Đại Học Đừng Chỉ Học

Tôi đã từng trốn học đúng vào lúc ôn thi cấp 3. Ngày đó, tôi đã đạp xe đến trường, ngồi vào lớp và ngủ hoặc trốn lên sân thượng của trường đứng một mình. Điều này sẽ chẳng có gì đáng nói nếu tôi không phải là học sinh cưng của thầy cô, là “con nhà người ta” trong mắt phụ huynh của đám bạn vì đạt học sinh giỏi trong suôt 9 năm. Tại sao tôi lại làm như vậy ư? Vì ngày đó, tôi đã đi học vì mẹ
.
Nhớ ngày đó, ngay khi công ty nhà tôi phá sản, người cha mà tôi từng coi là thần tượng đã làm sụp đổ niềm tin trong tôi. Thay vì được an ủi và động viên, câu nói mà tôi được nghe nhiều nhất là “con phải là chỗ dựa cho mẹ và em trai.” Điều này có quá sức với một cô bé lớp 9 không? Tôi không biết. Tôi chỉ biết là tôi không còn lựa chọn nào ngoài việc nhận lãnh trách nhiệm đó. Và việc duy nhất mà tôi có thể làm lúc đó là đi học, ít nhất là để mẹ yên tâm.
Tôi vẫn duy trì việc học như thế đến hết cấp 3. Tất nhiên, thành tích của tôi không còn cao như trước. Tôi cũng tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi cho mẹ vui lòng và chỉ có thế. Khi đỗ đại học, tôi đã lên Hà Nội học với tâm thế rất rõ ràng trong đầu: “Đại học thì chỉ cần học thôi.” Tôi đã nghĩ mình chỉ cần sáng đi học, tối về phòng trọ ngủ, chẳng cần kết bạn hay giao lưu với ai. Tôi nghĩ mình sẽ giống như một nhân vật mà tôi từng đọc trong truyện nào đó: “khuôn mặt lạnh tanh, đôi mắt vô hồn, không cảm xúc.” Và tất nhiên tôi đã không làm như thế.
Tôi may mắn ở cùng nhà trọ với một chị học trên tôi 3 khóa. Chị xinh đẹp, thông minh, sắc sảo và có một căn phòng vô cùng nhiều sách. Ngày đó, chị kể cho tôi nghe về các học bổng, về cuộc sống ở nước ngoài, về một thế giới lộng lẫy thật khác với những gì tôi phải trải qua trong suốt 3 năm trước đó. Và chị bảo tôi: “Đã đến lúc em phải sống cho mình rồi Trang ạ.”
Thế là tôi bắt đầu một hành trình “đại học mà không chỉ học” và chính điều đó đã tạo ra tôi của hôm nay, một cô gái không hoàn hảo nhưng đã biết sống cho mình và là chính mình.
Vậy tôi đã làm gì? Dưới đây là một vài điều tôi đã làm trong thời sinh viên của mình mà bạn có thể tham khảo.

  1. THAM GIA CÁC HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI
    Tôi tham gia các hoạt động xã hội ngay từ khi còn là sinh viên năm nhất. Điều này không chỉ giúp tôi cải thiện kĩ năng mềm, mở rộng network, mà còn mang đến cho tôi rất nhiều cơ hội. Ví dụ như tôi đã được tham gia một số chương trình của VTV ngay từ khi học năm nhất, được làm cộng tác viên phiên dịch cho một tổ chức phi chính phủ vào năm hai, quản lý 1 dự án xã hội vào năm ba, rồi đi trao đổi tại Mỹ và có một công việc tại một tổ chức quốc tế ngay sau khi ra trường. Nhưng trên hết, điều quan trọng nhất mà tôi có được là tôi tìm kiếm được đam mê và có thêm những người bạn tuyệt vời vẫn đồng hành cùng nhau đến tận bây giờ.
  2. ĐI PHƯỢT
    Đây là một góc khác của tôi mà khá ít người biết (trước khi tôi viết bài này 😊). Thời sinh viên tôi đi phượt khá nhiều, đặc biệt là vào năm nhất, năm hai khi mà tôi chưa bị cuốn đi bởi công việc và các dự án. Tôi đã từng lượn quanh những góc phố Hà Nội về đêm, vượt qua những đỉnh đèo quanh co của vùng Tây Bắc và đặt chân đến những vùng đất ít người qua. Sau tất cả những hành trình đó, bên cạnh cảm giác mới mẻ, thư thái, điều tôi thích nhất trong việc đi phượt là tôi được nhìn cuộc sống một cách trọn vẹn hơn và chân thực hơn.
    Sau hai năm đi làm, tôi cũng nhận ra, chỉ khi còn là sinh viên, chúng ta mới có thể có đủ sự hồn nhiên, khát khao khám phá mà không bị ràng buộc nhiều bởi trách nhiệm, lo toan và nỗi sợ như thế. Nhưng trên tất cả, làm gì thì làm cũng cần chú ý đảm bảo an toàn cho bản thân nha các bạn.
  3. ĐI LÀM THÊM
    Tôi đi làm thêm ngay từ kỳ 2 của năm nhất. Nhưng thay vì làm những công việc như rửa bát, bán hàng, tôi bắt đầu với công việc viết content, phiên dịch và sau đó là giáo viên tiếng Anh. Tôi không đánh giá thấp các công việc chân tay, chỉ đơn giản là tôi đã làm những việc đó từ những năm cấp 3 và đã học được đủ từ nó rồi.
    Với tôi, việc đi làm thêm từ sớm, trước hết, giúp tôi tự chủ hơn về kinh tế và sau đó là cho tôi sự tự do đ

để làm điều mình muốn làm. Ngay từ kỳ 2 của năm thứ hai, tôi đã có thể tự chi trả sinh hoạt phí và học phí của mình mà không cần xin tiền mẹ. Đến năm thứ tư tôi đã bắt đầu gửi tiền về để phụ giúp gia đình. Ngoài ra, việc đi làm thêm cũng giúp tôi có thêm nhiều kĩ năng quan trọng. Tôi học được cách sắp xếp công việc, làm việc với đồng nghiệp và làm bạn với áp lực một cách hiệu quả. Đây thực sự là phao cứu sinh, giúp hành trình đi làm của tôi dễ dàng hơn rất nhiều.

  1. HỌC
    Nhưng trên tất cả, đại học vẫn là để học. Tôi nhận ra rằng điều khác biệt lớn nhất giữa học đại học và học cấp ba là chúng ta được tự do hơn trong việc lựa chọn cách học của mình. Cá nhân tôi chọn cách tập trung nghe giảng thật chăm chú trên lớp, cố gắng hiểu bài ngay và hoàn thành hoặc lập dàn ý cho hầu hết bài tập về nhà trong giờ nghỉ giải lao. Như thế, tôi sẽ có thời gian để làm các công việc khác sau khi về nhà.
    Để chứng minh cho sự hiệu quả của việc này thì tôi đã ra trường với GPA 3.5/4, một giải nhất nghiên cứu khoa học cấp trường và 4 chiếc học bổng. Thành tích cũng không có gì đáng kể so với nhiều người, nhưng với tôi, thế là đủ vì tôi đã phân bổ nguồn lực cho những ưu tiên khác.
    Kết lại, với tôi, dù ở cấp học nào thì việc học vẫn rất rất quan trọng. Tuy nhiên, thay vì chỉ học qua kiến thức ở trường, học theo nhiều cách và nhiều nguồn khác nhau sẽ giúp kiến thức đa chiều, thực tế và thú vị hơn. Ngoài ra, không có phương pháp học nào phù hợp cho tất cả mọi người nên hãy hỏi bản thân xem mục tiêu học tập của bạn là gì và bắt đầu tìm kiếm phương pháp học phù hợp nhất cho mình bạn nhé. Còn bắt đầu từ đâu ư? Hãy bắt đầu từ chính nơi bạn đang đứng.
    Be imperfect to be perfect.
    Chúc bạn học cho mình và học theo cách mình muốn

Huyen Trang

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *