Ở trong cái xóm này không ai mà chẳng nghe đến danh tiếng của gã “Bảy Búa”. Sở dĩ gã có cái biệt danh là do nhiều lần say sưa ngủ bờ ngủ bụi, đụng đâu nằm đó cứ coi đất là giường và bầu trời kia là cái mùng đã sẵn giăng. Ấy vậy mà bao nhiêu người trúng gió, đột quỵ, chết bất kỳ tử thì riêng gã vẫn sống nhăn răng, y như rằng Diêm vương đã quên đi cái tên của gã, hoặc chẳng thèm gọi vì chẳng biết gọi ai. Mà cái tên ấy của cũng chả có gì đẹp hay! Chẳng biết ngày xưa khi cha mẹ sinh gã ra nghĩ gì mà lại đặt tên là “Con” đọc luôn cả họ và chữ lót là Trần Văn Con. Gã cứ cho rằng cái tên nó gắn liền với số phận của con người, có nghĩa là: bất kỳ ai cũng có thể là cha mẹ của gã mỗi khi gọi tên. Rồi luôn giữ cái quan điểm cá nhân rằng “mình chẳng bao giờ lớn hơn người ta, thua cả những thằng nhỏ còn rong ruổi ở truồng tắm mưa trong cái xóm nhỏ này, chẳng phải chúng nó cũng đều gọi gã là: ông Con… ông Con… đấy sao”. Tuy vậy, cũng nhờ cái tên này mà mỗi lần say bí tỉ, gã thường lấy nó ra tự hào và thầm cảm ơn cha mẹ đã đặt cho mình một cái tên mà thiên hạ chẳng biết phải kêu ai? Kêu gã hay là kêu con của người đó? Gã tin rằng Diêm vương cũng chẳng dám gọi, vì gọi tên gã thì có khác gì ngài đang gọi chính con cái của ngài. Chính vì thế ai chết mặc ai, riêng gã vẫn sống và vẫn say mềm để quên đi cái sự đời quá bạc bẽo đang vây lấy thân gã. Từ đó những trong xóm chẳng ai gọi cái tên cúng cơm, mà người ta gọi là “Bảy Búa” như một sự mỉa mai sống dai như đỉa, dù trời có đánh bảy búa cũng không chết được. Mặc kệ ai gọi, ai cười, ai khinh, gã chẳng bận tâm! Cái gã bận tâm nhất là ngày mai tìm cái gì đó bán để lấy tiền mà đi đong rượu. Và chẳng còn ý nghĩa gì nếu cuộc đời của gã mà thiếu đi hương rượu như thiếu mất linh hồn.
Gã thường đi lang thang khắp nơi trong xóm tìm nhà ai vứt cái gì đó để nhặt, có hôm trúng mánh được cái xoong, cái nồi, hay bất cứ cái gì có thể bán được gã đều không tha. Những lần gã chẳng nhặt được gì để bán, cơn thèm rượu lại trào dâng khiến hai cái tay gầy trơ xương của gã run run, đưa bàn tay nắm tóc vò đầu, mặt nhăn nhó trông gã thật là tội nghiệp! Người ta thấy thương, nhưng đành phải để bụng vì chẳng thể nào mà đem tiền mà cho gã, vì cho rồi chắc chắn gã sẽ đi mua rượu uống ngay! Đó là hại gã, chứ nào có phải là tình thương, huống chi con cái của gã đã dặn mọi người đừng bao giờ cho tiền, cứ mặc kệ gã sống ra sao thì sống. Thế nên người ta chỉ nhìn lắc đầu thương xót, chẳng còn cách nào để mà giúp đỡ. Được cái là gã cũng chẳng thèm xòe tay xin tiền của bất cứ ai, cũng không biết đó có phải là đức tính sĩ diện của gã hay không? Nhưng người ta tin chẳng có kẻ nghiện mà lại có tính sĩ diện! Hóa ra gã cũng lạ so với những kẻ nghiện khác. Mà chẳng ai muốn nhìn thấy gã say rượu tối ngày, vì mỗi lần say chân bước thấp bước cao, la lối om sòm, có khi té ngã trên người đầy thương tích. Nguy hiểm hơn nữa khi đi chẳng thèm nhìn ngó đường, mặc xe bóp còi inh ỏi gã chẳng bận tâm. Đã có rất nhiều lần người ta thở phào vì thắng kịp, chứ nếu không gã đã đi chầu diêm vương, mà người lái xe cũng rước họa vào thân. Gã bị con cái bỏ rơi và đối xử tệ bạc, ai ai cũng hiểu rằng đều do gã mà ra. Tội nghiệp cho con cái của gã, có một người cha mà chẳng ra làm sao, tụi nó mất mặt lắm, sau nhiều lần khuyên nhủ vẫn chứng nào tật nấy, chúng đoạn tuyệt gã luôn. Chúng cho rằng mẹ chúng bỏ nhà đi là do gã có tình ý ở bên ngoài và chưa từng thương vợ. Sở dĩ chúng biết được là do từ lúc vợ bỏ đi, gã luôn cất giữ một tấm ảnh chân dung của một người thiếu nữ. Tấm ảnh trắng đen đã nhòa mất gương mặt nhưng vẫn nhìn thấy vóc dáng vớ tà áo dài xanh lá mạ. Tấm ảnh này được gã gói rất kỹ càng và luôn mang theo như vật bất ly thân. Nếu như tấm ảnh ấy nhìn thấy rõ ràng khuôn mặt, chắc chắn chúng sẽ tìm ra người thiếu nữ ấy và mắng cho một trận, vì gia đình tan vỡ cũng do ả hồ ly này mà ra. Nói thì nói vậy chứ biết ai mà tìm, huống gì đó là tấm ảnh chụp ngày xưa, và bây giờ người ta đang có gia đình với con cháu đủ đầy. Có trách thì trách gã, có giận thì giận gã, nếu không có tình ý bên ngoài thì bây giờ chắc chắn mẹ con đang một nhà bên nhau.
Kể từ đó gã cứ uống say rồi nằm đâu ngủ đó, bộ dạng này chẳng còn xa lạ trong mắt mọi người chung quanh. Hết bụi tre, bờ ao, gốc cây rồi đường cái, nơi nào cũng là cái giường ngủ để gã đánh một giấc tới mai. Người ta cũng đóng kín cổng rào vì sợ gã lén vào mà ngủ, rồi trúng gió nửa chừng sẽ chết trong đó rồi phiền phức tùm lum. Thật ra thì cuộc đời của gã cũng đau thương bi đát! Người ta kể rằng trước đó gã cũng từng có vợ đẹp và con ngoan, chẳng biết vì cớ sự gì mà vợ gã bỏ ra đi với một người đàn ông khác, để lại gã một thân một mình làm gà trống nuôi con! Từ đó gã tìm đến rượu như một liều thuốc tiên giải sầu, dần dần thành kẻ nghiện từ lúc nào chẳng hay. Gã sống trong cơn say, với hư ảo vô thực, nhấm cái sự đời uống trôi những đau thương. Gã hận cuộc đời, gã hận luôn phụ nữ, trong kiếp này chẳng ai là bạn giúp gã quên đi như chính cái chai rượu gã ôm ấp trong người. Đôi khi người ta thấy gã đưa chai lên miệng nốc ực ực, rồi cười khà khà nói những câu chẳng tròn chẳng ý “Đời…khốn nạn…khốn nạn” cũng chẳng biết gã chửi ai, thôi thì dù gì đó chỉ là câu của những kẻ say với tâm lý không bình thường.
Một buổi sáng của vùng quê yên bình như mọi ngày. Người ta thấy gã nằm ở bên đường, chai rượu đã uống hết, chắc là do đêm qua gã uống đã quá say nên giờ còn nằm ngủ li bì. Đến quá sáng người ta vẫn không thấy gã dậy như mọi ngày! Đến xem mới phát hiện ra gã đã chết từ bao giờ. Cơ thể cứng đơ, đôi bàn tay gầy gò còn nắm chặt tấm ảnh chân dung của một người thiếu nữ, nắm chặt mà đến chết vẫn không chịu buông ra. Người ta báo tin nhau rằng “bà con ơi, thằng Bảy Búa nó chết rồi” một vài người đến, rồi lát sau rất đông đúc người đến. Những câu nói của đám đông rộ lên rồi xen lẫn vào nhau, những câu hỏi nhau mà chẳng ai trả lời được, chỉ là đoán rồi trả lời nhau nghe, nào là “tại sao thằng Bảy Búa nó chết?” hay là “nó chết lâu chưa?” cũng tương tự các câu “gia đình nó biết chưa?” người ta báo tin đến gia đình để đưa xác gã về nhà mà khâm liệm, những đứa con của gã cũng ra xem để làm tròn trách nhiệm đạo hiếu con người. Thấy trên tay gã còn nắm chặt tấm ảnh, chúng điên tiết gào lên:
“Thứ này chết là vừa, đến chết vẫn nhung nhớ con hồ ly ấy.”
Mọi người đều thông cảm cho những người con của gã, vì ai trong hoàn cảnh đó sẽ thấu hiểu nỗi uất hận đến độ nào. Cũng chẳng có đứa nào rơi dù chỉ một giọt nước mắt để thương xót cho người cha quá cố của mình.
“Sao các cháu lại nói vậy, phận làm con thì không được nói cha mẹ đã sinh ra mình, dù họ có làm sai gì đi chăng nữa. Chẳng phải chết là hết mọi lỗi lầm ở cuộc đời đấy sao”
Đó là giọng nói của ông Bảy Hình đang đứng trong đám đông phát ra. Ông Bảy Hình tên thật là Bảy Minh, sở dĩ ông có cái tên này là do ông là thợ chụp hình duy nhất trong cái xóm này, nghe đâu hồi trẻ ông chụp hình và rửa phim rất đẹp, thu nhận mấy đệ tử nhưng chẳng ai có tay nghề bằng ông, và biệt danh ấy cũng được người ta đặt mãi cho tới tận bây giờ. Rồi nhiều câu nói của đám đông nói xen vào, đồng cảm cùng con gã có, trách móc chúng nó bất hiếu với gã cũng có.
“Ông Bảy Hình không thấy đấy sao! Chết rồi vẫn còn nắm chặt tấm ảnh của nhân tình, cũng chính mụ yêu này đã làm gia đình nhà cháu tan nát! Mẹ không chịu được nên bỏ đi. Cho tới bây giờ chúng cháu vẫn chưa biết mẹ cháu ở đâu?
“Để ông xem đó là hình gì”
“Đó, trước mắt bao nhiêu người ông Bảy Hình cứ xem để biết cháu có nói sai, hay bất hiếu gì không”?
Ông bước tới lấy tấm ảnh ra xem mấy lần trông thật khó khăn rồi lắc đầu thở dài.
“Chúng cháu trách lầm người cha này rồi. Hình này là của mẹ chúng cháu đấy, chính tay ông chụp lúc mẹ cháu mới 17 tuổi. Đúng là như vậy không sai đi đâu cho được”
“Ông bảy nói sao! Đây là ảnh mẹ cháu ư? Hóa ra…” – Nó bỏ ngang câu nói, ông Bảy Hình phải tiếp lời
“Hóa ra, từ trước tới giờ người ta này vẫn luôn nhớ thương mẹ của chúng cháu. Và người cha này có bi kịch như hôm nay cũng do mẹ cháu bỏ nhà mà ra đi. Thôi các cháu đừng khóc than, dù có tiếc thương thì người cha này cũng không thể sống lại. Thời gian qua các cháu chưa làm trọn nghĩa vụ đạo hiếu, thôi thì từ nay về sau cố gắng lo chu toàn mồ mả, giỗ chạp nhang khói để bù đắp lại những tháng ngày đã qua. Thôi đưa xác người cha này về làm để kịp làm ma chay”
Đám đông cùng đưa xác gã về, một lát sau tiếng trống kèn lại nổi lên. Vậy là từ nay về sau ở trong cái xóm nhà không còn nhìn thấy kẻ nghiện rượu, la lối một mình, bước chân đi vất vưởng, người ta cũng không cần đóng kín cổng rào vì sợ bị liên lụy. Biết rằng vậy! Nhưng sao họ cứ nhìn nhau mà lặng im.
Truyện ngắn của Quang Nguyễn