Dạo gần đây đọc các bài viết thấy nổi lên khẩu hiệu “Ngưng so sánh bản thân với người khác”, “Đừng so sánh bản thân với người khác”, “không so sánh bản thân với người khác”.
Nếu một người suốt ngày đi so sánh mình với người khác thì sẽ luôn có cảm giác ghen tỵ, tự ti, nhụt chí, cảm thấy mình thật là nhỏ bé, chẳng làm được cái gì cả, sao bản thân kém cỏi quá.
Còn một người không so sánh mình với ai khác thì liệu có tốt không? Hay là cả thế giới đi ô tô hết rồi còn mình đi xe đạp vẫn thấy bình thường. Cùng một lớp, các bạn đi du học, các bạn thi quốc gia, các bạn mua nhà, mình vẫn bình tĩnh ngày ngày chăm chỉ cắp sách đến trường rồi về nhà đều đặn. Đi xin việc toàn thấy CV có kinh nghiệm từ năm nhất, năm hai đại học, mình thì điền vẻn vẹn hai chữ: “chưa có”.
Không so sánh thì càng không có động lực. Không so sánh thì vào công ty người ta đã chả cần phân các cấp bậc mức lương. Trong lớp mà không xếp hạng thì học sinh sẽ chẳng bao giờ biết cảm giác chiến thắng là gì. Không so sánh thì mức độ sáng tạo cứ mãi dừng chân ở một chỗ, quan niệm về cái đẹp, về tiện nghi, hiện đại vẫn chỉ ở mức đó, mãi mãi là mức đó, không thay đổi.
Biết so sánh, biết mình biết người thì tốt.
Thay vì khuyên đừng nên so sánh thì hãy dạy cách nên so sánh thế nào thì tốt, cách để có thể so sánh mình với người khác thế nào để đạt kết quả tốt nhất.
Chọn đối thủ để so sánh không có nghĩa là coi người ta như kẻ thù, phải chiến thắng người ta, mà hãy coi đó là đồng đội. Mình phải cố gắng hơn đồng đội thì mới có thể kéo nổi nó khi nó trượt ngã. Ghen tỵ thì cứ nói ra, điều đó không phải là xấu. Ví dụ “Ê mày giỏi tiếng anh thế, ghen tỵ ghê”, “bài kiểm tra nào tao cũng thấp hơn mày, buồn”; “cùng phỏng vấn mà mày được nhận, tao rớt, trầm Zn” thêm cái giọng hề hước. Như thế thì người ta liệu có ghét mình không? Không hề, còn chỉ mình cách học ý, người mạnh sẽ rất muốn giúp kẻ yếu. Quan trọng là thái độ và cốt cách của bạn khiến người ta chấp nhận được.
Thường thì mình cần có thứ gì, thiếu thứ gì thì mới đi so sánh với người khác. So sánh là phương pháp học hỏi rất kích thích. Oh, kỹ năng này mình đang bị thiếu, gu ăn mặc của mình kém quá, bụng mình to quá, kết quả bài thi lần này thấp quá. Nhìn những người xung quanh thì thấy họ làm được.
Chứng tỏ
Một, đây không phải thử thách quá khó khăn vì vẫn có người làm được.
Hai, biết mình đang bị tụt lùi so với những bạn xung quanh.
Ba, biết đó là thời điểm cần phải chỉnh đốn lại phong độ.
Bốn, biết ai là người mình cần phải học hỏi theo.
Năm, biết mình yếu điểm nào, mạnh điểm, nổi bật điểm nào so với người khác.
Sáu, chưa nghĩ ra………..
Tóm lại, cái gì cũng có ích có hại, muốn có ích thì dùng phương pháp có ích, muốn có hại thì dùng phương pháp có hại. Nếu bỏ không dùng thì hơi phí, còn thấy không phí thì thôi, bỏ đi cho nhẹ lòng.