NGƯỜI MẮC HIỆU ỨNG “CÁI RỐN VŨ TRỤ”

Vài việc của tui hồi trước:

Mấy lúc tui làm việc nhóm.

Tui rất hay để ý và suy nghĩ nhiều đến ý nghĩ trong đầu mọi người.
Trước khi tui phát biểu ý kiến, tui dành thời gian rất lâu để nghĩ rằng khi tui nói ra thì sẽ có ai khó chịu không?
Trước khi tui góp ý cho bạn này bạn kia, tui thường băn khoăn mọi người có để ý và vui vẻ tiếp nhận nó hay không? Hay mọi người sẽ thầm khó chịu với tui?

Mãi sau này tui mới biết, sự thật sau bao năm tiếp nhận ý kiến và rút kinh nghiệm, nếu tinh thần làm việc nhóm của mọi người cao, sẽ chẳng có ai khó chịu gì về những lời đóng góp dành cho bản thân hết, đôi khi còn rất vui vẻ, hứng thú và an tâm hơn vì nghĩ rằng nhóm mình có “những tên thật sự muốn làm việc”, ở bên mình đang có những người đáng để mình học hỏi và mình sẽ luôn nhận được sự giúp đỡ…


Lúc tui chọn quần áo mang ra ngoài.

Tui luôn suy nghĩ đắn đo xem người khác nhìn vào có thấy đẹp không? Màu này tui mặc có nổi quá không? Có hở quá không? Có ôm quá không?

Sau này tui mới hiểu ra, thật sự nhiều khi còn chẳng có ai thèm để ý đến việc ngày hôm đó tui mang gì gặp họ. Chỉ cần vừa mắt, họ tuyệt nhiên không để ý.
Thế là tui đã từng tốn hàng giờ đồng hồ để chọn ra bộ đồ mà có vẻ người khác sẽ thích để đi gặp họ, còn người khác có khi tối về hỏi lại còn không nhớ nổi sáng hôm đó tui mang một chiếc đầm hay một chiếc quần rin cộng áo.


Trước giờ tui là đứa luôn muốn làm mọi thứ đạt kết quả thật tốt.
Thật ra có một chút là muốn thể hiện mình.

Hôm lâu, tui có tham gia học thêm trau dồi kiến thức mấy môn lập trình, tui đã cố gắng làm bài tập thiệt giỏi để gây ấn tượng, cày cuốc suốt ngày để hoàn thành bài trước hạn, thức đêm đến sáng để fix code review.
Lúc đó thật sự tui ý thức được tui có gây một chút ấn tượng với thầy và các bạn.

Thế mà có lần tui làm bài hông tốt.
Tui đã mất mấy ngày để trằn trọc lo âu, rằng thầy có nghĩ mình dốt không? Thầy có thất vọng về mình không? Trong mắt thầy, mình sẽ tụt hạng so với mấy người cùng khóa chứ? Mọi cố gắng của mình đổ sông đổ biển rồi ư? Những bạn trong lớp sẽ nghĩ gì về mình nữa?

Sau này tui mới biết, lần sai sót đó của tui có vẻ chẳng đọng lại gì trong thầy và mọi người trong khóa, bằng nhiều căn cứ, tui thấy hình ảnh tui trong mắt thầy và mọi người vẫn khá ổn đấy. Thầy cô còn có lúc sai sót, tụi mình vẫn học thì vẫn sẽ còn sai nhiều hơn.

—–
Thế nên tui nhận ra là.

Sẽ chẳng có ai để ý đến tui nhiều như tui vẫn tưởng.
Nếu có lỡ làm điều gì đó xấu xí, tui sẽ chẳng phải ngượng nghịu bỏ chạy, vì có thể lúc đấy chỉ mỗi tui nhận ra.
Tui ý thức được và tự nhắc bản thân rằng ánh nhìn của tui dành cho người khác cũng nên dịu nhẹ và bao dung đi, điều gì làm họ xấu hổ thì lờ đi coi như không biết, lỡ mà họ có mất phong độ một ngày một giờ, tui cũng không vội đánh giá đâu.
Tui cũng sẽ không trách ai khi hôm nay không nhận ra sự thay đổi của bản thân tui, khi một chiếc đầm mới, một đôi bông tai vàng mới, vì có khi, họ đang căng thẳng, đang vô thức chỉ tập trung vào chính họ mất rồi.

—–
Cách tui giảm thiểu đi cảm giác đó.

Mỗi khi tui băn khoăn điều gì, tui sẽ tự hỏi chính tui là nếu ngược lại, người khác ở trong tình huống tui đang mắc phải, tui nhìn vào tui sẽ nghĩ gì về người ta? Có quan tâm thái quá gì hay không?
Không.
Thế nên tui đột nhiên hết khó chịu…

—–
Ngẫm nghĩ một chút, bản thân tụi mình chỉ là một hạt cát trong sa mạc rộng lớn này. Quan tâm đến cách người khác nghĩ về mình để thay đổi thì tốt, nhưng thái quá là điều không nên.

———-
Tất cả những điều trên, là tui đang bàn về Spotlight effect – Thường được gọi là Hiệu ứng Ánh đèn Sân khấu, gọi kiểu cục hơn sẽ là cái tên ở tiêu đề bài viết của tui.

Bài này tui không nói theo khoa học, tui đã nói theo những gì tui hiểu nhất, cứ coi là ý kiến cá nhân, mọi người có thể nhẹ nhàng bình tĩnh bàn luận thêm ở phía dưới ha.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *