Kỳ thi tuyển sinh đại học 2022 đã bước vào giai đoạn chạy nước rút, khi chỉ còn 111 ngày cuối cùng. Hiện nay, hầu hết các bạn học sinh lớp 12 đã bắt tay vào việc chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học. Đây đồng thời cũng là giai đoạn quan trọng để nâng cao năng lực của các bạn học sinh thông qua việc luyện đề và tổng ôn tập. Ở giai đoạn này, cường độ học và độ khó của các đề bài sẽ tăng lên, học sinh sẽ gặp nhiều thử thách hơn. Chính vì vậy, các bạn học sinh sẽ cần thực hiện các điều chỉnh trong chiến lược học tập và các khía cạnh khác, đồng thời tận dụng tốt hơn 100 ngày cuối cùng để đạt được những bước đột phá về thành tích. Và trong những ngày cuối cùng này, việc xây dựng được một tinh thần vững vàng là điều hết sức quan trọng và là một trong những yếu tố then chốt giúp bạn “bứt phá”🔥
- Xác định mục tiêu RÕ RÀNG, CỤ THỂ VÀ KHẢ THI
Đến thời gian này, chắc chắn đa số các sĩ tử đã có thể áng chừng được khả năng cũng như mức điểm mình có thể đạt được. Chính vì vậy, khi đặt ra mục tiêu cho chiến lược ôn tập, hãy xác định mục tiêu rõ ràng, cụ thể và khả thi nhất có thể, để bạn có thêm động lực học tập và phấn đấu, không bị mất tinh thần trong những ngày cuối cùng.
Ví dụ: Hãy vạch ra mục tiêu của bạn theo cú pháp: Ngành học – Trường học – Điểm thi (năm gần nhất) – Điểm thi mục tiêu (của bạn) và sắp xếp theo nguyện vọng từ cao xuống thấp. - Xây dựng chiến lược ôn tập HIỆU QUẢ và KHẢ THI
Khi thời gian đếm ngược của kỳ thi tuyển sinh đại học bắt đầu chỉ còn 100 ngày, một số bạn học sinh thường có cảm giác mơ hồ, cảm thấy mình không còn đủ thời gian, cảm thấy vẫn còn quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết, quá nhiều dạng bài cần ôn tập nhưng lại không biết phải làm thế nào. Nhiều bạn đã cảm thấy hụt hẫng và hoảng sợ, lo lắng, căng thẳng,… Thời gian chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học tương đối hạn chế, điều cốt yếu là các sĩ tử cần phải học tập hiệu quả trong thời gian hạn hẹp, chính vì vậy cần phải điều chỉnh kế hoạch học tập theo đặc điểm của các giai đoạn khác nhau, nắm bắt được trọng điểm ôn tập, tập trung vào từng nhiệm vụ học tập hiện tại, duy trì một tâm lý ổn định và bình tĩnh. Điều quan trọng hơn cả là nâng cao hiệu quả học tập và học tập có chiến lược hơn là chăm chỉ học tập một cách mù quáng.
📌 HIỆU QUẢ: Trong giai đoạn nước rút cuối cùng, bạn cần phải có được một kế hoạch ôn tập hiệu quả cao nhất có thể. Đây là lúc bạn sẽ tập trung tối đa vào việc tổng ôn, luyện đề thay vì việc học thêm những kiến thức mới. Bên cạnh đó, bạn cần tận dụng tối đa từng chút thời gian còn lại cho việc học, tránh phân tâm vào những vấn đề khác.
Ví dụ như mình, khi mình ôn tập môn ngoại ngữ, mình đã tận dụng thời gian đánh răng và ăn uống để nghe các bản tin phát thanh có format tương tự đề thi nghe của mình, hoặc các video giảng về môn văn của các thầy cô trên youtube.
📌 KHẢ THI: Khi xây dựng chiến lược ôn tập, bạn cần phải tính đến mức độ khả thi của kế hoạch, bởi chiến lược của bạn chỉ có tác dụng tối đa khi và chỉ khi nó thực sự phù hợp với quỹ thời gian và khả năng học tập, tiếp thu của từng cá nhân. Nếu bạn đặt ra chiến lược quá tầm so với năng lực bản thân, bạn sẽ rơi vào chán nản, nhụt chí và không phát huy được tối đa năng lực của bản thân cũng như lãng phí khoảng thời gian cuối cùng – cơ hội bứt phá quý giá nhất. - Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý
Chìa khoá của những ngày cuối cùng chính là ở thời gian nghỉ ngơi, nhưng rất nhiều sĩ tử lại cố tình bỏ qua vấn đề này và cắm đầu vào việc ôn tập. Bạn cần có thời gian nghỉ ngơi để não bộ của bạn có một quãng nghỉ để có thể tiếp tục “nạp” kiến thức một cách hiệu quả hơn, còn dạ dày của bạn cần được hoạt động đúng giờ để tránh những cơn đau dạ dày có thể “dày vò” bạn bất cứ lúc nào, ngay cả trong phòng thi.
Chính vì vậy, trong thời gian nước rút này, KHÔNG PHẢI THỨC KHUYA DẬY SỚM MỚI LÀ TỐT, mà ĂN NGỦ ĐÚNG GIỜ, NGỦ SỚM DẬY SỚM mới là điều bạn cần làm, để tránh việc cơ thể rơi vào tình trạng suy nhược, sức khoẻ đi xuống, ảnh hưởng xấu đến quá trình ôn luyện và thi cử. - THI THỬ như THI THẬT
Trong quá trình luyện đề, hãy cố gắng giữ tâm lý như lúc bạn đi thi thật vậy. Điều này sẽ giúp bạn quen dần với không khí thi cử, rèn luyện một tâm lý vững vàng, tránh tình trạng căng thẳng đến mức “rớt não” ngoài phòng thi.
Hãy chuẩn bị một không gian giống như khi bạn đi thi và hãy tưởng tượng rằng bạn đang ngồi trong phòng thi thật trong thời gian làm đề. Bấm thời gian như thật, không giở sách vở tài liệu, nháp ra giấy riêng,… y như lúc bạn thi thật vậy.
📌 Ngoài ra, một mẹo nhỏ nữa đó là bạn có thể in, hoặc mua các tờ phiếu trắc nghiệm, giấy thi tự luận,… và làm đề lên trên đó để có thể “làm quen” với không khí phòng thi nhé! - Cố gắng hết sức vì ước mơ, nhưng đừng tạo áp lực cho bản thân.
Điều quan trọng nhất trong chiến lược này, đó chính là đừng biến động lực thành áp lực. Hãy cố gắng học tập và thi đại học vì điều mà bạn mong muốn thực sự, đừng học và thi vì bố mẹ hay bất cứ một ai khác. Vì kết quả mà bạn nhận được là của bạn, và chỉ của bạn mà thôi. Một tinh thần thoải mái sẽ giúp bạn đi xa được hơn rất nhiều so với bạn tưởng tượng đó!
Các bạn sĩ tử 2k4 ơi, chúng mình cùng cố lên nha 🔥🔥🔥
