Nhuộm tóc – Khác biệt hay xu hướng?

Không khó thấy những bạn trẻ bây giờ có những kiểu tóc cá tính và đầy màu sắc. Đúng – nhuộm tóc chẳng phải là một điều xa lạ với những bạn trẻ bây giờ, đặc biệt là những người yêu thích streetwear/ thời trang đường phố.
Giờ đây, sở hữu một mái tóc “Rực rỡ” ( Đúng theo nghĩa đen) không còn chỉ gói gọn ở phái nữ mà các bạn nam cũng tự tin trong viêc thể hiện bản thân và kết hợp với những món đồ thời trang mặc bên ngoài. Khi Gen Y thế hệ cuối ( Những người sinh từ năm 1989 đến năm 1995) và gen Z ( Những người sinh từ 1996 đến năm 2010) trở thành một phần quan trọng của xã hội mới thì viêc “nhuộm tóc” mới trở nên cởi mở hơn rất nhiều.
Quay trở lại khoảng thời gian trước, chỉ có nữ giới mới hay nhuộm tóc – nhưng các màu thông thường là màu căn bản, thường thấy và đại trà như vàng, nâu đất.. Nam giới thì gần như là rất hiếm. Ai mà sở hữu một mái tóc có màu “khác bình thường” sẽ bị xã hội – những người xung quanh có một cái nhìn không mấy thiện cảm. Các câu chuyện xoay quanh sẽ là người ăn chơi, không đứng đắn – nhưng cũng từ “thái độ xã hội” đó mà đã tạo ra một tư tương về sự nổi loạn, thể hiện bản thân và tự do cá tính. Những tuyên ngôn rất gần gũi với giới trẻ hiện nay.
Hình ảnh về những mái tóc màu rực rỡ đã không phải mới xuất hiện gần đây mà nó đã “ngấm ngầm” du nhập về Việt Nam thông qua làn sóng văn hóa hallyu của Hàn Quốc. Thông qua các các ca sĩ Kpop nổi tiếng – làm mưa làm gió một thời (BigBang, 2NE1, Super Junior, SNSD), hình ảnh luôn được đổi mới liên tục. Đồng nghĩa là mái tóc cũng được thay đổi sao cho phù hợp với concept, câu chuyện âm nhạc. Chúng ta hẳn còn nhớ mái tóc màu bạc kim của T.O.P hay đỏ rực của G-dragon. Lượng fan hùng hậu của các nhóm nhạc trên nằm ở độ tuổi Gen Z ở Việt Nam cũng không hề ít, nhưng lúc đó các bạn chưa độc lập nên phải mất một khoảng thời gian cho tới ngày hôm nay – sự ảnh hưởng đó mới bộc phát ra.
Streetwear – du nhập vào Việt Nam vào những năm 2012-2014 cho tới nay, sự phát triển của thời trang đường phố đã đẩy cao nhu cầu thể hiện bản thân của giới trẻ (Đặc biệt là Gen Z) ngày càng rõ rệt hơn. Một người thì sẽ là “điều gì đó lạ lẫm” nhưng nhiều người thì sẽ tạo thành xu hướng và xã hội đã dần “công nhận” vai trò của streetwear trong cuộc sống hàng ngày bên trong những người trẻ. Đó không phải là trends, là xu hướng nữa mà là lifestyle/phong cách sống.
Cách thể hiện tuyên ngôn bản thân thông qua thời trang của giới trẻ cũng ngày càng nâng cấp. Những sản phẩm riêng lẻ đã không còn quá thu hút ánh nhìn như ban đầu mà giờ đây mọi thứ phải tổng hợp – phải dung hòa để tạo ra một bức tranh đẹp nhất. Đó là sự kết hợp giữa giày + quần áo + phụ kiện và bản sắc con người.
“Cái răng, cái tóc là góc con người” – nhanh chóng, rất nhiều bạn trẻ đã chú ý đến mái tóc sẽ là một “vũ khí” chủ chốt để tạo nên sự nổi bật. Chưa cần biết trang phục như thế nào nhưng theo thói quen thông thường của con người thì khi nhìn vào một đối tượng lạ mặt. Thứ chú ý đầu tiên và dễ nhận thấy nhất chính là phần ngang của tầm mắt. Đó là khuôn mặt, mái tóc và nửa phần trên của cơ thể. Sự nổi bật từ tóc, phụ kiện, khuôn mặt có thể tạo nên một hiệu ứng không hề nhỏ khi nhìn vào tổng bộ trang phục.
“Hair-game” còn đi sâu vào câu chuyện thời trang khi nó còn là một công cụ diễn thuyết hiệu quả cho phong cách và fashion aethestic/fashion vibe mà chủ nhân đó đang theo đuổi. Punk/Rock thì thông thường là màu vàng/đỏ nổi bật. Emo/Gothic thì sẽ là ánh kim huyền bí. Những phong cách mang tính tương lai, futuristic/Cyberpunk sẽ yêu thích và lựa chọn màu tím, neon, xanh lá. Hay một cách nhuộm ở trình độ cao hơn “Ton sur ton với trang phục đang mặc”.
Các trang phục mặc theo từng phong cách khác nhau sẽ có một colour visual khác nhau. Hoặc trong streetwear/thời trang đường phố – vốn dĩ thể hiện màu sắc đa dạng của đường phố thì những colour block/patchwork.. bao gồm rất nhiều gam màu. Nhiều bạn trẻ muốn tạo được một thể thống nhất trong “Look” của riêng mình đã hòa trộn tuyệt đối về màu sắc của tóc, phụ kiện và quần áo. Không cần nói gì thêm – hiệu quả mà nó tạo ra được, từ những người xem trực tiếp đến cộng đồng trên các social platform (Facebook/ Instagram).
Cách thể hiện sự cầu kì trong việc “Nhuộm tóc” không chỉ đơn thuần là một màu khác so với màu đen truyền thống của người Việt. Nếu ngày xưa, các chị yêu thích những kiểu ombre, highlight hay móc line thì bây giờ Gen z còn chuyển qua thể hiện 1 biểu tượng, 1 hình graphic với các layout màu vô cùng sáng tạo.
Dù xã hội có cái nhìn tích cực hơn với “Những mái tóc rực rỡ” nhưng đây cũng không phải là 1 công cụ để chúng ta lợi dụng. Thứ nhất là khi chọn màu tóc, các bạn nên chọn theo các yếu tố đi kèm như hình thể khuôn mặt, màu của nước da, màu của trang phục/style mà các bạn sẽ “đi theo” trong cùng 1 khoảng thời gian (ít nhất là 1 tháng). Thứ hai là thời gian để dưỡng tóc và sử dụng các sản phẩm hợp lí chăm sóc để tóc không bị hư tổn bởi các chất nhuộm. Do đó, dù là thời trang hay mái tóc – để mọi thứ đẹp đòi hỏi rất nhiều sự chuẩn bị kĩ càng và cầu kì.

nguồn: Trí Minh Lê

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *