Liên Xô phản ứng như thế nào trước cuộc ném bom của người Mỹ đối với tàu Grisha Akopyan

Một tài liệu được giải mật gần đây của Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA viết rằng, ngày 12 tháng 5 năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã được thông báo tóm tắt về việc con tàu của Liên Xô bị các máy bay Mỹ bắn phá ở cảng Cẩm Phả. Hai ngày trước đó, vào ngày 10 tháng 5, một bức điện mà thuyền trưởng đánh đi từ đây viết: Tàu thủy Grisha Akopyan của Liên Xô đang bị không quân Mỹ đánh bom. Tàu chịu hư hại nặng, buồng vô tuyến điện cháy.
Trong những năm tháng Mỹ xâm lược Việt Nam, việc các máy bay Mỹ bắn phá và ném bom tàu chở hàng Liên Xô không phải chuyện hiếm. Đây là những con tàu tham gia vận tải vũ khí, thiết bị kỹ thuật, dược phẩm tới Việt Nam. Hồi đầu cuộc chiến tranh, hàng hóa được chuyển bằng đường sắt đi qua Trung Quốc. Nhưng đã xảy ra sự thất thoát hàng đáng kể trên lãnh thổ Trung Quốc. Từ đấy có quyết định sử dụng tuyến giao thông đường biển. Đó là những công việc đầy nguy hiểm. Trên đường đến bờ biển miền Bắc Việt Nam cũng như trong thời gian neo đậu tại các cảng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, máy bay Mỹ bổ nhào xuống các tàu hàng và tàu chở dầu của Liên xô, thả bom nổ cách tàu vài chục mét, không chỉ một lần bom Mỹ nổ tung trên boong tàu Liên Xô.
Vào đầu tháng 5, chiếc tàu này chở bột mỳ từ Liên Xô đã đến Hải Phòng. Sau khi bốc dỡ hàng hóa tại Hải Phòng, vào ngày 9 tháng 5 tàu buôn đã chuyển đến cảng Cẩm Phả để bốc xếp than lên tàu và đưa sang Nhật Bản. Ngày 9 tháng 5 là Ngày Chiến thắng. Đối với thuyền trưởng Nikolay Puhov, ngày 9 tháng 5 là đặc biệt đáng ghi nhớ. Vào ngày này năm 1943, hai năm trước, ông đã gia nhập Hải quân. Theo truyền thống, thủy thủ đoàn rất long trọng kỷ niệm Ngày Chiến thắng. Và các vụ không kích của Mỹ không thể ngăn chặn hoạt động này trong khi tàu đang neo tại bến Cẩm Phả. Sau một vụ không kích cuộc họp long trọng biến thành một cuộc mít tinh tự phát, các thủy thủ tỏ tình đoàn kết với những người yêu nước Việt Nam. Đặc biệt là trước đó mọi người đã được thông báo rằng, vào ngày này, tại cảng Hải Phòng máy bay Mỹ đã bắn phá tàu Liên Xô Pevek, mấy thủy thủ bị thương nặng.
Ngày hôm sau Mỹ bắt đầu không kích Cẩm Phả từ sáng sớm. Do đó các công việc bốc xếp đã bị gián đoạn. Theo kế hoạch, sáng ngày 11 tháng 5 tàu phải ra biển. 3 nghìn tấn than (trong tổng khối lượng 4 nghìn tấn) đã được xếp lên tàu. Vào lúc 5 giờ chiều Mỹ bắt đầu ném bom xuống một nhà máy chế biến cách bến tàu 1,5 km. Năm phút sau, rơi trúng tàu hàng Grisha Akopyan là một trái bom nặng 250 kilogram. Ngoài ra còn có ba quả bom khác đã nổ không xa mạn tàu. “Đây là trận không kích có chủ đích, — ông Nikolai Pukhov, thuyền trưởng tàu Grisha Akopyan hồi tưởng lại. —Bầu trời hôm ấy không mây, tầm nhìn rất tốt. Con tàu có mọi dấu hiệu đặc trưng của Hạm đội thương mại Liên xô: quốc kỳ cắm đằng đuôi tàu, trên ống khói sơn dải đỏ vẽ hình búa và lưỡi liềm. Ngoài ra, cờ Liên xô còn được tô vẽ trên nắp hầm tàu lớn nhất. Người Mỹ đã chủ ý tấn công vào tàu phi quân sự.”
Hầu như tất cả các cabin của tàu đều hư hại, kể cả buồng lái, cần trục của một khoang rơi thẳng xuống kiến trúc phía trên. Hơn một trăm lỗ thủng xuất hiện trên thân tàu hướng ra biển. Thủy thủ đoàn lúc đó gồm 35 người, kể cả 5 phụ nữ. Ngoài ra còn có 5 đại diện cơ quan quản lý cảng Việt Nam. Khi cuộc bắn phá bắt đầu, thủy thủ trưởng Yuri Zotov lập tức đưa những người Việt Nam xuống nơi an toàn nhất là một khoang kín. Ông để khách vào trước rồi mới là người bước sau cùng. Đúng lúc ấy, một tiếng nổ tiếp theo vang lên. Thủy thủ trưởng đã lấy thân mình che cho các đồng nghiệp Việt Nam. Những mảnh vỡ băm trúng đầu và lưng ông làm Yuri Zotov tắt thở vài phút sau.
Những phi cơ Mỹ còn thả bom téc mít, con tàu bốc cháy. Lửa mạnh hừng hực làm nóng chảy các cửa kính mạn cực bền. Đường ống dẫn nước dập nát, các ống cứu hỏa bị đứt, hỏng hệ thống làm lạnh động cơ chủ lực. Từ thiết bị freon vỡ, một luồng khói độc tuôn vào khoang máy. Những thủy thủ vẫn kiên cường dập cháy suốt hai tiếng rưỡi đồng hồ. Lực lượng cảng không có cách gì giúp họ vì chẳng có xe cứu hỏa. Trong điều kiện như vậy, bản thân bị thương nặng, thuyền trưởng hạ lệnh cho tất cả lên bờ. Sau ba tiếng, những xe cứu hỏa chạy về từ Hải Phòng và tàu thủy động cơ diezen Zeya của Liên Xô bơi tới cùng tham gia dập cháy. Thêm một ngày sau lửa mới được dập hoàn toàn. Nhưng không có cách nào phục hồi tàu Grisha Akopyan.
Sau khi bình phục chấn thương, thuyền trưởng tàu Grisha Akopyan ông Nikolai Pukhov đã mấy lần đến Việt Nam trên tàu Odessa, đã tham dự buổi lễ chuyển giao cho Việt Nam tàu Sinegorsk, sao đó trong thời gian hai tháng đã làm việc trên tàu, giúp đào tạo thuyền viên. Ở Việt Nam ông được chào đón như một người bạn thân. Ông đã được đưa đến hang động, nơi ẩn náu của thủy thủ đoàn tàu Grisha Akopyan, và Viện bảo tàng của Cẩm Phả. Tại đó trong số những hiện vật có mũ bảo hiểm và chiếc áo sơ mi của thuyền trưởng bị thủng lỗ do mảnh vỡ quả bom Mỹ. Ông Yuri Zotov đã qua đời ở tuổi 38, được chôn cất tại nghĩa trang Thủy thủ ở Vladivostok. Ông được truy tặng huân chương cao quý nhất của Liên Xô – Huân chương Lenin và Huân chương Lao động Việt Nam hạng nhất. Một tàu hàng mới của Liên Xô mang tên ông. Khi chiếc tàu này lần đầu tiên đến Việt Nam, tại đó đã tổ chức lễ đón long trọng.
CIA đã thông báo cho Tổng thống Mỹ về các sự kiện tại cảng Cẩm Phả ngày 12 Tháng Năm. Mà theo lịch trình làm việc, cuộc đi thăm Liên Xô của Nixon phải bắt đầu vào ngày 22 tháng Năm. Ngay sau sự cố xảy ra với Pevek và Grisha Hakobyan, Đại sứ Liên Xô Anatoly Dobrynin đã có cuộc điện đàm với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger. Và vào ngày 12 tháng 5, Vasily Kuznetsov, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Liên Xô, đã chính thức trao công hàm phản đối cho Đại sứ Hoa Kỳ Jacob Beam. Tuy nhiên, ngôn ngữ của thông điệp, theo lưu ý của các nhà phân tích CIA, “tương đối hạn chế và không động đến các chủ đề về thành viên phi hành đoàn Liên Xô đã qua đời.” Người Nga chỉ bảo lưu quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đến lượt Tổng thống Richard Nixon, yêu cầu nói với Brezhnev rằng ông “rất tiếc” về những gì đã xảy ra, đặc biệt là vì cái chết của một thủy thủ Liên Xô. Nhà Trắng bày tỏ sẵn sàng chi tiền cho con tàu bị cháy.
Vào ngày 22 tháng 5, Cơ quan Báo chí Bắc Việt Nam đã đăng một bài báo về việc truy tặng Huân chương Lao động hạng 1 cho Yuri Zotov. Tuy nhiên, toàn bộ hình ảnh về vụ việc không được đăng tải trên báo chí chính thống của Liên Xô vào thời điểm đó. Chỉ đến cuối những năm 1970, sự thật về vụ việc mới được đưa vào các ấn phẩm trên các chuyến đi của các thủy thủ Liên Xô đến “Việt Nam anh hùng”. Đại sứ Liên Xô tại Mỹ Anatoly Dobrynin hồi tưởng lại: sau khi đến Moscow, phái đoàn Hoa Kỳ đã không thể dự đoán trước Brezhnev sẽ phản ứng như thế nào, họ lo ngại rằng, ông sẽ lên tiếng quở mắng Nixon vì vụ ném bom ở Việt Nam, đặt Tổng thống Mỹ trước tình huống khó xử, và cũng có thể cuộc gặp thượng đỉnh sẽ bị phá hoại. Tâm trạng này của người Mỹ đã được thấy rõ trong suốt cuộc nói chuyện tay đôi đầu tiên giữa Nixon và Brezhnev kéo dài hơn một giờ. Tại các cuộc gặp toàn thể, hai bên hầu như không thảo luận về vấn đề Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ Chính trị đã quyết định tổ chức một bữa ăn tối cho Nixon trong phạm vi hẹp tại khu biệt thự ngoại ô (Brezhnev, Kosygin, Podgorny). Trong cuộc họp không chính thức này Nixon đã bị “xử lý rất nghiêm túc”, và sau đó Hà Nội đã được thông báo về điều đó”.
Vụ việc thương tâm xảy ra với khác xa với vụ việc đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1971, thợ điện Nikolai Rybachuk thiệt mạng trong một cuộc tấn công của người Mỹ nhằm vào tàu động cơ Turkestan. Sau đó, các cuộc mít tinh diễn ra khắp Liên bang, tại đó các công dân “đồng lòng” lên án hành động xâm lược của Mỹ. Tuy nhiên, vào năm 1972, phản ứng của các nhà lãnh đạo Liên Xô trước những tin tức tương tự lại hoàn toàn khác. Vì lý do chính trị, Điện Kremlin đã “làm ngơ” trước cái chết của thuyền viên Zotov. Theo nhà nghiên cứu Alexander Rozin, những kẻ “diều hâu” của Lầu Năm Góc đã ra lệnh tấn công tàu Liên Xô đang tính đến việc làm gián đoạn chuyến đi này. Tuy nhiên, Brezhnev không khuất phục trước hành động khiêu khích. Như nhà báo Alexander Bovin nhớ lại, Tổng thư ký sau đó đã phát biểu như sau: Tất nhiên, Việt Nam xã hội chủ nghĩa rất quan trọng đối với chúng tôi. Nhưng quan hệ với Mỹ quan trọng hơn nhiều đối với chúng tôi. Kết quả là trong chuyến thăm của Nixon, Liên Xô và Hoa Kỳ đã ký Hiệp ước ABM, cũng như hiệp ước SALT-I, ngăn chặn “cuộc chạy đua vũ trang” và cho phép Liên Xô cân bằng ngân sách.

Long Phan – Lịch sử thế giới hiện đại

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *