Đâu là sự thật ít người biết tới nhất trong Đệ Nhị Thế Chiến?

Trả lời bởi Alex Jeffery, chuyên gia trong nghệ thuật mỉa mai.

Nếu như tôi hỏi bạn:

Tại sao Đức Quốc xã thất bại trong Đệ Nhị Thế Chiến?

Tôi khá chắc phần lớn các bạn sẽ nói rằng, họ thất bại là bởi quyết định xâm chiếm Liên Xô của Hitler.

Vì ý tôi muốn nói, có lẽ đó là quyết định ngớ ngẩn nhất trong lịch sử nhân loại, đúng chứ? Việc mở ra một mặt trận khác chống lại Liên Xô ngay lúc mùa đông đang cận kề, trong khi lịch sử cũng đã cho thấy rằng cả đến những nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại như Napoleon còn phải thất bại trước Nga. Ngu ngốc, hiển nhiên là vậy.

Nhưng có lẽ bạn đã sai…..

Chiến dịch Barbarossa (1) không hề ngớ ngẩn như chúng ta vẫn thường nghĩ. Vào thời điểm đó, chiến dịch này được xem như một động thái rõ ràng, một quyết định hoàn hợp lý được đưa ra mà không cần đắn đo.

Lịch sử đã tạo dựng nên hình tượng Liên Xô như một con gấu đáng gớm. Tuy nhiên, Đức Quốc xã đã dám tiếp cận và tấn công con gấu đang ngủ yên đó, để rồi khi nó thức giấc phải chịu sự phản công kinh hoàng. Chuyện này có thể được giải thích rõ ràng bằng một câu nói nổi tiếng của Churchill:

“Lịch sử được viết bởi những người chiến thắng”

Vậy, đó chính là cách mà Stalin đã “viết” nên lịch sử.

Tuy nhiên, trên thực tế, quyết định xâm chiếm của Hitler là một điều hoàn toàn có ý nghĩa vì những lý do sau:

1. Người Nga và sau này là Liên Xô, đã không giành được chiến thắng trong bất kì cuộc xung đột quốc tế quy mô lớn nào suốt hơn nửa thế kỉ. 

Kể từ khi cuộc chiến tranh Crimea kết thúc vào năm 1856, quân đội Nga đã vướng vào tình trạng “dậm chân tại chỗ”. Họ chỉ thực sự bước vào quá trình công nghiệp hoá dưới thời Alexander đệ tam vào cuối những năm 1880, cũng như bãi bỏ chế độ nô lệ vào năm 1862, việc mà hầu hết các quốc gia phương Tây khác đã làm hàng thế kỷ trước đó. Thêm nữa, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là mạng lưới đường sắt cực kỳ lạc hậu, kém phát triển.

Điều này dẫn tới sự thể hiện kém cỏi trong cuộc chiến Crimea của quân đội Nga, và mặc dù chiến thắng trong chiến tranh Nga – Thổ Nhĩ Kỳ – 1878, họ vẫn tiếp tục thể hiện sự kém cỏi của mình trong thế kỉ 20 bằng  thất bại đáng xấu hổ trước Nhật Bản năm 1905, cũng như phải nhận một cái tét mạnh vào mông bởi liên quân Đức/Áo-Hung trong Đệ Nhất Thế Chiến. Ngay cả Liên Xô còn bị đánh bại bởi Ba Lan trong cuộc chiến tranh giành độc lập năm 1921.

Nếu Hitler nhìn lại lịch sử chiến tranh của Nga /Liên Xô, ông ta có thể tự tin rằng họ có thể bị đánh bại một lần nữa.

2. Trong suốt những năm 30 của thế kỉ 20, Stalin đã tiến hành các cuộc thanh trừng tàn bạo lên xã hội Nga, gây tổn hại nghiêm trọng đến quân đội. 

Vào thời kỳ được biết đến như cuộc Đại thanh trừng, Stalin đã tiến hành tàn sát những thành phần chống đối lại Xô Viết, thậm chí cả những người có quan điểm chống lại ông trong nội bộ Đảng Bolshevik và Ủy Ban Trung Ương.

Hồng quân (2) đã được “thanh lọc” trong những năm 20 , ngay sau cuộc nội chiến là vì Stalin nghi ngờ rằng, nhiều sĩ quan và binh sĩ từng thuộc Bạch vệ (3) trước đây đã tham gia vào đội quân đỏ của ông. Bởi lẽ đó, hàng trăm nghìn người đã bị xử tử, tra tấn và bị đày với lí do “không trung thành với  lý tưởng của Đảng Bolshevik.”.

Vào năm 1937, 767 sĩ quan và tướng trong Bộ Tư lệnh Quân đội số 512 đã bị hành hình, 29 người chết trong tù, 13 người tự tử và 59 người bị bắt giam. Tám chỉ huy cấp cao, bao gồm Mikhail Tukhachevsky, đều là những anh hùng của Hồng quân trong cuộc nội chiến, đã bị bắt, bị tra tấn và bị buộc phải đưa ra những lời thú tội dối trá bởi mạng sống của họ và gia đình họ bị đe doạ. Sau đó, họ được đưa ra các phiên tòa quân sự bí mật và bị hành quyết vì tội “cấu kết với Trotsky, âm mưu tiến hành một cuộc đảo chính quân sự.”

Điều này khiến cho quân đội Liên Xô lâm vào tình trạng thiếu hụt các tướng lĩnh và sĩ quan có tài, hạn chế nghiêm trọng khả năng chiến đấu hiệu quả của quân đội. Nếu bạn là Adolf Hitler và đang xem xét lại điều này một lần nữa, bạn chắc hẳn sẽ kết luận rằng, đánh bại Liên Xô trong cuộc chiến là việc hết sức dễ dàng.

3. Việc xâm chiếm Nga không thực sự mở ra một mặt trận thứ hai.

Sau cùng, vào D-Day (4) khi mà quân đội Anh đánh chiếm Normandy năm 1944, Đức Quốc xã đã phải chiến đấu trên cả 2 mặt trận.

Nhưng vào tháng 6 năm 1941 khi chiến dịch Barbarossa được triển khai, đây chính là hiện trạng:

Pháp đã bị đánh bại

Na Uy bị chiếm đóng hoàn toàn.

Anh Quốc đã để mất hầu hết các đơn vị cơ giới ở Dunkirk và sẽ không phải là mối đe dọa thực sự  đối với châu Âu trong tương lai gần.

Hoa Kỳ vẫn là phe trung lập bởi Trân Châu Cảng không bị tấn công cho đến tháng 12 năm 1941.

Không có bất kỳ hiểm hoạ nào đến mạn phía Nam của Đức, ít nhất là trước khi Ý bị xâm chiếm năm 1943.

Hitler đã đánh bại và kiểm soát toàn bộ vùng  Tây Âu. Không hề có dấu hiệu nào cho thấy ý định tham gia chiến tranh của Hoa Kỳ, bởi vậy Nga không có bất kỳ sự giúp đỡ nào khác về quân sự. Nếu đối đầu trực diện với Nga, Đức có nhiều sư đoàn hơn (tuy nhiên lực lượng Đức bị phân tán ra các nơi, trong khi quân đội Liên Xô được tập trung hết tại Nga), nhiều  máy bay hơn, vũ khí tối tân hơn và quân đội cũng được đào tạo tốt hơn.

Về cơ bản, Đức Quốc xã có tình trạng quân sự tốt hơn hẳn so với Liên Xô.

Vì lẽ đó, nếu bạn là Adolf Hitler vào năm 1941 và  đang ngồi trên ngai vàng của mình ở vùng núi Bavarian, bạn sẽ khá tự tin khi triển khai chiến dịch Barbarossa, trong khi cười khẩy, mường tượng đến đến việc trở thành Sa Hoàng tiếp theo của Nga.

Xét cho cùng, về mặt lý thuyết quân đội Đức đáng lẽ đã có thể đánh bại Liên Xô. Việc quyết định xâm lược Liên Xô của Đức là một lựa chọn hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa những chiến lược sai lầm của Hitler trong toàn cục cuộc xâm lăng, cùng với việc Nhật Bản buộc Hoa Kỳ tham chiến và sau đó cũng chính Hoa Kỳ  hỗ trợ cho Hồng Quân một cách hiệu quả đã dẫn đến thất bại hoàn toàn của Đức Quốc xã.

(1) Chiến dịch Barbarossa: là chiến dịch xâm lược Liên bang Xô viết do Quân đội Đức Quốc xã tiến hành.

(2) Hồng quân: tên gọi chính thức của Lục quân và Không quân Liên Xô.

(3) Bạch vệ: là lực lượng chống lại những người Bolshevik sau Cách mạng tháng Mười và chống lại Hồng quân trong nội chiến Nga. (1917 – 1923)

(4) D-Day: Deliverance Day – Ngày phán quyết, là tên gọi cho chiến dịch đổ bộ bãi biển Normandy vào 6/6/1944 của quân Đồng minh.

Theo: Dương Thành Sơn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *