Chỉ số yêu thương

Tôi có đứa con đặc biệt. Một sáng sớm, cháu lẻn ra khỏi nhà.

Chúng tôi đi nhiều con đường, gọi nhiều cuộc gọi. Khó mà tìm một người giữa Sài Gòn huyên náo thế này. Hơn tám giờ tối, cháu về nhà, đói lả, môi bong tróc vì thiếu nước. Trên người chỉ áo ba lỗ và quần.

Ba lô sách vở, điện thoại thông minh, vài bộ đồng phục học sinh và đồ dùng cá nhân đã không còn. Con tôi về sau quả quyết “phải tặng bạn bán vé số chứ”.

Tự kỷ ngày nay không còn là khuyết tật cổ điển, kiểu như “hội chứng của Tây”. Nhưng tại Việt Nam, hàng triệu người mắc hội chứng vẫn được nhìn với ánh mắt kỳ dị. Vài lần, con tôi về nhà với mấy nốt ngón tay trên má, hay quần áo bị rách, bẩn, đôi khi là những câu “mày nhìn gì thằng kia” mà cậu lặp đi lặp lại.

“Chị thấy em chị mới dám nói”, người bán hoa quả vẫy tôi lại gần, giọng bí hiểm, “con em ấy, nó cứ đi qua đây, lẩm bẩm một mình, em cho nó đi khám chưa, ai lại để thế?”. “Cái thằng bé này, chị có giáo dục nó không?”, người khác bấm chuông, “Chị về dạy con đi, lần sau còn trêu chó là chồng tôi tới tận nhà cho một trận đấy”.

Anh công an khu phố ngọt nhạt mấy lần, đại ý chị bảo cháu nhé, hàng xóm họ gọi báo cháu chạy ra trước chung cư tắm mưa. Khu phố mình là khu phố văn hóa, mưa ai cũng chạy vào nhà. Một vị hàng xóm ngũ tuần năm ngoái phải gọi ban quản lý chung cư và phường can thiệp vì “tôi ngồi trong nhà canh, Covid mà ngày nào cũng thấy nó leo thang bộ”. Có người không khỏi thông cảm “Thôi em ạ, cái nghiệp của mình nó thế”.

Tôi cảm ơn họ, tôi thấy sự chân thành trong lời họ nói.

Rối loạn đã lấy đi khả năng quan sát, khái quát hóa để học hỏi các quy tắc xã hội của người tự kỷ. Những cá nhân mang hội chứng tự kỷ, Asperger hay ADHD, bị coi là vô duyên. Hỏi một đằng họ trả lời một nẻo, hay nói câu nọ xọ câu kia, cắt lời người khác thiếu tế nhị. Ánh mắt, tay chân lóng ngóng, họ đến quá gần khiến người khác bất an. Ngay cha mẹ cũng không hiểu vì sao con mình hay phản ứng quá kỳ quặc hay quá nhạy cảm.

20/3 là “Ngày Quốc tế hạnh phúc”, khiến tôi tự hỏi, rằng điều gì làm nên một cộng đồng hạnh phúc. Vì sao cần cộng đồng hạnh phúc? Bởi trong đó có phần của tôi và bạn.

Hạnh phúc là trạng thái mong manh và cần sự tương giao lành mạnh giữa người với người. Nó mong manh từ trong mỗi cá nhân. Có khi nào, bạn tự ti với chính mình? Mình có khi nào vô tâm phụ lòng người khác, mình không thể sửa sai hay làm ai cảm thấy khá hơn, mình buộc phải nợ lòng tốt của người vì phải bỏ cái này xuống để cầm cái kia lên… Có lần nào, bạn nói với kẻ trong gương, chắc chẳng ai ưa mình, tính mình khó chịu, lại béo quá, ăn nói chẳng thông minh như người ta, mình trồng cây hành mà nó cũng chết.

Nhưng ta cũng có thể hạnh phúc bằng những điều nhỏ nhặt. Trên hành trình của những cha mẹ có con chậm tiến chúng tôi còn rất nhiều người tốt. Một bác xe ôm nhẫn nại khi cháu chỉ đường sai, một cô giáo luôn nói lời khích lệ, một người dưng đưa con tôi về tận nhà. Những đồng nghiệp sẵn sàng chia sẻ. Họ cho tôi thấy, cuộc sống là để biết ơn.

Năm ngoái, khi bàn về chính sách cho những nhóm yếu thế nhất, một đại biểu Quốc hội cho rằng, chúng ta có truyền thống tốt đẹp, mọi người sẽ tự giúp nhau, chỉ cần làm mọi cách để có GDP cao, kết quả của tăng trưởng sẽ nhỏ giọt xuống những người ở tầng thấp nhất. Đất nước giàu lên, mọi thứ đều tốt hơn, mọi người sẽ đều vui.

Nhưng tôi không nghĩ thế. Bất kể tăng trưởng cao hay thấp, xã hội chỉ không thất bại nếu người càng yếu càng được bảo vệ nhiều nhất.

Tôi đã gặp nhiều bác sĩ tâm thần và tâm lý trước khi gặp được bác sĩ nghèo nhất trong số đó để nhờ ông kê thuốc cho con. Ông có lẽ là vị bác sĩ già duy nhất ở thành phố này thường đi xe máy hàng chục km ngoài giờ làm việc đến tận nhà khám hay đưa thuốc cho bệnh nhân mà không lấy tiền, chỉ vì “người ta khó quá mà mình không bỏ họ được”. Ông đã dạy tôi nhiều, rằng tôi nên hạnh phúc khi ít ra con tôi vẫn còn lòng trắc ẩn, và còn tốt chán khi chúng ta vẫn có mái nhà trên đầu và cái giường để ngả lưng.

“Nếu con không học bài, mẹ sẽ biến thành chim bay đi”, có lần, con tôi ngước lên có phần vui thích: “Làm gì để mẹ biến thành chim hả mẹ?”.

Đó là điển tích trong “Tích Chu”. Khi một người bỏ nhân gian, tôi hay giải thích với cháu rằng người đó đã biến thành chim bay đi.

Có đôi khi, rời xa những cơn sóng hỗn loạn, con tôi bảo: “Con muốn làm người bình thường”. Giọng cậu chân thành hơn lúc nào: “Mẹ đừng biến thành chim bay đi nhé”. Tất nhiên, đó là điều cuối cùng tôi muốn làm trong cuộc đời này.

Trước khi có con, tôi không hề biết “làm người bình thường” lại là một điều ước. Tôi không hình dung hết những trục trặc của một người không giống số đông. “Bình thường” là không phải chạy khắp thành phố để tìm ra một trường ở đó ông hay bà hiệu trưởng có lòng trắc ẩn, là không phải giải thích đi lại với nhiều người rằng người chậm phát triển là khuyết tật bẩm sinh khi họ dí vào tay một địa chỉ “thằng ấy tự kỷ nặng mà đến chữa bác B, giờ đi học bình thường rồi”, không phải giở hết luật hay quy định ra chứng minh với một cán bộ rằng chậm phát triển là khuyết tật.

Ngày Hạnh phúc để nghĩ về một điều kiện cơ bản của hạnh phúc là sự sẵn sàng đón nhận những người “kỳ dị” quanh ta với cái tâm không phán xét, cũng để duy trì những tương tác lành mạnh giữa mình với mọi người. Tôi tin đó là thái độ sống đem đến cho ta hạnh phúc.

Một cộng đồng không thất bại là khi xây dựng được văn hóa độ lượng, nơi các cá thể cảm thấy thoải mái chấp nhận nhau, người khác biệt được như chính họ là, miễn không xâm phạm lợi ích của ai. Đó là khi bên cạnh GDP, một đất nước cần thêm “Admission love quotient” – chỉ số chấp nhận và yêu thương.

Bài viết của Hồng Phúc

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *