Cấu trúc của bài hát (song structure) là một yếu tố rất quan trọng trong quá trình sáng tác hay viết nhạc. Một bài hát dù giai điệu có bắt tai đến mấy, phối khí hay như nào thì cũng phải xây dựng theo một cấu trúc nhất định, không thể cứ thế mà viết mỗi câu một giai điệu thành miên man bất tận được (cái ý thì giống như mashup hoặc liên khúc, mà đầy bản mashup cũng có cấu trúc ra phết đấy).
Việc viết nhạc tuân theo một cấu trúc nhất định có một số tác dụng như:
- Dẫn dắt câu chuyện, nội dung chứa đựng trong bài hát
- Cho phép cảm xúc bài hát được phát triển một cách tự nhiên
- Thuận lợi hơn cho người viết nhạc; nó giống như framework cho developer vậy
- Làm ca khúc dễ hát, dễ nhớ hơn
Vì cấu trúc bài hát suy cho cùng vẫn là sáng tạo nghệ thuật của con người, nên nó có vô vàn các biến thể. Trong bài viết mình sẽ nêu 02 cấu trúc phổ biến nhất, và đương nhiên sẽ còn bàn luận về nó nữa.
1. Cấu trúc “AABA”
Không phải nhóm nhạc ABBA đâu, mà là AABA. Mỗi đoạn của bài hát sẽ được đại diện bởi một chữ cái in hoa; chữ cái giống nhau có nghĩa là 2 đoạn đó tương đồng về mặt giai điệu, hợp âm, v.v… AABA có nghĩa rằng mở đầu bằng hai đoạn na ná nhau, rồi chuyển nhạc sang 1 đoạn khác hẳn, rồi lại hát thêm 1 đoạn giống đoạn đầu tiên ngay sau đó.
Một số bài hát theo cấu trúc này phải kể đến như: Wake me up when September ends (Ngày Xanh), Yesterday (The Beatles), Everyday I love you (Boy friendzone), Wonderful world (Louis Amstrong) v.v…
Những ca khúc kiểu này không có đoạn nào gọi là “điệp khúc” cả. Giai điệu nó thường được lặp lại suốt bài hát, và khá ám ảnh người nghe; không phải kiểu catchy dễ nhớ ngay từ lần nghe đầu, nhưng cứ nghe nhiều đi rồi giai điệu đó nó cứ luẩn quẩn trong đầu bạn mãi không thôi. Thường ở đầu hoặc cuối mỗi đoạn “A”, một cụm từ hoặc 1 câu sẽ được lặp lại, đồng thời cũng là tên bài hát luôn (các bài hát mình kể trên là ví dụ).
Như vậy đây là một cấu trúc tương đối đơn giản, đỡ phải nghĩ nhiều, thường nhạc sĩ sẽ build từ đoạn A trước, đương nhiên rồi, và sau đó nghĩ thêm một B khác giai điệu khá đối lập với nó để tạo thành bài hát hoàn chỉnh. Một midtro hoặc instrumental break cũng khá được ưa dùng với cấu trúc này, hoặc tạo thêm độ ám ảnh, hoặc giúp ca khúc đỡ nhàm chán.
Đương nhiên AABA sẽ có những biến thể. Home (Michael Bong Bóng) có thể xem là một ca khúc AABA, nhưng tự nhiên lại có đoạn “Let me go home…” có thể gọi là điệp khúc. Hoặc có thể lời một là AABA, lời hai chỉ còn ABA thôi,… rất nhiều biến thể khác nữa từ cấu trúc này.
Đối với K-pop, cấu trúc này rất hiếm. Các bài hát K-pop không muốn ám ảnh người nghe theo lối này; và dùng cấu trúc này, bài hát không thể catchy và trở nên viral theo cách mà K-pop đã và đang vận hành được.
2. Cấu trúc verse – chorus
Nếu nói theo ngôn ngữ của phần 1, loại này sẽ được gọi là AABB. Tuy nhiên cách nói như vậy sẽ rất gò bó phải không đúng ý đồ của cấu trúc này.
Sẽ có 2 đoạn verse, tiếp đến là 1 đến 2 đoạn pre-chorus (có thể có hoặc không), rồi đến điệp khúc (chorus) chiếm khoảng 2 đoạn nữa.
Mỗi phân đoạn có một vai trò riêng:
- Verse là nơi nội dung bài hát được triển khai, vì lời của nó được thay đổi qua các đoạn, giai điệu cũng nhẹ nhàng và êm đềm hơn
- Đoạn pre-chorus: dùng để chuyển từ verse sang chorus, để tránh bị “hẫng” đối với một số bài hát, cũng là để nhạc đệm được dồn lên tự nhiên hơn
- Chorus là đoạn lặp đi lặp lại qua các lời, chiếm giữ tinh thần của bài hát, là nơi mà giọng hát và các nhạc cụ bùng nổ, cũng là đoạn ăn tiền của bài hát. Người nghe sẽ nhớ đến điệp khúc hơn hẳn là verse rồi
- Đoạn bridge: nhiều bài hát thường có đoạn này sau điệp khúc 2. Nó có giai điệu hoặc là chả liên quan gì đến các phần khác, hoặc đơn thuần là hát lại đoạn điệp khúc một cách nhẹ nhàng hơn. Phần này tương đối cần thiết để vào pha cuối
- Phần cuối: thường hát lại đoạn điệp khúc, rồi kết thúc bài hát
Cấu trúc này cực kỳ phổ biến ở tất cả các thể loại âm nhạc hiện đại ngày nay. Nó khá chuẩn mực, đầy đủ, có thể tùy biến dễ dàng theo ý người viết nhạc để tạo màu sắc riêng cho bài hát. Và đây cũng là thứ đáng bàn trong bài viết này. Mình sẽ tạm chia cấu trúc này ra làm hai loại dưới đây.
CẤU TRÚC VERSE – CHORUS “CỔ ĐIỂN”
Một vòng hợp âm của đoạn điệp khúc thường được lấy làm intro. Verse và chorus như trên, pre-chorus có hoặc không có tùy bài. Midtro tương đối phổ biến, tuy rằng nó tương đối ngắn. Chuyển sang lời 2 mọi thứ không thay đổi quá nhiều. Đoạn bridge từ 1-2 đoạn, được đầu tư giai điệu khá đàng hoàng với ca từ có nội dung nhất định (nếu xét trên toàn bộ lời bài hát). Phần cuối thường hát lại 2-3 lần đoạn điệp khúc với các ad-lib, phiêu phiếc các kiểu v.v… Lên tông khúc cuối là một giải pháp an toàn và ưa chuộng. Outtro thường giống intro, hoặc hát lại câu cuối đoạn điệp khúc thêm 1 lần nữa, hoặc fade out.
Boyband US-UK 90s 2000s mặc định theo cấu trúc này. Hãy vơ đại một bài hát của Backstreet Boys và thử đối sánh với những gì mình nói bên trên xem có đúng không nhé. Không chỉ có vậy, cấu trúc này cũng cực kỳ phổ biến nói chung, nên mình kể ra không hết đâu. Nghe thử When you’re gone của chụy Avril Lavigne nhé, nếu bạn cần 1 ví dụ mẫu mực cho cấu trúc này.
Nếu là rock, đoạn lead guitar sẽ nằm ở intro, midtro, bridge, outtro hoặc lead đè lên điệp khúc cuối (Hotel California – The Eagles). Đôi khi bridge sẽ được thay bằng intrumental break và sau đó là verse thứ 3 (Let it be – The Beatles).
Mình đặt tên loại này là “cổ điển” bởi các ca khúc hồi trước được viết theo kiểu này nhiều hơn, nó sát với verse – chorus thuần túy (AABB) nhất. Tất nhiên, cấu trúc này giờ vẫn được dùng rất nhiều, không hề tỏ ra lỗi thời hay lạc hậu.
K-pop có không ít bài viết theo cấu trúc này, nhất là các bài pop, pop ballad của gen 2. Chẳng hạn: Haru haru (Bigbang), Don’t say goodbye (Davichi), Midnight (BEAST), We were in love (T-ara), v.v… Mới hơn thì có Last dance, If you (Bigbang), Through the night, Palette (IU), v.v… Bigbang là nhóm nhạc tương đối ưa dùng cấu trúc cổ điển như vậy.
CẤU TRÚC VERSE – CHORUS “HIỆN ĐẠI”
- Intro tương đối bắt tai ngay từ đầu chứ không phèn phèn như kiểu cổ điển
- Đảo điệp khúc lên làm intro được dùng tương đối phổ biến
- Pre-chorus gần như luôn có
- Chorus nhạc cũng dồn lên mạnh mẽ, tuy nhiên không được dồn quá nhiều
- Xuất hiện đoạn Hook nằm sau mỗi điệp khúc (còn có thể gọi là Post-chorus)
- Midtro thường tiêu biến
- Bridge không quá chú trọng về giai điệu/ca từ
- Outtro được làm cực kỳ công phu, gần như một màn trình diễn nhỏ luôn (kéo dài lên đến 4 đoạn hoặc nhiều hơn)
- Không dùng cách kết thúc bài nhà quê như kiểu cổ điển như lên tông, fade out hay hát lại câu cuối. Kết thúc đơn giản là tắt nhạc thôi, các anh các chị nhảy cực sung đoạn outtro rồi nhìn camera thở hổn hển trông ngầu vc
Nhắc lại lần nữa: đoạn Hook xuất hiện. Đây là khái niệm mà trong cấu trúc cổ điển không có. Đoạn hook này có vị trí ngay sau điệp khúc. Thực tế, đối với cấu trúc hiện đại, đây mới là đoạn ăn tiền nhất. Có thể đó là drop cực kỳ bắt tai: Roly poly (T-ara), Killing me (iKON), BBoom BBoom (Momoland)…; có thể là hát đi hát lại cái câu thần chú của bài hát (BLACKPINK, EXID, AOA các bạn chọn đại lấy một bài title mà nghe nhé, toàn kiểu này thôi); có thể nó là một đoạn đàng hoàng có ca từ và giai điệu như: Boy with luv (BTS), Love scenario (iKON), v.v…
Điều quan trọng phải nhắc lại ba lần: xuất hiện đoạn Hook. Nó làm cho sự tồn tại của thứ gọi là midtro là thừa thãi. Nó cũng vượt mặt chorus mà trở thành đoạn catchy nhất bài. Chorus lúc này tuy vẫn là đoạn lặp đi lặp lại nhiều lần, nhưng trong nhiều nhiều bài nó chỉ là cái bàn đạp để nhạc dồn lên để đến hook nó drop tanh bành, vậy gọi là pre-hook là hợp hơn nhỉ.
Cấu trúc này ngày càng phổ biến trong K-pop, nhất là kể từ 2012 gì đó (sau Gangnam style, mình thường lấy mốc này làm mốc của gen 3, đánh dấu sự thị trường hóa và toàn cầu hóa cực mạnh của K-pop, đòi hỏi nhạc phải catchy hơn mỗi ngày). Những nhóm nhạc phần lớn sử dụng cấu trúc này: BTS, BLACKPINK, EXID, AOA, IZ*ONE, (G) – IDLE, GOT7, T-ara, G-Friend, v.v… mà chắc hình như là nhóm nào cũng dùng ấy, thật đấy.
Rõ ràng với sự xuất hiện mặc định của đoạn hook, nhạc K-pop bắt tai hơn trông thấy. Vũ đạo cũng dễ triển khai hơn do có thêm đất diễn. Phân đoạn chia cho các thành viên cũng phong phú hơn.
Outtro cũng là một đặc trưng của kiểu hiện đại này, góp phần giúp bài hát bắt tai ngày càng bắt tai. Xưa rồi nhưng kiểu outtro cùi bắp như cổ điển. Outtro giờ là phải drop nổ tanh bành bành, nhảy nhót kinh khủng khiếp, quẩy tung nóc nhà luôn. Nó như một màn trình diễn độc lập với bài hát vậy. Nhạc YG thì đặc sản kiểu này rồi: Fantastic Baby, Bang Bang Bang (Bigbang), I am the best (2NE1), nhạc iKON với BLACKPINK thì khỏi liệt kê. Ngoài YG, đa phần các nhóm cũng có outtro xịn xò: La Vie en Rose (IZ*ONE), Dalla Dalla (ITZY), Senorita ((G) – IDLE), DNA (BTS), v.v…
Tạm kết
Nếu như ngày xưa, khi mà âm nhạc chú trọng vào cảm xúc, giọng hát, ca từ và tâm hồn hơn, thì AABA và verse – chorus cổ điển thích hợp hơn cho những bài hát giai đoạn này. Còn giờ đây, khi âm nhạc mang tính giải trí, chú trọng vào trình diễn và phối khí hơn, thì cấu trúc verse – chorus hiện đại phải được áp dụng, nếu muốn bài hát bắt tai khán giả từ lần nghe đầu tiên. Chỉ với một vài thay đổi như trên trong cách sắp xếp cấu trúc khi sáng tác thôi, nhưng nó ảnh hưởng đến cả tư duy làm nhạc, mục đích làm nhạc cùng những công đoạn phối khí, sản xuất, quảng bá, v.v… của K-pop.
Cấu trúc nào nghe quá nhiều rồi cũng chán thôi. Các cấu trúc này có vô số các biến thể, ngoài ra cũng có những cấu trúc khác ít thông dụng hơn như ABAB, AAAA, ABC… Ngoài ra bản thân mỗi verse, mỗi đoạn “A” đều có thể biến tấu khác đi, tất cả nhằm mang lại sự đa dạng và bất ngờ hơn cho bài hát.
Âm nhạc là sáng tạo nghệ thuật, và nghệ thuật thì không có khuôn mẫu. Thế nhưng vẫn có những công thức nhất định, khiến cho âm nhạc nói chung, và nhạc K-pop nói riêng, trở nên bắt tai và hợp thị hiếu hơn, và cấu trúc bài hát là một trong những công thức ấy.
(Lưu ý: các ví dụ trong bài được lấy khi mình vừa viết vừa nghĩ, vì thế chỉ toàn những bài mình biết thôi. Việc nhắc hay không nhắc đến các bài hát, nghệ sĩ trong bài không có mục đích gì khác ngoài lấy ví dụ minh họa)
Theo: Bùi Thanh Lâm