Vua Wilhelm I (1797-1888) mở đầu cuộc họp: “Noi gương cha ông chúng ta, chúng ta sẽ chiến đấu cho sự tự do, chính nghĩa của mình nhằm chống lại bạo lực từ những kẻ thù ngoại bang, trong cuộc chiến này, chúng ta sẽ không theo đuổi bất kỳ mục tiêu nào khác ngoài một nền hòa bình vĩnh viễn trên toàn cõi Châu Âu. Chúa sẽ ở cạnh chúng ta như cách Ngài luôn ở cạnh cha ông ta.”
14h chiều cùng ngày, lời tuyên chiến của Pháp được gửi đến, Chính phủ Pháp cáo buộc Vương quốc Phổ đang đảo lộn cán cân quyền lực Châu Âu bằng cách cho một người của Hoàng tộc Hohenzollern lên ngai vàng Tây Ban Nha. Ngoài ra, Phổ đã xúc phạm danh dự Pháp qua bức điện tín ở Bad Ems (mà thực chất do Thủ tướng Otto von Bismarck (1815-1898) đã thay đổi câu chữ của điện tín).
Tuyên bố chiến tranh được công bố trước Nghị viện ngay khi bài phát biểu của Wilhelm I kết thúc. Tinh thần người Phổ sôi sục, nhất là vì ngày 19/7/1870 là kỷ niệm 60 năm ngày mất Mẫu hậu của Wilhelm I, Nữ Đại Công tước Mecklenburg-Strelitz (1776-1810), ở Phổ, bà rất được người ta tôn sùng vì tinh thần cứng rắn trong Chiến tranh Napoléon.
Ngày hôm sau, 20/7/1870, Nghị viện gửi cho Wilhelm I một thông điệp: “Chúng thần tin tưởng vào Chúa, Ngài sẽ trừng phạt những sự xúc phạm một cách đẫm máu. Từ bờ biển đến chân dãy Alps, mọi người đều đã đứng dậy một cách đồng lòng vì lời kêu gọi của Bệ hạ. Không có sự hi sinh nào là quá lớn với họ. Tiếng nói của một thế giới văn minh đang thừa nhận chính nghĩa của chúng ta (…) Người dân Đức cuối cùng cũng sẽ có được sự hòa bình và sự thống nhất được coi trọng ở tất cả miền đất mà họ đã chọn. Bệ hạ và các chính phủ đồng minh Đức có thể thấy chúng thần và các người anh em ở phía nam đã hoàn toàn sẵn sàng. Danh dự và tự do của chúng ta đang bị đe dọa, thưa Bệ hạ!”
Thực ra, Wilhelm I ít nhiệt tình với cuộc chiến. Bất chấp đã 73 tuổi, nhà vua mới chỉ tham gia có hai cuộc chiến và ông đang rất không muốn cuộc chiến này nổ ra ngay bây giờ. Nhà Vua đã nhận ra một cách muộn màng rằng Thủ tướng Bismarck và Bá tước Gramont (1819-1880) đều có cách riêng để tiến đến chiên tranh.
Chiến tranh Pháp-Phổ chính thức bắt đầu, các vị vua của các Vương quốc Đức sẽ cùng nhau bảo vệ danh dự quốc gia của họ. Ở Pháp, Hoàng đế Napoléon III (1808-1873) cũng đang ở khâu cuối trong việc chuẩn bị trước khi giao tranh thực sự nổ ra. Ngày 23/7/1870, Napoléon III tuyên bố trước thần dân của mình: “Có những khoảnh khắc trang trọng trong lịch sử của mỗi dân tộc khi danh dự quốc gia được khơi dậy một cách mãnh liệt, tự đặt mình vào một thế lực không thể cưỡng lại, chi phối mọi lợi ích, và nắm lấy vận mệnh Tổ Quốc (…) Chúng ta không gây chiến với các Vương quốc Đức, chúng ta tôn trọng sự độc lập của họ. Chúng ta cũng mong muốn rằng các dân tộc đã tạo nên quốc gia Đức vĩ đại kia có thể tự do quyết định số phận của họ. Chúng ta yêu cầu thiết lập một tình trạng đảm bảo cho an ninh của chúng ta và tương lai mai sau.”
Các nhà cầm quyền của Pháp coi chính nghĩa mà họ theo đuổi là duy nhất và bài diễn văn của Napoléon III có mục đích lôi kéo các quốc gia hùng mạnh của Châu Âu nghiêng về phía Pháp. Nhưng không, nước Pháp đang bị các liệt cường quay lưng. Họ gần như chẳng có đồng minh nào cả. Năm 1868 và 1869 đã có những cuộc đàm phán với Ý và Áo về những liên minh tiềm năng nhưng cuối cùng chẳng có liên minh nào cả. Mối quan hệ giữa Pháp-Áo-Ý khá là nhập nhằng.
Napoléon III đã nhận được thư từ Hoàng đế Áo-Hung Franz Joseph I (1830-1916) và Vua Ý Vittorio Emanuele II (1820-1878), trong đó, họ hứa rằng sẽ không mở bất cứ đàm phán nào với bên thứ ba mà chưa có sự ủng hộ của Pháp. Hoàng đế Pháp coi đây là lời hứa cho một liên minh nhưng có vẻ không phải như vậy.
Tháng 7/1870, các cuộc đàm phán mở ra nhưng không được tốt đẹp lắm. Ý muốn mượn đường của Áo-Hung để đánh Bavaria nhưng Áo-Hung từ chối. Ngoài ra, họ cũng đưa ra yêu cầu với Pháp nếu muốn họ tham chiến cùng, Pháp phải từ bỏ bảo vệ sự độc lập của Rome và Giáo hoàng, để từ đó, Ý sẽ sáp nhập và lấy Rome làm thủ đô thay cho Florence, tất nhiên, Pháp từ chối. Áo-Hung thì nhập nhằng không muốn đứng về phía Pháp trong cuộc chiến với Phổ bởi nhiều quan chức trong chính phủ có thiện cảm với cái gọi là “Chính nghĩa Đức chống Pháp”, vả lại, nếu về phe Pháp, Nga hoàn toàn có thể đánh Áo-Hung vì Wilhelm I là chú của Sa hoàng Aleksandr II (1818-1881).
Đó chưa phải là hết những khó khăn của Pháp, mối quan hệ Anh-Pháp đã căng thẳng từ Chiến tranh Crimea (1853-1855), nếu Pháp đánh Phổ, Anh có thể nhảy vào và có một điều quan trọng là Nữ hoàng Victoria (1819-1901) là mẹ vợ của Thái tử Phổ Friedrich Wilhelm Nikolaus Karl (1831-1888).
Chưa từ bỏ, Pháp quyết định lôi kéo Đan Mạch làm đồng minh, và dự định từ bờ biển Đan Mạch đổ bộ vào Liên bang Bắc Đức nhưng kế hoạch vẫn phá sản vì Anh và Nga gây sức ép khiến Đan Mạch quyết định giữ thế trung lập. Điều này đồng nghĩa với việc Pháp sẽ đối đầu với tất cả các Vương quốc Đức một mình mà không có đồng minh sát cánh.
Trong khi đang vô vọng tìm kiếm đồng minh thì Pháp vẫn luôn điều động binh lính trước cả khi tuyên chiến. Tuy nhiên, Đức vẫn chiếm ưu thế hơn khi họ đã điều động khoảng 460.000 binh lính ra mặt trận trong khi của Pháp là khoảng 300.000 quân.
Trong khi quân chủ lực đang hành quân cấp tốc ra tiền tuyến, các cuộc đụng độ nhỏ vẫn diễn ra ở biên giới, chủ yếu là của các kỵ binh trinh sát mà thôi. Ngày 19/7/1870, kỵ binh hạng nhẹ Chasseurs d’Afrique từ Quân đoàn Châu Phi của Pháp đã vượt biên giới và đáng vào Saarbrücken và bắt được một số sỹ quan. Cùng ngày, kỵ binh Phổ cũng bắt được một người lính bộ binh hạng nhẹ Zouave đang say khướt trong một quán trọ trên đất Phổ.
Nhưng cái chết đầu tiên của cuộc chiến đến vào ngày 24/7/1870, một đội Long Kỵ binh đứng đầu bởi viên chỉ huy đến từ Vương quốc Württemberg, sau này là nhà phát minh khí cầu, Ferdinand von Zeppelin (1838-1917) đụng độ quân Pháp ở Schirlenhof. Chỉ huy người Pháp Claude Ferréol Pagnier (1823-1870) được coi là người đầu tiên chết trong Chiến tranh Pháp-Phổ.
Và tất nhiên, cuộc chiến vẫn còn kéo dài và sẽ ác liệt hơn rất nhiều.
(Còn tiếp)
Viết bài: #LeNguyenVietAnh.
