Làm sao bạn biết chắc được?
Câu trả lời ngắn là thời điểm chiến tranh bùng nổ và cuộc xâm lược của Bắc Triều Tiên đã được ghi chép vô cùng kĩ lưỡng. Và tổ hợp thông tin này nằm trong các tài liệu và chứng nhận từ các nguồn Nga, Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc. Giới học thuật quốc tế cùng đồng ý với các thông tin này. Tuy nhiên chính quyền Triều Tiên và Trung Quốc lại ủng hộ thông tin lịch sử chính thức trái ngược hoàn toàn hoặc một phần với cộng đồng quốc tế.
Nhìn vào bằng chứng
Tuy nhiên, nếu có người muốn phủ nhận các học giả và các bằng chứng được đưa ra và cho rằng đây là âm mưu quy mô toàn cầu, thì cuộc tranh luận sẽ khó khăn hơn chút.
Tôi nghĩ lập luận phản đối thẳng thắn nhất là lập luận cho rằng chiến tranh nổ ra trong lúc quân đội Nam Triều chưa sẵn sàng cho chiến tranh. Ở thời điểm mà tiềm lực quân sự Mỹ ở “Bộ tư lệnh Viễn Đông” còn đang rất yếu và phần lớn chưa được chuẩn bị kĩ lưỡng cho chiến tranh.
Sau Thế chiến 2 quân số quân đội Mỹ đã giảm dần đều. Vào năm 1947, MacArthur chỉ huy hơn 300,000 quân trực thuộc Bộ tư lệnh Viễn Đông, nhưng đến tháng 6/1950 con số này đã giảm còn 108,500. Ngoài việc quân số giảm thì Bộ tư lệnh còn không được đầu tư trang thiết bị và vũ khí. Quân đội Mỹ hậu chiến tranh chỉ tập trung mua “lương thực, quần áo và thiết bị y tế” trong khi vũ khí thì dùng đồ cũ hoặc đồ thừa từ Thế chiến 2.
Năm 1947 cũng là năm MacArthur tiến hành Chiến dịch Roll-Up để tân trang lại trang thiết bị Mỹ để mốc meo ở các căn cứ khắp Thái Bình Dương sau chiến tranh. Chiến dịch này đã đặt nền móng cho việc sửa chữa và sản xuất trang thiết bị quân sự ở các nhà máy của Nhật. Nhưng chương trình này đã không hoàn thành kịp hạn chót 30 tháng 6, 1950. Ở thời điểm đó, “ước chừng 80% số trang thiết bị dự phòng trong 60 ngày của quân đội đang ở trong tình trạng không sử dụng được.”
Trong giai đoạn giữa Thế chiến 2 kết thúc và chiến tranh Triều Tiên nổ ra, Bộ Tư lệnh Viễn Đông không nhận được bất kỳ xe cộ, xe tăng hay trang bị mới nào. Các khí tài quan trọng, từ súng không giật tới xe tải hạng nặng, đều còn rất ít và 50%-90% số đồ dự trữ đều không dùng được.
Quân đội Nam Triều không có xe tăng và “gần như không có không quân.” Ngược lại, Bắc Triều Tiên có 150 xe tăng hạng trung và lực lượng không quân chiến thuật nhỏ. Miền Bắc có lợi thế 3:1 về số lượng pháo và hàng chục ngàn quân có kinh nghiệm từng tham chiến trong Nội chiến Trung Quốc. Nam Triều Tiên cũng không thể chuẩn bị kĩ lưỡng hệ thống phòng thủ hay chuỗi tiếp tế nhiều lớp. Họ không có kế hoạch vừa rút lui vừa chiến đấu hay kế hoạch tiêu hủy tiếp tế trong trường hợp rút lui. Vậy nên, nguồn tiếp tế quân sự và hệ thống liên lạc của Nam Triều Tiên đã sụp đổ trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh.
Sự chuẩn bị của quân đội Nam Triều khi chiến tranh nổ ra cũng gặp bất lợi. Các đơn vị bị thiếu quân do nghỉ phép mùa thu hoạch, đã vậy nhiều lính và sĩ quan còn nghỉ cuối tuần do một lệnh cảnh báo từ trước đã được gỡ bỏ. Một số lượng lớn các sĩ quan đã rời vị trí ở Seoul để nghỉ ngơi sau một buổi tiệc ăn mừng. Số khác thì sang Mỹ hoặc Nhật Bản. Người đứng đầu đoàn cố vấn Mỹ ở Nam Triều Tiên đã được chỉ định sang nơi khác và người thay thế tạm thời thì đang ở Nhật. Trong bốn sư đoàn được điều ra biên giới, chỉ có bốn trung đoàn và một tiểu đoàn đóng quân tại nơi. Sự thiếu chuẩn bị nghiêm trọng này đã dẫn đến hậu quả là cuộc rút lui thảm họa của quân đội Nam Triều Tiên về phía Nam. Hoặc các sự kiện như cây cầu bắc ngang sông Hán bị lực lượng Nam Triều phá sớm hơn dự kiến khiến một vài đơn vị đồng minh bị kẹt ở bên kia sông.
Bạn nên chú ý là vẫn chưa xác định rõ ai là người nổ súng trước vào buổi sáng cuộc xâm lược. Các cuộc đụng độ nhỏ lẻ đã diễn ra ở biên giới trong nhiều tháng, và có thể là Nam Triều Tiên đã tiến hành các cuộc đột kích nhỏ hoặc pháo kích vào sáng hôm đó. Nhưng những cuộc tấn công diễn ra nhiều tháng này đã bị đáp trả bằng một cuộc xâm lược của Bắc Triều Tiên với các cuộc đổ bộ bằng đường biển, không kích và hàng ngàn quân trải dài mặt trận. Các lực lượng của Bắc Triều Tiên đã được đưa ra biên giới với số lượng chưa từng thấy trong suốt nhiều tuần và tháng vừa qua.
Tôi nghĩ ta có thể vứt bỏ hết bằng chứng ngoại giao và tranh luận rằng Bắc Triều Tiên đã tập trung toàn bộ lực lượng của mình với mục đích đe dọa chứ không có ý định xâm lược. Và rồi đưa ra một lập luận thậm chí còn ít khả thi hơn là họ đã bị lừa/kích động tiến hành xâm lược bởi một cuộc đột kích vượt biên quy mô nhỏ của Nam Triều. Nhưng tôi thấy lập luận này không thuyết phục lắm. Các cuộc đổ bộ đường biển mà Bắc Triều tiến hành không phải là mấy kiểu kế hoạch thích là thực hiện ngay được. Lập luận này cũng đòi hỏi ta phải phớt lờ bằng chứng về các bước chuẩn bị ngoại giao của Bắc Triều cho cuộc xâm lược.
Khi chiến tranh nổ ra, Nam Triều vẫn đang vật lộn để đàn áp một phong trào du kích vũ trang, và lực lượng quân sự của họ được định hướng chống nổi dậy nhiều hơn là chiến tranh quy ước. Suy nghĩ Nam Triều hoặc Mỹ muốn chiến tranh hoặc cố kích động chiến tranh toàn diện ở thời điểm thiếu chuẩn bị vậy nghe nó không thực tế.
Cũng có rất nhiều bằng chứng rằng Bắc Triều Tiên đã lên kế hoạch chiến tranh và xâm lược từ lâu rồi, và họ đã phối hợp rất kĩ càng với Trung Quốc và Liên Xô. Nhưng nếu có người phản đối bằng chứng này, cái suy nghĩ rằng Nam Triều Tiên hoặc Mỹ chọn xâm lược hoặc cố kích động chiến tranh vào mùa hè 1950 vẫn rất kì quặc.
Nguồn:
- Park, Myunglim. “The’American boundary’, provocation, and the outbreak of the Korean War.” Social Science Japan Journal 1.1 (1998): 31-56.
- Schnabel, James F. Policy and Direction: The first year. Vol. 3. Office of the Chief of Military History, United States Army, 1972.
- Stueck, William. The Korean War: an international history. Vol. 68. Princeton University Press, 1997.
_____________________
Dịch bởi Tuan Anh Nguyen