Bắt đầu từ thế kỷ 15, do công nghệ áo giáp và luyện kim của Châu Âu đã quá phát triển so với phần còn lại của thế giới. Các loại binh khí phá giáp, pole-arm kiểu cũ không còn hiệu quả như mong muốn.

Người Châu Âu tiến hành đầu tư phát triển nhiều loại hỏa khí dựa trên cơ sở các ngành khoa học tiền hiện đại như thuật giả kim, rèn, toán học. Góp phần làm thay đổi toàn bộ bộ mặt chiến tranh đương thời.
Lịch sử ghi nhận Chiến tranh Hussite (1419-1421) là cuộc chiến tranh đầu tiên trong lịch sử loài người nơi các khẩu súng tay, đại bác được sử dụng làm hỏa lực chính để gây sát thương sinh lực địch, trên quy mô lớn.
Nơi đây, 1 dân tộc nhỏ bé tên Bohemia (tiền thân của cộng hòa Séc hiện đại) bị Giáo hoàng tuyên bố là dị giáo, bị bao vây và tấn công bởi liên minh Châu Âu do Đế Quốc La Mã Thần Thánh cầm đầu. Tuy nhiên, trong giờ phút hiểm nghèo đó, họ đã làm nên kỳ tích nhờ 1 vị anh hùng có tầm nhìn trước thời đại xuất hiện.
Jan Zizka từng là một cựu binh. 9 năm trước, ông từng tham chiến ở trận Grunwald, phục vụ dưới trướng quân Ba Lan và Lithuania đánh bại bọn hiệp sĩ Teuton, bị thương và mù 1 mắt. Khi cuộc chiến Hussite nổ ra, ông đã là thủ lĩnh 1 nhóm lính đánh thuê, rồi nhanh chóng trở thành 1 thủ lĩnh quan trọng của người Bohemia trong cuộc chiến không cân sức. Trận đồi Vitkov ( 06/1420), nơi ông chỉ huy 100 quân phòng thủ suốt 2 ngày chống lại 3000 quân địch đến khi cứu viện đến đã trở thành 1 trong những chiến thắng vang dội đầu tiên.
So với người đương thời, Jan Zizka là một tướng lĩnh sáng tạo và đi trước thời đại. Không chỉ có tài trong việc lợi dụng địa hình để chiến đấu, ông còn là một trong những người đầu tiên nhận ra ưu thế của súng đạn, và đã ứng dụng nó vào cuộc chiến của mình.
Để khắc chế những đội quân kỵ binh bọc thép đông đảo, thiện chiến của các nước Châu Âu, ông dùng chiến thuật Wagenburg (wagon fort), 1 loại chiến thuật dùng phòng thủ để tấn công: quây những chiếc xe bò thành 1 vòng tròn. Bên ngoài vòng tròn, ông cho đào 1 đường rãnh bao bọc để gia cố hàng phòng thủ. Biến công sự dã chiến thành 1 pháo đài vững chắc ngăn cản kỵ binh địch càn quét rất hiệu quả.
Đây cũng là chiến thuật quen thuộc mà người La Mã, người Trung Quốc thời Tần – Hán, Nga và các dân tộc du mục Trung Á sử dụng để phòng thủ khi lực lượng voi, kỵ binh của địch quá mạnh. Tuy nhiên pháo đài xe của Jan Zizka mạnh hơn của những dân tộc khác rất nhiều nhờ hỏa lực áp đảo.
Từ trong hệ thống phòng thủ, ông cho đại bác bắn thẳng vào quân địch, buộc chúng phải tấn công ông. Quân địch tiến càng gần, đại bác – kết hợp với cung nỏ và hoả đồng (hancannon – 1 dạng tiền thân của súng trường – thứ mà Jan gọi là colubrinus “Con Rắn”) càng phát huy hiệu quả. Các cây nỏ tay với lực kéo lên đến nửa tấn cho hiệu quả xuyên giáp đáng kinh ngạc, còn súng tay cho phép phụ nữ, trẻ em bắn hạ mấy tên Hiệp Sĩ Thánh Chiến mặc full giáp plate dễ dàng, (giáp gì tầm gần cũng toi)…
Khi đã khiến sĩ khí và sức mạnh quân địch sụt giảm vừa đủ, kỵ binh và bộ binh từ trong vòng tròn sẽ tràn ra, tấn công địch từ 2 bên sườn. Bị tàn sát bởi cả bộ, kỵ, cung nỏ và đại bác, quân địch thường vỡ trận và bỏ chạy.
Dựa vào phát minh này, Jan Zizka được ghi vào hàng ngũ những vị tướng bất bại trong lịch sử loài người. Đặc biệt, trận Kutna Hora (21/12/1421) trở thành 1 trong những chiến thắng lớn nhất của đời ông, khi 18.000 quân Bohemia đánh bại liên quân Đế Quốc và Hungary đông gấp 5 lần. Lịch sử ghi nhận đây là lần đầu tiên pháo binh dã chiến được sử dụng, và sử dụng rất hiệu quả trong 1 cuộc giao tranh trên đồng trống. Trước Jan Zizka, mọi người chỉ coi đại bác là một loại vũ khí dùng để công phá thành trì.
Jan Zizka chỉ huy dân tộc Bohemia chiến đấu suốt 2 cuộc chiến Hussite lần 1 và 2. Cuối cuộc chiến lần 1, ông bị thương con mắt còn lại và bị mù vĩnh viễn. Nhưng điều đó không hề ngăn cản ông tiếp tục đảm nhận vị trí lãnh tụ của phong trào. Bằng tài năng và kinh nghiệm của mình, ông vẫn tiếp tục đánh bại quân Đế Quốc trong cuộc chiến lần 2, dù hoàn toàn không nhìn thấy gì nữa. Điều đáng buồn là sau khi chiến tranh tạm kết thúc 2 năm, ông đã qua đời trong một trận dịch. Di nguyện cuối cùng của Jan là mọi người hãy…lột da ông làm trống trận, để ông tiếp tục dẫn dắt họ sau khi chết. Binh sĩ của Jan sau đó tự gọi mình là “ Trẻ Mồ Côi”, vì họ cảm thấy mình như mất đi một người cha. Còn kẻ thù của ông – những kẻ tuyên bố dân tộc Bohemia là dị giáo – thì hí hửng tuyên truyền :
“Kẻ không một bàn tay phàm trần nào có thể phá huỷ, nay đã sụp đổ bởi một ngón tay của Thượng Đế.”
Nhưng điều đó cũng gián tiếp thừa nhận rằng: không ai trên Châu Âu lúc đó có thể làm tổn thương Jan Zizka, dù ông đã mù hay sáng mắt và cũng phần nào báo hiệu trước thời đại suy tàn của kỵ binh trên chiến trường Châu Âu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *