Do đó giá vũ khí này thời kỳ đầu không rẻ. Vào thế kỷ 16, ở Trung Đông, một bộ trang bị tiêu chuẩn của lính đánh thương (mũ sắt, giáp che ngực và thương dài) có giá 3/4 đồng ducat vàng, trong khi đó một khẩu súng hỏa mai ngòi châm, rẻ nhất cũng có giá hơn một đồng ducat, chưa tính chi phí đạn.
Thuốc súng và đạn chì cũng đắt hơn mũi tên vì nguyên liệu không phải lúc nào cũng có sẵn và rất khó tái sử dụng. Người ta dễ dàng thu hồi mũi tên (cung, nỏ) khi dọn dẹp chiến trường, hơn là nhặt đạn đã bắn ra. Thuốc súng giá cao còn do khâu sản xuất nguy hiểm hơn nhiều so với việc đúc mũi tên.
Súng hỏa mai yêu cầu tiêu chuẩn hóa cao gây khó khăn cho tiếp tế. Một viên đạn chì đúc ở vùng này có thể không nhét được vào nòng súng sản xuất vùng bên cạnh, do cỡ quá to; nếu đạn quá nhỏ thì tầm bắn lại giảm do lãng phí áp suất nổ. Còn mũi tên thì thường lắp vào cung/nỏ là bắn được.
Khi các vấn đề nói trên được giải quyết (ví dụ tay nghề thợ làm súng tăng), súng dần dần áp đảo cung nỏ.
