Vương triều Bagrationi (thường được phiên âm theo tiếng Hy Lạp là Bagratid) là vương triều cai trị nước Georgia gần một thiên niên kỷ. Vương triều này được thành lập trong thời Trung Cổ và cai trị vương quốc cho tới đầu thế kỷ 19, khi vị vua cuối cùng bị người Nga lật đổ. Tuy nhiên, đó không phải là sự chấm dứt của hoàng tộc Georgia khi có nhiều thành viên trở thành chư hầu nổi bật của Đế Chế Nga.
Điều này tiếp diễn cho tới đầu thế kỷ 20, khi Đế Chế Nga sụp đổ vào năm 1917 và thay thế bằng Liên Bang Soviet. Hậu quả của việc thay triều đổi đại là nhiều thành viên của Hoàng tộc Bagrationi phải tái định cư tại Tây Âu. Kể từ đó, Hoàng tộc Bagrationi phân chia thành nhiều nhánh. Đã có nhiều cuộc đàm phán về việc khôi phục chế độ quân chủ ở Georgia, mặc dù nó vẫn chưa thu hút được đủ sự ủng hộ trong nước.
I. LỊCH SỬ KHỞI THỦY CỦA GEORGIA
Georgia là một quốc gia tọa lạc trên Dãy Caucasus và là giao lộ giữa Châu Âu và Châu Á. Trong suốt thế kỷ 1 trước Công Nguyên, Georgia bị tách thành 2 phần — Vương quốc Colchis ở phía Tây, biên giới là Hắc Hải, và Vương quốc Iberia, còn gọi là Kartli, ở phía Đông.
Vào năm 65 trước Công Nguyên, tướng La Mã là Pompey mở chiến dịch quân sự vào Georgia, dẫn đến kết thúc thành công Chiến Tranh Mithridates lần thứ 3 vào năm 63 trước Công Nguyên. Vương quốc Colchis bị chính phục bởi người La Mã và sau đó trở thành một phần của Tỉnh Bithynia và Pontus. Mặc dù người Iberia cũng bị đánh bại, nhưng người cai trị của họ lại phục tùng người La Mã.
Vào khoảng năm 330 Công Nguyên, vương quốc Iberia bị Cơ Đốc hóa. Việc cải đạo của người Iberia sang Cơ Đốc giáo được quy do Thánh Nino, người đã chữa lành một cách thần kỳ cho hoàng hậu Nana đang bị bệnh nan y. Tuy nhiên, vị vua lúc đó là Mirian III, là một người ngoại đạo và không chấp nhận sự xuất hiện của tôn giáo mới này.
Nhà vua âm mưu giết vị thánh trong một cuộc đi săn, nhưng khu rừng đột nhiên trở nên tối tăm và ông không thể nhìn thấy gì. Kinh hoàng, ông cầu nguyện các vị thần ngoại đạo, nhưng vô ích. Cuối cùng, ông đã cầu nguyện với vị Chúa Cơ Đốc và tất cả đều trở lại bình thường. Mirian ngay lập tức trở về cung điện, từ bỏ tôn giáo ngoại đạo của mình và chánh thức cải đạo sang Cơ Đốc giáo.
Với vị trí địa lý đặc biệt, Georgia trở thành mục tiêu cho các siêu cường trong khu vực tranh dành ảnh hưởng. Với tư cách là một quốc gia Cơ Đốc giáo, Georgia tự nhiên trở thành đồng minh của Đế Chế La Mã. Kẻ thù lớn nhứt của Đế Chế La Mã là Đế Chế Sassanid, những người theo Hỏa giáo (Zoroastrianism). Cuộc chiến với người Sassanid tiếp tục diễn ra dưới thời của Đế Chế Byzantine, vương triều kế thừa ở phía Đông của Đế Chế La Mã.
Bằng cách kết đồng minh với một siêu cường để chống lại siêu cường khác, Georgia mới có thể duy trì sự tồn tại của mình. Tuy nhiên, cuộc chiến kéo dài giữa Đế Chế Byzantine và Đế Chế Sassanid không những làm suy yếu 2 cường quốc này mà Georgia cũng bị ảnh hưởng.
Khoảng thế kỷ 7 Công Nguyên, Hồi giáo được thành lập tại Bán Đảo Ả Rập và Vương triều Caliph trở thành đối trọng mới của người Byzantine lẫn người Sassanid. Quân đội Hồi giáo tiến vào Georgia khoảng năm 654, Tiểu vương quốc Tbilisi được thành lập vào năm 736. Khoảng thập niên 810 Công Nguyên, Vương triều Caliph Abbasid bị suy yếu bởi các cuộc nội chiến từ bên trong và các cuộc chiến tranh với người Byzantine từ bên ngoài. Tận dụng thời cơ này, Vương triều Bagrationi bắt đầu phát triển nổi bật và tạo ảnh hưởng.
II. KHỞI THỦY CỦA VƯƠNG TRIỀU BAGRATIONI
Nhiều học giả ngày nay đồng ý rằng Vương triều Bagrationi bắt nguồn từ Speri (hay còn gọi là Ispiri), thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Cơ sở quyền lực ban đầu của họ là Klarjeti và Samtskhe (cái đầu cũng thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, còn cái sau ở Georgia). Bằng cách mở rộng về phía Nam, Vương triều Bagrationi đã chinh phục vùng Tao (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) và thành lập một chính thể mà ngày nay gọi là Công quốc Tao-Klarjeti.
Ashot I xứ Iberia được trao tặng danh hiệu kế thừa “Hoàng tử chỉ huy xứ Kartli” từ người Byzantine. Ông là người đầu tiên của Vương triều Bagrationi nắm giữ danh hiệu này. Hơn nữa, Ashot còn được trao tặng danh hiệu “kourapalates” (nghĩa là “Hộ vệ Hoàng triều”)
Điều thú vị là người Bagrationi có một phiên bản khác về nguồn gốc của họ, thường được chấp nhận cho tới đầu thế kỷ 20. Cảo bản truyền thống này dõi theo dòng máu của người Bagrationi với Vua David trong Kinh Thánh. Chuyện kể rằng có 4 người con trai của Vua Solomon đã rời Israel và đi tới xứ Kartli. Họ định cư tại đây và một người trong số đó là Guaram, được chọn làm vua. Vị Guaram này được cho là tổ phụ của Vương triều Bagrationi. Các học giả ngày nay hầu hết đều không thừa nhận câu chuyện này.
Mặc dù Ashot nắm giữ danh hiệu “Hoàng tử chỉ huy xứ Kartli”, trên thực tế ông không cai trị chính thức vùng này, vì lãnh thổ Kartli bị chia 5 sẻ 7 bởi các lãnh chúa. Hơn nữa, thủ phủ là Tbilisi bị người Hồi nắm giữ thêm nhiều thế kỷ nữa.
Sau cái chết của Ashot, Vương triều Bagrationi bị phân chia thành 3 nhánh — Kartli, Tao, và Klarjeti, nhưng cuối cùng nhánh Kartli đã dành chiến thắng và vươn lên dẫn đầu.
Các người thừa kế sau này của Ashot phải mất gần 150 năm để thống nhất hoàn toàn Georgia. Dưới triều đại của Bagrat III (từ năm 975 tới năm 1014 Công Nguyên), ông tiếp tục công cuộc nhứt thống nửa Đông và nửa Tây của Georgia lại thành một, ngoại trừ Tbilisi.
III. TIẾN TRÌNH ĐÒI LẠI THỦ PHỦ CỦA VƯƠNG TRIỀU BAGRATIONI
Thủ phủ của Georgia cuối cùng cũng dành lại được từ tay người Hồi vào năm 1122. Suốt khoảng thời gian này, Georgia nằm dưới quyền cai trị của Vua David IV (còn được biết tới với cái tên là David Người kiến thiết), lên ngôi sau khi cha ông là George II tuyên bố thoái vị vào năm 1089. Dưới sự lãnh đạo của David, với thời gian trị vì gần 30 năm, Georgia trở thành một trong những vương quốc hùng mạnh nhứt khu vực.
Vào năm 1122, David dành chiến thắng chung cuộc trong cuộc chiến với Vương triều Seljuk của người Thổ tại Trận Didgori. Đánh bại người Thổ giúp cho người Georgia dành lại được Tiểu vương quốc Tbilisi, và David tiếp tục công cuộc mở rộng vương quốc của ông vào 2 năm tiếp theo, trước khi qua đời vào năm 1125. Bên cạnh thành công về mặt quân sự, David còn là một nhà cai trị tài năng và rất ngoan đạo.
Người ta cho rằng ông dành nhiều thời gian để học Thánh Thư và nghiên cứu khoa học. Sự sùng kính của ông đối với Chúa cũng được thể hiện rõ trong việc xây dựng Tu viện Gelati ở phía Tây Georgia, mà David đã khởi xướng vào năm 1106. Triều đại của David chánh thức được coi là sự khởi đầu Thời kỳ Hoàng Kim của Georgia.
IV. THỜI ĐẠI HOÀNG KIM CỦA VƯƠNG TRIỀU BAGRATIONI
Thời đại Hoàng Kim của Georgia đạt tới đỉnh cao dưới triều đại của Nữ hoàng Tamar, cháu cố của Vua David. Tamar trở thành Nữ hoàng Georgia vào năm 1184 và là người phụ nữ duy nhứt dành được quyền cai trị Georgia. Bà là con gái của George III và được ông chỉ định đồng cai trị vào năm 1178, khi bà vừa đủ 18 tuổi.
Quyết định của nhà vua dựa trên thực tế là ông đang phải đối phó với cuộc nổi dậy của một số quý tộc, những người dự định lật đổ ông và thay thế bằng cháu của ông là Demna, người được cho là kẻ kế thừa hợp pháp của người cha quá cố bị ám sát của George là David V. Bằng cách phong cho Tamar là người đồng cai trị, George có ý định ngăn chặn bất kỳ cuộc xung đột tranh dành ngai vàng nào sau khi ông qua đời và để hợp thức hóa quyền cai trị của gia tộc mình.
Khi cha bà qua đời vào năm 1184, Tamar trở thành người cai trị duy nhứt của Vương quốc Georgia. Ngay khi bắt đầu triều đại của mình, bà không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ giới quý tộc, những người cho rằng với vẻ yếu đuối của một phụ nữ thì không thích hợp làm người cai trị. Tuy nhiên, cuối cùng, bà cũng khẳng định được vị thế của mình và dập tan bất kỳ cuộc nổi dậy nào của giới quý tộc chống lại bà.
Dưới triều đại của Tamar, Georgia đã mở rộng phạm vi lãnh thổ tới lớn nhứt. Tuy nhiên, thành tựu lớn nhứt trong chánh sách đối ngoại của Tamar, chính là việc thành lập Đế Chế Trebizond vào năm 1204. Tamar là dì của Alexios và David, cháu của Hoàng đế Byzantine cuối cùng của Vương triều Komnenos là Anronikos I, người bị lật đổ và ám sát vào năm 1185.
Con trai ông, Manuel có thể đã bị tra tấn đến chết. May mắn là Alexios và David được cứu và mang tới Tbilisi bởi mẹ của họ là Rusudan, chị của Tamar. Vào năm 1204, thủ phủ Đế Chế Byzantine là thành Constantinople rơi vào tay các người lính Thập Tự Chinh. Tamar tận dụng cơ hội này bằng cách chuyển cho cháu bà là Alexios một đội quân vũ trang để thoát khỏi Đế Chế Byzantine.
Alexios tiến hành chiếm giữ Trebizond, Sinope, và Paphlagonia, những thành phố của người Byzantine nằm bên bờ Hắc Hải, và từ đó thành lập nên Đế Chế Trebizond. Ngoài ra, triều đại trị vì của Tamar chứng kiến sự phát triển rực rỡ trong nghệ thuật và văn hóa. Nhiều nhà thờ mái vòm được xây dựng ở thời kỳ này, không chỉ là thành tựu kiến trúc mà còn làm nổi bật đức tin Cơ Đốc của vương quốc.
Nữ hoàng Tamar cai trị vương quốc cho tới khi bà qua đời vào năm 1213, đánh dấu chấm hết cho thời đại Hoàng Kim của Georgia. Năm 1225, vương quốc bị xâm lược bởi người Khwarezm, và vào năm 1236 là tới lược người Mông Cổ. Vài thập niên tiếp theo đánh dấu khoảng thời gian Georgia nằm dưới ánh cai trị của Mông Cổ.
V. VƯƠNG TRIỀU BAGRATIONI CHỐNG LẠI KẺ XÂM LƯỢC
Vào năm 1299, vị tân vương, George V, thành công trong việc hồi sanh lại vận mệnh của vương quốc. Tuy nhiên, điều này không kéo dài lâu. George qua đời vào năm 1346 và 40 năm sau là cuộc xâm lược lần 1 của Đế Chế Timurid.
Khoảng giữa năm 1386 và năm 1403, Georgia bị xâm lược tới 8 lần bởi người Timur và vương quốc bị tàn phá. Hơn nữa, vào cuối thế kỷ 15, một vương quốc Georgia thống nhứt đã không còn, thay vào đó là bị tách ra thành 3 vương quốc nhỏ hơn — Kakheti (ở phía Đông), Kartli (Trung phần), và Imereti (ở phía Tây), mỗi vương quốc đều được cai trị bởi một nhánh của Vương triều Bagrationi. Ngoài ra, còn có 5 công quốc nhỏ khác — Odishi, Guria, Abkhazia, Svaneti, và Samtskhe nổi lên từ tàn tích của vương quốc đổ nát.
Vài thế kỷ tiếp theo, Georgia không còn được hùng mạnh và gây ảnh hưởng như họ đã từng ở thời Hoàng Kim. Trên thực tế, quyền tự trị của 3 vương quốc mới nổi này rất bấp bênh vì họ bị kẹp giữa hai cường quốc Hồi giáo lớn là Ottoman và Ba Tư, những kẻ luôn thèm muốn có thêm phần lãnh thổ Georgia vào đế chế của mình. Tuy nhiên, các vương quốc thuộc vùng lãnh thổ Georgia này vẫn cố gắng sống sót qua thời kỳ biến động đó và tiến tới thống nhứt một phần vào năm 1762.
Lúc đó, 2 Vương quốc Kartli và Kaakheti thống nhứt dưới quyền cai trị của Vua Heraclius II (phiên âm Latin từ “Erekle”). Bên cạnh việc thống nhứt 2 vương quốc, Heraclius còn lưu ý về vấn đề người Ottoman và người Ba Tư vẫn còn là mối đe dọa đối với Georgia. Cùng lúc đó, người Nga bắt đầu mở rộng ảnh hưởng tới vùng Caucasus.
VI. KHỞI ĐẦU CHO SỰ SUY TÀN CỦA VƯƠNG TRIỀU BAGRATIONI
Vì người Nga cũng là người theo đạo Cơ Đốc, nên nhà vua cảm thấy sẽ thuận lợi hơn nếu tìm kiếm sự giúp đỡ từ họ. Vì thế nên vào năm 1783, Hiệp Định Georgievsk được ký kết giữa hai vương quốc, đặt Georgia dưới sự bảo hộ của nước Nga.
Bất chấp việc đó, người Ba Tư tấn công và cướp phá Tbilisi một lần nữa vào năm 1795 và 5 vạn người dân đã bị sát hại. Heraclius, lúc này đã được 75 tuổi, thân chinh vào chiến trận và thoát khỏi bị bắt giữ trong gang tấc.
Nhà vua qua đời vào 3 năm sau và được kế vị bởi con trai là George XII, trị vì cho tới cuối năm 1800. Lúc này, người Nga đang có tham vọng sát nhập Georgia vào đế chế của họ. Vì thế nên người thừa kế của George là David chưa bao giờ được người Nga công nhận là Vua của Georgia, và trong vòng 1 năm sau cái chết của vị vua cuối cùng, Vương triều Bagrationi bị loại bỏ khỏi ngai vàng Georgia.
Mặc dù có người Bagrationi kháng cự tới cùng nhưng nội bộ họ bị chia rẽ sâu sắc và cuối cùng nhiều người trong giới quý tộc bị bắt và bị trục xuất. Tuy nhiên, những thành viên còn sống sót của Gia tộc Bagrationi đã trở thành những quý tộc nổi bật trong Đế Chế Nga và được trọng vọng.
Tuy nhiên, Cách Mạng Tháng 10 năm 1917 đã chứng kiến sự sụp đổ của Đế Chế Nga. Vào năm 1921, Hồng Quân Soviet tấn công Tbilisi và nhiều người Bagrationi bắt buộc phải đào tẩu sang Tây Âu.
Ngày nay, vẫn còn 3 nhánh của Vương triều Bagrationi còn tồn tại là nhánh Mukhrani, Gruzinsky và Imereti. Năm 2009, Anna, con gái của Hoàng thân Nugzar Bagrationi Gruzinsky kết hôn với người họ hàng xa là David Bagrationi Mukhraneli tại Đại Thánh Đường Chúa Ba Ngôi (Holy Trinity Cathedral, một điểm du lịch nổi tiếng) ở Tbilisi. Người chủ trì hôn lễ là Đức Thượng Phụ Ilia II, đứng đầu Giáo hội Chánh Thống giáo Georgia.
Mặc dù cặp đôi li dị vào năm 2013, nhưng họ có chung với nhau một đứa con trai là George, ra đời vào năm 2011. Một số người hy vọng rằng, trong thời gian tới, sẽ khôi phục lại chế độ quân chủ ở Georgia, với George là vị tân vương mới của Vương triều Bagrationi.
