Xưng “mày tao” với con?

Tôi đã nghe đi nghe lại rất nhiều lần về câu nói: “Người tổn thương lại đi làm tổn thương người khác”. Tôi không chắc rằng ba mẹ tôi họ có tổn thương hay không? Nhưng họ đã liên tục làm tổn thương đến tôi. Và một trong những việc họ làm khiến tôi tổn thương đó chính là…xưng “mày tao” với tôi.

Dù biết rằng việc này quá đỗi bình thường với hầu như mọi gia đình khi có con đã lớn. Kiểu như: “Mày liệu mà mang bồ về ra mắt không là tao cấm túc đấy” hay “Mày có nhanh nhẹn lên không, chở tao ra chợ cái”. Nhưng với tôi, một cô bé mới vừa chạm đến ngưỡng cửa 15, tôi cảm thấy vô cùng khó chịu, thậm chí là vô cùng bứt rứt. Việc xảy ra bé tí như hạt vừng nhưng những từ đó từ miệng ba mẹ tôi phát ra thì chúng lại làm cho tôi nghĩ rằng bản thân thật thậm tệ. Tôi có thể cảm tưởng như họ không còn muốn xem tôi là con họ nữa vậy. Họ nổi đóa và gằng lên la mắng tôi không thương tiếc. Điều đó khiến tôi trở nên im lặng và chỉ còn biết lắng nghe những lời trách mắng trong vô thức của họ mỗi khi họ xưng “mày tao” với tôi, thường thì cũng như bao đứa trẻ đang ở độ tuổi dậy thì khác thì tôi sẽ cãi lại. Tôi cá là họ không biết tôi sẽ bị tổn thương đến nhường nào khi họ nói như thế đâu!

Tôi kể bạn nghe, lần đó tôi 12 tuổi, ở độ tuổi ương bướng hơn bao giờ hết, tôi đã gây gổ với ba một trận thật lớn chỉ để chứng mình rằng việc làm của mình là đúng. Ba đã quát tôi rất nhiều, quát rất lớn và rồi hét lên với tôi: “Còn nhỏ người lớn nói thì chắc chắn phải nghe, đừng có đứng đó cãi bướng”. Câu nói đó của ba khiến tôi thật sự rất rất tức giận. Trong đầu tôi đã sớm khó chịu ‘Tại sao phải nghe? Chỉ vì vai vế là con sao?’. Tôi biết, tôi biết điều đó là vô lễ nên tôi có nói ra đâu! Chỉ âm thầm cúi đầu và quay người bỏ đi tuy trong lòng còn khá tức vì câu nói của ba nhưng chỉ đành nhịn và chống đối trong im lặng thôi. Tiếp sau đó là một loạt hành động nghe răm rắp và làm theo đúng như những gì ba mẹ nói, kể cả việc họ nói tôi làm là sai trái, để mai mỉa lại cái lỗi của tôi trước đó thì tôi cũng nghe theo luôn! Để chứng minh rằng câu nói kia của ba là không hợp lý. Lần này ba tôi lại tiếp tục nổi cáu lên và mắng tôi: “Mày không biết phân biệt đúng sai à? Việc như vậy cũng làm cho bằng được”. Tôi liền phản bác lại:

“Chẳng phải là ba kêu con làm sao? Là ba nói người lớn bảo gì cũng phải nghe theo cơ mà?” – tôi lên giọng thể hiện cái sự khinh khỉnh của mình trước câu nói của ba. Ba tôi nhận ra được ý nghĩ chống đối của tôi đối với ông thì tức đến đỉnh điểm mà gồng lên chửi thẳng vào mặt tôi:

“Mày ngu cũng ngu vừa phải thôi! Người ta có bảo mày ăn c*t mày cũng ăn à? Đừng có ở đó sửa lưng tao”

Khỏi nói cũng biết cảm xúc của tôi lúc ấy thế nào, câu mắng trước của ba khiến tôi đau một thì câu sau phải đến tận trăm, tận ngàn. Ba tôi ông ấy trước giờ chưa từng chửi tục hay nói những từ như vậy trước mặt tôi. Bây giờ lại còn trước mặt mẹ gằng lên như vậy, đó là một sự đả kích vô cùng lớn với tôi, tôi như chết lặng đứng tại chỗ không còn biết phải làm gì được nữa, tôi nghẹn, tôi ấm ức đến phát khóc. Ba tôi bỏ đi, theo tôi chắc ông nghĩ nếu còn ngồi đấy sẽ không kìm nổi tức giận mà tát tôi mất. Sau khi mọi chuyện dần nguôi ngoai được phần nào thì tôi cũng vờ rằng mình đã quên đi hết những lời la mắng kia. Nhưng sự thật là chúng đã khứa vào tim tôi một đòn chí mạng, có lẽ cả đời tôi cũng không thể quên được. Nhưng chính vì vậy mà càng về sau này ba tôi nghĩ tôi có thể chấp nhận được việc ông chửi tôi với từ “c*t” ấy mà đã sử dụng nó nhiều hơn. Tuy không nhiều đến mức quá đáng hay thường xuyên, mà là ở mức ông nghĩ rằng đối với tôi việc ông sử dụng nó là bình thường, đôi lúc dùng nó chửi tôi đôi ba lần cho tôi nhận thấy được độ nghiêm trọng của vấn đề thì như vậy là vẫn được chứ gì, nó sẽ chẳng khiến tôi tổn thương nhiều đâu!

Nhưng đúng hơn là nó khiến tôi càng thêm tổn thương ấy! Nó khiến tôi càng chắc chắn về việc họ cảm thấy khó chịu đến nhường nào khi có tôi là con của họ.

Nhưng đó cũng chỉ là những suy nghĩ tiêu cực mỗi khi tôi bị ba mẹ la mắng, tôi tự khiến bản thân mình buồn hơn rồi lại phải tự an ủi để bản thân phấn chấn lên. Tôi cũng muốn trách họ lắm nhưng biết sao được khi tôi hiểu rằng họ cũng là lần đầu tiên làm ba mẹ, họ không giỏi kìm chế cơn giận trước đứa con đang trong độ tuổi chuyển mình về mặt tâm sinh lý này, họ cũng không rành lắm trong việc truyền đạt điều họ muốn đến tôi như thế nào. Nên mỗi lần như thế tôi cũng chỉ có thể chờ cho nó qua nhanh và lẳng lặng quên nó đi. Nhưng điều đó càng làm tôi ấm ức chồng ấm ức, nhịn nhịn nhịn mà không biết phải giải tỏa chúng đi đâu, tôi tổn thương lại không muốn tổn thương người khác. Thiết nghĩ cứ thế này tương lai nó cũng sẽ trở thành tâm bệnh mất.

////////

Về căn bản là động cơ la mắng của ba mẹ chúng ta không sai, mà là cách thể hiện của họ mới sai. Một điều con nghĩ các bậc phụ huynh nên biết và nên nhớ: dù cho đó chỉ là một quyết định nhỏ, một lời nói vạ miệng nhưng nó lại có thể gây ra một tổn thương tâm lý cực kỳ lớn đối với con trẻ. Vậy nên có tức đến cỡ nào, vội đến cỡ nào mọi người cũng phải cẩn trọng, suy nghĩ thật thấu đáo đã rồi hãy nói, hãy làm. Một đứa trẻ đã bị chính gia đình mình là cho tổn thương thì gia đình sẽ không còn là nơi an toàn nhất, là nơi nó tin tưởng nhất nữa. Mọi người muốn con tốt lên, muốn bảo vệ con còn rất nhiều cách mọi người thực hiện đừng nghĩ la mắng hay đánh đòn là cách hiệu quả nhất. Đừng gây ra quá nhiều áp lực cho đứa trẻ, chúng không đủ lớn cũng chẳng đủ khôn như mọi người để thấu hiểu cho cái gọi là “chỉ vì muốn tốt cho con thôi” của mọi người đâu! Đợi con lớn hơn một rồi chút tâm sự thì có thể may ra chúng còn hiểu chuyện hơn khi bị trách mắng đấy ạ!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *