Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, ông Trần Du Lịch, cho biết trong chuyến công tác tại Nga hồi tháng 4/2011, các đại biểu được Đại sứ quán Việt Nam tại Nga phản ánh về tình trạng lao động Việt Nam trong các xưởng may “đen”. Thời điểm đó, ở Nga lại vừa xảy ra vụ cháy kho vải của một chủ người Uzbekistan, chết bốn nhân công Việt (do họ bị nhốt chặt bên trong, không chạy được). Tuy nhiên, tình trạng đó không mới. Đầu năm 2011, tờ Pushkino đưa tin: Nhiều công dân Việt Nam bị phát hiện đang làm việc tại một xưởng bất hợp pháp ở Matxcơva. Đó là một getto (từ tiếng Nga, chỉ trại tập trung của chế độ PX), trong đó có hàng trăm lao động Việt Nam sống trong điều kiện gần như nô lệ. Họ không được rời khỏi khuôn viên của xưởng. Các phòng chật như cái nôi, thậm chí ngồi cũng khó. Họ có 8 tiếng dành cho sinh hoạt riêng và ngủ, thời gian còn lại họ phải làm bên máy may, nơi họ may các loại hàng nhái. Người trông coi trật tự cũng là công dân Việt Nam. Tháng 8/2009, báo Nga cũng đưa tin “đã phát hiện được một xưởng may nhái quần áo thể thao có tới 600 công nhân nô lệ người Việt”, cũng chính tại Ivanteevka, nơi được nói đến trong bài báo đầu tháng 2/2011.
Theo một văn bản của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga gửi về nước vào năm 2008, tại Nga đã có hàng trăm xí nghiệp may sử dụng lao động bất hợp pháp người Việt Nam – tức là lao động không có giấy phép. Công nhân ở đây bị bóc lột tàn tệ, “bị nhốt dưới khu vực ngầm, tách biệt với thế giới, bị thu hoàn toàn giấy tờ tùy thân, không được liên lạc với bên ngoài”. Anh G, hiện đã về Việt Nam và sinh sống tại Hà Nội, cho biết hiện tại người lao động Việt ở Nga có thể được chia làm ba nhóm chính: đi chợ buôn bán, xây dựng và may mặc. Trong đó, nhóm đầu không phải nô lệ nhưng cũng vất vả, mất an toàn, có thể bị đánh, bị cướp bất cứ lúc nào nếu xui xẻo. Nhóm hai gọi là “xây dựng” cho oai chứ nôm na là cửu vạn, phu hồ. Nhóm ba là những người “hành nghề may”, thực chất là công nhân làm tại các xưởng may đồ rẻ, đồ nhái… với mức lương theo báo chí phản ánh là khoảng 300 ruble một ngày đêm.
Vì sao tồn tại những cơ sở “lao động cưỡng bức” như thế ở Nga?. Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Nga nổi lên như một “kênh” chính trong vấn nạn buôn người từ châu Á sang phương Tây. Tác giả Vladimir Radyuhin phân tích trong một bài viết về “nô lệ lao động” ở Nga rằng: Những băng nhóm tội phạm quốc tế đã tận dụng triệt để đường biên giới nhiều đoạn không được kiểm soát, vô vàn lỗ hổng luật pháp, cùng nạn tham nhũng tràn lan ở Nga, để “đánh lưới” người nhập cư bất hợp pháp từ cả Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan nhưng chủ yếu là Việt Nam và Trung Quốc, sang châu Âu. Thủ tục rất đơn giản: Lãnh sự quán Nga tại các nước Á châu cộp dấu vào hàng trăm visa du lịch, căn cứ vào những “giấy mời du lịch” do các công ty “ma” của Nga gửi đến. Những đám đông hàng trăm “du khách” như thế sẽ kéo qua biên giới, nhập cảnh vào Nga, trước cái nhìn hờ hững của cảnh sát Nga. Có những đoàn 150 người Việt Nam xuống sân bay Sheremetyevo của Matxcơva và đồng loạt đi qua cửa kiểm tra an ninh mà chẳng hề bị hỏi một câu. Chuyện ấy chẳng còn gì bất thường. Ông Vladimir Radyuhin chưa nói tới một sự thực khác: Rất nhiều công ty Việt Nam tham gia vào việc đưa người sang Nga bất hợp pháp. Một số người Việt từng buôn bán, lao động ở Nga thời cải cách cho biết thông thường đó là các đơn vị kinh doanh du lịch, các hãng lữ hành có cung cấp dịch vụ “outbound” (du lịch nước ngoài), trụ sở tại Hà Nội. Hoạt động kinh doanh đó của họ được dân trong nghề gọi một cách thông tục là “đạp người sang Nga”. Và trong số những xưởng may “đen” giam giữ lao động Việt Nam đó cũng rất nhiều xưởng là của ông chủ người Việt Nam.
Dưới thời Liên Xô, người Việt sang học tập và lao động ở Liên Xô đều theo những hiệp định cấp chính phủ, ký kết giữa hai nhà nước. Điều kiện lao động, sinh hoạt của họ thực sự là thiên đường so với những công nhân may bất hợp pháp tại Nga hiện nay. Ngày nay, báo chí Nga phản ánh chuyện hàng chục người Việt Nam ở chung một buồng vài mét vuông là bình thường. Văn bản của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga cũng báo cáo: Ở nhiều nơi, khoảng 50-60 người sống trong một căn phòng tập thể, giường tầng, các đôi nam nữ được ngăn cách bởi những tấm vải che. Thỉnh thoảng, báo chí Nga lại đưa tin về một vụ cảnh sát “giải cứu một ổ lao động nô lệ”, tiến hành điều tra theo điều khoản “tổ chức nhập cư bất hợp pháp”, tạm giam các công dân Việt Nam chờ trục xuất. Tuy nhiên, sau đó kết cục không rõ thế nào, có lẽ nhiều trường hợp được thả nên mới có hiện tượng cảnh sát phá đi phá lại một ổ ở cùng một nơi (như trường hợp ở Ivanteevka nói trên). Báo cáo của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga cho biết nhiều chủ xưởng sau hằng năm bóc lột sức lao động của hàng trăm công nhân thì bỏ trốn. Và trước khi bỏ trốn đã báo cho công an sở tại đến bắt những người lao động không hợp pháp. Đây cũng là điều một người Nga đã phản ánh trên diễn đàn trên mạng khi nói về nhà máy Lukina ở Ivanteevka: Nhân viên chính quyền (khu vực này) thường đi qua đấy mà không nhận thấy nhà máy đó đèn sáng suốt ngày đêm. Để rồi tự dưng một xưởng 300 người nhập cư may đồ rởm bị phát hiện giữa ban ngày ban mặt.
Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có nhiều người bị “bóc lột” trong các getto ở Nga nhất. Theo các chuyên gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đó là kết quả của tình trạng “nhân mãn”, tỉ lệ thất nghiệp cao trong độ tuổi lao động và có nguy cơ tăng hơn nữa trong những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế. Việt Nam cho đến trước cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 vẫn coi Nga là thị trường hấp dẫn, truyền thống cho lao động Việt Nam ở nước ngoài, bên cạnh các thị trường Đài Loan, Nhật, Trung Đông và Malaysia. Trước thời điểm 2008, Việt Nam là một trong bốn nước ngoài khối SNG dẫn đầu về cung cấp lao động cho Nga: Nhân công Trung Quốc chiếm khoảng 23% lao động nhập cư (hợp pháp), Thổ Nhĩ Kỳ 11%, Việt Nam 8% và CHDCND Triều Tiên 3%. Tuy nhiên, về phía các công ty cung ứng lao động Việt Nam, hiện tượng phổ biến là chỉ lo kiếm thêm hợp đồng, không quan tâm đến việc chuyên nghiệp hóa dịch vụ, làm thương hiệu, thậm chí sẵn sàng “đem con bỏ chợ” sau khi đã thu đủ tiền. Một cán bộ nguyên là du học sinh và phiên dịch tiếng Việt tại Matxcơva nhận xét: Họ không chú trọng dạy ngoại ngữ và các kiến thức văn hóa – xã hội, giao tiếp ứng xử để người xuất khẩu lao động có thể hòa nhập môi trường mới. Họ cũng không có kế hoạch đào tạo, định hướng nghề nghiệp dài hạn để người lao động đáp ứng được nhu cầu thị trường bên ngoài.
Thông thường người lao động Việt Nam sang Nga theo một số con đường. Cách thứ nhất là đi theo hợp đồng lao động do phía các công ty Việt Nam ký trực tiếp với đối tác Nga. Cách thứ hai là đi bằng visa du lịch rồi ở lại luôn – cách này phải có sự tiếp tay của những công ty du lịch Việt Nam chuyên “đạp người sang Nga”, hoặc các công ty ma của Nga chuyên gửi “giấy mời du lịch”, “thăm thân” để tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cư trái phép. Với những người đi theo cách thứ nhất, do có tính chất chính thống nên tình hình còn tương đối dễ quản lý. Tuy nhiên, lại có hiện tượng đối tác Nga sau khi ký hợp đồng và đón nhận lao động Việt Nam sang thì chuyển nhượng cho công ty khác và mọi chuyện sau đó thế nào thì phía Việt Nam không nắm được. Nói cách khác, theo anh G, người có kinh nghiệm nhiều năm học tập, buôn bán, làm việc ở Nga: Vấn đề ở đây là phần diễn ra trên đất Việt Nam thì hợp pháp nhưng sang đến Nga thì lại thành bất hợp pháp”, nên mới khó xử lý. Đây cũng là điều Đại sứ quán Việt Nam nêu trong văn bản gửi về nước năm 2008: Người lao động khi nhập cảnh vào Nga là hợp pháp nhưng khi đi về nơi lao động thì đã trở thành không hợp pháp. Tuy nhiên, theo ông Trần Du Lịch, dẫu sao với những người đi theo cách thứ nhất có thể quản lý được. Ít nhất người lao động có thể tìm cách thông báo cho đại sứ quán ngay khi họ bị “sang tay”, để đại sứ quán xác minh xem họ bị giao cho ai và đưa về đâu.
Với những người đi theo cách hai, tình hình rất khó kiểm soát vì nó đã có mầm mống bất hợp pháp ngay trên đất Việt Nam, với sự tiếp tay của các công ty du lịch Việt Nam và cả công ty ma bên Nga. Theo anh G: Vấn đề là phải chặn từ gốc các công ty “buôn người” đó, ở phía Việt Nam. Còn ở bên Nga, cảnh sát thỉnh thoảng cũng có bắt một băng buôn người nào đấy nhưng không rõ sau đó sẽ xử lý ra sao. Dường như cũng còn tùy nạn nhân là người nước nào. Sẽ có các mức độ đối xử tôn trọng hoặc không tôn trọng khác nhau, thậm chí có trường hợp người lao động còn bị đánh, bị cướp sạch cả tiền. Tại cuộc họp với đại diện Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga phản ánh, có nhiều người lao động đã gọi điện thoại về sứ quán cầu cứu nhưng ngay bản thân họ cũng không biết mình đang ở đâu, do không biết tiếng Nga, bị giam biệt lập và bị đe dọa nếu có ý định bỏ trốn. Cơ quan đại diện ngoại giao lại không có đủ lực lượng và phương tiện hỗ trợ để xác minh và xử lý.
Việc phát hiện các xưởng may “đen” hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan chức năng, cảnh sát Nga, vì có hàng trăm xí nghiệp như thế nằm rải rác khắp nước Nga. Chủ của chúng đa số là người Việt nhưng cũng có cả người Trung Á – thường chọn những nơi ngoại thành vắng vẻ, những nhà hoang, tầng hầm chung cư cũ v.v… để làm nơi giam nhốt công nhân, cưỡng bức lao động. Do vậy nếu cơ quan bảo vệ pháp luật ở Nga không chủ động phá “các ổ lao động nhập cư bất hợp pháp” thì những nước có liên quan cũng không có cách nào can thiệp. Ông Trần Du Lịch cho biết, đoàn công tác đã có báo cáo gửi Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, v.v… để phối hợp tìm phương án giải quyết. Theo ông, đây là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt, cơ quan chức năng nên có giải pháp cụ thể.
Một số người Việt Nam từng công tác ở Nga đề xuất, với tính chất nghiêm trọng của vụ việc thì Việt Nam nên thành lập những cơ quan độc lập bảo vệ lao động Việt, thậm chí lập một ủy ban, có website, địa chỉ, điện thoại đường dây nóng và các phương tiện hỗ trợ đặc biệt… tóm lại một kênh để người lao động ở bất kỳ đâu cũng có thể liên lạc, nhờ giúp đỡ. Một trong những khía cạnh khiến nhiều người lo ngại là sự tồn tại của các xưởng may “đen” và những vụ “phá ổ lao động nhập cư bất hợp pháp” đã làm tổn hại hình ảnh người Việt Nam tại Nga. Với mỗi vụ cảnh sát phát hiện một cơ sở nào đó, cơ quan thông tin đại chúng Nga thường đưa tin, chụp ảnh, quay phim nơi ăn, ở, làm việc chật chội và nhếch nhác của người Việt, tạo ấn tượng về một cộng đồng xưa thì buôn lậu, nay thì lao động chui. Điều này ảnh hưởng rất xấu đến cái nhìn của dân chúng sở tại về lao động Việt Nam nói riêng và nhập cư nói chung, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Nga đang dâng cao.
Bản tin trên tờ Puskino số ra ngày 1/2/2011, khi nói về việc cảnh sát Nga phá được một xưởng may đen ở Ivanteevka, viết: Hiện tại, vụ việc này đang được điều tra theo điều khoản “tổ chức việc nhập cư bất hợp pháp. Tất cả các công dân Việt Nam đang bị tạm giam, chuẩn bị để trục xuất. Khi được hỏi làm sao họ đến được vùng ngoại ô Matxcơva này, các công nhân Việt lặng thinh. Hẳn là ở tổ quốc họ, đến cả công việc như thế này họ cũng không thể tìm thấy. Báo chí Nga giải thích rằng do Việt Nam nghèo, thất nghiệp cao, “nhân mãn” nên người Việt thà đi làm lao động ở các xưởng may như thời tiền tư bản đó còn hơn. Quả thật, cũng có một thực tế là đa số lao động Việt Nam bị kẹt trong các cơ sở “đen” là dân nghèo ở nông thôn, người thất nghiệp ở thành thị. Do đó, theo một số người Việt Nam từng công tác ở Nga, giải pháp về lâu dài vẫn phải là tăng trưởng kinh tế, giảm thất nghiệp và xây dựng một văn hóa kinh doanh khác cả ở trong nước lẫn nước ngoài để cải thiện hình ảnh cộng đồng.
