Cũng nhân dịp có bạn đăng bài về quyển “Tôi tự học” của cụ Nguyễn Duy Cần, mình cũng xin chia sẻ một vài đoạn trích trong một quyển sách khác của cụ “Để thành nhà văn”
Chúc các bạn một thứ Tư vui vẻ.
I.
“Bất cứ người nào cũng đều có thể làm nhà văn được cả, miễn họ có gì muốn nói lắm. Viết ra, không phải là việc khó; cái khó là phải có những câu chuyện gì đáng kể để kể, những tư tưởng gì đáng ghi để ghi.
Thật vậy, người ta bảo “Có bột mới gột nên hồ”, có những gì mình muốn nói lắm thì mới có thể nói ra được một cách dễ dàng và tự nhiên. Nhất là những điều gì mình nói hay viết ra, mình phải tin tưởng một cách chân thành. André Gide, trong nhật ký của ông, có viết: “Việc khó nhất khi bắt đầu viết văn là phải hết sức thành thực với mình”. Vì lo sợ chưa được thành thực mà có cả mấy tháng trời ông không dám viết lách gì cả! “Không có nghệ thuật nói, cũng không có nghệ thuật viết (…) sự thành công về tài hùng biện hay về văn chương chỉ có một nguyên nhân này thôi, là thành thực với mình một cách hoàn toàn.”
“Thành giả, thánh nhi dĩ hĩ.”
V.
Muốn thành nhà văn cũng cẩn phải đọc sách cho thật nhiều. Tôi chưa từng thấy một nhà văn nào mà đọc sách ít, hay không thích đọc sách. Voltaire nói: “Chapelain có một cái học vô cùng rộng rãi, vì vậy, nhãn thức của ông rất sâu rộng và nhờ vậy ông đã trở thành một trong những nhà phê bình sáng suốt nhất”. Dưới trời không có gì mới lạ cả, tất cả những gì ta suy nghĩ, những ý kiến mà ta gọi là tân kỳ nhất, trước giờ người ta nghĩ ra và đã nói ra rồi cả. La Bruyère có nói rất đúng: “Thảy đều đã được nói ra hết cả rồi, và ta đã đến rất muộn hơn bảy nghìn năm, từ khi có loài người… Người ta chỉ còn có lượm lặt lại của người xưa và của những bậc tài giỏi ngày nay mà thôi.”
Đọc sách sẽ giúp cho ta nẩy sinh nhiều ý tưởng bất ngờ, đó là nguồn cảm hay nhất cho nhà văn, không bao giờ làm cho ta cạn hứng.
VI.
Nhưng cần thiết là phải biết quan sát. Hãy bắt chước Claude Bernard, khi ông thí nghiệm cái gì, dường như “mắt của ông nó mọc cùng đẩu”. Biết quan sát là tất cả bí quyết của thành công trong nghề viết văn.
(…) Phải biết nhìn kỹ tất cả những gì mình muốn viết ra, phải biết nhìn cho lâu và hết sức chăm chú để tìm thấy một khía cạnh đặc biệt mà trước giờ chưa ai nhìn thấy và viết ra. Trong tất cả mọi sự vật đều cũng có một vài chỗ chưa có ai khám phá, là vì chúng ta thường hay có thói nhìn thấy một việc gì theo quan điểm của những người đã thấy trước ta và nói lại cho ta nghe. Nghĩa là ta thường nhìn thấy sự vật với cặp mắt thành kiến. Vì vậy, bất cứ một sự vật nhỏ nào cũng còn một vài chỗ chưa ai để ý đến. Vậy, ta hãy tìm cho ra những khía cạnh đặc biệt ấy. Muốn tả một ngọn lửa cháy, hay một cội cây giữa đổng, hãy nhìn nó đến khi nào nhận thấy nó không còn giống với một ngọn lửa hay một cội cây nào khác nữa.
Chỉ có cách đó mình mới trở nên tân kỳ được!
Đã đặt thành chân lý rằng trong đời không bao giờ có hai hột cát giống nhau, hai con muỗi giống nhau, hai bàn tay, hai cái mũi giống nhau, Flaubert bắt tôi phải diễn tả ra, bằng vài câu thôi, một người hoặc một vật nào để nó có những cái đặc biệt rõ ràng không giống với những người, vật nào khác cùng giống cùng loại.
“Khi anh thấy một anh bán hàng ngồi trước cửa tiệm của anh ta, hoặc một người giữ cửa ngậm ống ‘bíp’… thì anh hãy tả cho tôi thây anh bán hàng ấy, hoặc anh giữ cửa ấy bằng một vài nét đặc biệt để tôi không lẫn lộn họ với bất cứ anh bán hàng hay anh giữ cửa nào khác, cũng như anh tả thế nào để tôi không lẩm lẫn con ngựa kéo xe nầy với cả năm chục con khác đi sau nó hay đi trước nó”. Đó là cách mà Flaubert dạy Guy de Maupassant phép tả người, tả vật.
XII.
Như đã nói trên, văn tự nhiên và giản dị cũng cẩn phải gột sạch gốc “ngoại lai”, để được cái giọng thuần túy Việt Nam.
Hiện nay ít có nhà văn nào tránh khỏi cái nạn viết văn “lai căng” ấy, vì không “lai Tàu” thì cũng “lai Tây”.
Nhà văn Nhất Linh, trong quyển Viết Và Đọc Tiểu Thuyết có đưa ra một nhận xét sau này: “Phần đông những nhà văn không giỏi Pháp văn lại thích viết theo lối làm câu của văn Pháp, không giỏi chữ Nho lại hay dùng chữ Nho”. Sự nhận xét ấy kể ra cũng có phần xác đáng là vì phần nhiều những nhà văn bị “tự ti mặc cảm” thường dễ sa vào cái tật “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”. Họ tin rằng có học tiếng Tây tiếng Tàu mới ra người có học. Ngoài ra, kẻ học chữ Nho hay chữ Pháp thật sành sỏi thường cũng dễ bị lôi cuốn nói và viết theo cú pháp của Hán văn và Pháp văn, như trường hợp các nhà Hán học hay Tây học thời trước. Họ thường suy nghĩ theo câu văn Pháp trước, rồi sau mới diễn tả bằng cách dịch lại theo tiếng Việt. Cho nên, người sành Hán văn cũng như Pháp văn mà viết văn được tự nhiên theo văn Việt thuần túy, phải công phu lắm mới được. Trước đây, sau khi ra trường, không bao giờ tôi nói được một câu tiếng Việt cho suôn mà không đệm vào một vài tiếng ngoại quốc. Có khi pha trộn nửa Ta nửa Tây, rất là quái dị. Tôi đã phải cố gắng hết sức mới viết được một câu văn Việt ra hồn. Tôi cũng chưa chắc, hiện thời, sau ba mươi năm cầm bút, tôi đã thoát khỏi cái nạn nói và viết “lai căng” ấy chưa?