi vị. Giờ bạn muốn nuốt một viên AAS tổng hợp hay đi nhặt vỏ cây liễu, nấu một chén trà thối nực trời và ép bản thân tọng nó xuống họng trong khi, nhân tiện, đang đau đớn quằn quại? Liệu nhà sản xuất sẽ thích bỏ ra hàng năm trời trồng liễu (và việc này lại đòi hỏi một môi trường cực kì đặc biệt) để thu hoạch vỏ cây rồi chuyển nó đi dưới dạng sợi gỗ hơn, hay họ sẽ thích tổng hợp AAS rồi chuyển những viên nén nhỏ xíu nhưng hiệu quả hơn? Và phương án nào sẽ cho bạn một liều thuốc giảm đau chỉ với mức giá vài xu?
Lí do thứ hai là các phương thuốc tự nhiên tận dụng các chất hóa học mà cây cối tạo ra cho bản thân, chứ không phải cho chúng ta, và chúng tạo ra hơi bị nhiều chất. Một vài trong số đó có lợi cho ta, số khác thì không. Một số chất sẽ đoạt mạng bạn với một liều lượng nhỏ không ngờ. Hơn nữa các loài thực vật còn có thể hấp thu hóa chất từ môi trường sống của mình. Liệu bạn sẽ muốn uống một viên thuốc chỉ chứa những chất cần thiết, hay bạn muốn đánh lô tô với một đống hóa chất bao gồm cả thứ bạn cần lẫn những thứ thuốc độc tiềm tàng?
Thứ ba, liều lượng. Nồng độ hoạt chất thay đổi theo từng loại cây, từng bộ phận của cùng một loài cây, và cả theo thời gian. Hầu hết các hóa chất có thể cứu sống bạn ở liều lượng đúng sẽ lại giết chết bạn nếu bạn dùng quá liều. Còn nếu dùng quá ít thì lại chẳng có tác dụng và bệnh trạng tiềm ẩn cũng có thể sẽ giết chết bạn. Chừng đó thôi chưa đủ, sự khác biệt trong pha chế cũng phiền không kém: liệu nước có đủ nóng không và liệu bạn có ngâm miếng trà thảo mộc của mình đủ lâu không; bạn đã hầm nó đủ chưa? Bạn có lấy đúng bộ phận của cây không, hay lại trúng chỗ quá mạnh, quá yếu, hoặc được hái sai thời điểm, hoặc mọc ngay bên cạnh bãi rác? Hay bạn sẽ chọn một viên thuốc với dược chất có thể cứu sống hoặc lấy mạng bạn, ở một khối lượng chính xác?
Lựa chọn ‘phương thuốc truyền thống’ thay vì ‘thuốc tây’ cũng giống như quăng hết bếp núc đi và nướng đồ ăn tối ngay trên một ngọn lửa lộ thiên giữa phòng khách nhà bạn. Hẳn là bạn có thể nấu được đồ ăn, và tuân thủ truyền thống, nhưng điều đó sẽ kém tiện nghi hơn, thải khói ra đầy phòng và có thể mất kiểm soát, đốt luôn căn nhà của bạn và thiêu sống bạn. Không phải khi không người ta chọn phương án hiện đại đâu.
Đính chính: Phần bình luận đã chỉ ra rằng vỏ cây liễu thật ra chỉ chứa axit salicylic chứ không phải axit axetylsalicylic. Nó có vài tác dụng tương tự, nhưng nhóm axetyl làm nó an toàn hơn, đó cũng là lí do tại sao nhóm axetyl lại được tổng hợp vào axit salicylic tự nhiên. Cảm ơn Kasper Emil Feld vì đã nêu lên điều này (và thêm một lí do nữa để ưa chuộng thuốc viên!).
