Trong suốt quá trình đi làm, tôi nghe nhiều người nói về “sự thích nghi”. Họ tin rằng phải phù hợp với văn hóa mới có thể “sống sót”. Suốt bao lâu nay người ra cứ truyền tai nhau câu nói: “Kẻ biết thích nghi mới có thể tồn tại”. Tôi không dám phủ nhận điều này, nhưng ở một khía cạnh nào đó, dường như những người nghe nó đã nhầm lẫn nó với “sự thỏa hiệp” hoặc cố tình đánh đồng nó với “sự thỏa hiệp”.
Hôm qua, một người bạn của tôi nói rằng mạng xã hội dạo gần đây thật nhiều những chia sẻ về thu nhập khủng và cuộc sống giàu có của nhiều bạn trẻ. Tôi tin rằng điều đó hoàn toàn có thật, và tôi biết ơn vì những chia sẻ ấy khiến những người trẻ như tôi phải nỗ lực cố gắng nhiều hơn. Nhưng tôi cũng sợ rằng, sẽ không ít người, đặc biệt là những người trẻ như tôi sẽ rơi vào cái bẫy FOMO lúc nào không hay. Và ở đó, ranh giới của thỏa hiệp hay không thỏa hiệp mong manh như sợi chỉ…
Một người đồng nghiệp từng nói với tôi thế này: “Nếu muốn tồn tại ở nơi này, chưa cần biết hòn đá của em thế nào hay em ném nó ra sao, chỉ cần biết nó tạo được tiếng vang đã”.
Thì ra, mỗi chúng ta đều đã tự chọn ra một “hướng thích nghi” cho riêng mình. Ở đó, người ta coi sự tồn tại là kim chỉ nam để giành chiến thắng. Ở đó, con người ta sẵn sàng coi cuộc đời, công việc là một cuộc chiến và sẵn sàng “chiến đấu”, gạt bỏ những giá trị tốt đẹp để giành quyền lợi, vị trí cho bản thân. Và ở đó, những giá trị tốt đẹp sao có thể đem ra so sánh khi cơm áo, gạo tiền xuất hiện. Tôi đã gặp không ít những trường hợp vì đồng tiền mà quay lưng với những người bạn, người đồng nghiệp của mình. Và trong những tình huống ấy, có lẽ chiếc moral compass (la bàn đạo đức) dường là chiếc đồ hư không thể xài. Bởi, chiếc la bàn mưu sinh còn chuẩn hơn nhiều.
Tôi cho rằng đó không phải là một sự lựa chọn, cũng không phải một sự thích nghi, mà đó là sự thỏa hiệp. “Thích nghi để tồn tại” đôi khi chỉ là một lời biện minh ngọt ngào cho “sự thỏa hiệp để thỏa mãn”.
Vậy nơi nào còn chỗ cho sự “không thỏa hiệp?”
Rất nhiều.
Tôi có một chị sếp đã kiên định với lựa chọn của mình suốt 10 năm để giờ hưởng nhiều trái ngọt. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chị vẫn luôn chọn ôm chặt lấy giá trị của bản thân mình. Chẳng thứ tiền bạc vật chất nào có thể thay đổi. Hay một người bạn của tôi đã chấp nhận nghỉ việc để phát triển kênh youtube và business của riêng mình dù có những tháng thu nhập 0 đồng và dù cho ngoài kia bạn bè có thành công và tỏa sáng như thế nào hay dù cho có nhiều những lời “mời gọi hấp dẫn” của tiền bạc.
Không thỏa hiệp là giữ trọn những giá trị tốt đẹp của bản thân mình. Là sự chính trực, tử tế và chân thành. Không thỏa hiệp là không thỏa hiệp. Và chẳng có minh chứng nào nói rằng không thỏa hiệp sẽ không thể thành công. Tôi chỉ thấy điều ngược lại trong thế giới của mình.
Trong Phật giáo có một câu tôi luôn ghi nhớ: “Muốn ăn quả ngọt, hãy gieo hạt mầm tốt.”
Bởi vậy, tôi chọn “không thỏa hiệp”. Tôi luôn tin rằng thế giới ngày càng có nhiều hơn sự tử tế và ranh giới giữa những người tài năng và tầm thường ngày càng rõ ràng. Bởi vậy, chọn không thỏa hiệp nghĩa là bạn đang thích nghi với một tương lai tốt đẹp.
Nguồn ảnh: XPS
